Quyết định số 743/2016/QĐ-HT ngày 08/11/2016 về việc thực hiện chế độ trợ cấp xã hội

QUYẾT ĐỊNH

Về việc thực hiện chế độ trợ cấp xã hội cho học sinh, sinh viên

 

HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG VHNT NGHỆ AN

 

- Căn cứ Thông tư liên tịch số 53/1998/TTLT/BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 25/08/1999 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập;

- Căn cứ Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21/02/2001 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh mức học bổng chính sách và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường đào tạo công lập quy định tại Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ;

- Xét đề nghị của Phòng Công tác học sinh - sinh viên;

 

QUYẾT ĐỊNH

 

Điều 1. Đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội

1. Học sinh, sinh viên là người dân tộc ít người ở vùng cao (người dân tộc ít người ở vùng cao là người dân tộc ít người liên tục sống ở vùng cao hoặc có hộ khẩu thường trú ở vùng cao ít nhất từ 3 năm trở lên tính đến thời điểm vào học tại trường đào tạo). Khu vực vùng cao được công nhận tại các Quyết định sau của Ủy ban Dân tộc:

+ Quyết định số 21/UB-QĐ ngày 26/01/1993;
+ Quyết định số 33/UB-QĐ ngày 4/6/1993;
+ Quyết định số 08/UB-QĐ ngày 4/3/1994;
+ Quyết định số 64/UB-QĐ ngày 26/8/1995;
+ Quyết định số 42/UB-QĐ ngày 23/05/1997;
+ Quyết định số 68/UBQĐ ngày 09/08/1997;
+ Quyết định số 26/1998/QĐ-UB ngày 18/03/1998;
+ Quyết định số 363/2005/QĐ-UBDT ngày 15/08/2005;
+ Quyết định số 172/2006/QĐ-UBDT ngày 07/07/2006;
+ Quyết định số 01/2007/QĐ-UBDT ngày 31/5/2007;
+ Quyết định số 61/QĐ-UBDT ngày 12/03/2009.

2. Học sinh, sinh viên là người mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa, không có người đỡ đầu chính thức, không có nguồn chu cấp thường xuyên.

3. Học sinh, sinh viên là người tàn tật theo quy định của Nhà nước tại Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 là những người gặp khó khăn về kinh tế, khả năng lao động bị suy giảm từ 41% trở lên do tàn tật, được Hội đồng y khoa có thẩm quyền xác định.

4. Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế, vượt khó học tập là những người mà gia đình thuộc diện xoá đói giảm nghèo.

Điều 2. Mức trợ cấp xã hội

1. Mức 140.000 đồng/tháng: Áp dụng đối với sinh viên là người dân tộc ít người thường trú tại khu vực vùng cao.

2. Mức 100.000 đồng/tháng: Áp dụng đối với các đối tượng còn lại.

3. Trợ cấp xã hội được cấp 12 tháng, được thực hiện 2 lần trong năm học: Lần 01 cấp cho 06 tháng vào tháng 10 hoặc tháng 11 hàng năm; lần 02 cấp cho 06 tháng vào tháng 3 hoặc tháng 4 năm sau.

Ngoài ra, học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội nếu kết quả học tập và rèn luyện đạt từ mức khá - giỏi trở lên thì ngoài mức trợ cấp xã hội được cấp hàng tháng còn được nhận thêm phần thưởng khuyến khích học tập lấy từ kinh phí chi cho học bổng với các mức cụ thể như sau:

- Bằng 30% mức học bổng khuyển khích học tập toàn phần nếu đạt loại khá;

- Bằng 80% mức học bổng khuyển khích học tập toàn phần nếu đạt loại giỏi;

- Bằng 120% mức học bổng khuyển khích học tập toàn phần nếu đạt loại xuất sắc.

Điều 3. Trình tự, thủ tục và hồ sơ

Học sinh, sinh viên thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội phải làm đơn xin hưởng trợ cấp xã hội (theo mẫu đơn quy định của Nhà trường) và tùy theo từng đối tượng được hưởng trợ cấp để nộp thêm các giấy tờ theo quy định, cụ thể như sau:

a. Đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc ít người ở vùng cao.

+ Bản sao công chứng giấy khai sinh.

+ Bản sao công chứng sổ hộ khẩu gia đình, kèm theo bản gốc để kiểm tra đối chứng.

b. Đối với học sinh, sinh viên là người mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa.

+ Giấy xác nhận sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa do Cơ quan thương binh xã hội cấp huyện, thị xã cấp, trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban nhân dân xã (phường, thị trấn) nơi sinh viên cư trú, kèm theo bản gốc để kiểm tra đối chứng.

c. Đối với học sinh, sinh viên là người tàn tật theo quy định hiện hành.

+ Biên bản giám định của Hội đồng Y khoa có ghi rõ tỉ lệ % về khả năng lao động bị suy giảm, kèm theo bản gốc để kiểm tra đối chứng.

+ Giấy xác nhận của UBND xã/phường/thị trấn về hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

d. Đối với học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, vượt khó học tập:

+ Giấy chứng nhận hộ nghèo do UBND cấp xã xác nhận.

Học sinh, sinh viên thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội chỉ phải nộp 01 bộ hồ sơ lần đầu cho cả khóa. Riêng trường hợp học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo thì hàng năm phải nộp bổ sung giấy chứng nhận hộ nghèo (nếu có) để làm căn cứ xét chế độ trợ cấp xã hội cho học kỳ tiếp theo.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Phòng Công tác học sinh, sinh viên có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn cụ thể cho học sinh, sinh viên về việc thực hiện chế độ trợ cấp xã hội; tổ chức thu nhận hồ sơ, đối chiếu, thẩm định và chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ; tổng hợp, lập danh sách đối tượng được hưởng chế độ, trực tiếp tham mưu Ban giám hiệu ký các quyết định cấp chế độ; thông báo thời gian chi trả chế độ trợ cấp đảm bảo cho học sinh, sinh viên được hưởng chế độ theo đúng quy định.

2. Bộ phận Tài vụ có trách nhiệm phối hợp phòng Công tác HSSV tổng hợp và xây dựng dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện chi trả chế độ trợ cấp cho học sinh, sinh viên theo Quyết định của Ban giám hiệu Nhà trường.

Điều 5. Các ông bà trưởng, phó khoa, đơn vị trực thuộc và các lớp học sinh, sinh viên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Bài viết mới