MỘT SỐ GIẢI PHÁP KHAI THÁC GIÁ TRỊ DÂN CA VÍ, GIẶM NGHỆ TĨNH GẮN VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở NGHỆ AN VÀ HÀ TĨNH

TS.Phạm Thị Thanh Nga

Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An

TÓM TẮT

Là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, lịch sử, là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa nghệ thuật dân tộc đặc sắc, Nghệ An và Hà Tĩnh đang ngày càng chứng tỏ vị thế của mình, thu hút được khách thập phương tìm đến tham quan, du lịch. Những làn điệu dân ca Ví, Giặm đi cùng với các lễ hội đầu năm có một sự thích ứng đặc biệt. Để dân ca trở thành một sản phẩm du lịch bền vững, có sức lan tỏa tới du khách thập phương là vấn đề đáng quan tâm hiện nay của hai tỉnh. Trên cơ sở thực trạng hoạt động du lịch của địa phương trong thời gian vừa qua, bài viết nêu gợi một số giải pháp cơ bản góp phần khắc phục những hạn chế cuả việc đưa dân ca Nghệ Tĩnh vào trong hoạt động du lịch bền vững tại địa phương.

ABSTRACT

Some of solutions using Vi, Giam Nghe Tinh folk – song  in sustainable tourism development

Nghe An and Ha Tinh are revolition traditional, hystory lands, where conserved a lot of special cultural art heritages. Nghe An and Ha Tinh now are asserting themselve more and more, receiving many tourists from everywhere. Vi, Giam folk-songs and festivals… accord each other. Vi, Giam folk-songs becomes locality special tourism product is problem now. In this written papers, the writer has presented some solutions in using Vi, Giam Nghe Tinh folk – song  in sustainable tourism development.

 

1. Đặt vấn đề

Sau khi UNESCO vinh danh di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Chính phủ đã giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh theo đúng nội dung đã cam kết với UNESCO và chỉ đạo các địa phương Nghệ An và Hà Tĩnh cụ thể hóa những chương trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong cuộc sống cũng như đảm bảo sức sống của di sản trong tương lai. Việc đưa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào biểu diễn qua các chương trình du lịch là một trong những biện pháp tích cực nhằm thể hiện cam kết đó cũng như việc phát triển du lịch bền vững ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

2. Giá trị và vai trò của dân ca Ví, Giặm đối với phát triển du lịch bền vững ở Nghệ An và Hà Tĩnh

2.1. Giá trị của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

Được khởi nguồn từ cuộc sống, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là loại hình nghệ thuật độc đáo, ra đời cách đây hàng trăm năm, được sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động, sản xuất, sinh hoạt gắn với những không gian quen thuộc như ruộng đồng, sông núi, xóm làng,… với những ca từ giản dị, mộc mạc, đầy thổ ngữ nhưng phản ánh muôn mặt cuộc sống cũng như sự phong phú cung bậc cảm xúc, cốt cách của người dân Nghệ Tĩnh. Bởi lẽ xuất phát từ lao động, nên với mỗi một loại hình lao động tương ứng, dân ca Ví, Giặm đều có những làn điệu, câu hát với đặc trưng riêng, phù hợp với từng ngành nghề. Vì thế, dân ca Ví, Giặm khá đa dạng về thể loại, mỗi nghề nghiệp, mỗi công việc lao động đều có một loại hát riêng như hát Ví có Ví phường vải, Ví đò đưa,.. hát Giặm có Giặm kể, Giặm ru, Giặm vè,…

Dân ca Nghệ Tĩnh mà tiêu biểu là Ví, Giặm có những giá trị bền vững; qua thử thách của thời gian, các đặc trưng và giá trị của dân ca Nghệ Tĩnh vẫn được gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ bằng nhiều cách khác nhau. Cho đến nay dân ca vẫn đang hiện hữu, được yêu mến và đồng hành với cuộc sống, với con người và mảnh đất đã sinh ra nó; nó vẫn song tồn, “sống chung” với các loại hình nghệ thuật hiện đại khác trong một thế giới có nhiều biến đổi. “Cái đã làm cho dân ca Nghệ Tĩnh dù có nhiều thách thức và thăng trầm vẫn có được sức sống lâu bền như vậy là do dân ca Nghệ Tĩnh có giá trị nhân văn sâu sắc; có giá trị nghệ thuật độc đáo, phản ánh đậm nét bản sắc văn hóa địa phương. Ví, Giặm là sản phẩm tự cung tự cấp, là lời hát họ tạo ra tự trong tâm, cốt để cho mình và cho mọi người (cùng thụ hưởng), để vui đùa, giải trí, để giãi bày, thể hiện bản thân, để nói với lời trêu đùa tếu táo, thử tài thách đố… Người ta kí thác vào trong đó rất nhiều suy nghĩ, tình cảm, nhiều điều tâm niệm; có những lời nghiêm túc, nhưng cũng có những câu bông phèng, thông tục nhưng tất cả đều rất hồn hậu, dung dị như bản tính của người dân quê, thuần khiết như thuở đất trời còn nguyên sơ chưa có chút pha tạp nào”[1].

Lối hát của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vừa có thủ tục, quy cách cụ thể, vừa mang tính ngẫu hứng in đậm bản sắc của địa phương về âm vần, tiết tấu, giai điệu, ca từ một cách cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ hát. Nếu như hát Ví là cách hát tự do, không có tiết tấu từng khuôn nhịp và có thể co dãn tùy thuộc vào âm bằng trắc của ca từ một cách ngẫu hứng thì Giặm là thể hát nói, bằng thơ ngụ ngôn (thơ/ vè 5 chữ) thường có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh phách nhẹ, có nhịp nội nhịp ngoài.

2.2. Vai trò của dân ca Ví, Giặm đối với phát triển du lịch bền vững ở Nghệ An và Hà Tĩnh

Du lịch bền vững là du lịch giảm thiểu các chi phí và nâng cao tối đa các lợi ích của du lịch cho môi trường thiên nhiên và cộng đồng địa phương, và có thể được thực hiện lâu dài nhưng không ảnh hưởng xấu đến nguồn sinh thái mà  du lịch phụ thuộc vào. Phát triển du lịch bền vững không chỉ tập trung vào việc bảo vệ môi trường mà còn tập trung vào việc duy trì bản sắc văn hóa của địa phương và đảm bảo việc phát triển kinh tế, mang lại lợi ích công bằng cho các nhóm đối tượng tham gia.

Phát triển du lịch bền vững giúp bảo vệ môi trường sống. Vì bảo vệ môi trường sống không chỉ đơn giản là bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm sống trong môi trường đó, mà nhờ có việc bảo vệ môi trường sống mà con người được hưởng lợi từ đó: Không bị nhiễm độc nguồn nước, không khí và đất. Đảm bảo sự hài hòa về môi trường sinh sống cho các loài động thực vật trong vùng cũng là giúp cho môi trường sống của con người được đảm bảo.

Phát triển du lịch bền vững còn giúp phát triển kinh tế, ví dụ, từ việc khai thác các đặc sản văn hóa của vùng, người dân trong vùng có thể nâng cao đời sống nhờ khách du lịch đến thăm quan, sử dụng những dịch vụ du lịch  và sản phẩm đặc trưng của vùng miền, của vùng. Phát triển du lịch bền vững cũng giúp người làm du lịch, cơ quan địa phương, chính quyền và người tổ chức du lịch được hưởng lợi, và người dân địa phương có công ăn việc làm.

Phát triển du lịch bền vững còn đảm bảo các vấn đề về xã hội, như việc giảm bớt các tệ nạn xã hội bằng việc cung cấp công ăn việc làm cho người dân trong vùng. Ở một cái nhìn sâu và xa hơn, du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách có ý thức và khoa học, đảm bào cho các nguồn tài nguyên này sinh sôi và phát triển để thế hệ sau, thế hệ tương lai có thể được tiếp nối và tận dụng.

Trong thế giới hiện đại, khi cái ăn, cái mặc về cơ bản đã được đảm bảo, chất lượng sống tăng lên, phương tiện giao thông, thông tin ngày càng thuận lợi và nhanh chóng, xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, có tính toàn cầu hóa, thì những nhu cầu, khát vọng của con người cũng tăng lên, không gian sinh tồn giao lưu trở nên rộng mở hơn bao giờ hết. Du lịch chính là một trong những hoạt động khả dĩ có thể đáp ứng tối ưu các nhu cầu, khát vọng đó của con người. Du lịch là một phương cách để con người thoát khỏi cái hữu hạn của không gian và thời gian, mở ra chiều kích mới và nhiều triển vọng cho các hoạt động xã hội phục vụ con người. Nắm bắt được xu thế đó, quốc gia nào cũng có những chủ trương, chính sách phát triển hoạt động du lịch, xem đó như ngành kinh tế mũi nhọn - công nghiệp “không khói”, có khả năng phát triển đất nước giàu mạnh, bền vững, hội nhập sâu rộng...

Đưa dân ca vào trong hoạt động du lịch là một giải pháp có tính khả thi cao, lại đạt được nhiều mục đích: vừa bảo tồn, phát huy được dân ca lại vừa đạt được mục đích khuyếch trương, truyền bá dân ca sâu rộng; góp phần quan trọng làm cho ngành du lịch địa phương phát triển bền vững.

Trên cái nền của những lợi thế và tiềm năng về tự nhiên và con người, xứ Nghệ còn có những đặc sản độc đáo, riêng có, như: phong tục, ẩm thực, sản vật xứ Nghệ và nhất là dân ca Ví, Giặm… Tất cả phải tạo thành một nguồn lực mạnh, thương hiệu hấp dẫn, đủ sức thu hút đầu tư và du khách để góp phần thật rõ rệt vào việc đưa xứ Nghệ bứt tốc nhanh về kinh tế - văn hóa - xã hội trong chặng đường phía trước.                                         

3. Thực trạng khai thác giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào hoạt động du lịch bền vững ở Nghệ An và Hà Tĩnh

Xứ Nghệ (bao gồm hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh) là một vùng địa linh nhân kiệt, non nước hữu tình, hội đủ các điều kiện tự nhiên- xã hội để phát triển du lịch. Nơi đây có những địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách thập phương với những cảnh quan tự nhiên, như:  du lịch biển (Cửa Lò, bãi Lữ, Thiên Cầm, Xuân Thành), du lịch sinh thái (Pù Mát, Ngàn Trươi, Vũ Quang), du lịch nhân văn- tâm linh (các di tích lịch sử, khu lưu niệm, đền chùa: Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đền Cờn, Đền Quang Trung, Đền Hoàng Mười, Chùa Hương Tích) và tham gia các lễ hội (có khoảng khoảng 50 lễ hội chính thức: Hang Bua, Quả Sơn, Đền Cuông (Nghệ An), Đền Chiêu Trưng, Chùa Chân Tiên (Hà Tĩnh)... Các vùng của hai tỉnh còn có các sản vật nổi tiếng đã thành “thương hiệu”, như: cam Xã Đoài, bưởi Phúc Trạch, cháo lươn Hưng Nguyên, tương Nam Đàn, cu đơ Cầu Phủ, v.v...

Trong những năm qua, chính quyền và ngành du lịch hai tỉnh đã có những chủ trương, chiến lược và thực hiện việc phát triển du lịch địa phương bằng việc  đầu tư, khai thác các điểm du lịch và dịch vụ ở các địa phương khá tốt; đã và đang có kế hoạch liên kết phát triển du lịch Nam Nghệ- Bắc Hà, Nam Thanh- Bắc Nghệ; mô hình “Ba quốc gia- một điểm đến” (ý tưởng: một ngày đi đến ba nước: Việt - Lào -Thái, nghỉ ở một điểm), v.v...

Vào mùa xuân, du khách đến với Nghệ An, Hà Tĩnh, tìm về các lễ hội để thả hồn mình vào những làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng. Tại các lễ hội như Vua Mai, Hang Bua, đền Cuông, đền Cờn, đền Quả, chùa Hương…, không thể thiếu được những điệu hò, câu ví ngân vang. Ở Nam Đàn, từ lâu đã duy trì câu lạc bộ (CLB) dân ca trong phần hội của Lễ hội Vua Mai, ngoài việc lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc còn góp phần quảng bá dân ca tới du khách khi đến với lễ hội. Nếu như Nam Đàn là cái nôi của những làn điệu Phường vải thì mảnh đất Hoan Châu lại nức danh với “giáo phường đại hàng Kẻ Lứ”, nổi tiếng với làn điệu ca trù. Năm 2002, CLB ca trù Diễn Châu được thành lập, làm sống dậy cái hồn ca trù Kẻ Lứ nổi tiếng một thời, do thầy giáo Nguyễn Nghĩa Nguyên sáng lập và gây dựng. Vào dịp Rằm tháng 2 âm lịch, đến với đền Cuông, du khách thập phương được thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật ca trù của các hội viên CLB.... Ngược lên vùng miền núi phía Tây Nghệ An, du khách sẽ được “thưởng thức” câu hát khắp, xuôi, nhuôn tại lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu), lễ hội Pu Nhạ Thầu (Kỳ Sơn)... 

            Tại Hà Nội, CLB UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ được thành lập dưới sự tư vấn, chỉ đạo nghệ thuật của Trung tâm phát triển âm nhạc nghệ thuật Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn phát huy di sản dân ca xứ Nghệ. Chủ nhiệm CLB là chàng trai trẻ 9X Lê Thanh Phong, đến từ Nghệ An. Để quảng bá dân ca Ví, Giặm, Phong đã đứng ra tổ chức thành công triển lãm Ví, Giặm tại Hội chợ triển lãm nghệ thuật Hà Nội, thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ du khách tại Hồ Tây, đón các đoàn quốc tế đến xem biểu diễn tại đình Xuân La, Tây Hồ...

            Một trong những hoạt động cụ thể của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong việc bảo tồn, phát huy dân ca Ví, Giặm là việc quảng bá, đưa dân ca trở thành sản phẩm du lịch. Bằng chứng là đã tổ chức rất nhiều hội thảo về du lịch, trong đó có các hội thảo như Liên kết xây dựng sản phẩm du lịch các tỉnh Bắc miền Trung, Liên kết phát triển du lịch Thanh - Nghệ - Tĩnh... Tại các hội thảo ký kết hợp tác phát triển, xây dựng tour, tuyến du lịch thì vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch được đặc biệt quan tâm, đó là làm thế nào để dân ca trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Nghệ...

            Để dân ca trở thành sản phẩm du lịch, sắp tới, tại các hội chợ tổ chức vào cuối tháng 3 tại TP Hồ Chí Minh và đầu tháng 4 tại Hà Nội, bên cạnh triển lãm các sản phẩm, Trung tâm sẽ đưa các CLB dân ca do các doanh nghiệp thành lập đến biểu diễn nhằm giới thiệu rộng rãi hơn tới công chúng. Đồng thời, xu hướng trong tương lai sẽ xây dựng kinh phí thành lập các CLB dân ca để thường xuyên tham gia các buổi biểu diễn, nhất là vào thời điểm mùa du lịch tại Kim Liên (Nam Đàn), TX Cửa Lò, Công viên Trung tâm TP Vinh...

Việc khai thác dân ca Ví, Giặm vào hoạt động du lịch là một xu thế tất yếu của thời đại nhưng vấn đề là đưa di sản văn hóa này vào hoạt động du lịch như thế nào để có thể thực sự giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc trong hoạt động du lịch. Ngành du lịch tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá rộng rãi với nhiều du khách trong và ngoài nước về các di sản văn hóa nghệ thuật của dân tộc; góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân, trong đó có các nghệ nhân dân ca Ví, Giặm; kích thích thêm sự phát triển của học tập, kế thừa bảo tồn các loại hình nghệ thuật.

Bên cạnh những thành công, những kết quả đáng ghi nhận, trong thời gian vừa qua, hoạt động đưa dân ca vào biểu diễn phục du lịch xứ Nghệ vẫn còn nhiều hạn chế. Việc khai thác và biến dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh thành một sản phẩm du lịch một cách tùy tiện, thiếu cân nhắc, có thể dẫn tới nguy cơ làm sai lệch bản chất và hạ thấp giá trị của dân ca Ví, Giặm.

Qua tìm hiểu các chương trình du lịch ở các công ty du lịch, các đơn vị kinh doanh lữ hành trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, chúng tôi nhận thấy, không có đơn vị nào thiết kế hay tổ chức một chương trình du lịch mang tính chuyên sâu lấy dân ca Ví, Giặm làm trọng tâm; chưa có công ty du lịch nào xem dân ca Ví, Giặm là một điểm nhấn thật sự trong hoạt động kinh doanh của mình. Các công ty du lịch cho chúng tôi biết hiện nay họ đang gặp khó khăn về nguồn lực, về nhân sự đủ khả năng để thiết kế các chương trình du lịch mang tính chuyên sâu quảng bá đầy đủ những giá trị nghệ thuật của loại hình dân ca này.

Ngay chính địa phương hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng chưa chú trọng việc phát triển nghệ thuật dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào hoạt động du lịch. Hiện nay, những biện pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật dân ca Ví, Giặm chưa được quan tâm đúng mức, công tác triển khai thiếu đồng bộ. Nghệ nhân dân ca Ví, Giặm phần lớn đều nghèo, nghề nghiệp không thể nuôi sống bản thân và gia đình nên rất ít người chấp nhận “dấn thân” theo đuổi. Việc truyền nghề và “giữ lửa” nghệ thuật dân ca Ví, Giặm cũng ngày càng bị mai một vì sự thiếu ưu ái của xã hội, trong khi những trường lớp đào tạo chính quy loại hình nghệ thuật này như Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nguyễn Du, Hà Tĩnh không thu hút được thí sinh đến học. Việc thiết kế chương trình dân ca Ví, Giặm phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, không gian biểu diễn, trang phục biểu diễn, chế độ thù lao… vẫn còn nhiều bất cập.

Qua thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An, hiện nay những địa phương có nghệ thuật dân ca Ví, Giặm phát triển, số nghệ nhân giỏi nghề, chơi đúng bài bản, phong cách nhạc Ví, Giặm chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa số vẫn còn ở trình độ “có hiểu, biết”. Các nghệ nhân lớn tuổi, ca giỏi ở địa phương hầu hết đều đã qua đời. Mặt khác, dân ca Ví, Giặm chủ yếu tồn tại ở dạng tự thân vận động, Nhà nước chưa có nhiều chính sách đãi ngộ, chưa có nhiều chương trình đào tạo bài bản, có hệ thống, nên sự mai một nghề nghiệp của loại hình này là điều không tránh khỏi.

Trong quá trình vận động và phát triển của đời sống kinh tế, văn hóa xã hội, phần lớn các làng nghề truyền thống trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh bị tác động ghê gớm, dẫn đến co hẹp hoặc biến đổi, tiêu vong. Thực trạng đó tác động khá sâu sắc đến không gian văn hóa sinh tồn của di sản này. Và điều đó chắc chắn là điều bất lợi khi chúng ta muốn đưa dân ca là sản phẩm du lịch độc đáo.

4. Một số giải pháp khai thác giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh gắn với việc phát triển du lịch bền vững ở Nghệ An và Hà Tĩnh

Có thể thấy rõ vai trò và tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững trong chính sách phát triển bền vững ở Nghệ An và Hà Tĩnh cũng như các vùng miền khác trên đất nước. Phát triển du lịch bền vững để có thể đạt được đòi hỏi rất nhiều công sức và sự làm việc nghiêm chỉnh trong lúc thực hiện, đặc biệt đối với hai tỉnh còn nghèo và còn nhiều phụ thuộc như Nghệ An và Hà Tĩnh.

a/ Các cơ quan chức năng tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh

Hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cần mở lớp dạy dân ca Ví, Giặm miễn phí cho lực lượng hoạt động dân ca Ví, Giặm trong các địa phương. Đưa Dân ca Ví, Giặm vào truyền dạy trong các trường học. Đầu tư kinh phí để đào tạo lớp sinh viên ngành Kịch hát dân tộc ở các trường Văn hóa Nghệ thuật ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Dành thời lượng nhiều hơn đối với việc truyền dạy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cho sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạcHướng dẫn viên Du lịch. Phát động cuộc thi sáng tác lời mới cho dân ca Ví, Giặm, sưu tầm các bài bản gốc, các bài viết – nghiên cứu có giá trị in thành tập sách phổ biến cho phong trào.

Xây dựng chương trình dân ca Ví, Giặm biểu diễn trên sân khấu, trong các lễ hội, thu các bài Ví, Giặm vào đĩa CD, DVD cung cấp cho các CLB, đội, nhóm dân ca Ví, Giặm trong tỉnh và phổ biến rộng rãi trong phong trào. Tổ chức “Liên hoan dân ca Ví, Giặm” trên sóng phát thanh – truyền hình. Hỗ trợ kinh cho các đội dân ca Ví, Giặm tiêu biểu trong tỉnh. Xây dựng các cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động dân ca Ví, Giặm gắn với hoạt động du lịch…

Cần bám sát và triển khai kịp thời chủ trương của các cấp chính quyền và ngành đối với việc khai thác các giá trị truyền thống địa phương phục vụ cho hoạt động du lịch.

Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá vai trò, các đặc điểm nổi trội và các giá trị tiêu biểu của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh với tư cách là sản phẩm văn hóa tinh thần vô cùng quý báu của đất nước và con người xứ Nghệ; đề ra các giái pháp có tính chiến lược nhằm phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa truyền thống nói chung, dân ca Ví, Giặm nói riêng trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Đặc biệt là xây dựng kế hoạch, chương trình đưa dân ca vào các hoạt động du lịch như là một điều kiện hoạt động và tiêu chí xếp loại du lịch của địa phương.

b/. Các cơ sở kinh doanh du lịch tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh

Để tiếp tục tìm biện pháp nâng cao chất lượng đưa dân ca Ví, Giặm phục vụ khách du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch cần triển khai nhanh chóng một số việc như: thiết kế chương trình dân ca Ví, Giặm phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, thiết kế không gian biểu diễn, trang phục biểu diễn, tính cộng đồng trong biểu diễn, giao lưu của nhóm biểu diễn với du khách, nội dung các bài ca, chế độ thù lao cho người biểu diễn…

Các chương trình phải thật sự có chất lượng, chiều sâu, mang tính dân tộc. Tuy nhiên phải đòi hỏi sự gần gũi và dễ hiểu, dễ cảm nhận. Tùy vào từng đối tượng du khách mà có những chương trình phù hợp với thực tế.

Không gian biểu diễn, trang phục biểu diễn: Không gian dùng để biểu diễn cần phải thoáng đãng, thoải mái, tạo sự thích thú cho du khách. Không cần cầu kỳ trong cách sắp xếp bố cục sân khấu, giúp cho khán giả và người nghệ nhân, nghệ sỹ biểu diễn có sự gần gũi và gắn kết với nhau trong suốt buổi biểu diễn.

Giao lưu của nhóm biểu diễn với du khách: Khác với những loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, nghệ thuật dân ca Ví, Giặm có sự giao lưu giữa người biểu diễn với người nghe, trong quá trình biểu diễn nên tạo cho du khách sự giao lưu, tạo cho họ sự hứng khởi để cùng tham gia hòa mình cùng không khí của buổi gặp gỡ và thưởng thức.

Nội dung các bài ca nên có sự thay đổi cho phù hợp với hiện thực cuộc sống. Bên cạnh những bài ca đã được công nhận do những nghệ nhân để lại, nên có những đổi mới để thu hút nhiều đối tượng du khách.

Chế độ thù lao: Nên có những chế độ hỗ trợ cho các nghệ nhân, nghệ sỹ biểu diễn dân ca Ví, Giặm. Hiện nay những nghệ nhân, nghệ sỹ biễu diễn vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ xứng đáng với công sức của họ. Điều đó cũng gây khó khăn cho những người trực tiếp tham gia biểu diễn và góp phần tạo sự thu hút đến du khách.

Các công ty, doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần có sự mạnh dạn trong việc đưa các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân ca Ví, Giặm vào chương trình của công ty mình, biến những chi tiết phụ trở thành điểm thu hút chính đối với du khách. Phải có sự phối hợp với địa phương và các cơ sở kinh doanh du lịch tạo nên một hệ thống: Công ty tìm nguồn khách – cơ sở kinh doanh giới thiệu nghệ thuật dân ca Ví, Giặm đến du khách – địa phương hỗ trợ để những họat động trên phát triển một cách đồng bộ có hiệu quả và phải có sự phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ.

Khách nội địa: Du khách đến và cảm nhận một cách gần gũi nhất những nét đặc sắc mà sâu lắng của loại hình nghệ thuật đã được đúc kết và lưu giữ qua biết bao thế hệ con người Nghệ Tĩnh. Đó là tinh túy của cả một vùng đất, là đại diện cho khí chất con người Việt Nam hiền hòa, yêu chuộng hòa bình và cuộc sống giản dị bên cạnh sự sôi nổi của cuộc sống hiện đại ngày nay.

Khách quốc tế: Tại các điểm du lịch du khách ngoại quốc, đa phần không nghe được lời Việt, nhưng với sự diễn tả điệu bộ, nét mặt vui, buồn, trầm lắng của những nghệ nhân, cộng với âm điệu ngọt ngào của từng điệu nhạc làm họ cũng say sưa thưởng thức và khen ngợi, để lại trong lòng những ấn tượng khó phai.

       5. Kết luận

Đối với hoạt động du lịch, chúng ta phải tìm ra cái độc đáo, cái riêng có, cái ấn tượng để đáp ứng nhu cầu của khách một cách tốt nhất.  Nhiều du khách, nhất là khách nước ngoài, có xu hướng thích tìm hiểu, khám phá tự nhiên (du lịch sinh thái), trở về với nguồn cội, cổ xưa và tâm linh (du lịch nhân văn)... Cho nên, những sản phẩm thuộc đặc sản, bản sắc địa phương có khả năng thu hút, lôi cuốn khách du lịch rất lớn. Cùng với việc khai thác các giá trị của cảnh quan tự nhiên (biển, sông, núi, hang động) và các giá trị của sáng tạo vật chất nhân tạo (đền, chùa, lăng tẩm, nhà hàng, khách sạn, sản vật, thời trang, ẩm thực) phục vụ cho hoạt động du lịch, thì ngày nay, ngành du lịch, các địa phương cũng đã và đang tích cực khai thác giá trị văn hoá truyền thống  (như: múa rối nước, trang phục, nhạc cụ, lễ hội, phong tục các dân tộc thiểu số) vào trong các tour du lịch, các điểm tham quan, du lịch. Dân ca các vùng miền cũng đi theo hướng này và nhiều loại hình dân ca đã khai thác khá thành công. Vùng miền nào, địa phương nào tổ chức dịch vụ tốt, biết khai thác những đặc sản, vốn liếng đó thì du lịch vùng đó có cơ hội phát triển, thu hút du khách.

Thiết nghĩ, trên cái nền của những lợi thế và tiềm năng về tự nhiên và con người, xứ Nghệ còn có những đặc sản độc đáo, riêng có, như: phong tục, ẩm thực, sản vật xứ Nghệ, cùng với dân ca Ví, Giặm… Tất cả phải tạo thành một nguồn lực mạnh, thương hiệu hấp dẫn, đủ sức thu hút đầu tư và du khách để góp phần thật rõ rệt vào việc đưa xứ Nghệ bứt tốc nhanh về kinh tế- văn hóa- xã hội trong chặng đường phía trước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phan Mậu Cảnh (2016), Một số giải pháp đưa dân ca vào phục vụ hoạt động du lịch ở địa phương, bàn về trường hợp dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Vhna.edu.vn.

2. Quyết định số 2468/QĐ-TTg, ngày 29-12-2015 của Thủ tướng Chính phủ

 phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.

3. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An (2012), Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca ví, giặm xứ Nghệ (nhiều tác giả), Nxb Nghệ An.

4. Tổng cục Du lịch, Báo cáo kết quả điều tra cập nhật số liệu nguồn nhân lực du lịch Việt Nam các năm 2000, 2005, 2009.

5. Tổng cục Du lịch, Số liệu thống kê chủ yếu ngành Du lịch giai đoạn 2000 -2012, NXB Thanh Niên.                                                                                   

Bài viết mới

Tin tức nổi bật