Giới thiệu sách " Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát" - Trần Ngọc Lan

Ngôn ngữ - khởi nguồn của văn hóa biểu cảm là cầu nối giữa người với người và thế giới xung quanh. Cùng với quá trình phát triển của kinh tế, khoa học kỹ thuật và các mối quan hệ xã hội, ngôn ngữ cũng đa dạng và phát triển theo để đáp ứng những nhu cầu bức thiết của quá trình này. Tuy nhiên, ngôn ngữ không chỉ dừng lại với vai trò giao tiếp và nó còn là phương tiện sáng tạo của nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng, thi ca...đặc biệt là ca hát. Do chịu sự tác động trực tiếp của đời sống nên ngôn ngữ mang đậm sắc thái vùng miền. Chính sắc thái vùng miền này đã định hình phong cách mang dấu ấn của từng vùng văn hóa. Sự khác biệt giữa các vùng ca hát xuất phát từ ngôn ngữ, từ cách phát âm của vùng miền. Ta có thể thấy rõ điều đó ở các vùng ca hát dân gian truyền thống của Việt Nam.

 Ca hát là bộ môn nghệ thuật phối hợp giữa ngôn ngữ và âm nhạc, gọi là thanh nhạc, nó khác với khí nhạc là loại âm nhạc viết riêng cho nhạc cụ diễn tấu. Ai trong chúng ta cũng đã từng hát, hoặc ít nhất cũng đã từng nghe người khác hát. Một người hát goi là đơn ca, hai ba người hát gọi là song ca, tam ca … nhiều người cùng hát một lời ca, một giai điệu là đồng ca. Còn nếu hát theo nhiều bè, nhiều giai điệu khác nhau gọi là hợp ca (Hợp xướng).

Ca hát là nghệ thuật luôn gắn liền với ngôn ngữ dân tộc. Dân tộc nào cũng có nghệ thuật ca hát riêng, phù hợp với ngôn ngữ của dân tộc đó. Ở Việt Nam, với 54 dân tộc anh em, nghệ thuật ca hát truyền thống rất phong phú về số lượng, đa dạng về ngôn ngữ và phong cách thể hiện độc đáo. Mỗi bộ môn nghệ thuật trong ca hát truyền thống, lại có phong cách, màu sắc, những ứng xử về ngôn ngữ rất riêng, mang tính tư duy và thẩm mĩ độc lập.

Thanh nhạc đã ra đời dựa trên ngôn ngữ của từng dân tộc, và nó càng ngày càng được nâng cao cùng với các bộ môn nghệ thuật khác như văn thơ, hội hoạ, sân khấu, vũ nhạc … Do đó mỗi dân tộc ít nhiều đều có những kinh nghiệm thanh nhạc riêng mình. Vấn đề hiện này của người học thanh nhạc là làm sao học được kinh nghiệm hay của các dân tộc khác mà không bỏ mất kinh nghiệm quý báu của cha ông để lại.

Cha ông ta trong tiếng hát dân ca hoặc cổ truyền, rất chú trọng đến việc hát rõ lời. “Thuật ngữ “tròn vành rõ chữ” là cách nói khái quát của cha ông ta về yêu cầu và quan niệm đối với nghệ thuật ca hát, và về kỹ thuật, phương pháp ca hát cổ truyền dân tộc. Tiếng hát “tròn vành” là âm thanh nghe gọn gàng, đầy đặn, trau chuốt sáng sủa ; “rõ chữ” là lời ca nghe rõ ràng, không phải đoán nghĩ mới hiểu, không thể hiểu lầm ra ý khác. “Tròn vành rõ chữ” vì vậy là sự kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật âm nhạc và tiếng nói dân tộc, là sự nâng cao, làm đẹp, khai thác, phát huy đến cao độ tính tượng hình, tượng thanh và mọi đặc điểm ngữ âm dân tộc bằng nghệ thuật âm thanh của giọng hát.”(Vĩnh Long, Sự tròn vành rõ chữ của tiếng hát dân tộc, Viện Nghệ thuật, Hà Nội 1976 số 12, trang 32).

Như vậy, tiếng hát nào cũng phải bảo đảm được tính thông đạt, tính dân tộc và tính nghệ thuật. Sự thiếu rõ lời làm mất cả 3 tính. Nguyên nhân thiếu rõ lời có thể do :

1. Phát âm, cấu âm chưa đúng cách, lời ca nghe loáng thoáng chữ được chữ mất.

2. Cấu âm theo kiểu ca kịch Tây phương, tiếng hát nghe “ồm ồm, ngọng nghịu vì bắt chước nước ngoài một cách thiếu sáng suốt, nếu không nói là nô lệ” 

3. Lối viết các bè vào chống chất lên nhau mà hát lời ca khác nhau, âm vận và ý nghĩa khác nhau, nên vô hiệu hoá nhau.

Vậy, để hát tốt và hay, người hát phải học hỏi cách xử lý ngôn ngữ làm sao cho tiếng hát luôn luôn rõ lời. Khi hát ngôn ngữ nào thì phải xử lý tiếng hát theo ngôn ngữ đó, không có mẫu chung cho mọi ngôn ngữ. Nhất là đối với ngôn ngữ Việt Nam, đơn vận đa thanh, các vần đóng nhiều hơn các vần mở, thì vấn đề rõ lời mà vẫn đẹp tiếng, vẫn ngân vang, quả là nhiều khi khó dung hoà. Vì thế người sáng tác cũng như người ca viên cần nắm vững các đặc điểm của ngôn ngữ dân tộc, các đòi hỏi của nó, cũng như kinh nghiệm của tiền nhân trong quá khứ để xử lý ngôn ngữ dân tộc một cách xứng hợp với bản sắc riêng của dân tộc mình. Nếu không học, không biết, thì nhiều khi chúng ta dễ lầm lẫn, dẫn đến chỗ vọng ngoại, bắt chước người khác một cách máy móc, nếu không nói là nô lệ, làm cho tiếng hát dân tộc mất đi vẻ đẹp tự nhiên của nó.

Nghệ thuật ca hát phong phú, đa dạng, đa phong cách, đa thể loại. Người hát muốn hát tốt tiếng Việt, ngoài các yếu tố cần có như giọng hát tốt, kĩ thuật thanh nhạc tốt, kiến thức âm nhạc, cảm nhận âm nhạc, kĩ năng thể hiện, biểu diễn,...chọn lựa thể loại, phong cách cho phù hợp với sở thích, giọng hát, khả năng của mình (thính phòng cổ điển, dân gian, nhạc nhẹ,...),.. còn cần phải tìm hiểu đặc điểm, cấu trúc, nắm vững những kiến thức cơ bản chuyển động đóng, mở âm của tiếng Việt.

Để hát tốt tiếng Việt theo phương pháp Bel canto (hát tác phẩm thanh nhạc nước ngoài - ca từ tiếng nước ngoài) thì cần có hướng dẫn các kĩ năng, cách xử lý tốt. Cuốn sách "Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát" là một công trình đáp ứng thiết thực cho công tác giảng dạy và biểu diễn thanh nhạc hiện nay.

Cuốn sách giúp người hát vượt qua thách thức khó khăn của ngôn ngữ bằng cách nắm vững những đặc trưng cơ bản của tiếng Việt, học tập kinh nghiệm, kĩ thuật xử lí ngôn ngữ trong nghệ thuật ca hát truyền thống (đặc biệt các dòng ca hát dân gian chuyên nghiệp gắn liền với tiếng Việt phổ thông) kết hợp với kĩ thuật hát Ben canto ứng dụng vào những tác phẩm thanh nhạc tiếng Việt, giúp cải thiện một số hạn chế của ngôn ngữ để có được âm thanh đạt yêu cầu mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc của tiếng Việt, không bị biến dạng, sai nghĩa của từ, đảm bảo "tròn vành rõ chữ", giúp người hát hát tác phẩm, ca khúc tiếng Việt tốt hơn, hay hơn.

Cuốn sách là một công trình có giá trị thực tiễn, đóng góp cho công tác đào tạo, giảng dạy, học tập ca hát một cách thiết thực, hiệu quả và cũng là nguồn tham khảo hữu ích cho những người sáng tác thanh nhạc.

Đặng Thìn

 

 

 

 

Bài viết mới