Trăn trở về việc giới trẻ “Nghiện” Facebook

 

Facebook (FB) là mạng xã hội nổi tiếng trên toàn thế giới và hiện đang tăng đột biến về số người dùng tại Việt Nam. FB được sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi, tạo ra sức cuốn hút ghê gớm và tốc độ lan truyền mạnh mẽ, đặc biệt là trong giới trẻ. Thời gian gần đây nhiều nhà nghiên cứu tâm lý định nghĩa tình trạng thèm muốn ảo giác khi tham gia Facebook là hội chứng nghiện Facebook (Facebook Addiction Disorder - tạm gọi là tình trạng rối loạn nghiện với trang mạng xã hội Facebook). Nó có nhiều biểu hiện nhưng cơ bản là người dùng cảm thấy bứt rứt khó chịu khi một ngày không được vào Facebook. Người dùng rơi vào trạng thái buồn vu vơ, cứ ra vào Facebook để mong chờ một thông báo hồi đáp, hay lượt người like status; hay thói quen làm bất cứ việc gì từ uống cà phê, đi xe buýt, đến lớp học đều cập nhật Facebook

            Hội chứng “nghiện facebook”

           Phải thừa nhận rằng, Facebook đem lại rất nhiều tiện ích, nhất là sự kết nối thông tin và những ứng dụng giải trí thú vị (chơi game, nghe nhạc, xem phim…). Nếu sử dụng đúng mục đích và ở chừng mực phù hợp, mạng xã hội này sẽ là công cụ hữu hiệu cho những công dân hiện đại ưa chuộng công nghệ. Tuy nhiên, khi bước vào thế giới của Facebook, rất nhiều người đã không cưỡng nỗi sự lôi cuốn như mê hoặc của nó. Vào Facebook vì thế thành một thói quen không thể từ bỏ, một hội chứng “nghiện”…

 

           Lướt FB của nhiều bạn trẻ không khó tìm gặp những status (trạng thái) - những “tuyên ngôn” bản thân gây bất ngờ như: “Một ngày không vào FB cứ thấy bứt rứt, “nhớ” FB quá!!!” hay “Ăn mì tôm sống qua ngày nhưng được vào FB là OK hết!”… Rất nhiều học sinh, sinh viên nếu ngày nào không vào FB thì thấy “ngứa ngáy không chịu được”, họ có thể thức thâu đêm để cập nhật status (tình trạng), comment (bình luận), like ảnh hay các link, page… thử các ứng dụng, gia nhập các hội nhóm…. ; một số “nghiện” đến mức online chỉ vì một mục đích duy nhất là để vào…Facebook!!!

 

          Bạn T, lớp 11 trường THPT Hà Huy Tập, TP Vinh chia sẻ: “Em biết dùng FB từ khi chưa có máy tính, thấy bạn bè chơi nên cũng vào cho biết, rồi giờ nghiện hẳn, không vào là cứ bứt rứt không yên. Em mê FB tới mức chỉ muốn được ngồi lì trước máy tính để tán gẫu, xem, đọc rồi like những page mình thích”. Cũng một trường hợp tương tự, bạn T.L - Sinh viên trường Đại học Vinh cho biết: “Cứ hễ bật máy tính lên để chuẩn bị làm việc gì đó thì mình lại bị cuốn vào Facebook, hết xem ảnh của mấy đứa bạn lại qua comment đi comment lại. Mỗi mùa thi, ngồi ôm quyển sách đọc được năm ba câu thì ghé qua Facebook đến cả tiếng đồng hồ. Khổ nỗi, cứ đọc sách là buồn ngủ mà vào Facebook cả đêm lại thấy tỉnh táo như thường (cười)".

 

            Khác với những “con nghiện” vô tư này, có nhiều bạn nhận ra những rắc rối do nghiện Facebook và trăn trở tìm cách “cai” bằng nhiều biện pháp khác nhau: xóa phần mềm Facebook trong điện thoại; cài phần mềm khác thay thế hoặc có bạn còn dán khẩu hiệu “một ngày lên Facebook 1 lần” khắp phòng học… Đã có người cai được, nhưng không ít thì đâu vẫn vào đó. Facebook quả thực là thói quen dễ nghiện nhưng khó bỏ!

 

        “Ngày nào em cũng lên Facebook ít nhất vài lần. Không lên thấy buồn buồn và hơi khó chịu. Em xem Facebook như là trang cá nhân muốn làm gì, chia sẻ gì cũng được, không sợ phiền và chẳng phải e dè hay nể nang ai cả. Em dùng Facebook với mục đích kết bạn, làm quen, tán gẫu với những bạn nữ xinh đẹp, xem ảnh các hot girl”. Đó là chia sẻ thẳng thắn của T, sinh viên một trường cao đẳng ở thành phố Vinh.

Nhốt mình trong cuộc sống ảo

       Thanh N., học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ tâm sự: “Lúc đầu em lên Facebook chỉ để đăng hình ảnh làm kỷ niệm là chính. Nhưng bây giờ thấy bạn nào trong lớp cũng chơi nên em lên thường xuyên hơn. Cứ có thời gian rảnh là em lên trang Facebook của mình trả lời các comment, xem có ai like ảnh của em không và like lại cho các bạn vui. Cũng thấy nó nhàm nhưng không lên không được. Nó thành thói quen rồi, sáng thức dậy cầm điện thoại là em lên trang liền, tranh thủ lên xíu cho khỏi áy náy”.

         Quỳnh M, bạn cùng lớp với Thanh N, chia sẻ từ khi tham gia Facebook em đã quên dần thói quen đọc sách. Ngoài giờ học em đều dành thời gian để lên Facebook. “Lên Facebook thích đăng gì thì đăng, cái status nào được nhiều like thì thích, để đó, cái nào bị “ném đá” thì bóc đi có sao đâu. Lâu lâu em cũng quăng vài cái status sốc sốc cho vui, ai thích bàn luận thì bình luận. Nói chung là chơi cái này cũng thú vị nên em nghĩ mình sẽ không bỏ nó đâu”.

          Nhiều bạn cũng tâm sự coi Facebook như một người bạn thân thiết nhất, sớm sớm, chiều chiều muốn gì, nghĩ gì là lên Facebook để giãi bày, thế nên những mối quan hệ bạn bè, trao đổi với người thân trong gia đình hạn chế hơn trước. Có bạn đã vài lần vì mê Facebook mà quên làm bài tập về nhà, kết quả học tập đi xuống. Một số bạn khác thì đôi lần giận hờn người thân lên Facebook đăng status để tìm sự chia sẻ!

Và những hệ lụy…

 

          Bên cạnh với những lợi ích mà facebook đem lại thì việc lạm dụng nó đã làm cho người dùng bị ảnh hưởng rất nhiều về thời gian, sức khỏe cũng như công việc. TS. Nguyễn Hữu Chỉnh, chuyên khoa thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An cho biết: “Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ bị bệnh mất ngủ. Trong số đó, có nhiều em có hội chứng nghiện Facebook. Bố mẹ các em đã đi nhiều nơi để điều trị cho các em, thậm chí phải bước chân vào các bệnh viện Tâm thần”.                 Chị H.T.T – đường Tôn Thất Thuyết, TP Vinh có con đang học THPT tâm sự: “Con tôi chuẩn bị sang năm là thi đại học rồi mà cứ có thời gian là cháu lại truy cập FB để tán chuyện với bạn bè. Tôi nói thế nào cũng không chịu nghe, kiểm soát bằng máy tính bàn thì cháu vào bằng máy điện thoại. Thu máy điện thoại thì cháu ra quán net để giải tỏa nhu cầu vào . Tôi và nhiều bậc phụ huynh rất lo lắng về vấn đề này”. Hội chứng “nghiện” Facebook khiến nhiều bạn trẻ tiêu tốn thời gian, sức khỏe dẫn đến chểnh mảng học hành, kết quả học tập sa sút.

            Th.S Nguyễn Thị Nguyệt, giảng viên trường Đại học Kinh tế Nghệ An trăn trở: “ Chúng tôi rất buồn khi trong giờ giảng, nhiều sinh viên có trạng thái nửa học, nửa tập trung vào trang facebook trong tay. Vì thế, hiệu quả của giờ giảng của chúng tôi dù cố gắng rất nhiều nhưng vẫn kém hiệu quả”.

 

       Mất tập trung cho việc học tập đã đành, các em học sinh, sinh viên có nhiều nguy cơ bị lây nhiễm những thói hư, tật xấu bởi các mối quan hệ trên Facebook vì ở độ tuổi này các em chưa có nhận thức chín chắn nên dễ bị lôi kéo và ảnh hưởng bởi những tác động xấu từ thế giới “ảo”. Không ít bạn sử dụng lời lẽ thiếu văn hóa thậm chí văng tục, chửi bậy nhau trên Facebook; chia sẻ những hình ảnh, thông tin thiếu lành mạnh hoặc thành lập những hội nhóm vô bổ. Hội chứng “nghiện” Facebook đang trở thành thực trạng đáng báo động trong giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, nghiện hay không nghiện Facebook căn bản vẫn là ở nhận thức của người sử dụng. Điều đó đòi hỏi các bạn trẻ phải biết sắp xếp hợp lý thời gian học tập và vui chơi giải trí; biết cách chia sẻ, yêu thương và học hỏi những điều hay từ bạn bè. Bên cạnh đó, để ngăn chặn những hệ lụy đáng tiếc, gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng cần kịp thời tuyên truyền, giáo dục, tăng cường quản lý học sinh, sinh viên đồng thời đưa ra những giải pháp đẩy lùi những tư tưởng tiêu cực, độc hại đang lây lan trong giới trẻ thông qua mạng xã hội Facebook.

Trao đổi với chúng tôi, những người thực hiện bài viết này, Th.S tâm lý học Lê Hồng Lợi, giảng viên Tâm lý Trường CĐ VHNT Nghệ An, nhận định Facebook là một công cụ chia sẻ, kết bạn, giao lưu khá hữu hiệu. Tuy nhiên, nó cũng đang tạo ra làn sóng “nghiện chia sẻ” qua Facebook tăng cao. “Sự xuất hiện của Facebook làm thay đổi rất nhiều các bạn trẻ. Nó đi vào đời sống của giới trẻ như là một công cụ để thể hiện bản thân. Nhiều bạn trước khi tham gia vào mạng này rất rụt rè, che giấu cảm xúc, khi lao vào rồi thì tất tần tật cái gì cũng hướng tới Facebook”.

Với giới trẻ đang tuổi định hình tính cách thì Facebook dễ đem đến cho các em cuộc sống ảo không lành mạnh, xa rời thực tế, bỏ quên, hững hờ các mối quan hệ thiết yếu như với thầy cô, cha mẹ, bạn bè trong giao tiếp trực tiếp.

 

Theo ThS Lê Hồng Lợi, việc tốt nhất để chấm dứt hội chứng này là tập kiểm soát bản thân. Xác định rõ mục đích khi dùng Facebook. Dành nhiều thời gian cho những hoạt động giao tiếp thực tế ngoài xã hội. Ngoài ra, cha mẹ, thầy cô cũng thường xuyên quan tâm, chia sẻ xem các em nghĩ gì, làm gì, thay vì để các em trút hết mọi thứ lên Facebook mà không có chính kiến, chạy theo phong trào.

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an