Thực trạng nguồn nhân lực về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và du lịch ở Nghệ An

Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chính là chìa khóa để phát triển nền kinh tế. Điều này đã trở thành yếu tố cơ bản trong việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đất nước. Rất nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước đã đưa ra các chính sách, chủ trương và mục tiêu chính về việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Tháng 4 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020”, Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011, đưa ra chỉ tiêu: Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ 400 sinh viên đại học/vạn dân.

Nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ nguồn nhân lực của tỉnh Nghệ An. Những năm qua, nguồn nhân lực này cũng đã có bước phát triển đáng kể về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên so với yêu cầu và tiềm năng của tỉnh, việc tạo nguồn nhân lực nói chung và tạo nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch nói riêng đang là vấn đề bức thiết.

Việc tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch có những khó khăn nhất định. Về khách quan, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch thường bị xem nhẹ hơn so với các hoạt động kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, du lịch. Về chủ quan, có thể thấy làm văn hóa, nghệ thuật, du lịch không hề dễ dàng, nhất là việc tạo nguồn nhân lực ở cả hai bộ phận quản lý nhà nước và các hoạt động văn hóa, sáng tác, biểu diễn các bộ môn nghệ thuật. Đối với những nghề liên quan đến văn hóa, nghệ thuật, du lịch, ngoài đòi hỏi có một trình độ tay nghề, còn đòi hỏi người hành nghề phải có một số tố chất cần thiết như năng khiếu, thị hiếu thẩm mỹ và thị hiếu nghệ thuật… Những bất cập trên khiến cho quá trình tạo nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch ở Nghệ An chưa đạt kết quả cao, chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Về lĩnh vực văn hóa, phần lớn lao động chỉ đạt trình độ chuyên môn ở mức phổ thông, thiếu chuyên gia giỏi, năng lực và kỹ năng nghề chưa cao; năng lực tham mưu cho lãnh đạo về lĩnh vực văn hóa chưa đạt yêu cầu. Nghệ An đang thiếu những chuyên gia dịch thuật, những chuyên gia bảo tàng học, những chuyên gia về trùng tu di sản… Nghệ An lại càng thiếu những nhà quản lý văn hóa được đào tạo đúng chuyên môn…

Về lĩnh vực nghệ thuật, Nghệ An đang thiếu đội ngũ nghệ sỹ, những người làm công tác biểu diễn, sáng tác nghệ thuật và đội ngũ giảng dạy, quản lý về các lĩnh vực nghệ thuật trình độ cao. Đội ngũ các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học phần lớn kiêm nhiệm. Đây cũng là tình trạng phổ biến của các họa sĩ, nhà lý luận phê bình hội họa; của các nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình âm nhạc; của các đạo diễn và tác giả kịch bản sân khấu cũng như điện ảnh…

Về lĩnh vực du lịch, theo thống kê sơ bộ, tổng số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay khoảng 11.300 người, chưa kể lao động có tham gia làm du lịch trong lĩnh vực vận chuyển khách và lao động thời vụ. Trong đó, trình độ thạc sỹ trở lên có 38 người (chủ yếu ở các cơ sở đào tạo); đại học, cao đẳng khoảng 1.700 người, trung cấp và sơ cấp nghề du lịch khoảng 5.500 người. Số lượng lao động hầu hết tập trung trong cơ sở lưu trú du lịch khoảng 7.470 người (chưa kể lao động thời vụ), nhà hàng và dịch vụ khoảng 3.500 người, lữ hành 120 người, còn lại là trong cơ quan nhà nước, cơ sở đào tạo du lịch. Tính đến 30/9/2014, trên địa bàn tỉnh có 662 khách sạn, nhà nghỉ, trong đó có 1 khách sạn 5 sao, 5 khách sạn 4 sao, 11 khách sạn 3 sao và trên 60 khách sạn từ 1 - 2 sao; có 32 trung tâm lữ hành quốc tế và nội địa. Các trung tâm lữ hành, khách sạn này đang rất cần một đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch một cách bài bản và chuyên nghiệp. Các cơ sở lưu trú du lịch cũng đang ở trong tình trạng thiếu nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng. Hầu hết số lao động có tay nghề cao, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp chủ yếu tập trung ở những khách sạn hạng ba sao trở lên. Còn các khách sạn nhỏ, nhà nghỉ, số lao động không đúng chuyên ngành, lao động phổ thông còn chiếm tỷ trọng khá lớn. Đối với các đơn vị lữ hành, hiện tại trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 72 hướng dẫn viên du lịch (có 36 hướng dẫn viên quốc tế), bình quân 2,25 hướng dẫn viên/trung tâm lữ hành, trong đó, 60% có trình độ đại học, còn lại 40% là trình độ từ trung cấp đến cao đẳng. Hầu hết các trung tâm lữ hành quốc tế của Nghệ An luôn trong tình trạng thiếu hướng dẫn viên. Nguồn lao động của các ngành như: hướng dẫn viên, lữ hành, dịch vụ du lịch, quản lý nhà hàng, quản lý khách sạn... đều đòi hỏi phải đào tạo nhiều hơn và với chất lượng cao hơn.

Nhìn chung, thực trạng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, du lịch Nghệ An còn nhiều hạn chế cả về mặt số lượng và chất lượng. Số lao động cần có chuyên môn, kỹ năng cao vừa thiếu, vừa yếu; số lao động chưa đáp ứng yêu cầu xã hội lại dư thừa, số lao động đã qua đào tạo chưa cao… Vì vậy, Nghệ An chưa có những bước tiến đột phá trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch. Thực trạng trên đang đặt ra nhu cầu cấp thiết về vấn đề xây dựng và phát triển nguồn nhân lực Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch chất lượng cao.

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an