Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An

Nghiên cứu khoa học và giảng dạy là hai nhiệm vụ quan trọng của giảng viên ở các cơ sở giáo dục nói chung và ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An nói riêng. Nghiên cứu khoa học và giảng dạy tốt không chỉ là điều kiện đánh giá năng lực chuyên môn của mỗi giảng viên mà còn là yếu tố khẳng định vị thế và uy tín của đơn vị đào tạo. Hai nhiệm vụ này có mối quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại biện chứng với nhau. Nếu như hoạt động giảng dạy đặt ra cho mỗi giảng viên nhu cầu nghiên cứu để làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn trong mỗi bài giảng thì hoạt động nghiên cứu khoa học cung cấp thêm những luận cứ, luận chứng, góp phần giúp cho bài giảng thêm phong phú và có chiều sâu. Thêm vào đó Nghiên cứu khoa học góp phần phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, khả năng làm việc độc lập tạo ra môi trường để các giảng viên có điều kiện trau dồi tri thức. Nghiên cứu khoa học giúp cho cán bộ, giảng viên củng cố kiến thức, nâng cao năng lực về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, làm phong phú nội dungtri thức, khám phá ra những cái mới, tổng kết được kinh nghiệm, biết phát hiện và giải quyết những vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra để bổ sung vào quá trình giảng dạy. Vì thế hoạt động nghiên cứu khoa học được ví như đòn bẩy có vai trò thúc đẩy nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác đào tạo.

Thực trạng Nghiên cứu khoa học tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An

Hoạt động nghiên cứu khoa học ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An được triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú và đa dạng, không chỉ đơn thuần là thực hiện các đề tài khoa học mà còn là các hoạt động nghiên cứu bổ sung kiến thức cho bài giảng như: tham gia viết bài để đăng trên trang Website nhà trường, tham luận khoa học, dàn dựng các chương trình nghệ thuật, biên đạo các tác phẩm múa, sáng tác... Những năm vừa qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên nhà trường đã từng bước góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và có nhiều đóng góp đáng kể vào thành tích chung của nhà trường.

Về số lượng các công trình

Hàng năm, số lượng đề tài cấp trường, cấp khoa được triển khai trong nhà trường trung bình từ 30- 40 công trình/năm, bao gồm các đề tài nghiên cứu, các sáng kiến kinh nghiệm, giáo trình, tập bài giảng, các tác phẩm nghệ thuật: âm nhạc, hội họa... Năm 2016, nhà trường nghiệm thu 45 công trình, gồm Đề tài KH: 03; Sáng kiến kinh nghiệm: 03; Giáo trình, Tập bài giảng: 25; Tác phẩm: 07; Hội diễn: 02; Triển lãm: 02; Hội thảo: 03. Năm 2017, Hội đồng Khoa học nhà trường phê duyệt Công nhận 36 đề tài khoa học, giáo trình, sáng tác nghệ thuật, hội diễn, hội thảo của các tác giả/ nhóm tác giả là công trình khoa học cấp Trường; 11 đề tài khoa học, giáo trình, sáng tác nghệ thuật là công trình khoa học cấp Khoa.

Năm 2014, nhà trường triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Tỉnh “Nghiên cứu về dân ca xứ Nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào trường học”. Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS Phan Mậu Cảnh, Phó chủ nhiệm đề tài TS. Phạm Thị Chiên, cùng với sự tham gia của cộng sự là các nhà nghiên cứu văn hóa, TS, Ths của nhà trường. Thời gian thực hiện trong 3 năm 2014- 2017.

Bên cạnh những hoạt động trên, nhà trường rất chú trọng đến chất lượng các bài viết nội san, tin, bài phản ánh mọi hoạt động của nhà trường. Hàng năm, nhà trường phát hành 01 số thông tin khoa học tập hợp các bài nghiên cứu khoa học, các sáng tác đồ họa, mỹ thuật, âm nhạc, văn học … của các nhà khoa học, các cán bộ giảng viên, sinh viên, thường xuyên đăng tải trên Website của Trường các bài viết của cán bộ, viên chức, các bài nghiên cứu trao đổi; phối hợp quản lý trang web với nội dung và hình thức phong phú, đẹp mắt, khoa học và phản ánh kịp thời những thành tựu của nhà trường. Năm qua, có 05 bài viết đăng trên tạp chí chuyên ngành, 150 tin bài đăng trên website nhà trường, 03 tác phẩm hội họa tham dự triển lãm trung ương và địa phương, 03 tác phẩm âm nhạc đạt giải tại các cuộc thi sáng tác ca khúc, phối khí, dàn dựng 01 chương trình biểu diễn nghệ thuật giới thiệu một số tác phẩm thanh nhạc, dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ chính trị trong tỉnh.

Hội thảo khoa học, Hội thi, các cuộc triển lãm tranh, triển lãm sách cũng được tổ chức thường xuyên và theo hướng bám sát chức năng, nhiệm vụ nhà trường, các sự kiện lịch sử của đất nước, thực tiễn đời sống xã hội phục vụ tốt nhu cầu giảng dạy và học tập tại nhà trường.

Về chất lượng nghiên cứu

Qua kết quả đánh giá của Hội đồng nghiệm thu các đề tài khoa học của nhà trường, có khoảng 20% đề tài nghiên cứu được đánh giá ở mức xuất sắc, còn lại đề tài được đánh giá ở mức tốt; Lĩnh vực nghiên cứu của các đề tài khoa học chưa rộng, chủ yếu tập chung nghiên cứu vào hoạt động giảng dạy, chưa đề cập nhiều các mặt hoạt động khác của nhà trường. Các đề tài sau khi được nghiệm thu, việc phổ biến và triển khai ứng dụng còn hạn chế, chưa ứng dụng được nhiều cho các hoạt động quản lý, nghiên cứu, giảng dạy ở trường. Vì vậy, tính hiệu quả trong nghiên cứu chưa cao. Những năm gần đây, nhà trường ưu tiên cho các công trình là các Giáo trình, Tập bài giảng. Vì vậy, số lượng giáo trình, tập bài giảng tăng lên, đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên nhà trường.

Công tác đối ngoại về lĩnh vực Nghiên cứu khoa học: tạo được sự quan tâm từ phía UBND tỉnh và Sở chủ quản về hoạt động Khoa học- Công nghệ, tranh thủ sự ủng hộ về mặt chủ trương và tạo điều kiện đặt hàng cho các đề tài trọng điểm về văn hóa xứ Nghệ. Bước đầu có thành tựu: Phối hợp thực hiện đề tài với các cơ sở nghiên cứu có uy tín trong nước như: viện nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, Viện Dân tộc học, Trường ĐH KHXH &NV, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, Trung tâm khoa học XHNV tỉnh Nghệ An,… Hợp tác với nhiều nhà khoa học có kinh nghiệm và thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa.

Nguyên nhân

Hoạt động nghiên cứu khoa học trong thời gian qua đã được chú trọng và đạt một số kết quả nhất định. Trước hết là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường đã có sự chỉ đạo sâu sắc về hoạt động nghiên cứu khoa học, có nhiều chính sách hỗ trợ... Có sự quyết tâm cao độ, phấn đấu kiên trì, không mệt mỏi của cán bộ, giảng viên trong toàn Trường.

Song bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế sau:

Hàng năm, số lượng đề tài cấp trường, cấp khoa được triển khai trong nhà trường khá cao. Tuy nhiên, nhìn chung chất lượng nghiên cứu, hàm lượng khoa học các đề tài chưa cao.

Số giảng viên tự giác tham gia nghiên cứu không nhiều, thậm chí một số giảng viên có tâm lý đối phó, coi nhẹ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, vì vậy tiến độ thực hiện đề tài thường bị chậm.

Tình trạng trên xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

- Hoạt động NCKH chưa thực sự được quan tâm, đầu tư đúng mức. Kinh phí dành cho công tác nghiên cứu khoa học hàng năm khá eo hẹp, hạn chế, lại chủ yếu lấy từ nguồn chi thường xuyên nên hoạt động nghiên cứu khoa học thường trong tình trạng bị động, chờ đợi.

- Đội ngũ giảng viên có khả năng nghiên cứu khoa học kiêm nhiệm khá nhiều việc.

- Một số giảng viên vẫn còn thiếu nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học.

- Nhà trường chưa tạo được cơ chế khuyến khích, ưu đãi, tạo động lực trong công tác nghiên cứu khoa học, thu nhập chính của đội ngũ giảng viên vẫn chủ yếu là từ hoạt động giảng dạy.

- Ý thức, thái độ của một bộ phận giảng viên đối với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học còn bất cập, tâm lý tự bằng lòng với bản thân, thiếu tinh thần phấn đấu vươn lên xuất hiện khá phổ biến.

Đề xuất một số giải pháp

Để hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế đạt hiệu quả cao trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

Nâng cao nhận thức cho đội ngũ giảng viên về tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế đối với nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, để các giảng viên nhận thấy được hoạt động giảng dạy và hoạt động nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Từ đó, mỗi giảng viên tự giác, tích cực tham gia tốt hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế nhằm phát huy tính sáng tạo và tiềm năng của các giảng viên.

Sửa đổi, bổ sung văn bản quy định cụ thể về hoạt động nghiên cứu khoa học phù hợp với điều kiện hiện nay như Quy chế nghiên cứu khoa học, biểu mẫu, kế hoạch nghiên cứu khoa học từng năm...

Cần có chính sách khuyến khích giảng viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng cơ chế để tăng cường cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

Thực hiện nghiêm túc trong việc đánh giá, nghiệm thu, thông qua các sản phẩm nghiên cứu khoa học của đơn vị, cá nhân. Tránh hiện tượng nể nang, dễ dãi trong đánh giá, nghiệm thu. Gắn với kết quả nghiên cứu của từng đơn vị, cá nhân theo nhiệm vụ được giao cần phải có hình thức khen thưởng hoặc xử lý thỏa đáng, đúng mức.

Tăng cường đầu tư các điều kiện cho hoạt động khoa học như: cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện...

Tổ chức tập huấn cho cán bộ, giảng viên nâng cao phương pháp nghiên cứu khoa học, cách thức triển khai nhiệm vụ nghiên cứu đề tài, chuyên đề khoa học…

 

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an