MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ GIẢNG DẠY MÔN VĂN HÓA VIỆT NAM Ở TRƯỜNG CĐ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT NGHỆ AN

 

Hiện nay trong chương trình đào tạo các ngành trình độ cao đẳng ở Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, học phần Cơ sở Văn hóa Việt Nam là một môn học thuộc nhóm kiến thức đại cương và cơ sở ngành, nhằm trang bị cho người học những kiến thức cơ bản và có hệ thống về cơ sở hình thành, quá trình hình thành và các đặc trưng bản sắc của văn hóa truyền thống Việt Nam – những yếu tố chi phối đến sự hình thành thói quen, lối sống, phong tục, tập quán, cách tư duy và ứng xử của người Việt xưa và nay.

Môn học này nhằm trang bị cho người học những kiến thức nền tảng về văn hóa nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng, giúp người học nhận thức được vai trò của văn hóa trong sự phát triển toàn diện và bền vững của xã hội, khi nhân tố quyết định của sự phát triển là con người, mà nội lực chi phối mọi hành vi của con người lại là nhân cách văn hóa – nơi hội tụ của các năng lực trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm của con người.

Về phương diện kiến thức chuyên môn, đối với các ngành đào tạo nghệ thuật và văn hóa, du lịch của nhà trường, các kiến thức, hiểu biết về văn hóa và văn hóa Việt Nam giúp người học có thể phân tích, lý giải và đánh giá các sự kiện, các vấn đề văn hóa – xã hội và nghệ thuật đã và đang diễn ra trong thực tiễn đời sống liên quan đến các lĩnh vực hoạt động chuyên ngành Nhạc, Họa, Du lịch...

Vì những lẽ trên, trong việc giảng dạy môn Cơ sở văn hóa Việt Nam cho sinh viên ở trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An hiện nay, chúng tôi luôn ý thức và quán triệt sâu sắc việc gắn kết các kiến thức văn hóa Việt Nam với kiến thức về âm nhạc, mỹ thuật, du lịch, quản lý văn hóa... Cụ thể là:

- Trang bị cho sinh viên những tri thức về văn hóa ứng xử trong đời sống hiện đại.

- Giúp người học ý thức được mối quan hệ giữa các thành tố văn hóa như văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức đời sống tập thể, đời sống cá nhân, văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội... Mối quan hệ giữa tiểu thành tố như âm nhạc, hội họa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, lễ hội; giúp sinh viên biết vận dụng những kiến thức về văn hóa Việt Nam vào việc lý giải những vấn đề trong thực tiễn như văn hóa biểu diễn, văn hóa ứng xử với du khách, tâm lý du khách...

- Trong quá trình dạy, bản thân giảng viên luôn tìm đến các giáo viên chuyên ngành âm nhạc, mỹ thuật, du lịch để hiểu thêm về kiến thức chuyên ngành sâu. Thậm chí, chúng tôi còn tiếp nhận ở sinh viên nhiều kiến thức chuyên ngành. Bởi mục đích của chúng tôi là muốn gắn kiến thức học phần Cơ sở văn hóa Việt Nam với kiến thức chuyên môn của các em. 

Do đó, trong nhiệm vụ và mục tiêu đào tạo của nhà trường, cùng với việc truyền thụ kiến thức chuyên môn, chúng ta không nên coi nhẹ việc trang bị cho sinh viên mảng kiến thức này. Việc giáo dục văn hóa ứng xử của người Việt để khi ra trường sinh viên biết thực hiện các công việc chuyên môn một cách có văn hóa, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội; để họ không chỉ trở thành những nhân tố đại diện cho cộng đồng mà còn có vai trò giáo dục, nêu gương, “hướng đạo”, có ý thức và trách nhiệm trong việc xây dựng một xã hội có nền văn hóa tích cực, lành mạnh. Vấn đề càng có ý nghĩa thiết thực và cấp bách hơn khi trong bối cảnh hiện nay, văn hóa ứng xử trong xã hội ta còn nhiều tiêu cực, biểu hiện ở thói quen không tuân thủ pháp luật, coi thường pháp luật, lách luật, lối ứng xử tùy tiện với pháp luật… đang tồn tại khá phổ biến và biểu hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phức tạp.

Trong khi truyền thụ kiến thức môn học, chúng tôi đã thực hiện sự liên hệ, gắn kết với kiến thức chuyên ngành Nhạc, Họa, Du lịch, Quản lý văn hóa... Chúng tôi đã làm rõ mối liên hệ giữa các thành tố văn hóa cũng như các loại hình nghệ thuật. Làm rõ mối liên hệ giữa các thành tố văn hóa với kinh tế, với du lịch... Nhận diện những đặc trưng của văn hóa Việt Nam hiện nay trong sự kết nối với các đặc trưng văn hóa truyền thống.

Học truyền thống để hiểu hiện nay là nguyên tắc luôn được chúng tôi quán triệt khi cung cấp cho sinh viên những hiểu biết về các đặc trưng bản sắc của văn hóa truyền thống trong sự liên hệ, kết nối với thực tiễn văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, trong đó dành sự quan tâm đặc biệt hơn đối với lĩnh vực âm nhạc, hội họa, du lịch, quản lý văn hóa... Cụ thể là, qua các bằng chứng thực tế giúp người học nhận thức được bức tranh văn hóa quốc gia hiện nay giúp lý giải nguyên nhân của thực trạng này. Bởi vậy, khi phân tích những đặc trưng của văn hóa truyền thống, cần phải giúp người học liên hệ, kết nối, tìm ra cái mạch ngầm chi phối từ nền tảng văn hóa truyền thống đến văn hóa ứng xử hiện đại với trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực.

- Đồng thời, chúng tôi cũng làm rõ sự tác động của văn hóa nông nghiệp lúa nước đến âm nhạc, hội họa, nghệ thuật biểu diễn truyền thống, văn hóa làng xã... Trước hết, nói đến văn hóa Việt Nam là nói đến văn hóa làng xã, với đặc trưng nổi trội là tính gắn kết cộng đồng vô cùng bền chặt, được hình thành trên nền tảng của hai mối quan hệ: huyết thống (Một giọt máu đào hơn ao nước lã) và láng giềng (Bán anh em xa mua láng giềng gần). Tính cộng đồng đã in đậm dấu ấn trong tâm lý, tính cách, trong bản sắc văn hóa Việt Nam, chi phối đến đời sống và các quan hệ ứng xử của người Việt xưa và nay với cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Việc coi cộng đồng, coi trọng tình cảm dẫn đến nghệ thuật thanh sắc, nghệ thuật ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình... Việt Nam mang tính biểu cảm cao.

Cuộc sống cộng đồng ở làng xã đã tạo ra sự đoàn kết gắn bó, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, đó là ngọn nguồn của nếp sống “trọng tình” trong truyền thống ứng xử của người Việt, đó cũng là một nét nổi trội trong đặc trưng văn hóa truyền thống Việt Nam. Cả cuộc đời và qua nhiều đời, người dân quê Việt Nam chỉ làm ăn, sinh sống ở làng, mọi người hiểu nhau rành rẽ, thân quen, gắn bó với nhau từ tấm bé với hai mối quan hệ giằng chéo bền chặt là huyết thống và láng giềng “Hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau”. Yếu tố duy tình - lối sống giàu tình cảm, trọng tình nghĩa là một nét đẹp trong truyền thống của dân tộc. Truyền thống đó tạo ra cuộc sống hoà thuận, lấy tình nghĩa làm đầu; tình cảm trở thành thước đo giá trị trong mọi hành vi ứng xử của con người. Cũng do lối sống nông nghiệp quần cư, khép kín sau lũy tre làng dựa trên các mối quan hệ thân tộc, láng giềng cùng với nền sản xuất nhỏ tự cung tự cấp khiến cho các quan hệ xã hội thuần nhất, có tính ổn định cao.

Tất cả những nội dung đó được phản ánh rất rõ qua hội họa dân gian, hình thức diễn xướng dân ca, thơ ca dân gian... Vì quan hệ trong làng như một đại gia đình, ở đó lợi ích của một người gắn với lợi ích của cộng đồng, “phúc cùng hưởng, họa cùng chịu” nên khi có điều gì không hay xảy ra người ta không muốn “vạch áo cho người xem lưng” để khỏi “xấu chàng hổ ai”, từ đó đã hình thành nguyên tắc ứng xử tất yếu là phải che chắn, bảo vệ, “đóng cửa bảo nhau”, “tốt khoe, xấu che” cũng được phản ánh qua nghệ thuật ngôn từ dân gian...

- Trong quá trình giảng dạy, việc gắn kết các kiến thức văn hóa Việt Nam với kiến thức chuyên ngành âm nhạc, hội họa... cần được thực hiện linh hoạt cho phù hợp với từng đối tượng người học theo từng ngành học để có những liên hệ phù hợp thì mới tạo được hiệu quả thiết thực.

Tóm lại, để thực hiện có hiệu quả việc gắn kết giữa môn Cơ sở văn hóa Việt Nam (cũng như các môn khoa học cơ bản nói chung) với kiến thức chuyên ngành, đòi hỏi giáo viên phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về âm nhạc, hội họa cũng như phải tích cực tham dự các hội thảo, tọa đàm khoa học về các vấn đề trên để bổ sung kiến thức nghệ thuật cũng như phải cập nhật thường xuyên các thông tin về thực tiễn hoạt động nghệ thuật, giảng dạy nghệ thuật, quản lý văn hóa, du lịch ... trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng để làm cho các nội dung giảng dạy được phong phú, sinh động, có tính thực tiễn và sức thuyết phục cao.

 

Bài viết mới

Tin tức nổi bật