Tiềm năng văn hoá các dân tộc thiểu số Nghệ An

Tỉnh Nghệ An có 10 huyện miền núi, gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Quỳnh Lưu trong số đó 5 huyện là miền núi cao. Các huyện miền núi này tạo thành miền Tây Nghệ An. Có 9 huyện trong số trên nằm trong Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới

Các dân tộc thiểu số ở Nghệ An gồm: Thái, Thổ, Hmông, Khơ Mú, Ơđu…. Đây là những dân tộc có số dân ít hơn người Kinh.

Các dân tộc thiểu số ở Nghệ An có một quá trình lịch sử và văn hoá đặc biệt. Đó là sự hoà thuận cùng chung sống trên một vùng đất, có nhiều giao lưu văn hoá với các tỉnh bạn (Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lào...) nhưng vẫn mang những giá trị bản sắc độc đáo riêng, những nét đặc thù của một số dân tộc ít người cư trú trong một vùng lãnh thổ nhất định.

Dân tộc Thổ là một cộng đồng dân cư bao gồm các nhóm người mang tên Kẹo, Mọn, Cuối, Đan Lai - Ly Hà và Tày Poọng cư trú ở các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Con Cuông và Tương Dương có số dân 67.819 người, chiếm 15,49% dân số DTTS toàn tỉnh (Theo tổng hợp của Ban DT & MN, tính đến 30/6/2009). Đồng bào Thổ có vốn văn nghệ dân gian như ca dao, tục ngữ, câu đố, truyện cổ phong phú. Ho vẫn còn giữ và phổ biến nhiều làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo mang đậm dấu ấn đặc trưng như Đu đu điềng điềng, Ên ên- ạc ạc, hát Thuôm, hát ghẹo, hát cuối, hát dặm, múa sạp, múa nón... Nền văn hoá tinh thần của người Thổ rất đa dạng. Có đủ loại thần ma… trong tín ngưỡng của đồng bào..Họ coi trọng các lễ xuống đồng, lễ cơm mới, lễ mừng nhà mới v.v…

Theo tổng hợp của Ban DT & MN từ báo cáo của các huyện, thị, đến ngày 30/6/2009, người Thái ở Nghệ An có 303.822 người, chiếm 69,39% dân số DTTS. Sắc thái văn hoá Thái Nghệ An khá đặc sắc với kho tàng truyện cổ tích rất phong phú. Người ta kể và giải thích sự hình thành tạo vật của con người ít nhiều mang yếu tố huyền thoại, tôn giáo. Loại truyện ngụ ngôn, chuyện cười dân gian... mang ý nghĩa đạo đức- xã hội được đồng bào ưa thích. Loại chuyện đã sử, truyền thuyết như những bản trường ca và công tích những người khai phá đất đai đầu tiên, những người có kỳ tích trong việc dựng bản lập mường, chiến đấu dũng cảm hy sinh (Cầm Quý, Lạng Chương, Chương Han...) được đồng bào kể hết đêm này qua đêm khác. Truyện thơ dân gian Thái có nhiều tác phẩm nổi tiếng vượt ra ngoài phạm vi dân tộc như Xống Chụ xôn xao, Khun Lú Nàng úa, làm thơ và hát luôn đi bên nhau. Người hàng Tổng, Tày Mười thích "xuối" (ngân vịnh có sáo đệm), người Man Thanh thích "khắp" (hát theo lời thơ có đệm đàn). Nhiều điệu "xuôi, lăm khắp" đã trở thành sắc thái riêng biệt của vùng quê miền núi Nghệ An thể hiện qua tiết tấu và sự hài hòa giữa nhạc và lời, đậm nét trữ tình. Nhạc cụ khèn bè, kèn đám ma, sáo nhuôn và sáo lăng (Hàng Tổng), sáo "khíu", điệu hát "khắp" và sáo "tờ li ọi" thổi đi rẫy (nhóm Man Thanh), bộ cồng chiêng 4 âm đánh theo lối "liệp nậm" như nước chảy, bộ khắc gỗ chày trên cối và bộ gõ sống nứa...là những sản phẩm độc đáo mang dấu ấn văn hóa đậm nét vùng ní Nghệ An. Nhờ nền tảng văn hóa truyền thống đặc sắc, nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật mà nhiều nghệ sĩ của đồng bào Thái Nghệ An đã xuất hiện và trở thành sản phẩm văn hóa không chỉ của một vùng quê, một dân tộc mà còn là tài sản quốc gia làm phong phú kho tàng văn hóa Việt Nam.

Ở Nghệ An người Khơ-mú có số dân đông nhất so với cộng đồng Khơ- mú của cả nước và vùng cư trú tương đối tập trung. Theo tổng hợp của Ban DT & MN Nghệ An từ báo cáo của các huyện, thị, tính đến ngày 30/6/2009, người Khơ mú ở Nghệ An 35.686 người, chiếm 8,15% dân số các DTTS và cư trú ở 5 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong và Thanh Chương. Nền văn nghệ dân gian của dân tộc Khơ mú có nhiều đặc sắc. Điệu hát "tơm" khá độc đáo và nổi tiếng, là đặc trưng cho nền văn nghệ dân gian của họ. "Tơm" là lối hát cổ và múa theo điệu nhạc cồng chiêng, có sáo đệm. Người ta "tơm" trong những dịp làm xong nhà mới, được mùa, ăn tết..v..v... Đồng bào còn có các điệu hát kết hợp múa như "hò vỏ", "re ré". Những điệu nhạc và múa này đã được các nhà nghiên cứu âm nhạc tiếp thu và Đoàn ca múa nhạc Nghệ An dàn dựng tiết mục văn nghệ được nhiều giải thưởng lớn.

Trong số các dân tộc thiểu số ở Nghệ An, người Ơ Đu có số lượng dân cư ít nhất. Theo tổng hợp của Ban DT & MN Nghệ An từ báo cáo của các huyện, thị, tính đến ngày 30/6/2009, người Ơ đu ở Nghệ An có 613 người, chiếm 0,14% dân số các DTTS và chỉ có ở huyện Tương Dương. Hiện nay người Ơ đu sống ở các bản Xốp Pột, xã Kim Hòa và bản Coom xã Kim Đa thuộc huyện Tương Dương, xen kẽ với cư dân Thái và Khơ mú. Người Ơ đu không có một bản nào thuần tộc, ngôn ngữ giao tiếp của họ trong sinh hoạt hàng ngày là tiếng Thái hoặc tiếng Khơ mú. Đối với những dân tộc có ít người như người Ơ đu, việc họ bảo tồn nòi giống cũng như những di sản văn hóa của họ là một việc làm rất đáng được quan tâm đúng mức. Cần có một chính sách đặc biệt đối với một bộ phận rất nhỏ cư dân các dân tộc Nghệ An để trong tương lai dòng máu của người Ơ đu vẫn chảy trong huyết quản của mạch sống các dân tộc thiểu số trong vùng và nền văn hóa truyền thống của họ được phát huy như bông hoa sặc sỡ, ngát hương trong vườn hoa các dân tộc Nghệ An.

Theo tổng hợp của Ban DT & MN Nghệ An từ báo cáo của các huyện, thị, tính đến ngày 30/6/2009, người Mông ở Nghệ An có 29.412 người, chiếm 6,72% dân số các DTTS. Kho tàng dân ca của người Mông rất phong phú bao gồm nhiều loại: Loại kể chuyện cổ tích, loại kể chuyện tình yêu trai gái, loại giáo dục chàng rể cô dâu mới, loại dùng để cũng ma.v.v... Đồng bào có thể kể chuyện bằng văn vần hoặc hát (khúa kê) hoặc thể hiện bằng nhạc cụ dân tộc như khèn, kèn lá, đàn môi, hoặc sáo . Truyện dài dân gian "Tiếng hát làm dâu" của đồng bào thể hiện chất trữ tình mang tính chất giáo dục, tính nhân đạo sâu sắc.v.v..được nhiều dân tộc trong cả nước biết đến. Nhiều sinh hoạt cộng đồng mang sắc thái tộc người rõ nét: Múa khèn của nam và múa ô của nữ trong dịp lễ hội "Gầu Tào", trong đám ma tiến đưa người chết về với tổ tiên. Những trò chơi dân gian cổ truyền, những câu đố vui lưu lại trong lứa tuổi nhi đồng.v.v... Những làn điệu hát "Cự Xìa", "Lù tô", "Vàng Hủa" đến thi hát giữa các cặp trai gái thổ lộ tâm tình của những đêm trăng.v.v… Trong hai nhóm Hmông của huyện Kỳ Sơn mỗi nhóm có một điệu "Cự Xia" riêng: "Cự Xia" Hmông đu và "Cự Xia" Hmông lênh.

Việc nghiên cứu tiềm năng văn hoá dân tộc thiểu số ở Nghệ An là một vấn đề lớn, cần có một tổ chức và đầu tư nhất định, đồng thời đây cũng là một lợi thế cho việc phát triển Kinh tế, Văn hóa, Du lịch Nghệ An.

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an