Nghiệm thu đề tài khoa học “Động cơ học tập của sinh viên Sư phạm Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An - thực trạng và phương hướng giáo dục”

Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2020, sáng ngày 10 tháng 12 năm 2020, Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học khoa Lý luận đại cương, Trường CĐ VHNT Nghệ An tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học “Động cơ học tập của sinh viên Sư phạm Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An - thực trạng và phương hướng giáo dục” của Th.S Lê Hồng Lợi, giảng viên khoa Lý luận đại cương. Trong đề tài của mình, ThS Lê Hồng Lợi đã đề cập đến những vấn đề sau:

1.Cơ sở lý luận tâm lý học về động cơ và động cơ học tập

2.Thực trạng và nguyên nhân về động cơ học tập của sinh viên sư phạm ở Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An

3. Phương hướng và con đường giáo dục động cơ học tập cho sinh viên sư phạm

Trong sự nghiệp giáo dục, đội ngũ nhà giáo giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo chất lượng. Do đó, đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ hoạt động đào tạo nghề của nhà trường sư phạm nhằm phát triển năng lực sư phạm, nhân cách sinh viên sư phạm (SVSP), chuẩn bị cho họ bước vào cuộc sống hoạt động nghề nghiệp có hiệu quả. Muốn vậy cần nghiên cứu phát hiện ra thuộc tính, quy luật phát triển tâm lý, nhân cách của SVSP diễn ra trong hoạt động đào tạo của nhà trường.

Hoạt động học tập là hoạt động chủ đạo của lứa tuổi học sinh, sinh viên, nó có ý nghĩa quyết định đối với sự biến đổi các quá trình tâm lý và đặc điểm nhân cách của lứa tuổi này. Trong đó, động cơ học tập (ĐCHT) là yếu tố tâm lý quan trọng.

Tìm hiểu ĐCHT thực chất là tìm hiểu nội dung nhu cầu, hứng thú, mục đích đã dự định, kết quả học tập mà chủ thể mong đợi và xác định được những nguyên nhân ẩn sau hoạt động kích thích chủ thể tích cực học tập, ảnh hưởng đến kết quả học tập. Cho đến ngày nay, người ta không nghi ngờ về vai trò, chức năng thúc đẩy của động cơ (ĐC), tuy nhiên vấn đề về khái niệm, đặc điểm, cấu trúc, phân loại vẫn còn tiếp tục phải bàn luận. Vì vậy, trong đề tài nghiên cứu của mình, tác giả đã khái quát lại lý luận về động cơ và ĐCHT.

Trong các yếu tố bên ngoài, giáo dục của nhà trường có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển tâm lý, động cơ, nhân cách của SVSP. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều nhà trường chưa làm thỏa mãn được nhu cầu học tập của sinh viên, chưa kích thích được tối đa động cơ học tập của họ. Một bộ phận sinh viên sư phạm ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An (CĐVHNT NA) chưa tích cực nỗ lực trí tuệ, chưa vượt khó để tìm kiếm tri thức khoa học và rèn luyện kỹ năng. Một số ít còn thể hiện tinh thần hoang mang, chán nản trong học tập… Có lẽ nguyên nhân sâu xa do họ thiếu các ĐCHT có liên quan trực tiếp với hoạt động học tập, học nghề. Nguyên nhân có thể do sinh viên chưa nhận thức đúng, đủ về ĐCHT? Mặt khác, có thể do giáo dục của nhà trường chưa hình thành được ĐCHT đích thực cho các em? …

Trên đây, có thể thấy, vấn đề ĐCHT của sinh viên sư phạm có ảnh hưởng lớn đến nhân cách nghề nghiệp và kết quả học tập, rèn luyện của họ trong nhà trường. Mục đích nghiên cứu của đề tài là làm sáng tỏ một số đặc điểm cơ bản của ĐCHT ở SVSP; Đề xuất một số phương hướng giáo dục ĐCHT cho SVSP; Kiểm định các tác động sư phạm nhằm tăng cường các ĐCHT liên quan trực tiếp với hoạt động học tập, học nghề để làm tích cực hóa mạnh mẽ, bền vững hoạt động học tập của SVSP, góp phần hình thành nhân cách SVSP và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Đối tượng và khách thể nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu: Động cơ học tập của sinh viên sư phạm. Khách thể khảo sát là: 39 sinh viên Khoa Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mĩ thuật các khóa: K51, K52, K53 Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An. Phạm vi nghiên cứu: Phát hiện một số đặc điểm cơ bản của ĐCHT ở SVSP Trường Cao đẳng văn hóa Nghệ thuật Nghệ An. Ý nghĩa và điểm mới của đề tài: Góp phần làm sáng tỏ cơ sở lý luận của ĐCHT, các đặc điểm của ĐCHT; Góp phần tác động đến ý thức của SVSP về động cơ, thái độ học tập. Đồng thời cũng giúp cho giảng viên có ý thức tìm hiểu ĐCHT của sinh viên để tổ chức dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động nhận thức của sinh viên có hiệu quả. Để thực hiện đề tài này, tá cgiả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu:

- Phương pháp nghiên cứu văn bản nhằm khái quát cơ sở lý luận của vấn đề nghiên cứu

- Phương pháp quan sát nhằm thu thập nguồn tài liệu nghiên cứu ĐCHT

- Phương pháp điều tra bằng phiếu hỏi

- Phương pháp phân tích hoạt động

- Phương pháp thống kê

Qua nghiên cứu đề tài, tác giả đã rút ra một số kết luận và kiến nghị như sau:

1. Kết luận:

- ĐC là một trung tâm của cấu trúc nhân cách: ĐC là những cái trở thành yếu tố tâm lý hướng dẫn, thúc đẩy con người tích cực hoạt động đạt mục đích nhất định. ĐCHT là thành tố quan trọng bậc nhất, là yếu tố tâm lý hướng dẫn và thúc đẩy chủ thể tích cực học tập lĩnh hội tri thức, kỹ năng kỹ xảo, phát triển trí tuệ, hình thành phát triển nhân cách

- Thực trạng về ĐCHT của sinh viên sư phạm Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An:

+ Ý thức ĐCHT của bản thân đa số SV đã phát triển tương đối cao cả mặt nhận thức lẫn thái độ, song chưa ổn định, mặt nhận thức về ĐC thể hiện mạnh hơn cảm xúc và độ mạnh một số ĐC chưa hợp lý.

+ Ở đa số SV, một số ĐC liên quan trực tiếp đến hoạt động học tập, học nghề, nhất là ĐC lĩnh hội phương pháp học và ĐC cảm xúc còn yếu

+ Cấu trúc ĐCHT của SVSP gồm các ĐC liên quan trực tiếp và không liên quan trực tiếp đến hoạt động học tập, học nghề, nhưng ở đa số SV, khuynh hướng ĐC ưu thế chưa thể hiện rõ.

+ Trong quá trình học tập, cả ý thức lẫn độ hiệu lực của ĐCHT ở SVSP biến đổi chư nhiều. ĐC cảm xúc với chính quá trình học tập, ĐC lĩnh hội phương pháp học tập và ĐC học nghề vẫn chưa phát triển cao.

· Trên cơ sở lý luận và thực trạng đó, tác giả đã đề xuất một số phương hướng giải pháp giáo dục ĐCHT cho SVSP:

+ Muốn giáo dục ĐCHT cho SV cần phải hiểu được ĐCHT của họ. Giảng viên cần phát hiện ĐCHT của SV để tiến hành giáo dục ĐCHT cho họ một cách tương ứng

+ Tác động vào nhận thức và thái độ của SVSP để hình thành mặt ý thức về ĐCHT, nhất là ĐC liên quan trực tiếp với hoạt động học tập, học nghề ở bản thân SVSP.

+ Hình thành, phát triển ĐCHT, tăng cường các Đc có liên quan trực tiếp đến hoạt động nhận thức, nhất là ĐC học nghề và ĐC cảm xúc với quá trình học tập. Đồng thời hạn chế các ĐC có tính chất và nội dung âm tính, làm cho nhóm ĐC I chiếm vị trí chủ đạo trong cấu trúc ĐCHT của SVSP.

+ Hình thành ĐCHT và động cơ hóa hoạt động học tập của SV thông qua đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, phương pháp rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập.

2.  Kiến nghị:

+ Đặc biệt chú trọng đổi mới cách tổ chức, phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động nhận thức- học tập- nghiên cứu, học – lao động nghề để SV hứng thú với phương pháp lĩnh hội, phương pháp rèn luyện tay nghề, nhằm hình thành năng lực tự học và năng lực sư phạm cho SVSP. Từng bước đổi mới đồng bộ phương thức đào tạo SV sư phạm của nhà trường nhằm mục đích đào tạo nghề sư phạm có hiệu quả cho SV theo hướng gắn chặt chẽ giữa tri thức khoa học giáo dục với tri thức về nghệ thuật, giữa tri thức chuyên nghành với tri thức nghiệp vụ sư phạm, giữa chương trình dạy học ở nhà trường với trường phổ thông, trường mầm non.

+ Để phát triển ĐC thực tiễn, ĐC nghề nghiệp ở SVSP cần phối hợp chặt chẽ với các trường phổ thông cơ sở và mầm non có chất lượng cao trên địa bàn để tổ chức sớm, thường xuyên, hấp dẫn và có hiệu quả hoạt động thực hành sư phạm cho SV. Muốn vậy, trong quá trình đào tạo SV, giảng viên cần chú trọng bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm, năng lực và hứng thú nghề nghiệp nói chung, năng lực hướng dẫn, tổ chức lao động sư phạm cho SV sư phạm nói riêng.

+ Nhà trường cần chú trọng xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh; Tăng cường các quan hệ giao tiếp sư phạm trong và ngoài nhà trường; Tổ chức các hoạt động tập thể vừa tác động vào nhận thức, thái độ học tập, thái độ nghề nghiệp, vừa tạo cơ hội cho SVSP tự khẳng định vị thế xã hội và nghề nghiệp của bản thân.

 

 

 

 

 

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an