Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Âm nhạc có tác động mạnh mẽ tới tâm tư, tình cảm con người, tạo động lực trong lao động, có tính đoàn kết và vươn tới cái đẹp trong tâm hồn, thế nhưng, trong nhiều thập kỷ qua, công tác GD-ĐT bộ môn Âm nhạc trong trường phổ thông vẫn chưa được xem trọng. Trong chương trình giáo dục âm nhạc (được thực hiện từ năm 2002 đến 2018), bộc lộ không ít những hạn chế: giảng viên ít tiếp cận chương trình, coi sách giáo khoa là tài liệu có tính pháp lý cao nhất; học sinh chưa nắm rõ về nhạc lý nên chưa có khả năng giải mã và phân tích về cao độ, trường độ…
Cấp tiểu học còn nhiều trường khó khăn về đội ngũ giáo viên âm nhạc. Thực tế, tại các trường chỉ có 1 hoặc 2 giáo viên âm nhạc. Ở nhiều trường, đa số giờ học âm nhạc là do giáo viên chủ nhiệm đảm nhiệm luôn. Cơ sở vật chất dành cho bộ môn Âm nhạc ở các trường cũng chưa được đầu tư, trang bị để đáp ứng cho công tác giảng dạy. Trường là nơi để các em tiếp xúc âm nhạc qua những giờ lên lớp, nhưng với thời lượng 1 tiết/tuần, 37 tiết/học kỳ thì quá ít, không đủ để các em cảm thụ âm nhạc nói chung và âm nhạc dân tộc nói riêng.
Vấn đề giáo dục âm nhạc cho học sinh phổ thông đã và đang tồn tại quá nhiều trở ngại, khó khăn: số lượng học sinh năng khiếu ít, các tiết học nhạc thường mất tập trung; ở cấp tiểu học, phần lớn các em chỉ thích học hát vì môn tập đọc nhạc nặng về lý thuyết; ở nhiều trường, giờ học nhạc bị cắt bớt để nhường giờ cho các môn học khác… Tại các cơ sở sư phạm, chương trình đào tạo hiện nay cần phải hợp lý, cân bằng giữa lý thuyết và thực hành, tăng cường thời lượng cho giảng dạy nhạc cụ.
Cấp thiết thay đổi
Mở rộng tầm nhìn ra thế giới, hệ thống đào tạo giáo viên cũng như đào tạo âm nhạc ở hầu hết các nước châu Âu, châu Mỹ rất chú trọng phát triển năng khiếu về âm nhạc nói riêng và văn - thể - mỹ nói chung cho học sinh, sinh viên. Đặc biệt, có các ưu tiên khi tuyển lựa sinh viên thi đầu vào hoặc dành các suất học bổng cho học sinh, sinh viên có năng khiếu trong lĩnh vực nghệ thuật - thể dục, thể thao. Tại các nước, giáo viên giảng dạy môn Âm nhạc được đào tạo chuyên nghiệp. Nhiều hệ thống nhạc viện trên thế giới như Đức, Thụy Điển có khoa Sư phạm riêng biệt. Tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Hoa Kỳ và một số quốc gia khác, môn Âm nhạc được hướng tới không chỉ giảng dạy nhạc lý, thanh nhạc mà còn độc tấu, hòa tấu nhạc cụ, có thể biết ngẫu hứng hoặc sáng tác những giai điệu đơn giản.
Giáo dục âm nhạc phổ thông mang ý nghĩa to lớn: nhằm giúp hình thành và hoàn thiện về nhân cách, hài hòa về thể chất và tinh thần. Âm nhạc còn góp phần phát triển các phẩm chất khác cho học sinh như: giáo dục lòng yêu nước, nhân ái, tính chăm chỉ, trung thực, có trách nhiệm trong cuộc sống… Việc học nhạc cụ Việt Nam và nước ngoài còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và hội nhập quốc tế.
Giải pháp:
Hàng loạt giải pháp được đề xuất, trong đó có việc làm sao giúp học sinh có hứng thú trong học tập, tương tác với bài giảng trên lớp; cập nhật và đổi mới có chọn lọc để tìm ra những phương pháp mới đào tạo giáo viên âm nhạc tại các trường phổ thông; thực hiện liên kết, hợp tác đào tạo giáo viên âm nhạc chất lượng với các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, hoặc tuyển dụng đội ngũ giảng viên âm nhạc tốt nghiệp từ các trường chuyên nghiệp; phải xây dựng nhiều chương trình ngoại khóa hấp dẫn học sinh, từng bước đưa việc dạy chơi nhạc cụ vào chương trình và chú trọng giảng dạy âm nhạc dân tộc.