Các lễ hội truyền thống ở ven biển duyên hải Nghệ An

Lễ hội Cầu Ngư Sơn Hải

Tổ chức vào ngày 12 và 13 tháng Giêng, tại xã Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu). Đây là một lễ hội truyền thống thể hiện bản sắc văn hóa tâm linh đang được ngư dân vùng biển Quỳnh Lưu bảo tồn, giữ gìn và phát huy.Theo phong tục, lễ hội cầu ngư trước đây được tổ chức vào hai ngày mồng 6 và mồng 7 tháng Giêng âm lịch. Nhưng do điều kiện thực tế hiện nay, thời gian tổ chức lễ hội không còn bắt buộc và cố định về ngày giờ nữa. Căn cứ vào con nước lên xuống, cứ trúng vào ngày nào con nước lên to nhất, tàu thuyền có thể ra khơi xa được trong tháng Giêng thì ngày đó ngư dân sẽ tổ chức lễ hội cầu ngư.

Đây là một lễ hội có truyền thống từ xa xưa, nguồn gốc ra đời rất ít người biết đến, người dân Sơn Hải chỉ nghe các cụ kể lại rằng: Thời xưa đây là một lễ hội có tính chất và quy mô hoành tráng nhất nhì so với các địa phương xung quanh, nhưng lễ hội này đã có một thời gian gần 50 năm bị thất truyền. Vì vậy, ngày nay để khôi phục tổ chức lại lễ hội này, cán bộ và nhân dân xã Sơn Hải đã phải bỏ ra nhiều công sức nghiên cứu, điều tra và sưu tầm ở một số lễ hội khác. Từ đó dần dần nâng cấp và hoàn thiện, tạo cho nó một dấu ấn, đặc trưng riêng.

Lễ hội gồm có 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ cầu ngư, lễ đại tế, lễ tạ tại các điểm rước kiệu qua như đình Trung, đền Thơi, Đài tưởng niệm, Chùa Thanh Sơn.

Phần hội bao gồm các hoạt động văn hoá văn nghệ và hai đoàn rước kiệu. Trong đó một đoàn đi theo đường thuỷ gồm 7 thuyền lớn được trang trí lộng lẫy đi từ Đình Trung đến Đền Thơi, một đoàn rước theo đường bộ sẽ rước kiệu từ Đình Trung xuống Đền Thơi. Sau đó, hai đoàn sẽ tập trung làm lễ tại chùa Thanh Sơn và quay trở lại Đình Trung. Các đoàn thể khi tham gia sẽ mặc trang phục thể hiện đặc trưng riêng của đoàn thể mình.

Lễ hội Cầu Ngư của người dân Sơn Hải, thể hiện ước muốn được mùa màng bội thu, khai thác đánh bắt hải sản thuận lợi, thu được nhiều lợi nhuận…

Lễ hội Đền Cờn

Đền Cờn thuộc địa phận xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Hội đền trước đây thường được tổ chức 15 tháng chạp đến hết tháng giêng âm lịch hàng năm, để tưởng nhớ đức Thánh Mẫu, tứ vị Thánh Nương - nữ thần bảo vệ và phù hộ cho dân làm ăn thịnh vượng và vượt qua hiểm nguy, đã nhiều lần giúp đỡ cho đội quân nhà Trần, nhà Lê vượt biển bình an.  Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, lễ hội đền Cờn không còn được duy trì, mãi đến năm 1998 mới được khôi phục lại, đây là một trong những lễ hội tuyền thống văn hoá lớn của xứ Nghệ. Ngày nay lễ hội được tổ chức vào ngày 21 tháng giêng âm lịch hàng năm.

Lễ hội đền Cờn chính thức được tổ chức vào ngày 21 tháng giêng, nhưng bắt đầu từ mồng 1 tết Nguyên đán hàng năm, lễ hội mở màn bằng những đoàn thuyền du xuân trang trí cờ hoa cùng với tiếng chiêng trống ầm vang. Đến ngày hội chính thức sẽ diến ra một trận thuỷ chiến giả có quân xanh, quân đỏ giao chiến trên một giải núi non hiểm trở kéo dài 10km từ làng ói về đền Cờn. Những trai đinh khoẻ mạnh, đóng khố, đầu chít khăn thủ rìu khác nhau để phân biệt là người của đội nào. Khi lâm trận họ phải mang theo vũ khí là đòn khiêng, dây chạc… trận giả này cứ 3 năm một lần gắn liền với truyền thuyết dựng đền. Đây chính là nét riêng nghi lễ và tín ngưỡng văn hoá đền Cờn.

Trong trò chơi trận giả còn có trò chơi “ Chạy ói “. Đám rước chạy ói gồm có 4 kiệu, 4 ngai, 4 tàn, 4 quạt khởi hành từ đêm. Sáng ra lại đi tiếp 4 kiệu, 2 voi, 2 ngựa, cùng đi theo đoàn rước có đoàn cờ, nhạc Bát âm, đoàn cầm đồ Bát bửu nghi trượng, đội nữ quan, đội nữ tướng. Chỉ huy đám rước là người đứng đầu 4 giáp và 1 vị thủ chỉ. Ngoài đám rước, trên bọ có đoàn thuyền 16 chiếc xếp thành chữ Nhất xuất phát từ bến đền đi theo sông ra biển men theo bờ tiến về đền Quy Lĩnh ở Quỳnh Lương. Hai đoàn rước liên lạc với nhau để khi qua Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng và cùng lúc tới Quỳnh Lương. Khi đám rước xuống Phú Lương, đến Quy Lĩnh, dân ở hai làng Phú Lương - Phương Cần gây xô xát và cùng hô “ Xô bề cá ông về với bà “. Sau đó làng Phú Lương làm lễ khuất lưu, làng Phương Cần làm lễ Phụng Nghinh. Xong lễ, đoàn rước khứ hồi lại đền Cờn. Lễ vật hiến tế lớn: 5 trâu, 5 lợn, 5 bò, 5 dê, gà, xôi, rượu vào mồng 6 tháng giêng. Sáng ngày mồng 7 tế bánh. Toàn bộ dân đình Phương Cần góp 1 đinh 2 chiếc bánh chưng, từ ngày 17 đến ngày 22 đại tế tam sinh như ngày mồng 6.

Người dân ở đây tin rằng năm nào Giáp Tam (đội 3) thắng trò chơi chạy ói thì năm đó biển lặng sóng yên, sản xuất mùa màng tốt tươi, thuyền chài kéo được nhiều tôm cá, đời sống no đủ.

Trong quá trình tổ chức lễ hội tại đền, các khu vực ngoài đền, sân đình, chùa, đền, bến sông tổ chức các trò chơi dân gian như: đua thuyền, đấu vật, kéo co, đánh cờ người,cờ thẻ, bài điểm, chơi đu, chọi gà, biểu diễn tuồng, hội hát ca trù…

Sau nghi lễ và các trò chơi hội là lễ cúng tế mang đậm nét dân gian, thể hiện tín ngưỡng của người dân địa phương như: lễ cầu yên, cầu tài, cầu lộc, lễ tạ ơn, bốc xăm, xem quẻ…

Lễ hội đền Cờn được xem là lễ hội truyền thống ở xứ Nghệ, nó đã có rất lâu đời từ thời Trần đến thời Nguyễn đều tổ chức lễ hội này, nó không chỉ còn là lễ hội của xã mà trở thành lễ hội của vùng, của tỉnh và cả nước.

Lễ hội đền Vạn Lộc

Diễn ra vào 2 ngày 15 và 16 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, nhưng lễ chính thường diễn ra 3 năm một lần vào năm (Tí, Ngọ, Mão, Dậu ) gọi là “ lễ cầu phúc” hay còn gọi là “ lễ cầu yên “, để tưởng nhớ công ơn Thái uý Quận công Nguyễn Sư Hồi (Con trai Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí) - người giúp dân khai hoang lập nên làng Vạn Lộc xưa, Cửa Lò nay và cầu cho sóng yên, biển lặng, cư dân ra khơi đánh bắt được nhiều tôm cá, mùa màng bội thu góp phần xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội đền thờ Vạn Lộc gồm có 2 phần: Phần lễ và phần hội:

Phần lễ bao gồm: Lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ xuất thần, lễ khai hội, lễ rước, lễ yên vị, lễ đại tế (lễ kỳ phúc, lễ kỳ yên ), lễ tạ. Nhìn chung trình tự phần lễ cũng diễn ra như ở các di tích khác: lau chùi, tẩy uế các hiện vật, đồ tế khí trong đền. Báo cáo với các thần linh xin pháp được mở hội, kính mời thần linh về dự lễ hội để ban phước lành cho sóng yên, biển lặng, dân khang, vật thịnh, ngư dân ra khơi vào lộng được an toàn… sau khi tiến hành xong các phần lễ thì tổ chức làm lễ yên vị và lễ tạ.

Riêng phần lễ rước ở lễ hội đền Vạn Lộc có phần khác so với các lễ hội khác. Sáng ngày16 tháng giêng, vào khoảng lúc 3h sáng tiến hành làm lễ xuất thần với nội dung: Xin các vị thần nghênh giá tiến hành lễ diễu hành ra tại sân đền tham gia khai mạc lễ hội. Sau khi tham dự xong lễ khai hội thì tiến hành lễ rước, tổ chức các đoàn rước như sau:

Tốp 1: Đội múa lân và trống nhạc.

Tốp 2: Đội cờ: cờ tổ quốc và cờ hội.

Tốp 3: Kiệu ảnh Bác.

Tốp 4: Kiệu bằng Di tích Lịch sử Văn hoá.

Tốp 5: Đội bát bửu - ngựa - hạc.

Tốp 6: Kiệu rồng có ngai thờ Thái uý Quận Công Nguyễn Sư Hồi (có Tàn lọng)

Tốp 7: Chiêng trống đại.

Tốp 8: Cờ thượng đẳng thần, cờ anh linh vạn cổ, hương án bày lễ vật, bát hương.

Tốp 9: Mâm ngũ quả.

Tốp 10: Đại biểu, nhân dân, du khách…

Đặc điểm riêng trong lễ rước là các dòng họ có nhà thờ ở dọc đường đoàn rước đi qua (ở phường Nghi Tân có 71 dòng họ) và các gia đình hai bên đường đều mang bát hương, một ít vàng mã, hoa quả,... trước cổng nhà mình để cầu lộc, cầu may.

Đường đi của đoàn rước: Xuất phát từ đền Vạn Lộc, đoàn rước đi lên khối 6, rẽ qua UBND phường Nghi Tân - quay về khối 4 - sau đó trở về đền . Mỗi khi đến gần một hương án dòng họ, đoàn rước lại đi chậm lại để đại diện dòng họ dâng hương, bái vọng và đội sư tử lại múa trò, còn đội trống thì biểu diễn múa, đánh tróng và đoàn rước tiếp tục đi.

Sau khi đoàn rước về đến đền thì ban nghi lễ và ban tổ chức vào làm lễ xin vào đền xong khi đó đoàn rước mới được vào, sau đó cử hành lễ yên vị.

Tiếp đến là lễ đại tế (lễ cầu yên, cầu phúc) đây là lễ chính được tiến hành từ khoảng 19h đến hết các thủ tục tế trong đêm. Ban hành lễ gồm có: 1 đại bái, 2 bồi tụng, chấp sự mỗi bên 5 người; 2 đội trống chiêng, bát âm; 2 vị thông xướng (đông xướng, tây xướng ) để hô hiệu lệnh.

Các bước hành tế được tiến hành theo đúng nghi thức truyền thống . Trong nội dung lễ có phần quan trọng là đọc chúc văn của đền và đọc văn thúc ước của làng. Trong khi tế, lúc đọc chúc văn, cũng như dâng hương, dâng rượu đều có nhạc bát âm, chiêng trống đệm vào làm cho không khí trang nghiêm, linh thiêng.

Phần hội: Trong lễ hội đền Vạn Lộc tổ chức nhiều trò chơi mang tính truyền thống cũng như hiện đại như: Chọi gà, đánh cờ người, bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá, cắm trại, thi văn nghệ… nhưng có lẽ trò chơi sôi nổi và cuốn hút nhiều người tham gia cũng như người xem đó chính là: đua thuyền truyền thống. Dưới sông thuyền đậu dọc đường đua, cờ đỏ, cờ hội, phấp phới. Trên bờ cả dãy dài người xem chật cứng, tiếng hò reo cổ vũ vang động cả một quãng sông. Các làng trong phường Nghi Tân  chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền trước đó một tháng; mỗi làng chuẩn bị một thuyền đua, một đội đua với những tay chèo khoẻ mạnh, có nhiều kinh nghiệm. Lễ hội đua thuyền trở thành hoạt động văn hoá tinh thần lôi cuốn tất cả các thành viên trong phường tham gia.

Lễ hội du lịch Cửa Lò

 

Lễ hội diễn ra vào hai ngày 30/4 và 01/5 hàng năm. Ngành văn hoá du lịch Nghệ An phối hợp cùng các cấp ngành ở Thị xã Cửa Lò tổ chức lễ hội Du lịch Cửa Lò kết hợp với lễ hội sông nước truyền thống trên cơ sở lễ hội đền Vạn Lộc, tạo ra một nét văn hoá độc đáo kết hợp giữa truyền thống và hiện đại mở đầu cho mùa du lịch tại vùng biển Cửa Lò.

Phần lễ: Nó cũng bao gồm các phần lễ từ lễ khai quang, lễ yết cáo… đến khi xong thì có lễ tạ, tất cả đều diễn ra tại đền Vạn Lộc. Riêng lễ rước kiệu xuất phát từ đền Vạn Lộc rước về Quảng trường Bình Minh - Trung tâm của thị xã Cửa Lò đã thu hút hàng vạn người xem. Cấu trúc của đoàn rước không có gì thay đổi so với cấu trúc đoàn rước ở lễ hội đền Vạn Lộc, nhưng thời gian tiến hành lễ rước từ buổi chiều đi quanh Thị xã qua các trục đường chính đóng trên địa bàn với đoàn rước có đến hàng nghìn người tham gia, với đầy đủ chiêng trống, đội múa lân, kiệu rước được trang trí lộng lẫy, cờ hoa rợp trời, áo quần sặc sỡ,… Đoàn rước thu hút sự tham gia của đông đảo du khách tạo nên một không gian văn hoá đa chiều để lại nhiều ấn tượng trong suốt mùa lễ hội.

 

Phần hội: Được tổ chức rất sôi nổi với nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao như: Chương trình văn nghệ “ Nối vòng tay biển” do các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp biểu diễn, đốt pháo bông; bóng chuyền bãi biển, kéo co, cầu lông, Tennít, chọi gà, cờ người, trưng bày ảnh các Di tích lịch sử, thắng cảnh của Cửa Lò và Nghệ An trong quá trình chiến đấu và xây dựng quê hương …trước khi diễn ra lễ hội giữa các khách sạn còn tổ chức hội thi văn hoá ẩm thực, thi đầu bếp, lễ tân giỏi… và một hoạt động đặc biệt không thể thiếu trong lễ hội du lịch Cửa Lò hàng năm đó chính là hội đua thuyền truyền thống thu hút hàng vạn người xem và cổ vũ náo nhiệt. Hội đua có sự hội tụ của các tay chèo từ phường, xã có nghề biển, có năm mời cả huyện bạn như Hưng Nguyên, Diễn Châu,tỉnh bạn  Thừa Thiên, Huế cũng tham gia. Mỗi thuyền thường có 20 tay chèo và một người cầm chịch thường gõ trống hoặc thổi còi để làm hiệu lệnh. Khu vực đua thuyền là bãi biển phía trước Quảng trường Bình Minh với đường đua dài 1000m, có tàu Hải quân trực bảo vệ và cứu hộ. Cuộc đua không những làm sống lại một nét đẹp văn hoá truyền thống của người dân biển mà còn trở thành một hoạt động văn hoá du lịch đặc sắc trên bãi biển Cửa Lò.

MC

Bài viết mới