Nghệ thuật âm nhạc và con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa

1. Âm nhạc là loại hình nghệ thuật dùng âm thanh làm phương tiện biểu hiện hình tượng nghệ thuật, phản ánh thế giới quan của người nghệ sỹ. Ngôn ngữ âm nhạc, nhất là những âm thanh khí nhạc mang trong nó tính trừu tượng cao khi biểu đạt hình tượng nghệ thuật. Điều đó cũng có nghĩa: trong quá trình sáng tạo, nhà soạn nhạc dùng phương tiện biểu đạt là các âm thanh âm nhạc để phản ánh thế giới khách quan và chủ quan thông qua hình tượng nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật âm nhạc thường mang tính khái quát cao, đòi hỏi những nguyên tắc tiếp cận mang tính đặc thù, mà trước hết là đòi hỏi trí tưởng tượng phong phú của người nghe khi thưởng thức, khi tiếp nhận nó. Trước đây, có không ít người coi đó là hạn chế khi phản ánh thế giới của nghệ thuật âm nhạc. Song, cho đến ngày hôm nay đã có thể khẳng định: chính tính trừu tượng cao khi biểu hiện hình tượng nghệ thuật lại là một trong những sức mạnh vô cùng lớn lao của nghệ thuật âm nhạc. Tính trừu tượng cao của hình tượng nghệ thuật âm nhạc là cơ sở để nâng cao đôi cánh thần diệu của trí tưởng tượng, đưa tâm cảm của người nghe đến với một thế giới của những điều kỳ diệu, thế giới mà con người chỉ có thể đến đó bằng chính đôi cánh của loại hình nghệ thuật lấy âm thanh làm ngôn ngữ biểu hiện này.

Lịch sử phát triển của thế giới loài người nói chung, của nghệ thuật âm nhạc nói riêng đã từ lâu khẳng định vị trí và vai trò của nghệ thuật âm nhạc trong đời sống xã hội. Đặc biệt vai trò giáo dục của âm nhạc đối với việc nâng cao nhận thức, đối với việc xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong thời đại hiện nay, khi mà cả thế giới loài người đang bước vào kỷ nguyên của công nghệ thông tin, của xu thế toàn cầu hóa như một tất yếu của lịch sử phát triển xã hội, thì vấn đề muôn thuở này lại càng cần được tiếp tục nghiên cứu, cần được nhìn nhận một cách khoa học hơn trong bối cảnh của ngày hôm nay.

2. Ở buổi sơ khai của mình, âm nhạc không sinh ra một cách độc lập, riêng biệt, mà cùng với nó là các loại hình nghệ thuật khác như múa, hội họa,... Cho đến ngày hôm nay, tính tổng thể nguyên hợp vẫn luôn là nguyên tắc có tính then chốt của phương pháp luận khi nghiên cứu bất cứ một hiện tượng âm nhạc dân gian nào. Một hiện tượng âm nhạc dân gian bao giờ cũng được đặt trong bối cảnh/môi trường tự nhiên - xã hội nhất định, và cùng với nó là hàng loạt các khía cạnh văn hóa cần khảo cứu về phương diện dân tộc học, tín ngưỡng - tôn giáo, vũ đạo, trang phục, hội hoạ .v.v... Điều này cũng gợi cho chúng ta nhớ lại tiến trình của lịch sử âm nhạc nhiều năm đã qua và cả tư duy ở một số ít người cho đến tận hôm nay, khi mà nhiều hiện tượng văn hóa âm nhạc, trong một số trường hợp, lại chỉ được nghiên cứu dưới góc độ của các âm thanh âm nhạc mà bỏ qua các thành tố hữu quan khác. Cách làm này không bao giờ có thể giải thích được một cách biện chứng bản chất của hiện tượng âm nhạc dân gian như nó vốn đã và đang tồn tại.

Một âm thanh âm nhạc (hay âm thanh bất kỳ) bao giờ cũng mang trong nó 4 thuộc tính: cao độ (độ cao thấp của âm thanh), trường độ (độ dài ngắn của âm thanh), cường độ (độ to nhỏ của âm thanh) và âm sắc (tính chất màu sắc của âm thanh). Cũng cần phải nói thêm rằng: trước đây, nhiều giáo trình giảng dạy lý thuyết âm nhạc thường chia các âm thanh trong tự nhiên ra hai loại: âm thanh âm nhạc (là những âm thanh có cao độ xác định) và tiếng ồn (là những âm thanh không có cao độ xác định). Ngày nay, nếu chỉ hiểu âm thanh âm nhạc như lý thuyết âm nhạc cơ bản châu Âu đã đưa ra nhiều chục năm trước đây khi giảng dạy cho học sinh của họ ở trình độ sơ cấp âm nhạc như trên và lấy đó làm cơ sở để nghiên cứu các hiện tượng âm nhạc nói chung, âm nhạc hiện đại nói riêng, là điều không thể chấp nhận. Khoa học âm nhạc hiện đại thế giới, từ thực tế sinh động kỳ diệu của sáng tạo nghệ thuật âm nhạc nhiều thế kỷ qua, từ lâu đã chỉ ra: mọi âm thanh trong tự nhiên và xã hội đều có thể trở thành âm thanh âm nhạc, đều có thể góp phần biểu hiện thế giới tâm cảm của người nghệ sỹ trước tự nhiên và xã hội. Và như vậy, vấn đề cơ bản nhất trong sáng tạo nghệ thuật, vai trò đầu tiên và quan trọng nhất của chủ thể sáng tạo nghệ thuật là khả năng sử dụng một cách có hiệu quả nhất một cách khoa học về sự hòa hợp các âm thanh để tạo dựng hình tượng nghệ thuật.

3. Trong nghệ thuật âm nhạc, người ta thường chia ra hai lĩnh vực chính là: thanh nhạc (tức là âm nhạc cho các giọng người diễn tấu) và khí nhạc (là âm nhạc cho các nhạc cụ diễn tấu). Các thể loại âm nhạc phổ biến của thanh nhạc là: Ca khúc, Liên khúc, Trường ca, Aria, Hợp ca, Hợp xướng, Ôratôriô, Căngtat v.v.... Còn các thể loại âm nhạc phổ biến của khí nhạc là: Prêluyt, Nôctuyêt, Balat, Rapxôđi, Caprixiô, Xônat, Tam tấu, Tứ tấu, Ngũ tấu, Uvectuya, Thơ giao hưởng, Bản giao hưởng, Côngxectô .v.v.... Nói khí nhạc và thanh nhạc là hai lĩnh vực chính của nghệ thuật âm nhạc vì trong thực tế của nghệ thuật sáng tạo âm nhạc chúng ta có thể gặp các hình thức âm nhạc mà trong đó: khi thì khí nhạc là chính, khi thì thanh nhạc là chính và cũng có khi khó mà có thể xếp chúng vào lĩnh vực nào trong hai lĩnh vực chính mà chúng ta vừa kể ở trên. Đã có tác giả gọi nó là loại tác phẩm tổng hợp.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến những thành tố góp phần quan trọng trong việc tạo dựng một tác phẩm âm nhạc như: hoà thanh, khúc thức, phối khí .v.v... Các thành tố này, trong những định hướng khác nhau của nhà soạn nhạc sẽ tạo ra những khuynh hướng, trào lưu hay những phong cách, trường phái đặc trưng trong sáng tạo nghệ thuật âm nhạc.

4. Nghệ thuật âm nhạc phản ánh thế giới bằng việc tạo dựng hình tượng nghệ thuật. Nội dung của một tác phẩm âm nhạc cũng chính là hình tượng nghệ thuật được sáng tạo bởi người nghệ sỹ qua phương tiện biểu hiện là thế giới âm thanh âm nhạc. Khi nghe nhạc, cũng chính là lúc chúng ta thưởng thức hình tượng nghệ thuật được biểu đạt ở tác phẩm âm nhạc. Cũng như ở các loại hình nghệ thuật khác, hình tượng nghệ thuật trong âm nhạc mang tính điển hình hoá cao, chứa đựng trong nó không chỉ cuộc sống sinh động mà cả tâm tư, tình cảm, thế giới quan của người nghệ sỹ. Nghệ thuật âm nhạc phản ánh cuộc sống trên cơ sở các quy luật tình cảm của con người.

Nghệ thuật - hình thái đặc biệt của ý thức xã hội và hoạt động con người; phản ánh hiện thực dưới những hình tượng nghệ thuật; là một trong những phương pháp quan trọng nhất để nắm bắt thế giới bằng thẩm mỹ”. [3; 380].

Nghệ thuật âm nhạc cũng không nằm ngoài nguyên tắc này. Một trong những nét đặc thù của nghệ thuật âm nhạc là những âm thanh của nó có khả năng tác động thẳng vào tâm tư, tình cảm của người nghe. Âm nhạc tác động trực tiếp vào tình cảm của người nghe trước khi trí tuệ kịp nhận thức hiện tượng văn hóa âm thanh này. Lịch sử thế giới loài người đã ghi lại nhiều lần khả năng khác thường này của nghệ thuật âm nhạc. Sức sống mãnh liệt cũng như khả năng truyền cảm mạnh mẽ của các ca khúc cách mạng đã có tác dụng động viên, cổ vũ phong trào cách mạng. Đã có biết bao đoàn quân ra trận với khí thế quyết thắng sau những đêm xem biểu diễn văn nghệ nơi chiến trường. Và trong hành trang kỷ niệm của mỗi người chiến sỹ trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược có biết bao kỷ niệm gắn với những tác phẩm âm nhạc, với những giai điệu dân ca đậm đà tình quê hương. Câu chuyện cảm động về bài hát Bài ca hy vọng của nhạc sỹ Văn Ký qua giọng hát của các chiến sỹ cách mạng trong nhà tù đế quốc còn sống mãi cùng những trang sử hào hùng của dân tộc. Ca khúc đó đã động viên người chiến sỹ cách mạng trong cuộc chiến một mất một còn với kẻ thù xâm lược. Họ vui vẻ ra đi cùng câu hát, cùng niềm tin vào thắng lợi của công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Và có lẽ không ai trong chúng ta lại có thể quên được những ấn tượng mạnh mẽ mỗi khi vang lên bên ta những âm điệu hào hùng của bài Tiến quân ca. Nhất là khi những âm điệu đó vang lên ở nước ngoài, nơi những người con của Tổ quốc đang sống trên "đất khách, quê người". Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh người Việt Nam ở nước ngoài không cầm được nước mắt mỗi khi nghe những âm điệu thân thương như bóng hình Tổ quốc của bài Tiến quân ca. Giai điệu thiêng liêng đó đã cổ vũ, động viên, là niềm tin của bao lớp người dân Việt trong cuộc chiến đấu, trong lao động sáng tạo, trong những cuộc thi đấu vì vinh quang của dân tộc.

5. Âm nhạc là một trong những loại hình cơ bản của nghệ thuật. Nghệ thuật lại là một bộ phận của văn hóa tinh thần, là thành tố nhạy cảm nhất của văn hóa thẩm mỹ. Trong cấu trúc của mình, như các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật âm nhạc cũng được nhìn nhận dưới một cấu trúc bao gồm bốn thành tố chính như sau:

- Nghệ sỹ;

- Tác phẩm nghệ thuật;

- Công chúng;

- Và các cơ quan, tổ chức, thiết chế văn hóa, hoạt động lý luận phê bình, quản lý lãnh đạo bảo đảm cho sự hình thành ba yếu tố trên và thúc đẩy hoạt động sáng tạo và tiêu dùng các giá trị nghệ thuật đúng định hướng.

Người nghệ sỹ, người nhạc sỹ sáng tác giữ vai trò vô cùng quan trọng trong sự tồn tại của loại hình nghệ thuật âm nhạc. Đó là chủ thể sáng tạo nghệ thuật đầu tiên, là tác giả đầu tiên của một tác phẩm âm nhạc. Không có người nghệ sỹ thì cũng không thể có tác phẩm âm nhạc. Trong nghệ thuật âm nhạc, người sáng tạo thứ hai của một tác phẩm âm nhạc chính là người nghệ sỹ biểu diễn, người thể hiện nội dung tác phẩm âm nhạc. Rồi bằng tài năng/kỹ xảo biểu diễn/sáng tạo của mình, người nghệ sỹ biểu diễn tìm tòi sâu thêm những khả năng biểu hiện của tác phẩm âm nhạc. Còn công chúng vừa là đối tượng hưởng thụ lại cũng vừa là chủ thể tái sáng tạo âm nhạc bằng khả năng nhận thức tác phẩm nghệ thuật cũng như trí tưởng tượng của mình. Mỗi người nghe không phải bao giờ cũng có những cảm thụ giống nhau trước một tác phẩm âm nhạc.

Tác phẩm âm nhạc, là sản phẩm sáng tạo bởi người nghệ sỹ. Tác phẩm âm nhạc có thể của một hoặc nhiều tác giả. Đối với một ca khúc thì thường là sản phẩm của nhà soạn nhạc và nhà thơ viết phần lời ca. Còn trong sáng tác âm nhạc dân gian thì tác phẩm âm nhạc dân gian là sản phẩm sáng tạo của một tập thể các tác giả - những người dân vừa sáng tác vừa biểu diễn từ đời này sang đời khác. Chính vì vậy, âm nhạc dân gian, như viên ngọc càng mài càng sáng, bao giờ cũng chứa đựng trong nó trí tuệ, tài năng sáng tạo của bao thế hệ nghệ nhân cùng tiến trình của lịch sử, là "nguồn sữa tươi mát" cho sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sỹ các thế hệ sau đó.

Công chúng cũng là một thành tố quan trọng của nghệ thuật âm nhạc. Công chúng nghe nhạc không chỉ là người thưởng thức tác phẩm nghệ thuật, họ cũng chính là người thẩm định giá trị của một tác phẩm âm nhạc. Tuy nhiên, trong một thời đại ở trình độ phát triển ngày càng cao như hiện nay, để hiểu được các giá trị của một tác phẩm âm nhạc nói chung, của một tác phẩm âm nhạc hiện đại nói riêng, người nghe cần phải được trang bị một lượng tri thức âm nhạc nhất định. Nghệ thuật âm nhạc vốn thực sự từ bản chất là một khoa học - khoa học thật sự với đầy đủ ý nghĩa của nó về tâm sinh lý con người, về sự nối tiếp và hòa hợp các âm thanh âm nhạc.v.v... Điều này trên thế giới đã từ lâu không còn là vấn đề mới lạ. Nhiều nước đã từ lâu có những tư duy và hành động mang tầm chiến lược trong việc giúp cho đông đảo quần chúng nhân dân nâng cao khả năng hưởng thụ các giá trị văn hóa âm nhạc. Song ở nước ta cho đến ngày hôm nay, vẫn còn là vấn đề đang có nhiều bất cập. Tôi nhớ cách đây nhiều chục năm, một trong những nhà lý luận âm nhạc xuất sắc của Việt Nam, một trong số ít người Việt Nam có tên trong Bách khoa toàn thư âm nhạc của Liên xô (cũ) – PGS.TS. Nguyễn Xinh (1940-1996) có nói: "Một phòng hòa nhạc hiện đại chúng ta có thể đầu tư xây dựng được, một đội ngũ các nhạc sỹ sáng tác và biểu diễn có trình độ cao: chúng ta đã và đang đào tạo một cách có hiệu quả ở các Nhạc viện trong và ngoài nước. Nhưng, một đội ngũ đông đảo những người nghe thật sự có trình độ thưởng thức âm nhạc lại là một điều không dễ gì ngày một, ngày hai có thể có được". Trong quá trình làm công tác nghiên cứu và giáo dục âm nhạc nhiều năm qua, tôi luôn đồng cảm với những suy nghĩ như vậy của người nhạc sỹ quá cố đầy tài năng này.

Thành tố cuối cùng của cấu trúc nghệ thuật âm nhạc bao gồm các cơ quan, tổ chức, thiết chế văn hóa, hoạt động lý luận phê bình âm nhạc, quản lý lãnh đạo bảo đảm, thúc đẩy hoạt động sáng tạo và tiêu dùng các giá trị nghệ thuật âm nhạc đúng định hướng của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nếu như nghệ thuật âm nhạc dân gian trước đây ra đời như một đòi hỏi của chính nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân theo những chuẩn mực riêng của hình thái sinh hoạt văn hóa âm nhạc dân gian, thì hiện nay sinh hoạt của các hình thái nghệ thuật đương đại nói chung, của nghệ thuật âm nhạc đương đại nói riêng cũng có những đòi hỏi riêng cho sự tồn tại và phát triển. Chính vì vậy, có thể nói đây là một trong những thành tố rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự phát triển của nền âm nhạc đương đại.

6. Là một hình thái của văn hóa, âm nhạc góp phần quan trọng trong việc tạo dựng một diện mạo đầy đủ của đời sống văn hóa. Nhà soạn nhạc Nga nổi tiếng thế kỷ XIX P.I. Traicốpxky (1840-1893) đã từng nói: ở đâu và khi nào ngôn từ bất lực thì ở đó sẽ sinh ra một thứ ngôn ngữ mới hùng hồn hơn, đó là âm nhạc. Thật vậy, trong cuộc sống có không ít trường hợp, những trạng thái tâm lý, tình cảm mà khó có thể diễn tả bằng ngôn từ và đó cũng là một trong những nguyên nhân sinh ra các loại hình nghệ thuật khác nhau. Sự ra đời của nghệ thuật âm nhạc cũng vậy. Đó là khi con người cần biểu hiện những trạng thái khác thường của tình cảm, những trạng thái chỉ có thể biểu hiện thông qua ngôn ngữ âm nhạc. Cùng một trạng thái tình cảm có thể có nhiều cách biểu đạt khác nhau. Nghệ thuật âm nhạc ra đời như một đòi hỏi làm phong phú thêm khả năng cũng như ngôn ngữ biểu đạt của con người.

Nghệ thuật âm nhạc phản ánh cuộc sống bằng ngôn ngữ đặc trưng riêng của mình: sự sắp xếp một cách có tổ chức những âm thanh âm nhạc nhằm thể hiện hình tượng nghệ thuật. Âm nhạc không chỉ là nghệ thuật dùng âm thanh làm phương tiện phản ánh cuộc sống, mà hơn thế nữa, âm nhạc thực sự là khoa học về sự hòa hợp các âm thanh âm nhạc. Nhà soạn nhạc phản ánh thế giới thông qua những nguyên tắc của khoa học về sự kết hợp giữa các âm thanh, nguyên tắc khoa học về sự phát triển tâm lý của người nghe, nguyên tắc khoa học về khả năng biểu hiện của các âm thanh âm nhạc .v.v....

7. Trước khi đi vào tìm hiểu vai trò của nghệ thuật âm nhạc trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, chúng tôi muốn nhắc lại khái niệm "con người xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Đây là khái niệm đã được Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành trung ương khóa VIII xác định với những đức tính như sau:

- "Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

- Có ý thức tập thể, đoàn kết phấn đấu vì lợi ích chung.

- Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.

- Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.

- Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực". [ 1; 58-59].

Có thể còn có nhiều quan điểm khác, nhưng đây là khái niệm về con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà chúng tôi lựa chọn trong phạm vi bài viết này.

8. Vai trò âm nhạc trong xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vai trò của nghệ thuật âm nhạc được xác định một cách gắn bó với khả năng biểu hiện và chức năng của nghệ thuật âm nhạc trong đời sống xã hội. Cũng như mọi loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật âm nhạc mang trong nó 3 chức năng chính là: chức năng nhận thức, chức năng giáo dục và chức năng thẩm mỹ.

8.1. Chức năng đầu tiên của nghệ thuật nói chung, của nghệ thuật âm nhạc nói riêng là chức năng nhận thức và nó được thể hiện khi phản ánh cuộc sống. Bằng ngôn ngữ đặc thù của mình, âm nhạc đã phản ánh, biểu đạt tư duy của người nghệ sỹ thông qua hình tượng nghệ thuật các khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội, các hiện tượng thẩm mỹ. Từ nghệ thuật âm nhạc của một dân tộc, âm nhạc dân gian và âm nhạc đương đại, người ta có thể hiểu được nhiều hơn về tính cách của một đất nước, cũng như các qui luật của tình cảm, sức mạnh của trí tuệ con người của dân tộc đó. Qua các giá trị âm nhạc dân gian truyền thống còn được lưu giữ cho đến ngày hôm nay, người nghe có thể nhận thức được phần nào không chỉ tài hoa sáng tạo độc đáo của cha ông về phương diện âm nhạc, mà hơn thế, chúng ta có thể có thêm những tri thức về một thời sống và lao động của người dân Việt Nam trong quá khứ.

Nghệ thuật âm nhạc có thể đóng góp tích cực trong việc nâng cao nhận thức ở khiá cạnh nội tâm của các hiện tượng văn hóa xã hội. Trong lịch sử âm nhạc thế giới, những tác phẩm âm nhạc kinh điển của nhà soạn nhạc vĩ đại L.V. Bêtôven (1770-1827) là một thí dụ điển hình. Bản Xônát số 14 viết cho piano diễn tấu của ông mang đến cho người nghe cả một thế giới huyền diệu của những cảm xúc thẩm mỹ, giúp cho người nghe khám phá sâu hơn, nhận thức sâu hơn về không chỉ thế giới tự nhiên, về một đêm yên tĩnh tràn ngập ánh trăng, mà hơn thế nữa là sự giao cảm giữa con người và thiên nhiên. Tình yêu quê hương đất nước bao giờ cũng là cơ sở của lòng yêu nước nồng nàn, của tình thân ái giữa con người với con người – một trong những phẩm chất cần thiết của con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Còn ở bản Xônát số 23 (còn có tên gọi là appaxionata) cũng viết cho piano của L.V. Bêtôven, những âm thanh mà tác phẩm mang đến thực sự cuốn hút người nghe, nó giúp con người ta nhận thức được bài học về ý chí và nghị lực của con người trong cuộc sống. Âm nhạc của tác phẩm này như muốn khẳng định: Trong thế giới sôi động và đầy phức tạp của xã hội loài người, con người sống không thể thiếu nghị lực và niềm tin yêu cuộc sống. Chỉ có thể vượt qua mọi khó khăn, vất vả của cuộc đời bằng chính nghị lực và niềm tin yêu cuộc sống. Cuộc đấu tranh giữa con người và số phận là luôn quyết liệt, song người chiến sỹ vững tin ở tương lai bao giờ cũng là người chiến thắng trong trận chiến cuối cùng. Tất nhiên, do đặc thù của phương tiện biểu hiện ngôn ngữ âm nhạc, nhận thức mà nghệ thuật âm nhạc mang đến không phải là những ý niệm cụ thể, mà là những giá trị văn hóa mang tính trừu tượng cao, những ý niệm thiên về phương diện tâm cảm của con người.

Khi nói về những yêu cầu của sự phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật nước ta, văn kiện Hội nghị lần thứ năm (Ban chấp hành trung ương khoá VIII) cũng chỉ rõ: "Hướng văn nghệ nước ta phản ánh hiện thực sinh động, chân thực và sâu sắc sự nghiệp của nhân dân trong cách mạng và kháng chiến, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc cũng như tái hiện lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc. Đặc biệt khuyến khích các tác phẩm về công cuộc đổi mới thể hiện nổi bật những nhân tố tích cực trong xã hội, những nhân vật tiêu biểu của thời đại. Cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên; phê phán những thói hư tật xấu, lên án cái ác, cái thấp hèn". [1; 61].

Những nhận định trên đây thật sự là định hướng đúng đắn cho con đường phát triển của văn hóa nghệ thuật nói chung, của nghệ thuật âm nhạc nói riêng ở nước ta hiện nay.

8.2. Vai trò giáo dục đạo đức của âm nhạc trong việc xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhà soạn nhạc Nga vĩ đại của thế kỷ XX Đ.Đ. Sốtxtacôvích (1906-1975) đã có lý khi nói: "Hãy yêu và nghiên cứu nghệ thuật âm nhạc vĩ đại. Nó sẽ mở ra cho các bạn cả một thế giới những tình cảm, những niềm say mê, những suy nghĩ cao đẹp. Nó sẽ làm cho các bạn phong phú hơn, trong sạch hơn, hoàn thiện hơn về tinh thần. Nhờ có âm nhạc bạn sẽ tìm được cho bản thân mình những sức mạnh mới trước đây chưa từng thấy. Các bạn sẽ nhìn thấy cuộc đời trong những sắc thái và màu sắc khác. Âm nhạc càng đưa các bạn lại gần cái lý tưởng về con người hoàn thiện, mục tiêu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản của chúng ta". [4; 103]

Vai trò giáo dục của nghệ thuật âm nhạc đã từ lâu được nhiều nhà nghiên cứu cho là có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội. Thực vậy, âm nhạc có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hướng con người ta đến với những cảm xúc thẩm mỹ lành mạnh, hướng con người ta đến với sự trong sáng, thanh cao của tâm hồn và trí tuệ.

M.I. Calinin đã từng nói: "Theo tôi, giáo dục là một sự tác động được xác định, có mục đích và có hệ thống đến tâm lý của người được giáo dục, để người này hấp thụ được những phẩm cách mà người giáo dục mong muốn. Tôi cho rằng cách diễn đạt ấy (tất nhiên không có tính chất bắt buộc đối với ai cả) thâu tóm được ở những nét lớn tất cả những gì mà chúng ta đặt vào khái niệm giáo dục, như: sự truyền thụ một thế giới quan nhất định một nền đạo đức và những qui tắc chung sống của con người, việc rèn luyện những nét tính cách và nghị lực nhất định, những thói quen và sở thích, sự phát triển những phẩm chất nhất định về cơ thể .v.v...". [4; 28]. Và như vậy cũng có nghĩa là âm nhạc có đủ điều kiện để trở thành một trong những thành tố tích cực trong quá trình giáo dục con ngươì những phẩm chất đạo đức cần thiết của con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Trong tác phẩm Vai trò giáo dục của âm nhạc, nhà sư phạm âm nhạc Liên xô (cũ) A. Xôkhor đã dẫn lời của một thanh niên nước ông: "Tôi có cảm tưởng là nếu lúc nào bên tai tôi cũng vang lên bản giao hưởng số 5 của Bêtôven, có lẽ không bao giờ tôi có hành vi xấu xa trong cuộc sống". Thật vậy, bản Giao hưởng số 5 mang tên Định mệnh của L.V. Bêtôven là một triết lý lớn về cuộc đấu tranh của con người trước số phận tàn bạo. Đây là một cuộc đấu tranh đầy gian khổ và ác liệt để giành giật sự sống, là sự khẳng định ý chí và nghị lực của người chiến sỹ trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù. Không phải bao giờ và khi nào con người cũng chiến thắng, sự hy sinh bao giờ cũng là đau thương nhưng cũng là cần thiết cho ngày chiến thắng cuối cùng.

Đã nhiều lần nghe tác phẩm này, vậy mà lần nào chúng tôi cũng như tìm thấy thêm những góc cạnh mới trong tư duy của nhà soạn nhạc thiên tài này. Ông hướng con người đến những hình tượng nghệ thuật đầy tính chiến đấu, động viên con người trong cuộc đấu tranh với những thế lực tàn bạo, ông chia xẻ, an ủi con người trước những mất mát của cuộc đời. Và chúng ta cũng càng hiểu rõ hơn khi ông đã từng thốt lên: "Giá sống lại cuộc sống này ngàn lần thì tuyệt diệu biết bao!".

8.3. Vấn đề nâng cao nhu cầu thẩm mỹ của con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trước đây, có nhiều nhà giáo dục âm nhạc thường coi thường hoặc hầu như ít nói đến vai trò giải trí của nghệ thuật âm nhạc. Song, trong giai đoạn gần đây, vai trò giải trí của nghệ thuật âm nhạc cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác đang là một vấn đề hiện hữu trong đời sống xã hội. Một con người bao giờ cũng có những đòi hỏi thuộc bản chất người. Tôi nhớ, trước đây và thậm chí cho đến hôm nay, khi nói đến trẻ em nhiều người vẫn ví chúng như những tờ giấy trắng. Tôi không hoàn toàn nghĩ như vậy, mà cho rằng: mỗi đứa trẻ sinh ra trên trái đất này bao giờ cũng mang trong nó những nhân tố đã xác định của một truyền thống văn hóa nào đó, một tấm căn cước có hình hài của sự kế thừa di sản văn hóa truyền thống một tộc người nào đó. Chính vì vậy, nếu coi trẻ em như tờ giấy trắng thì đó cũng không phải những tờ giấy trắng bình thường, không phải những tờ giấy trắng giống hệt nhau. Mà đó là những tờ giấy trắng có trong nó những mã hóa mang tính dân tộc, mang bản sắc riêng của cả một nền văn hóa truyền thống.

Trở lại vấn đề đã nói ở trên, phải nhìn nhận giải trí là một trong những nhu cầu thiết yếu của đời sống người, nhất là trong một xã hội ngày càng căng thẳng với nhịp độ phát triển cao như hiện nay. "Sự cân bằng", hay là "con số không tròn trĩnh" như cách nói ví von về sáng tạo vĩ đại nhất mà người Ấn Độ cống hiến cho thế giới loài người đang là vấn đề tồn tại rõ nét hơn trong đời sống xã hội loài người. Từ đó có thể khẳng định: nghệ thuật âm nhạc với những khả năng sẵn có của mình đã và sẽ có thể đóng góp vai trò quan trọng trong việc xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đối với các nhà giáo dục, trong việc xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, không thể bỏ qua một trong những vũ khí lợi hại - đó là âm nhạc.

TSKH. Phạm Lê Hòa

 

(Còn nữa)

 

Bài viết mới