Một số biện pháp nhằm hoàn thiện văn hóa sư phạm của người giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay

Tóm tắt: Văn hoá sư phạm là những phẩm chất cơ bản của người giáo viên. Trong hoạt động sư phạm của họ, sự mẫu mực, tính mô phạm cao và cái đẹp của tấm gương nhân cách luôn quan hệ gắn bó không tách rời. Chính sự trong sáng đạo đức, lối sống, tâm hồn của người thầy sẽ có tác động sâu sắc đến người học. Mỗi giáo viên muốn thực hiện tốt, có hiệu quả chuyên môn của mình, trở thành những nhà sư phạm mẫu mực, đòi hỏi phải học tập, rèn luyện, tích luỹ mọi mặt, luôn có ý thức hoàn thiện, phát triển văn hoá sư phạm của mình ở mọi nơi, mọi lúc và bằng mọi con đường.

1. Quan niệm của người xưa về đạo đức của người thầy

Trải qua hơn một nghìn năm Bắc thuộc cũng như các triều đại phong kiến, nhà nước ta không có trường đào tạo nghề giáo viên cũng như ít có những luật lệ thành văn quy định phẩm chất của người thầy giáo trong xã hội. Việc học của con em hoàn toàn dựa vào thầy đồ, những người đỗ đạt ra làm quan (giáo quan), đạo sĩ hoặc do các nhà sư trong chùa đảm nhận. Nhưng không phải vì thế mà ai cũng có thể làm thầy được. Trong sự tôn vinh của dân tộc, người thầy được mệnh danh là: “Kỹ sư tâm hồn”, là tinh hoa của văn hoá, trí tuệ, là đại diện cho đạo đức của xã hội. Vì thế, người thầy dưới con mắt của nhân dân, phải là những người “đạo cao, đức trọng”, phải có những phẩm chất, năng lực nhất định mới có thể đảm nhận được công việc thiêng liêng là vun trồng nhân cách, tài năng của con người. Trong quan niệm của người xưa, người thầy phải đầy đủ những phẩm hạnh, những đức tính cao quý của bậc đại sư. Thầy được xếp thứ hạng trên cả cha trong phép Tam cương (Quân – Sư – Phụ) để dạy dỗ con người. Do đó, yêu cầu của xã hội đòi hỏi người thầy nhất thiết phải mẫu mực, có tấm lòng yêu thương con trẻ, sống chính trực, giản dị, khiêm nhường, bao dung, độ lượng song lại phải rất nghiêm khắc, cứng rắn trong việc hành xử, răn dạy học trò. Mọi sự dạy dỗ không nghiêm là do lỗi của thầy. Vì thế, người thầy có uy quyền rất lớn và rất “dữ đòn”. Chẳng thế mà, nhân dân đã đúc kết ra câu: “Thứ nhất hay chữ, thứ nhì dữ đòn” để nói về yêu cầu của một người thầy giáo.

Tuy không tìm được những đạo luật thành văn quy định về phẩm chất, đạo đức của người thầy giáo trong xã hội xưa, nhưng qua những tấm gương của những người thầy trong xã hội phong kiến như: Chu Văn An (thời Trần); Nguyễn Trãi (thời Lê); Nguyễn Bỉnh Khiêm (cuối thời Lê); Nguyễn Thiếp (thời Tây Sơn); Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Đình Chiểu… (thời Nguyễn)… Qua những tấm gương dạy dỗ của các thầy đồ, giáo quan, có thể khẳng định rằng đội ngũ giáo chức thời phong kiến không chỉ có tài năng mà còn có những phẩm chất đạo đức rất tốt đẹp. Họ sống cuộc đời thanh bạch bên cạnh sách đèn và bầy trẻ thơ, không thèm quan tâm đến lợi danh, chức vị. Bên cạnh khí tiết thanh cao, các thầy còn luôn biểu lộ tính cương trực, khẳng khái không sợ quyền thế, khinh ghét thói xiểm nịnh, a dua. Họ giữ được lòng trung nghĩa, chống lại mọi hành động xấu xa, cho dù có thể gây hoạ đến thân cũng cam lòng. Khi nước nhà bị xâm lăng, lòng cương trực, trọng nghĩa của nhiều thầy giáo đã bừng sáng lên thành lòng yêu nước thiết tha, thúc đẩy các thầy giáo xếp bút nghiên lên đường giết giặc. Đó là những thầy giáo như Chu Văn Lương (Thanh Hoá) đi theo quân đội nhà Trần kháng chiến chống quân Nguyên (thế kỷ XIII), là thầy Lê Văn Linh, làm tham mưu cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (thế kỷ XV); thầy Phạm Văn Nghị xung phong đem học sinh của mình từ Nam Định vào Huế để cùng triều đình đánh giặc… Và các thế hệ sau như thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Họ chính là những biểu trưng về nhân cách đạo đức sáng ngời của đội ngũ giáo chức Việt Nam.

Từ những tấm gương đạo đức của người thầy giáo thời kỳ phong kiến, chúng tôi đã suy nghĩ về văn hoá sư phạm và con đường để hoàn thiện văn hoá sư phạm của người giáo viên trong các trường cao đẳng, đại học hiện nay.

2. Xây dựng văn hoá sư phạm của đội ngũ giáo viên trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay

Văn hoá sư phạm của người giáo viên trước hết phải là văn hoá nhân cách cụ thể, mà đó chính là nhân cách của một người thầy - đang trực tiếp làm công tác giáo dục, đào tạo với mục đích phục vụ, cống hiến cho sự nghiệp trồng người của nước nhà.

Văn hoá sư phạm của người giáo viên được đánh giá bằng những tiêu chí cụ thể như: trình độ cao trong nắm vững kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo; kinh nghiệm sư phạm; nghệ thuật quản lý và giáo dục con người; chất lượng sản phẩm giáo dục (phẩm chất, năng lực của người học sau khi ra trường hoàn thành tốt được các mục tiêu, yêu cầu đã xác định).

Văn hoá sư phạm của người giáo viên được coi là một phức hợp các phẩm chất và năng lực của họ với tư cách là nhà sư phạm. Sự cấu thành đó được tạo nên bởi ba nhân tố: xu hướng sư phạm, tài nghệ sư phạm và phong cách sư phạm.

Xu hướng sư phạm có thể hiểu là xu hướng cơ bản của nhân cách người giáo viên, bao gồm trong đó một hệ thống những động cơ thúc đẩy tính tích cực trong hoạt động dạy học – giáo dục và nghiên cứu khoa học, quy định sự lựa chọn thái độ của nhà sư phạm đối với các công tác chuyên môn, nghề nghiệp.

Xu hướng sư phạm của người giáo viên chứa nhiều nội dung như niềm tin sư phạm, tình yêu nghề nghiệp, khát vọng tự hoàn thiện tài nghệ sư phạm, trong đó, niềm tin sư phạm có vai trò quan trọng bậc nhất của xu hướng sư phạm. Niềm tin sư phạm được biểu hiện ở sự tin tưởng vảo bản chất tốt đẹp của con người; hướng tới giá trị chân – thiện – mỹ trong mỗi con người, tin vào khả năng giáo dục và tự cải tạo của con người, của xã hội…

Tình yêu nghề nghiệp và con người của người giáo viên là đòi hỏi khách quan và phẩm chất cơ bản trong xu hướng sư phạm. Chỉ có lòng yêu nghề, yêu người mới tạo nên sự hứng thú, say mê trong công tác sư phạm, đem hết tinh thần và trách nhiệm để phấn đấu. Càng yêu nghề bao nhiêu, người giáo viên càng chuyên tâm trong sự nghiệp giáo dục, từ đó không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ và khả năng sư phạm, không được phép bằng lòng với chính mình.

Tài nghệ sư phạm của người giáo viên là tổng hợp của trình độ nắm kiến thức, khả năng tư duy, nghệ thuật tổ chức, kỹ năng, kỹ xảo thực hành phương pháp sư phạm và những phẩm chất cần thiết khác cho phép người giáo viên đạt hiệu quả cao trong công tác dạy học. Tài nghệ của người giáo viên là sự kết hợp nhuần nhuyễn của các nhân tố: hệ thống kiến thức chung và kiến thức nghề nghiệp; hệ thống kỹ xảo nghề nghiệp sư phạm; sự am hiểu sâu sắc tâm lý sinh viên, sự phát triển cao về tư duy sư phạm (óc quan sát tinh tế; có trí tưởng tượng  cao; nhanh nhạy trong giải quyết các tình huống sư phạm; có khả năng đề xuất những ý tưởng mới về công tác sư phạm…). Tài nghệ sư phạm của người giáo viên không chỉ thể hiện ở trình độ kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng; sự am hiểu tâm lý và trình độ tư duy sư phạm mà nó còn đòi hỏi cả tính tế nhị sư phạm và khả năng phối hợp nhịp nhàng giữa các hoạt động của người giáo viên.

Phong cách sư phạm của người giáo viên bao gồm những thành tố tạo nên nét đặc trưng, sự mẫu mực của người giáo viên. Trong hoạt động sư phạm của người giáo viên, sự mẫu mực, tính mô phạm cao và cái đẹp của tấm gương nhân cách luôn quan hệ gắn bó không tách rời. Chính sự trong sáng đạo đức, lối sống, tâm hồn của người thầy sẽ có tác động sâu sắc đến người học.

Tóm lại, văn hoá sư phạm là những phẩm chất cơ bản của người giáo viên. Mỗi giáo viên muốn thực hiện tốt, có hiệu quả chuyên môn của mình, trở thành những nhà sư phạm mẫu mực, đòi hỏi phải học tập, rèn luyện, tích luỹ mọi mặt, luôn có ý thức hoàn thiện, phát triển văn hoá sư phạm của mình ở mọi nơi, mọi lúc và bằng mọi con đường.

Để góp phần hoàn thiện văn hoá sư phạm cho người giáo viên trong các trường học cao đẳng, đại học hiện nay, chúng ta cần tập trung vào một số biện pháp như sau:

- Thông qua quá trình học tập, rèn luyện tại nhà trường:

Trong các nhà trường hiện nay, môi trường sư phạm là điều kiện rất thuận lợi để người giáo viên tiếp nhận những tri thức khoa học cơ bản, rèn luyện và hình thành kỹ xảo, kỹ năng sư phạm, nền tảng quan trọng giúp người giáo viên tích luỹ kinh nghiệm sư phạm. Để mỗi nhà trường thực sự là nơi đào tạo, rèn luyện, xây dựng đội ngũ giáo viên có trình độ văn hoá sư phạm đòi hỏi sự cố gắng từ hai phía. Trước hết, chúng ta phải xây dựng nhà trường thực sự là môi trường sư phạm mẫu mực để người học có điều kiện học tập, rèn luyện nâng cao trình độ văn hoá sư phạm của mình theo mục tiêu yêu cầu đào tạo. Từng bước điều chỉnh, đổi mới về nội dung, phương pháp, hình thức, phương tiện giáo dục phù hợp với sự phát triển chung của xã hội, nhà trường, khoa học giáo dục hiện đại. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hoá sư phạm cho đội ngũ giáo viên trong nhà trường vì đó chính là cơ sở để xây dựng và hình thành văn hoá sư phạm cho đội ngũ giáo viên trẻ tương lai và chất lượng giáo dục, đào tạo. Đối với mỗi người học, phải luôn xác định tốt nhiệm vụ, cố gắng vươn lên tích luỹ, rèn luyện kỹ xảo, kỹ năng sư phạm cho bản thân mình qua việc kết hợp chặt chẽ giữa việc tiếp thu, lĩnh hội kiến thức của đội ngũ giáo viên trong nhà trường và việc học hỏi ở bạn bè.

- Thông qua hoạt động tổ chức, kế hoạch của khoa, bộ môn, chuyên ngành của nhà trường:

Hiện nay, cùng với các chức năng khác, các khoa trong nhà trường được tổ chức theo chuyên ngành nhất định, có nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu, là nơi trực tiếp quản lý, rèn luyện và bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hoá sư phạm cho đội ngũ giáo viên, những người đang trực tiếp giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Để thực hiện tốt việc nâng cao trình độ văn hoá sư phạm cho giáo viên cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung như sau:

+ Điều chỉnh, bố trí giáo viên phù hợp với năng lực, sở trường, tính chất từng công việc.

+ Thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng, điều chỉnh, rút kinh nghiệm kịp thời trong quá trình tổ chức giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt cần chú ý rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo sư phạm cho đội ngũ giáo viên trong khoa. Cần có sự đổi mới, bám sát sự vận động, phát triển của xã hội để có sự bổ sung, điều chỉnh kịp thời trong hoạt động sư phạm. Luôn tạo điều kiện thuận lợi để người giáo viên có cơ hội tốt nhất trong việc rèn luyện, tự học tập, tự tích luỹ kinh nghiệm sư phạm để không ngừng phát triển và hoàn thiện văn hoá sư phạm theo chuyên môn. 

- Thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của cá nhân để rèn luyện, phát triển hoàn thiện văn hoá sư phạm.

Việc hoàn thiện trình độ văn hoá sự phạm của người giáo viên ngoài sự tác động của các yếu tố khách quan đòi hỏi mỗi giáo viên phải có sự năng động của bản thân trong quá trình hoạt động sư phạm. Chỉ có tích cực học tập, rèn luyện chiếm lĩnh tri thức khoa học và không ngừng trau dồi kỹ xảo, kỹ năng sư phạm thì mới hoàn thành hiệu quả công việc, nâng cao được trình độ văn hoá sư phạm của mình.

Tóm lại, quá trình xây dựng và hoàn thiện văn hoá sư phạm cho đội ngũ giáo viên trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay là sự tổng hợp của nhiều yếu tố. Quá trình này yêu cầu sự nỗ lực, cố gắng của cả tập thể nhà trường, trong đó, chính người giáo viên đóng vai trò quyết định. Mỗi giáo viên phải luôn xác định tốt vai trò quan trọng của sự nghiệp trồng người, chỉ có trình độ văn hoá sư phạm mới đáp ứng được sự nghiệp cao cả đó. Để phát huy tốt sự nỗ lực chủ quan vươn lên nâng cao trình độ văn hoá sư phạm đòi hỏi mỗi giáo viên phải không ngừng tự học hỏi kinh nghiệm sư phạm, tự lên kế hoạch, mục tiêu cụ thể cho việc rèn luyện và thường xuyên có sự kiểm tra, nhìn nhận lại trình độ tay nghề của bản thân để có sự điều chỉnh kịp thời, hợp lý.   

 

 

Bài viết mới

Tin tức nổi bật