MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM CHO SINH VIÊN NGÀNH PHẠM ÂM NHẠC VÀ SƯ PHẠM MỸ THUẬT TRƯỜNG CAO ĐẲNG VĂN HÓA NGHỆ THUẬT NGHỆ AN

Xác định công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên là hoạt động thường xuyên, liên tục của yêu cầu đào tạo, Trường CĐ VHNT Nghệ An đã đưa học phần Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm vào chương trình đào tạo cho sinh viên hai ngành này. Mục đích nhằm đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức rèn luyện nghề cho sinh viên để đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với nhà giáo theo chuẩn nghề nghiệp ở từng cấp học.  

1. Các hoạt động đào tạo NVSP của khoa Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật, Trường CĐ VHNT Nghệ An
Rèn luyện NVSP là công việc thường xuyên, liên tục ngay từ khi SV mới bước chân vào trường cho đến khi làm GV, và còn mãi mãi về sau. Vì vậy, việc quan tâm đúng mức đến việc rèn luyện NVSP vừa là yêu cầu đào tạo, vừa là điều kiện để khoa sư phạm Trường CĐ VHNT Nghệ An tồn tại.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác rèn luyện NVSP như vậy, trong nhiều năm qua, Trường CĐ VHNT Nghệ An luôn chú trọng tới hoạt động đào tạo này. Chúng tôi nghĩ rằng: chỉ có tổ chức tốt việc rèn luyện NVSP thường xuyên cho SV thì mới đúng là trường dạy nghề, mới nâng cao được chất lượng đào tạo cho các thầy giáo, cô giáo tương lai. Theo đuổi và luôn trung thành với phương châm đào tạo đúng đắn đó, nhiều năm qua, chúng tôi luôn luôn bám sát mục tiêu đào tạo của trường để đưa ra nhiều phương pháp và hình thức rèn luyện NVSP đa dạng, phong phú cho SV, cụ thể là : 
- Để giúp SV có thể học nghề được nhiều hơn trong khi quỹ thời gian dành cho rèn luyện NVSP rất eo hẹp và thời gian của 2 đợt (kiến tập năm thứ hai và thực tập sư phạm năm thứ ba) là không nhiều, chúng tôi đã yêu cầu sinh viên tham khảo các băng hình dạy học âm nhạc và mỹ thuật do giáo viên trường PT dạy mẫu trên mạng và các tình huống sư phạm khác nhau để SV quan sát và đưa ra cách giải quyết các tình huống SP đó. Với hình thức tổ chức rèn luyện NVSP như vậy, cho thấy hiệu quả cao của công tác đào tạo nghề (các em được gắn với thực tiễn của trường PT sớm hơn và nhiều hơn). 
- Sau khi SV được rèn luyện NVSP qua các băng hình dạy học, chúng tôi tổ chức cho các em dự giờ các tiết dạy mẫu của sinh viên giỏi trong Hội thi Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm được tổ chức hàng năm do khoa Lý luận đại cương tổ chức. Quy trình huấn luyện NVSP đó được thực hiện trước khi SV đi TTSP tập trung. Chính vì được rèn luyện kĩ như vậy nên SV tự tin hơn rất nhiều qua các tiết dạy thực tập và thu được những kết quả khả quan. 
- Với các nội dung của Hội thi NVSP tổ chức hàng năm (như: Thi hiểu biết về nghề nghiệp; Thi xử lí các tình huống SP theo hình thức sân khấu hóa; thi hùng biện; thi chế tạo đồ dùng dạy học; thi giảng; thi văn nghệ, thời trang…) đã thực sự có tác dụng cho SV khi đi TTSP và tạo được phong trào rèn luyện nghiệp vụ sâu, rộng, thường xuyên trong SV; góp phần tích cực vào quá trình nâng cao chất lượng đào tạo nghề sư phạm ở Trường CĐ VHNT Nghệ An.
- Với số tiết không nhiều của môn phương pháp dạy học (PPDH CHUYÊN NGÀNH), chúng tôi đã chủ động thiết kế xen cài ở trong đó một chương trình rèn luyện NVSP theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp gắn liền với yêu cầu và nhiệm vụ của trường phổ thông. Nội dung các bài tập thực hành kĩ năng sư phạm do chúng tôi thiết kế theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp luôn bám sát với đặc điểm môn học, bám sát với thực tế của trường phổ thông nhằm giúp cho sinh viên có thể ứng dụng được ngay vào các bài dạy trong chương trình SGK ở phổ thông. Cụ thể: Chúng tôi đã triển khai rèn luyện NVSP cho SV không chỉ là việc tập soạn bài, tập giảng, mà còn là tập viết và trình bày bảng; Tập vẽ hình minh họa trên bảng; Tập kẻ khẩu hiệu bằng phấn màu trên bảng; Khắc phục lỗi chính tả khi phát âm; Tập nói to, rõ chữ; Tập nói diễn cảm; Tập làm đồ dùng dạy học và tập cách thuyết trình đồ dùng đó; Cao hơn nữa là rèn luyện cho SV biết đặt câu hỏi sao cho ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, sát với nội dung bài dạy và sát với đối tượng học sinh (HS); Tập xử lí, giải quyết các tình huống SP v.v…). Qua việc được rèn luyện đầy đủ các nội dung này mà SV của khoa sư phạm mỗi khi xuống trường phổ thông thực tập cảm thấy tự tin hơn, tạo được niềm tin và ấn tượng tốt đối với lãnh đạo các trường PT và HS; làm cho các em HS luôn thích thú, phấn khởi, hồ hởi, háo hức chờ đón các thầy cô giáo thực tập vào lớp dạy tiết học Âm nhạc và Mĩ thuật.
Kết quả “đầu ra” của sản phẩm đào tạo trong những năm qua đã chứng minh cách đào tạo gắn kết chặt chẽ với nhà trường phổ thông của khoa Nghệ thuật, Trường CĐ VHNT Nghệ An là thực sự đúng đắn và đạt hiệu quả cao. Với cách đào tạo như vậy, khi tốt nghiệp ra trường, các SV của hai khoa đã thích ứng nhanh với yêu cầu thực tiễn của trường PT, được lãnh đạo các trường khẳng định và đánh giá cao trong cách dạy học. Tự hào về điều này, khoa sư phạm Âm nhạc và Mỹ thuật đã và đang duy trì, phát huy mạnh mẽ hơn nữa chất lượng rèn luyện NVSP cho SV, luôn luôn có ý thức đổi mới phương pháp và hình thức đào tạo theo hướng phát triển năng lực người học cho loại hình hoạt động này để đạt được hiệu quả cao nhất.
2. Những tồn tại cần giải quyết  
- Mặc dù đã cố gắng hết mình để nâng cao chất lượng rèn luyện NVSP cho SV, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn một số ít SV chưa đạt được kết quả như chúng tôi mong muốn (do các em nhận thức chưa đúng về sự cần thiết phải luyện tập và rèn luyện NVSP. Những em này quan niệm rằng cứ học giỏi chuyên môn là ắt sẽ dạy học tốt; hoặc có SV chưa thật sự tự giác trong việc bồi dưỡng chuyên môn và rèn luyện NVSP; hoặc có SV do học chuyên môn yếu nên không đáp ứng được các kĩ năng dạy học như minh họa vẽ hình trên bảng chưa tốt; kẻ khẩu hiệu trên bảng chưa đẹp v.v…). Tồn tại này cũng là dễ hiểu, bởi ở mọi nơi đào tạo nào cũng vậy: sẽ là không tưởng nếu đòi hỏi phải có được 100% SV đều tốt, đều giỏi.
- Sự phối hợp trong việc tổ chức cho SV triển khai rèn luyện NVSP thường xuyên giữa các cấp, các bộ phận, giữa các giảng viên trong tổ bộ môn, giữa khoa với trường… chưa nhịp nhàng, chưa đồng bộ, chưa thường xuyên, chưa liên tục; đôi khi còn mang nặng tính hình thức, làm một cách đối phó, làm cho qua chuyện để coi như đã có đầu việc trong hoạt động này (chạy theo thành tích để báo cáo với cấp trên), dẫn tới làm giảm hiệu quả của hoạt động này.
- Sự sắp xếp các môn học như hiện nay chưa thật khoa học, vì thế làm ảnh hưởng tới việc thực hiện tiến độ các bài dạy của giảng viên. 
3. Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo NVSP ở Trường CĐ VHNT Nghệ An
- Cần có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc rèn luyện NVSP theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp trong công tác đào tạo GV. Cần phải coi việc đào tạo NVSP là một hoạt động cơ bản để rèn luyện tay nghề cho SV, phải coi chương trình đào tạo NVSP là một trong những nội dung chủ yếu trong tổng thể chương trình đào tạo của trường SP.
Để nhận thức được như vậy, không phải chỉ là yêu cầu riêng đối với SV, mà ở ngay chính trong đội ngũ giảng viên và đội ngũ lãnh đạo các cấp (bởi lẽ, trong suy nghĩ của một số giảng viên và một số cán bộ lãnh đạo cho rằng chỉ cần dạy SV vững kiến thức chuyên ngành ắt SV sẽ dạy được tốt. Chính suy nghĩ đó ít nhiều có sự “lan tỏa” sang người học, làm cho một số SV có quan niệm sai lầm là cứ học giỏi chuyên môn là dạy được tốt, không cần rèn luyện NVSP). 
- Rất cần thiết phải nghiên cứu một cách bài bản, có hệ thống, có cơ sở khoa học về quy trình rèn luyện NVSP cho SV. Theo chúng tôi, cần phải thiết kế lại chương trình thực hành rèn luyện NVSP theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp sao cho hợp lí hơn, sát với thực tiễn liên tục đổi mới của trường PT hơn. Chương trình đó cần hợp lí ở từng giai đoạn, ở từng khâu, trong đó cần xác định rõ những công việc cụ thể về nội dung và phương pháp thực hiện trong từng học kì ngay từ năm thứ nhất cho đến năm thứ tư, với những chỉ dẫn SP cụ thể để GV và SV các khoa thực hiện. Song song với việc thực hiện là phải kiểm tra, đánh giá, giám sát chặt chẽ và thường xuyên, kịp thời điều chỉnh những thiếu sót, sai lệch trong quá trình thực hiện. 
Hoạt động rèn luyện NVSP thường xuyên có thực sự chất lượng hay không, có gắn kết và có đáp ứng được với thực tế trường PT hay không và có giữ được thương hiệu của trường CĐ VHNT Nghệ An hay không, còn phụ thuộc rất nhiều vào sự chỉ đạo sáng suốt của các cấp lãnh đạo trong trường về tính cân đối trong chương trình đào tạo giữa các môn học chuyên môn với các môn học phục vụ cho công tác dạy học. Chúng tôi thấy việc xây dựng chương trình cũng như sắp xếp tiến độ môn học chưa thật sự hợp lí, còn nhiều bất cập, cần được tháo gỡ và khắc phục sớm.
- Các hình thức rèn luyện NVSP cho SV cần được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú và hấp dẫn hơn để có thể thu hút được đông đảo SV cùng tham gia một cách tự giác, tích cực, chủ động và đạt hiệu quả cao.
- Ngoài những kiến thức lí luận về NVSP được học trên giảng đường, SV cần được tăng thời lượng cho phần thực hành rèn luyện NVSP. Ngoài ra, cần tạo điều kiện thời gian và kinh phí để SV được tiếp cận nhiều hơn với thực tế trường PT. (bởi vì các thao tác của kĩ năng, kĩ xảo nghề nghiệp chỉ có thể hình thành và phát triển khi SV được thường xuyên xuống tiếp cận và làm quen với công việc ở trường PT). Chúng tôi cho rằng thời gian dành cho hoạt động này hiện còn ít, SV chưa được thực hành, rèn luyện tay nghề là bao, do vậy khi đi TTSP (và kể cả khi ra trường) các em rất lúng túng và tự ti khi đứng trên bục giảng.
- Học đi đôi với hành - Đó là yêu cầu của mọi trường đào tạo dạy nghề. Chính yêu cầu này cho thấy mối liên hệ khăng khít giữa nhà trường SP với trường PT, việc rèn luyện NVSP cho SV không nên chỉ gói gọn và giới hạn trong 2 đợt TTSP là xong, mà nó phải là một quan hệ gắn bó thường xuyên và liên tục. Vì vậy, chúng ta cần gần gũi với trường PT hơn nữa, liên kết chặt chẽ hơn nữa với trường PT, thân thiết hơn nữa với trường PT. Điều đó chỉ có lợi cho SV: các em sớm được làm quen và thường xuyên được tiếp cận với môi trường của PT - có như vậy, khi ra trường, SV sẽ dễ dàng thích ứng ngay và thích ứng có hiệu quả với mọi yêu cầu khắt khe của thực tiễn luôn luôn đổi mới ở trường PT.
- Nhà trường cần hỗ trợ kinh phí để hai có thể mời các chuyên gia, các GV dạy giỏi có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy Mĩ thuật ở trường PT về trường CĐ VHNT để nói chuyện, giảng các chuyên đề về kinh nghiệm dạy học môn Âm nhạc và Mĩ thuật ở trường PT, về các kĩ năng dạy học cho SV, qua đó nâng cao được tình cảm yêu nghề cho SV. Và, trước khi SV đi TTSP tập trung, cần tổ chức các cuộc họp mời GV dạy Âm nhạc, Mĩ thuật của các trường có SV thực tập để thống nhất với họ cách thức hướng dẫn và kèm cặp chuyên môn cho SV; thống nhất cách chỉ đạo thực tập (tránh tình trạng “mỗi người một phách, mỗi nơi một kiểu” trong hướng dẫn chuyên môn). Đây là việc làm hết sức cần thiết.
- Để công tác đào tạo NVSP thực sự có hiệu quả và đạt tới trình độ chuyên nghiệp của việc dạy nghề, chúng tôi thấy rất cần thiết phải đầu tư những phòng học chuyên dụng với các trang thiết bị tối thiểu cho đào tạo NVSP, thậm chí cần phải thiết kế một phòng học môi trường giả định để SV được rèn luyện các kĩ năng SP trên những “đối tượng giả định”; cần có phòng tư liệu NVSP để trưng bày các loại đồ dùng trực quan, các tư liệu, hồ sơ giảng dạy (như giáo án, sổ sách chuyên môn, sổ sách chủ nhiệm…). Việc cần thiết phải có các phòng học như vậy là để tạo môi trường thuận lợi cho SV được rèn luyện kĩ lưỡng một cách bài bản theo một quy trình khoa học những kĩ năng NVSP trước khi các em đi TTSP tập trung ở trường PT; giúp cho thầy và trò có chỗ để thực hành nghề; giúp cho giảng viên có điều kiện hướng dẫn, uốn nắn, chỉnh sửa các thao tác nghề nghiệp chưa chuẩn cho SV; đồng thời SV được xem và phân tích các giờ giảng mẫu của GV PT qua băng hình để học tập, đúc rút kinh nghiệm… Thiết nghĩ, nếu giải quyết tốt được vấn đề này sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng rèn luyện NVSP mang tính chuyên nghiệp của nhà trường trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay.
- Trường cần triệu tập các GV dạy môn PPDH ở các khoa trong toàn trường để chỉ đạo, quán triệt về mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung của công tác rèn luyện NVSP cho SV. Từ đó sẽ thống nhất quan điểm và tạo được sự phối hợp đồng bộ, liên thông giữa tổ bộ môn PPDH chuyên ngành ở hai khoa và giáo viên dạy Tâm lí - Giáo dục ở khoa Lý luận đại cương trong việc hướng dẫn, rèn luyện các kĩ năng dạy nghề cho SV (tránh tình trạng nội dung rèn luyện NVSP của các khoa thiết kế chồng chéo, lặp lại, hoặc bị “lệch pha” với các nội dung rèn luyện NVSP của khoa Tâm lí - Giáo dục đã hướng dẫn đại trà cho SV toàn trường).
- Không ngừng nâng cao năng lực ứng xử SP cho các GV tương lai. Lí luận dạy học đã chỉ ra rằng: Một trong những năng lực thành phần để tạo nên năng lực SP chính là năng lực khéo léo ứng xử SP. Giải quyết tốt các tình huống SP sẽ giúp SV củng cố vững chắc tri thức lí thuyết, hiểu sâu và hiểu rộng hơn tri thức đó để vận dụng chúng trong các nhiệm vụ mà thực tiễn giáo dục ở trường PT đặt ra. Thực tế cho thấy, nếu SV không được rèn luyện và chuẩn bị chu đáo cách giải quyết các tình huống SP thì khi đi TTSP các em sẽ rất lúng túng, thậm chí có những trường hợp xử lí không khéo léo khiến cho HS PT phản ứng mãnh liệt, từ đó chất lượng và hiệu quả giáo dục sẽ bị hạn chế. Vì vậy, ngay khi còn ngồi trên ghế của nhà trường SP, SV cần phải được chuẩn bị và rèn luyện khả năng giải quyết các tình huống SP. Đó là một việc làm quan trọng và cần thiết. 
4. Kết luận
Rèn luyện NVSP cho SV là một nội dung đào tạo quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc cả về lí luận và thực tiễn. Vì vậy, muốn không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo GV, cần quan tâm đúng mức tới việc đổi mới nội dung và đổi mới phương pháp cũng như đổi mới hình thức rèn luyện NVSP cho SV để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đặt ra đối với nhà giáo theo chuẩn nghề nghiệp ở từng cấp học.
Công tác rèn luyện NVSP ở Trường CĐ VHNT trong những năm qua đạt được nhiều kết quả tốt là do sự cố gắng lớn lao của cả tập thể cán bộ, giảng viên trong khoa rất tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Công tác này cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vì nó chính là nhân tố cốt yếu góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, và giữ vững thương hiệu trường hiện nay.

 



Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an