VAI TRÒ CỦA LỄ HỘI CỔ TRUYỀN TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN ĐẠI

Việt Nam chúng ta là một nước đa dân tộc có văn hóa riêng, phong phú. Các giá trị văn hóa ấy đã được bảo lưu từ đời này qua đời khác. Một trong các giá trị văn hóa ấy nằm trong các lễ hội truyền thống. Lễ hội truyền thống thường gắn liền với các trò chơi dân gian. Có những lễ hội mang tính chất vùng miền và cả nước như: lễ hội cầu mùa (miền Bắc); lễ hội cầu ngư (ven biển miền Trung); lễ hội Bà Chúa xứ (miền Nam)... Ngoài ra còn rất nhiều lễ hội tưởng niệm ngày sinh, ngày mất của các vị Thành hoàng làng xã trên khắp đất nước ta. Chính vì thế, lễ hội truyền thống của Việt Nam đã diễn ra khắp mọi nơi, mọi lúc. Nó đem cái hay, cái đẹp của quá khứ đến cho hiện tại, tạo nên sức mạnh cho tương lai. Lễ hội truyền thống là một trường chơi bình đẳng, mọi người đều coi mình là con Lạc cháu Hồng, là con cháu của thần thánh, được thần thánh che chở ban phúc lộc. Cũng chính vì thế, lễ hội truyền thống được mọi người hào hứng tham gia, ai cũng muốn hóa thân cuồng nhiệt để tham gia.

Lễ hội là một hình thức tổng hòa văn hóa nghệ thuật dân gian và hiện đại, có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch cũng như một số ngành nghề khác. Lễ bao gồm những yếu tố thiêng, mang tính tâm linh. Nghi lễ, lễ thức, cách thức hành xử của con người và cộng đồng đối với tiền nhân, thần linh, tổ tiên, được bộc lộ không chỉ ở tầng cao của văn hóa tâm linh mà còn ở tầng vật chất chứa đựng những biểu tượng tâm linh đó (những nghi thức hành lễ, rước xách, cờ quạt, võng lọng, kiệu, đồ thờ, vật cúng...). Trong lễ hội, khoảng không gian và lượng thời gian dành cho lễ bao giờ cũng hẹp và ít hơn hội, song, tính thiêng trong lễ lại là nền tảng để quyết định sự tồn tại của lễ hội. Nó là yếu tố tạo tiền đề cho loại hình du lịch cội nguồn, du lịch hành hương, du lịch tâm linh. Không có phần lễ, cũng như việc thực hành nghi lễ một cách nghiêm ngặt, người dự hội sẽ không vươn lên được tầng văn hóa tâm linh, tôn nghiêm, linh thiêng và thoát tục. Có thể thấy, phần lễ bắt đầu từ những biểu tượng, không gian, sự tích về nhân vật được thờ… mang tính thiêng, đến những chi tiết cụ thể, biểu hiện qua hành động (rước xách, cúng bái...), vật thể (cờ, kiệu, đồ thờ, vật dâng cúng...) có tính trần thế. Lễ song hành, hòa tụ với hội trong từng môi cảnh, không gian, thời gian nhất định, tạo quan hệ vừa đối sánh, vừa kết hợp, để lễ hội diễn ra trên tinh thần cộng đồng, cộng mệnh, cộng cảm.

Bên cạnh lễ trang nghiêm, hoạt động hội gồm sinh hoạt bách hý, vui chơi, thể thao, văn hóa, nghệ thuật, thông tin... dưới dạng các trò diễn, trò chơi dân gian và nhiều hình thức khác. Hội mang lại không khí rộn rã, trở thành bộ phận không thể thiếu của lễ hội ở Việt Nam.

Tuy còn tồn tại rất nhiều vấn đề liên quan, từ những chuẩn mực và lệch chuẩn, tín ngưỡng và mê tín... nhưng lễ hội vẫn luôn được nhận định là một nguồn suối trong lành về mặt tâm linh cũng như đời thường đối với bất kỳ một nhân cách nào dù là người tổ chức, người tham gia hay khách hành hương. Đây chính là yếu tố quan trọng để hình thành và phát triển du lịch tâm linh ở nước ta. Du lịch tâm linh là một dạng thức đặc thù của du lịch văn hóa, mà tiêu biểu là hành trình về với di sản, di tích, danh thắng lễ hội thiêng liêng, nổi tiếng của quốc gia hay thế giới. Đây là những môi trường đặc thù cả về vật thể và phi vật thể, vừa hấp dẫn, vừa tạo niềm tin cho du khách. Bên cạnh những cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng nổi tiếng, thì lễ hội cổ truyền là địa điểm và môi trường đáp ứng tốt nhất cho việc khai mở, phát triển các tuyến, tour du lịch tâm linh. Hơn nữa, thực tế cho thấy, dù lễ hội hòa đồng, gắn kết với các di tích, danh thắng, di sản tôn giáo, tín ngưỡng ở cấp độ hay quy mô nào, cũng là những lễ hội vừa thiêng liêng, nghiêm cẩn, vừa thư giãn, vui vẻ.

 

Bài viết mới

Tin tức nổi bật