Quyết định về việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù

UBND TỈNH NGHỆ AN

TRƯỜNG CAO ĐẲNG VHNT

=====˜&™=====

Số:41/2016/QĐ-HT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-------o0o-------

Vinh, ngày 18 tháng 01 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên

các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù

 

HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG VHNT NGHỆ AN

 

- Căn cứ Quyết định số 1507/QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 23/3/2004 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thành lập Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An;

- Căn cứ Quyết định số 82/2005/QĐ-TTg, ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với HSSV các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật;

- Căn cứ Quyết định số 41/2014/QĐ-TTg, ngày 21/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với HSSV các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật;

- Xét đề nghị của Phòng Công tác học sinh, sinh viên.

 

QUYẾT ĐỊNH

 

Điều 1: Đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi

Quyết định này quy định chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên học các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù, gồm: thanh nhạc; nhạc hơi; nghệ thuật biểu diễn dân ca; biểu diễn nhạc cụ truyền thống; nhạc dây; nhạc gõ; múa; chuyên ngành mỹ thuật.

Điều 2: Chế độ giảm học phí

Học sinh, sinh viên học các chuyên ngành: nghệ thuật biểu diễn dân ca; biểu diễn nhạc cụ truyền thống; múa được giảm 70% học phí.

Điều 3: Chế độ bồi dưỡng nghề

1. Học sinh, sinh viên các chuyên ngành: thanh nhạc; nhạc hơi; nghệ thuật biểu diễn dân ca; biểu diễn nhạc cụ truyền thống; múa được hưởng chế độ bồi dưỡng nghề hàng tháng bằng 40% giá trị suất học bổng loại khá tính theo chuyên ngành HSSV đang theo học.

2. Học sinh, sinh viên chuyên ngành mỹ thuật được hưởng chế độ bồi dưỡng nghề hàng tháng bằng 30% giá trị suất học bổng loại khá tính theo chuyên ngành HSSV đang theo học.

3. Học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhạc dây; nhạc gõ được hưởng chế độ bồi dưỡng nghề hàng tháng bằng 20% giá trị suất học bổng loại khá tính theo chuyên ngành HSSV đang theo học.

Điều 4: Phương thức chi trả chế độ bồi dưỡng nghề

1. Học sinh, sinh viên nhận chế độ bồi dưỡng nghề vào cuối mỗi học kỳ, (mỗi học kỳ tính 5 tháng).

2. Đối với các chuyên ngành: thanh nhạc; nhạc hơi; ngành nhạc dây; nhạc gõ; mỹ thuật, trong học kỳ, nếu hàng tháng HSSV có ít hơn 10 ngày thực học thì học kỳ đó HSSV sẽ được nhận 50% mức bồi dưỡng nghề theo quy định.

Điều 5: Chế độ trang bị học tập

Trang bị học tập của HSSV các chuyên ngành: múa; mỹ thuật; nghệ thuật biểu diễn dân ca; biểu diễn nhạc cụ truyền thống được cấp phát 1 năm 1 lần bằng hiện vật, cụ thể:

1. Đối với chuyên ngành múa: 01 bộ quần, áo vải cho múa dân gian; 01 bộ quần áo thun cho múa ba-lê; 04 đôi giày ba-lê mềm và 04 đôi giày ba-lê cứng; 09 đôi tất.

2. Đối với chuyên ngành mỹ thuật: 01 quần yếm (tạp dề); 02 đôi găng tay; 02 khẩu trang cho HSSV học đồ họa và điêu khắc.

3. Đối với các chuyên ngành: nghệ thuật biểu diễn dân ca; biểu diễn nhạc cụ truyền thống: 02 bộ quần áo tập; 04 đôi giày vải; 07 đôi tất.

Điều 6: Phương thức cấp trang bị học tập cho học sinh, sinh viên

1. Các khoa căn cứ thực tế học tập của HSSV các chuyên ngành trong năm học và lập kế hoạch mua sắm trang bị cho cả năm phù hợp với yêu cầu chuyên môn, đảm bảo đồng bộ, tiết kiệm, hiệu quả.

2. Dựa vào khung giá của các trang bị ở Điều 5, các khoa lập dự toán kinh phí (không vượt quá tổng kinh phí và số lượng từng loại trang bị được quy định ở Điều 5 đối với từng chuyên ngành).

3. Sau khi trình Ban giám hiệu phê duyệt, các khoa đặt mua trang thiết bị và làm thủ tục nhập kho tại Phòng Tổ chức-Hành chính-Tổng hợp. Quản lý kho có trách nhiệm ghi chép đầy đủ sau đó phối hợp với khoa để cấp phát cho các lớp theo kế hoạch.

4. Các trang bị học tập được cấp từ đầu học kỳ 1 và dùng cho cả năm học. Nếu bị mất hoặc hư hỏng Nhà trường sẽ không cấp bổ sung.

Điều 7: Tổ chức thực hiện

1. Phòng Công tác HSSV có trách nhiệm tham mưu chế độ giảm học phí và chế độ bồi dưỡng nghề cho HSSV đúng với quy định.

2. Các khoa có liên quan: Khoa Âm nhạc; Khoa Mỹ thuật; Khoa Nghiệp vụ Văn hóa và Du lịch có trách nhiệm lập kế hoạch, tham mưu cho Ban giám hiệu về mua sắm trang bị học tập cho HSSV theo quy định ở Điều 5, Điều 6.

3. Phòng Tổ chức - Hành chính - Tổng hợp có trách nhiệm hướng dẫn các thủ tục mua sắm, thanh toán, quyết toán và lưu kho cấp phát trang thiết bị học tập.

4. Các khoa, phòng, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.              

Nơi nhận:                                                                            HIỆU TRƯỞNG

- Ban giám hiệu;

- Các khoa, phòng, trung tâm                                                    (Đã ký)

và đơn vị trực thuộc;

- Lưu                                                                              PGS.TS Phan Mậu Cảnh

 

 

Bài viết mới