Một vài suy nghĩ qua việc dạy thử nghiệm dân ca Ví, Giặm trong trường học

Chúng ta biết rằng, giáo dục nghệ thuật luôn được coi trọng trong lịch sử phát triển xã hội loài người. Các triết gia từ thời kỳ cổ đại đã coi giáo dục nghệ thuật là một trong những phương thức hiệu quả nhất cho việc giáo dục con người trở thành người tốt. Giáo dục thông qua nghệ thuật là hoạt động sử dụng nghệ thuật như một công cụ hay phương pháp để thực hiện các nội dung giáo dục khác. Ví dụ giáo dục lịch sử, văn học, giáo dục công dân thông qua nghệ thuật sân khấu, giáo dục tự nhiên, môi trường thông qua mỹ thuật, tạo hình,… Phương pháp giáo dục phối hợp này mang tính sáng tạo, linh hoạt, thu hút sự chú ý, chủ động của người học, từ đó đem lại hiệu quả học tập cao hơn. Nghệ thuật ngoài chức năng giải trí, còn gắn liền với hoạt động thực tiễn trong học tập, sinh hoạt và sáng tạo. Vì vậy, nghệ thuật có 3 chức năng quan trọng là: chức năng nhận thức, chức năng giáo dục và chức năng thẩm mỹ.

Chức năng nhận thức của nghệ thuật giúp con người biết ngắm nhìn, biết lắng nghe và hưởng thụ cái đẹp trong cuộc sống. Từ đó năng khiếu thẩm mỹ của con người ngày càng được tăng lên. Đặc biệt, tâm hồn, trí tuệ con người cũng được bồi đắp ngày càng giàu hơn, đẹp hơn. Thông qua nghệ thuật, con người có thể tiếp cận kho tàng tri thức của nhân loại để làm giàu vốn hiểu biết của cá nhân. Từ đó, nền tảng văn hóa nghệ thuật lại trở thành tiềm năng, tiềm lực phát triển của mỗi con người và dân tộc.

Chức năng giáo dục là đặc tính cơ bản của nghệ thuật. Văn hóa nghệ thuật tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của con người, làm cho con người có những phẩm chất và năng lực mong muốn. Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều chứa đựng những bài học, những ý nghĩa về triết lý nhân sinh, về lối sống, suy nghĩ, đạo đức, truyền thống, lịch sử… Đặc biệt những bài học, hay triết lý giáo dục được thể hiện thông qua nghệ thuật không khô khan, cứng nhắc, áp đặt mà gần gũi, cảm hóa con người bằng những hình tượng nghệ thuật đẹp, sinh động, hấp dẫn và gần gũi với đời sống, dễ tác động trực tiếp vào tâm lý, tình cảm, trí tuệ của mỗi người.

Chức năng thẩm mỹ của nghệ thuật thể hiện ở việc hướng con người tới cái đẹp. M. Gorki nhận định và được nhiều người trích dẫn khi bàn về vấn đề này là: con người bẩm sinh là nghệ sĩ, dù ở đâu, bất cứ lúc nào, dù bằng cách này hay cách khác, họ cũng luôn mong muốn đưa cái đẹp vào cuộc sống. Chính vì vậy, nghệ thuật giúp con người hướng tới cái đẹp, hoàn thiện năng lực thẩm mỹ, đồng thời hoàn thiện nhân cách, lối sống của bản thân.

Đề thực hiện mục tiêu trên, nội dung giảng dạy dân ca trong nhà trường cần chú ý vào 2 nội dung chính sau:

- Kiến thức âm nhạc:

Kiến thức âm nhạc sẽ trở nên gần gũi, dễ nghe, dễ học hơn nếu nó xuất phát từ một bối cảnh văn hóa quen thuộc. Chương trình học sẽ được cấu trúc cho phù hợp với nội dung phổ biến kiến thức của môn âm nhạc ở các cấp học, bên cạnh đó lồng ghép các ví dụ minh họa bằng các làn điệu dân ca quen thuộc với học sinh để các em dễ tiếp thu. Trong trường hợp dân ca Ví giặm, học sinh Nghệ An, Hà Tĩnh sinh ra và lớn lên đã quen với những làn điệu này, với những câu lạc bộ, hay những câu chuyện có liên quan đến dân ca Ví Giặm nên việc đưa dân ca Ví Giặm vào học kiến thức âm nhạc sẽ khiến cho việc học trở nên sinh động và dễ dàng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, việc chuyển tải các làn điệu dân ca qua cách đọc xướng âm kiểu phương Tây sẽ giúp các làn điệu này được giữ gìn lâu hơn, thay vì cách truyền khẩu truyền thống xưa nay. Học sinh khi học hát nắm vững kiến thức âm nhạc thì việc cảm thụ bài hát cũng đầy đủ, sâu sắc hơn.

- Kiến thức xã hội, lịch sử:

Dân ca là loại hình nghệ thuật truyền thống, gắn bó lâu đời với đời sống văn hóa tinh thần của người dân lao động qua nhiều thế hệ. Dân ca phản ánh tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của người dân với gia đình, quê hương, đất nước. Vì thế, sử dụng dân ca để giáo dục các giá trị thẩm mỹ, đạo đức, định hướng nhân cách cho học sinh là một việc làm đúng đắn, thu được hiệu quả cao. Thông qua lời ca ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, quê hương, đất nước, ca ngợi tinh thần yêu lao động, cần cù, siêng năng, ca ngợi tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi, các em học sinh được giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục tinh thần yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, bạn bè.… Điều này rất quan trọng khi giảng dạy lịch sử địa phương.

Trong quá trình biên soạn bộ tài liệu phục vụ cho dạy và học dân ca Ví, Giặm, nhóm tác giả đề tài “Nghiên cứu dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào việc giảng dạy và học hát dân ca Nghệ Tĩnh trong các trường học đã xây dựng chương trình dạy và học đáp ứng cả hai nội dung trên, đồng thời đảm bảo các nội dung được truyền tải đến học sinh một cách rõ ràng, hiệu quả. Việc giảng dạy dân ca không đơn thuần chỉ là những kiến thức âm nhạc mà còn có kiến thức lịch sử, văn học, địa lý, giáo dục công dân…. Với mỗi bài dân ca được đưa vào chương trình, cấu trúc bài giảng cần hướng tới là:

- Giới thiệu sơ qua về thể loại của bài (hò, ví, giặm…), lịch sử và xuất xứ của làn điệu.

- Đặc trưng nghệ thuật của thể loại, làn điệu, cách thức lấy hơi nhả chữ, ký xướng âm…

- Ý nghĩa của ca từ, giá trị thẩm mỹ, giá trị giáo dục của bài hò, ví, giặm...

Thực hiện Quyết định số 1137/QĐ-SGD&ĐT ngày 29/10/2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An về việc Thành lập Hội đồng đánh giá thử nghiệm dạy và học hát dân ca Ví, Giặm trong trường học, cùng với các cán bộ Sở Giáo dục & Đào tạo Nghệ An, chúng tôi đã đến một số trường phổ thông, dự các giờ dạy thử nghiệm đưa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào trường học. Những tiết dạy học thật hào hứng, sinh động. Đã có những tín hiệu đáng mừng về cách truyền dạy dân ca. Đó là kết quả tích kết một quá trình lâu dài của nhiều tập thể, cá nhân trước đây; kết quả tìm hiểu, chọn lọc và thiết kế của những người hôm nay, vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại...
Nhưng từ bước thử nghiệm này cho đến khi Ví, Giặm trở thành môn dạy học hát chính khóa, chính thức trong các cấp học phổ thông ở Nghệ An, còn phải giải quyết một loạt vấn đề thuộc về giải pháp (mà thẩm quyền thuộc tầng vĩ mô cấp tỉnh và các sở ban ngành liên quan). Cần phải tâm huyết, quyết liệt và khẩn trương trong bối cảnh hiện nay các trường phổ thông đang chuẩn bị dạy theo chương trình mới) thì mới có thể sớm đi tới đích.
Nhưng qua thực tế, thấy rõ ràng hơn, vui mừng hơn, tin chắc hơn, rằng là: việc đưa dân ca vào trong trường học là rất khả thi, là một trong những phương cách tốt nhất làm cho dân ca (và rộng hơn là văn hóa truyền thống) trường tồn và bền vững...
Qua thực tế, dù cưỡi ngựa xem hoa, cũng thấy rõ hơn những thay đổi đáng mừng của các trường, dạy tốt học tốt vẫn là tinh thần cốt lõi, nỗ lực vượt khó (dù hoàn cảnh nào, nhất là thời kỳ có nhiều thay đổi như hiện nay
) vẫn là phẩm chất của thầy cô và các cháu, hiểu thêm những áp lực, khó khăn của các nhà trường và thầy cô đối diện hàng ngày ...
Thấy rõ sự học (trong đó có giáo dục văn hóa, bao gồm cả truyền dạy dân ca) là cần thiết biết bao. Như thế thầy cô càng vinh quang và càng nặng gánh. Khi có 03 Nhà: "Nhà trường - mọi Nhà - Nhà nước" thật sự cùng chung tay, chia sớt với Thầy Cô, như thế sự học mới thật sự đổi mới, phát triển...
Như vậy, trong số nhiều giải pháp khác nhau để bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong bối cảnh xã hội đương đại như bảo tồn tại cộng đồng, thông qua truyền dạy trực tiếp, lưu giữ bằng văn bản, băng hình... thì cùng với đó, giải pháp đưa dân ca vào trường học là một trong những cách thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản quan trọng. Tuy nhiên, không thể có một cách áp dụng máy móc việc giảng dạy dân ca – với tư cách là một truyền thống văn hóa địa phương, một di sản văn hóa phi vật thể - như các loại hình nghệ thuật khác, mà việc giảng dạy dân ca – như trường hợp ví giặm - cần thiết phải được đặt trong bối cảnh nhà trường, chú ý đến các yếu tố như mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng tham gia và hiệu quả đào tạo trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản đặc biệt này của địa phương.

Nếu chúng ta làm được như vậy, sẽ tạo ra một lớp khán giả mới, hiểu, yêu thích chính di sản văn hóa của chính mình, vừa tạo ra các cơ hội để được thực hành trong cuộc sống hiện tại. Đó là một trong những nguyên tắc giúp bảo tồn di sản văn hóa địa phương một cách bền vững nhất!


Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an