Tọa đàm về cuốn sách “Đi tìm văn hóa của văn học” của tác giả Lê Văn Tùng

Sáng 13/11/2019, Ban Lý luận – Phê bình Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Nghệ An đã tổ chức tọa đàm: Những vấn đề đặt ra trong cuốn sách Đi tìm văn hóa của văn học, tác giả Lê Văn Tùng, NXB Hội Nhà văn, 2019. Đây là một trong những hoạt động chuyên môn thường niên của Ban Lý luận – Phê bình.

Về dự tọa đàm có nhà văn Đức Ban – Chi hội trưởng Liên Chi hội Nhà văn Việt Nam Bắc miền Trung; TS Nguyễn Quang Cương – nguyên Chủ nhiệm khoa Ngữ Văn, Đại học Quy Nhơn; TS Nguyễn Hoài Nguyên – nguyên Chủ nhiệm khoa Ngữ văn Đại học Vinh; Bà Phạm Thị Thanh Nga – Phó Chủ nhiệm khoa Lý luận đại cương Trường Cao đẳng VHNT Nghệ An; nhà thơ Vân Anh – Phó Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An. Về phía Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An có PGS – TS Đinh Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hội; Bà Phạm Thùy Vinh – Phó Chủ tịch Hội, Tổng biên tập Tạp Chí sông Lam.

Thạc sĩ Lê Văn Tùng, sinh năm 1949, quê Thạch Hà, Hà Tĩnh, Chủ tịch Hội VHNT thành phố Vinh, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Vinh. Ông là tác giả của hơn 40 tiểu luận nghiên cứu văn học được đăng trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương; in chung 10 đầu sách nghiên cứu văn học. Cuốn Đi tìm văn hóa của văn học, NXB Hội Nhà văn, 2019 là công trình in riêng đầu tiên của ông.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học trong và ngoài tỉnh. Ban tổ chức đã nhận được 8 tham luận, hàng chục ý kiến trao đổi về cuốn sách Đi tìm văn hóa của văn học.

Hầu hết các ý kiến tham luận đều đánh giá cao vốn kiến thức liên ngành rộng rãi, khả năng khái quát cao và hướng tiếp cận riêng của tác giả Lê Văn Tùng.

PGS – TS Đinh Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hội VHNT, trong bài viết Một hướng tiếp cận độc đáo để giải mã giá trị của văn chương đã nhận xét: Bên cạnh việc xác lập cơ sở lí luận, đóng góp lớn của tác giả cuốn sách là đi sâu khám phá các hiện tượng văn học. Nhiều tác gia văn học lớn, từ văn học trung đại đến văn học hiện đại đã được soi chiếu: Nguyễn Du và Truyện Kiều, Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh và Nhật ký trong tù

Thạc sỹ Nguyễn Đình Anh – Trưởng Ban LLPB Hội VHNT Nghệ An viết trong bài Một đóng góp mới cho nghiên cứu văn học: Đi tìm văn hóa của văn học của nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Lê Văn Tùng là một tác phẩm lý luận được viết với một thái độ làm việc nghiêm túc, có dung lượng khoa học cao, một cuốn sách đáng đọc.

PGS – TS Phan Mậu Cảnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng VHNT Nghệ An trong bài viết Những điều tìm thấy trong “Đi tìm văn hóa của văn học” đã khái quát: Một là, tác giả đã tìm được, nói đúng ra là minh định được, những biểu hiện của văn hóa trong văn học ở ba khía cạnh: Chức phận văn hóa của của loại hình văn học nghệ thuật; Vai trò văn hóa của hình thức nghệ thuật; Tính chủ thể của văn hóa dân tộc trong văn hóa truyền thống. Hai là, tập sách thể hiện một phong cách phê bình mới, những vấn đề nêu ra có tính gợi mở, thể hiện tinh thần phê bình mới. Ba là, tập sách thể hiện cách tiếp cận phù hợp, lập luận chặt chẽ, ngôn từ ấn tượng.

Tuy nhiên: “Chưa thể nói rằng mọi điều nêu lên trong cuốn sách của tác giả Lê Văn Tùng đều là chính xác, không thể tranh cãi. Có những luận điểm chưa được triển khai đến cùng và có những định danh vẫn còn gây băn khoăn, chẳng hạn “văn hóa của hình thức nghệ thuật”. Tác phẩm văn chương luôn là một thế giới mở và mỗi phương pháp tiếp cận văn chương đều có những mặt mạnh và hạn chế của nó. Lê Văn Tùng cũng rất ý thức điều đó khi nói rằng “Tản Đà có một mái chèo thuyền nan giữa đại dương giông tố, còn tôi mới chỉ đứng trên bờ nhìn ra biển lớn văn học đã thấy choáng ngợp”, PGS – TS Đinh Trí Dũng nhận định.


PGS.TS  Đinh Trí Dũng và Th.S Đình Anh

Th.S Lê Văn Tùng

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an