Môn Mỹ thuật trong chương trình giáo dục phổ thông và các mô đun chuyên ngành hội hoạ hệ trung cấp ở Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An

I. Môn mỹ thuật trong chương trình phổ thông

Vị trí của môn học

Cụ thể, hai giai đoạn gồm:

Giai đoạn giáo dục cơ bản: Mỹ thuật là môn học bắt buộc

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề: Mỹ thuật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Là môn học thuộc lĩnh vực nghệ thuật thị giác, mỹ thuật có vai trò chủ yếu trong việc bồi dưỡng, giáo dục thẩm mỹ, góp phần đáp ứng mục tiêu giáo dục hài hòa về đức, trí thể, mỹ cho học sinh.

Mục tiêu chương trình

Thông qua nội dung kiến thức phổ thông cơ bản về mỹ thuật, chương trình môn Mỹ thuật góp phần hình thành, phát triển ở học sinh năng lực thẩm mỹ; bồi dưỡng cho học sinh ý thức tôn trọng sản phẩm văn hoá, nghệ thuật và khả năng ứng dụng năng lực thẩm mỹ vào đời sống; trang bị cho học sinh cái nhìn tương đối tổng quát về những ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác, để giúp định hướng nghề nghiệp sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Thông qua nội dung và phương pháp giáo dục, môn Mỹ thuật góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, có tinh thần trách nhiệm; các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Giai đoạn giáo dục cơ bản: Mỹ thuật là môn học bắt buộc.

Quan điểm xây dựng chương trình

Xuất phát từ đặc trưng của môn học, Chương trình môn Mỹ thuật nhấn mạnh các quan điểm xây dựng chương trình như: khoa học và hiện đại; hệ thống và cơ bản; thực hành và thực tiễn; mở và liên thông.

Chương trình tạo cho học sinh cơ hội tiếp cận văn hóa, nghệ thuật dân tộc và thế giới dựa trên cơ sở những kiến thức cơ bản của nghệ thuật thị giác kết hợp với những kiến thức thuộc các lĩnh vực khác của giáo dục phổ thông.

Chú trọng vận dụng đa dạng hình thức thực hành sáng tạo, gắn kiến thức mỹ thuật với thực tiễn cuộc sống thông qua lồng ghép hoạt động thảo luận nghệ thuật và hoạt động thực hành nghệ thuật để phát triển năng lực thẩm mỹ cho học sinh.

Ngoài ra, chương trình cũng hướng học sinh tới nhận thức các giá trị thẩm mỹ phù hợp với truyền thống văn hóa, nghệ thuật dân tộc và thời đại; giúp học sinh hình thành, phát triển những phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam và những giá trị phổ quát của công dân toàn cầu.

Nội dung giáo dục

Kết cấu chương trình môn Mỹ thuật lấy trục phát triển chính là những kiến thức cốt lõi của mỹ thuật gồm các yếu tố tạo hình và các nguyên lý tạo hình cơ bản, nhằm bồi dưỡng, phát triển năng lực thẩm mỹ thị giác cho học sinh.

Nội dung dạy học bao gồm: mỹ thuật tạo hình, mỹ thuật ứng dụng và thảo luận nghệ thuật được lồng ghép trong thực hành nghệ thuật. Ở cấp tiểu học, chương trình tạo cơ hội cho học sinh thông qua mỹ thuật để tìm hiểu, khám phá, biểu đạt bản thân và thế giới xung quanh.

Ở cấp trung học cơ sở, chương trình đảm bảo cho học sinh tiếp cận với các trường phái, phong cách, di sản văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam và thế giới để vận dụng vào thực hành, sáng tạo thẩm mỹ gắn với thực tiễn đời sống.

Cấp trung học phổ thông, chương trình được mở rộng, phát triển theo hướng tiếp cận đa ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác và được thiết kế thành các học phần; bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, chương trình thiết kế các chuyên đề học tập, đáp ứng sở thích và thiên hướng phát triển mỹ thuật, chuẩn bị tham gia đời sống xã hội của học sinh.

Phương pháp giáo dục

Việc đổi mới phương pháp dạy học Mỹ thuật theo hướng tiếp cận năng lực là trọng tâm của Chương trình. Dạy học Mỹ thuật theo quan điểm phát triển năng lực không chỉ trang bị kiến thức cho học sinh mà chú trọng rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề thẩm mỹ gắn với những tình huống của cuộc sống.

Thông qua lồng ghép thảo luận nghệ thuật và thực hành nghệ thuật, học sinh vừa là “người sáng tạo nghệ thuật” vừa là “người thưởng thức nghệ thuật”, đồng thời là người góp phần xây dựng, phát triển đời sống thẩm mỹ.

Chương trình chú trọng tổ chức cho học sinh học tập thông qua hoạt động trải nghiệm trong môi trường đa dạng, trong lớp học, ngoài cuộc sống, với các hình thức thực hành, sáng tạo, vận dụng các chất liệu, vật liệu sẵn có ở địa phương, vật liệu sưu tầm, tái sử dụng trong cuộc sống.

Chương trình chủ trương phối hợp sử dụng các công cụ, phương tiện học tập truyền thống với khai thác, sử dụng những thiết bị công nghệ, nguồn tài liệu internet một cách phù hợp trong tổ chức dạy học, nhằm tạo cơ hội để học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng, tạo ra sản phẩm mỹ thuật mang tính thời đại, gắn với thực tiễn đời sống.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề: Mỹ thuật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Đánh giá kết quả giáo dục

Mục đích của đánh gia kết quả GD là đối chiếu, so sánh năng lực học sinh đạt được với mục tiêu mà môn học đã đặt ra. Chương trình đặt trọng tâm đánh giá khả năng nhận thức thẩm mỹ, khả năng vận dụng kiến thức trong thực hành, sáng tạo và giải quyết vấn đề gắn với thực tiễn.

Phương pháp đánh giá chủ yếu là đánh giá quá trình kết hợp với đánh giá tổng kết thông qua sử dụng những công cụ đánh giá như quan sát, nhận xét sản phẩm, dự án nhỏ, hồ sơ học tập… nhằm có những điều chỉnh kịp thời trong hoạt động dạy và học.

Điều kiện thực hiện chương trình

Việc thay đổi chương trình định hướng nội dung sang định hướng phát triển năng lực cho học sinh, giáo viên cần có cách tiếp cận mới. Ở cấp tiểu học, giáo viên có thể thực hiện được chương trình trên cơ sở tiếp cận kết quả Dự án Hỗ trợ giáo dục Mỹ thuật tiểu học (SAEPS).

Ở cấp trung học cơ sở, giáo viên chủ động nghiên cứu chương trình, kết hợp tìm hiểu các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học thông qua các nguồn tài liệu khác nhau để vận dụng dạy học.

Ở cấp trung học phổ thông, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhà trường có thể căn cứ trên nhu cầu lựa chọn của học sinh, điều kiện thực tiễn của địa phương để tổ chức dạy học một cách linh hoạt, như: mời giáo viên hoặc cho phép học sinh đăng ký học ở cơ sở đào tạo khác.

Trong tổ chức hoạt động dạy học từ phòng học truyền thống sang phòng học bộ môn sẽ phát huy được tối ưu đặc thù của môn học, cũng như khai thác sử dụng các thiết bị và đồ dùng dạy học. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, việc chưa có phòng học bộ môn vẫn còn phổ biến, nhà trường và giáo viên có thể tạo ra các không gian, hình thức học tập khác nhau dựa trên điều kiện thực tế; các phương tiện, đồ dùng dạy học cần có: Vật mẫu, họa phẩm, sách báo, tranh ảnh…, đèn chiếu (overhead), máy chiếu (projector), máy tính kết nối Internet… đồng thời, khai thác nguồn vật liệu sẵn có ở địa phương để tổ chức dạy học hiệu quả.

II. Chương trình đào tạo Trung cấp hội hoạ hệ 6 năm và 3 năm

Chương trình đào ngành Trung cấp Hội họa, nhằm đào tạo cử nhân thực hành nghề hội họa ở trình độ trung cấp, có đủ kiến thức, kỹ năng, tác phong nghề nghiệp; phẩm chất chính trị; đạo đức lối sống và sức khỏe tốt, để có thể làm việc đạt hiệu quả cao trong lĩnh vực mỹ thuật nói chung và chuyên ngành hội họa nói riêng.

Chương trình được thiết kế dựa trên nội dung tham khảo từ chương trình của khung của Bộ VHTT&DL, Chương trình đào tạo của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, mẫu quy định theo Thông tư 03/2017/TT-BLĐTBXH, đảm bảo tính chất lượng về chuyên môn, tính khoa học trong thiết kế.

Thời gian học: Được thực hiện trong 3 năm học (06 học kỳ) – Hệ trung cấp 3 năm; 6 năm (12 học kỳ).

Triển vọng nghề nghiệp: Sau khi tốt nghiệp, học sinh (HS) có thể học tiếp nâng cao trình độ cao hơn là đại học, thạc sỹ và có thể lựa chọn làm việc ở một trong số các vị trí sau:

· Công tác tại các cơ sở có hoạt động văn hoá quần chúng

· Tham gia hoạt động phong trào mỹ thuật chuyên nghiệp, hoặc không chuyên.

Cấu trúc chương trình: gồm có khối kiến thức đại cương; Khối kiến thức cơ sở ngành; Khối kiến thức chuyên ngành;Khối kiến thức tự chọn và Khối kiến thức thực tập.

Kinh nghiệm tích lũy sau chương trình học: Với các giờ thực hành chuyên ngành được duy trì đều đặn trong các tuần học, ngoài việc rèn luyện những kỹ năng về chuyên môn, HS còn đúc kết thêm những kinh nghiệm để tự luyện tập, sáng tác tranh. Bên cạnh đó, thời gian tham gia vào các giờ thực tế, thực tập sẽ là điều kiện thuận lợi để HS có thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động, sáng tác mỹ thuật.

III. Thực trạng dạy học các môn học và môđun chuyên ngành hội hoạ

Về ngành Hội hoạ, hiện nay, Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An đang đào tạo 2 hệ Trung cấp hội hoạ 6 năm và 3 năm. Số lượng học sinh ngày càng đông. Nhiều em học sinh tiểu học và phổ thông cơ sở có năng khiếu thực sự. Khi học nghề ở trường, các thầy cô đã giảng dạy có các em nhiều môn học và môđun chuyên sâu ngành hội hoạ. Trường chú trọng khâu thực hành, truyền nghề cho các em. Nhưng các thầy cô cũng không áp đặt suy nghĩ của mình, phong cách nghệ thuật của mình lên các em. Các em được sáng tạo theo cách riêng và suy nghĩ riêng trên cơ sở kiến thức các thầy cô trang bị. Hàng năm, các em được tham gia các triển lãm tranh do nhà trường phối hợp với các đơn vị bạn tổ chức. Các em ngoài việc học trên lớp, còn được các thầy cô dẫn giắt, chỉ bảo thêm về thực tiễn nghề nghiệp. Các thầy cô đều có phòng tranh cá nhân nên học sinh vừa được học trên lớp, vừa được tham quan học hỏi thêm các thầy cô ở nhà. Các thầy cô đã giúp các em không những kiến thức chuyên môn mà còn truyền cho các em ngọn lửa tình yêu nghề nghiệp. Chỉ có tình yêu nghề nghiệp mới giúp các bạn trẻ thành công trên con đường nghệ thuật. Nhiều thầy cô đã “sống” được bằng nghề vẽ tranh, có thương hiệu, tên tuổi trên thị trường nghệ thuật nên các em đến với nghề hội hoạ có thể yên tâm, tự tin với nghề nghiệp mình theo đuổi.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới

Tin tức nổi bật