Một số hạn chế của sinh viên các trường đại học, cao đẳng hiện nay- Nguyên nhân và những biện pháp khắc phục

Làm thế nào để phát triển các trường đại học, cao đẳng Việt Nam hội nhập quốc tế? Đây là câu hỏi khó. Khi hội nhập vào khu vực ASEAN và thế giới, muốn tồn tại và phát triển bắt buộc chúng ta phải có sức mạnh cạnh tranh. Muốn có sức mạnh cạnh tranh cao và dài hơi, bắt buộc chúng ta phải đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, nhất là giáo dục đại học và phải bắt đầu ngay tức thì để có chất lượng ngày càng cao.

          Đảng và nhà nước ta đã có chủ trương rất đúng đắn: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” và cũng đã có những biện pháp cụ thể cải cách giáo dục. Bài viết dưới đây tìm hiểu một số hạn chế của sinh viên các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam nhằm tìm ra biện pháp khắc phục.

          1. Một số hạn chế và nguyên nhân:

- Sinh viên trúng tuyển vào học các trường đại học, cao đẳng phần lớn có tâm lý muốn nghỉ xả hơi, do vậy đã làm giảm hứng thú, say mê học tập trong họ.

- Rất ít các sinh viên chọn học được ngành học và trường đại học thích hợp với sở trường và sở thích đích thực của mình và trường cũng không chọn được sinh viên mà mình muốn đào tạo. Có cái gì đó gượng ép, mang tính áp đặt, may rủi và không khớp nhau. Học sinh phổ thông thực sự vẫn chưa được chuẩn bị tốt cho sự lựa chọn ngành nghề, chọn trường đại học mà mình thích cũng như chuẩn bị tốt cách học ở đại học. Chất lượng đào tạo ở phổ thông còn nhiều bất cập.

- Sinh viên chỉ học đối phó, cốt lấy điểm, học cho qua, trở thành bệnh thành tích, bệnh hình thức, thiếu thực chất, thiếu thực lực, thiếu thực học, thiếu thực tài, ngay cả sinh viên khá giỏi cũng sẵn sàng quay cóp nhất là đối với những môn học khó nhớ. Chương trình đào tạo lại quá nhiều giờ học, mà không phải ngành nào cũng như nhau khiến sinh viên không thích học.

- Sinh viên trong thời kỳ đổi mới, mở cửa khác hẳn với sinh viên thời bao cấp, thời kỳ đấu tranh hay chiến tranh có yêu cầu giáo dục khác mới đáp ứng nhu cầu của xã hội, điều khác cơ bản là nhà nước không đương nhiên thâu dụng, mà hầu hết là do các tổ chức ngoài nhà nước kể cả ở nước ngoài thâu dụng họ.

So với yêu cầu hiện nay cũng như trong tương lai của các tổ chức ngoài nhà nước, trình độ kiến thức chuyên môn, kỹ năng kỹ xảo cũng như năng lực, phẩm chất lao động, tinh thần trách nhiệm, sự trung thực của sinh viên còn quá thấp. Muốn sử dụng thật sự cần phải đào tạo lại hoặc phải chấp nhận vậy.

- Nguyên nhân từ đâu? Do từ lâu, quan niệm, định hướng giáo dục, mục tiêu giáo dục rất mơ hồ, có thói quen lượng giá, đánh giá, thi, kiểm tra trong các hệ thống giáo dục rất sai lầm, chỉ theo lối đánh giá kết quả bằng điểm số mà chỉ về kiến thức, không đánh giá theo quá trình học tập, ít quan tâm đế những mục tiêu về kỹ năng, thái độ, nhân cách chuẩn bị vào đời, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Ngay cách đánh giá đạo đức của sinh viên vừa mới ban hành cũng nặng về điểm số và không giao trách nhiệm cho các giảng viên đánh giá nhận xét!

Đồng thời do nhà nước áp dụng một hệ thống thi cử, thi đua hết sức nặng nề khắp các cấp, khắp các đối tượng, cán bộ, thầy và trò cùng một số nguyên nhân khác tạo ra tinh thần khoa cử, thi đấu rất nặng nề trong xã hội, tạo áp lực học sinh phải học thêm, học tủ để đạt kết quả trước mắt với bất cứ giá nào kể cả kiệt sức, quay cóp… đưa tới cách dạy đối phó, học đối phó.

Do giáo dục phổ thông chưa chuẩn bị tốt, hướng dẫn rèn luyện để học sinh lựa chọn ngành học, trường học phù hợp và chuẩn bị cách học ở đại học. Do trình độ nhận thức và thông tin về ngành học, trường học của học sinh và phụ huynh học sinh trong xã hội còn rất yếu kém. Do nghịch lý lớn lao giữa đào tạo và sử dụng! Trong thời kỳ đổi mới và xây dựng, yêu cầu rất cao của người sử dụng lao động về chuyên môn, khoa học kỹ thuật, tính hiệu quả cũng rất cần thiết để tồn tại và phát triển mà trong đào tạo chưa thật quan tâm và chưa làm tròn!

2. Các biện pháp khắc phục:

- Cần vận động thay đổi đến gốc rễ để xây dựng quan điểm, định hướng, mục tiêu giáo dục mang tính thực tiễn và hiệu quả cao, một nỗ lực dạy học và làm theo định hướng, mục tiêu giáo dục toàn diện, đặc biệt quan tâm đến việc rèn luyện các kỹ năng quan trọng của thời đại kiến thức, thông tin bùng nổ như nêu và giải quyết vấn đề, cách làm việc với tập thể, cách ứng xử, cách giao tiếp và phẩm chất lao động, tinh thần trách nhiệm, nhân cách… chuẩn bị vào đời.

- Thay đổi hoàn toàn cách đánh giá theo quá trình công tác và học tập chứ không phải chỉ kết quả và không chỉ bằng điểm số, có những nhận xét của từng giảng viên đối với từng sinh viên cụ thể! Môn nào sẽ phụ trách từ a đến z kể cả coi thi và chấm điểm.

- Cải tổ chế độ thi cử, kiểm tra, bãi bỏ bớt, giảm nhẹ các kỳ thi tập trung nhất là không tổ chức tuyển sinh đại học theo ba chung. Cục khảo thí chỉ nên lo thi cử ở phổ thông. Chất lượng đào tạo kể cả đầu ra đều giao cho từng trường đại học đảm nhiệm.

- Chống luyện thi, không xuê xoa, trị tận gốc quốc nạn quay cóp, thiếu trung thực trong dạy và học, phổ biến rộng rãi, kỹ lưỡng nhắc nhở răn đe. Loại bỏ ngay tức khắc, thông báo khắp nơi về những người vi phạm, gian dối.

- Giảm bớt các cuộc thi đấu, luyện thi đấu có tính cách “gà chọi”, kiểu trường chuyên, lớp chọn!

- Đổi mới triệt để phương pháp dạy học ở đại học cũng như ở phổ thông.

- Lấy thực chất, thực học, thực tài làm tiêu chí hàng đầu và tránh điều tối kỵ đối trá, thiếu trung thực, thủ đoạn trong môi trường giáo dục. Xây dựng môi trường giáo dục thật lành mạnh, thật khoa học, thật chuyên môn… Loại trừ triệt để những nhân sự thiếu phẩm chất giáo dục, thiếu trung thực. Dùng mọi biện pháp để chống lại bệnh hình thức, cung cách đối phó!

- Phân hóa và tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường đại học. Dùng chính sách quản lý nhà nước cho phép các trường đại học tự quản cao, chủ động năng cao chất lượng đào tạo.

- Xây dựng bộ phận tư vấn học tập, tư vấn tâm lý (guidance, counselling) tại trường học đủ mọi cấp và cơ chế kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

 

 

Bài viết mới

Tin tức nổi bật