Giới thiệu sách " Opera Việt Nam" - Ts. Nguyễn Thị Tố Mai

Opera là một loại hình nghệ thuật biểu diễn, cũng là một dạng của kịch mà những hành động diễn xuất của nhân vật hầu hết được truyền đạt toàn bộ qua âm nhạc và giọng hát.

Nghệ thuật Opera ra đời cách đây hơn bốn thế kỷ, đánh dấu một bước phát triển quan trọng của âm nhạc chuyên nghiệp nói chung và nghệ thuật thanh nhạc nói riêng. Đó là sự kết hợp giữa âm nhạc với sân khấu, với thơ ca và hội họa trang trí...Bằng những thủ pháp âm nhạc phong phú, đa dạng, opera đã trở thành  nghệ thuật độc đáo với khả năng diệu kì mà ít có thể loại âm nhạc nào sánh kịp trong việc thể hiện cuộc sống hiện thực và miêu tả tình cảm của con người. Nhờ Opera mà xuất hiện rất nhiều nhạc sĩ có tên tuổi như C. Monteverdi, A. Scarlatti...

Opera hấp dẫn các nhạc sĩ không chỉ bới thế mạnh trong việc thể hiện cuộc sống hiện thực mà còn vì phẩm chất nghệ thuật. Chỉ riêng về mặt âm nhạc, opera đòi hỏi ở người nhạc sĩ năng lực sáng tác toàn diện cả thanh nhạc và khí nhạc. Các thủ pháp nghệ thuật cũng như kĩ thuật thanh nhạc đạt đến đỉnh cao trong opera. Khí nhạc trong opera cũng không kém gì nghệ thuật giao hưởng. Chính vì vậy, ở các quốc gia châu Âu và một số quốc gia ở các châu lục khác như Mỹ, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản...có nền âm nhạc phát triển cao thì cũng với âm nhạc giao hưởng, opera là một trong những môn nghệ thuật được chú trọng.

Cùng với các công trình khác về Opera trên thế giới, cuốn " Opera Việt Nam" là một công trình được viết một cách có chiều sâu và mang tính hệ thống, chủ yếu đi sâu vào giới thiệu, phân tích về Opera của Việt Nam.

Opera Việt Nam là sản phẩm của người Việt Nam được tiếp thu từ tinh hoa âm nhạc nói chung và nghệ thuật opera nói riêng của châu Âu trên cơ sở gắn với cội nguồn âm nhạc truyền thống. Opera Việt Nam ra đời trong nền nhạc mới Việt nam được hình thành vào đầu thế kỷ XX. Trong sự ra đời của opera Việt Nam, ca cảnh và ca kịch có những ảnh hưởng quan trọng. 
Vở ca kịch đầu tiên là “Tục lụy” (1943) của Lưu Hữu Phước. Ca cảnh và ca kịch phát triển phong phú hơn ở các thời kỳ 1945 - 1954, 1954 - 1975 và có ảnh hưởng đến sự ra đời của opera Việt Nam. Qua ca cảnh và ca kịch, các nhạc sĩ Việt Nam được rèn luyện viết âm nhạc sân khấu theo phong cách phương Tây trước khi đến với thể loại opera. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã viết nhiều tác phẩm ca cảnh, ca kịch và sau này ông là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên viết opera.

Opera Việt Nam tiếp thu phong cách opera châu Âu nên cũng vận dụng kỹ thuật hát bel canto của opera cổ điển châu Âu. Vận dụng kỹ thuật hát bel canto trong các opera Việt Nam được thể hiện ở những yếu tố như phân loại giọng: nam cao (tenor), nam trung (baryton) và nam trầm (basse); nữ cao (soprano), nữ trung (mezzo) và nữ trầm (alto); kỹ thuật hát vang, sáng, liền giọng, nảy, vuốt nhỏ dần... của bel canto được áp dụng vào các tiết mục thanh nhạc khá rõ nét.
Học tập cách hát bel canto song các nhạc sĩ Việt Nam không hoàn toàn áp dụng lối hát này mà có sự sáng tạo cho phù hợp với tai nghe cũng như khả năng ca hát của người Việt Nam như chú trọng rõ lời, không sử dụng nhiều kỹ thuật hát nhanh, kết hợp với cách hát trong âm nhạc cổ truyền...
Trong các opera Việt Nam không có nhiều bài hát có tốc độ nhanh và kỹ thuật quá phức tạp. Người Việt Nam vốn ưa lối hát khoan thai, trữ tình, Dân ca Việt Nam có rất ít bài nhanh. Người châu Âu coi giọng hát như một nhạc cụ, trong opera châu Âu, các kỹ thuật hát nhanh, chạy lướt nhiều nốt (passage), kết hợp hát nảy (staccato) ở âm khu cao hoặc rất cao là những kỹ thuật thanh nhạc khá phức tạp; ngoài khả năng thiên bẩm, người hát còn phải rèn luyện thường xuyên một cách bài bản, công phu thì mới có thể thực hiện được. 

Qua đó, khẳng định tầm quan trọng của những thành tựu về opera Việt Nam đối với sự phát triển của nên âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam, trong đó có sự góp sức to lớn của các nhạc sĩ sáng tác.

Trong nền thanh nhạc Việt Nam, opera là một bộ phận làm nên diện mạo hoàn chỉnh cho âm nhạc sân khấu. Bên cạnh phong cách hát các thể loại âm nhạc cổ truyền và hát ca khúc nhạc mới, kỹ thuật hát bel canto của opera góp phần tạo nên tính phong phú cho kỹ thuật thanh nhạc của ca hát Việt Nam. Sự có mặt của opera nói lên tầm vóc phát triển của một nền thanh nhạc chuyên nghiệp. Đến nay, những gì mà các nghệ sĩ opera làm được đã góp phần khẳng định sự phát triển trình độ của nền thanh nhạc Việt Nam.

Vì vậy, cuốn sách "Opera Việt Nam" sẽ giúp cho các sinh viên ngành Âm nhạc có những cái nhìn toàn diện hơn về Opera ở Việt Nam, từ đó học hỏi được kinh nghiệm về kỹ thuật thanh nhạc để hát Opera được tốt hơn.

Đặng Thìn

 

 

Bài viết mới