10/20/2020 9:43:00 AM thanhnga 8091 lượt xem Sinh Vien
Ký Xướng âm là một bộ môn giảng dạy phương pháp, kỹ năng đọc nhạc và ghi nhạc được các trường sử dụng trong đào tạo âm nhạc. Những kỹ năng về Ký Xướng âm là hết sức quan trọng trong hoạt động âm nhạc của người nhạc sỹ, nghệ sĩ cũng như khả năng đọc hiểu, cảm thụ tác phẩm âm nhạc của công chúng. Bất kỳ một người nào khi học âm nhạc chuyên nghiệp đều được học bộ môn Ký Xướng âm trong suốt quá trình học tập, đặc biệt là trong thời gian học các bậc học cơ bản. Ở nước ta, Ký Xướng âm được giảng dạy tại tất cả các cấp giáo dục âm nhạc, từ sơ cấp đến trình độ đại học. Ký Xướng âm bao gồm hai môn học là Ghi âm (còn gọi là ký âm) và Xướng âm. Ghi âm là quá trình nghe và ghi lại giai điệu, tiết tấu hay hoà âm thành nốt nhạc. Xướng âm là hát bản nhạc mà không cần sự trợ giúp của bất cứ nhạc cụ nào, hay có thể gọi đơn giản là đọc nhạc.
Xướng âm
Xướng âm là một thuật ngữ có gốc từ tiếng Pháp – solfège. Thuật ngữ này xuất phát từ hai từ chỉ cao độ là Sol và Fa được dùng để ám chỉ việc đọc (hay hát) nốt nhạc theo hệ thống các từ chỉ cao độ. Trong cuốn, Phương pháp xướng âm Nhà xuất bản Hà Nội (1980), nhạc sĩ Doãn Mẫn cho rằng xướng âm là môn học đọc các dấu nhạc thành điệu. Tuy nhiên, ngoài việc nhìn và đọc nốt nhạc chúng ta còn phải “xướng” đúng cao độ và tiết tấu của bản nhạc. Vậy, học xướng âm là học những phương pháp để đọc và hát đúng nhịp điệu, đúng cao độ, trường độ, sắc thái mạnh, nhẹ bằng giọng người theo các dấu hiệu đã được ghi trong bản nhạc. Có thể ví xướng âm như là cách mà chúng ta đọc chính tả vậy.
Xướng âm là quá trình giúp cho người học rèn luyện khả năng nghe nhạc, cách xác định và ghi nhớ cao độ âm thanh cũng như đọc đúng cao độ và tiết tấu của tác phẩm. Khi đọc nốt nhạc, chúng ta sử dụng bảy từ để đọc cao độ nốt nhạc: đô, rê, mi, fa, son, la, si. Hiện nay có hai phương pháp trong xướng âm là phương pháp cố định (fixed do) và phương pháp bất định (movable do).
Phương pháp cố định là dùng các từ chỉ cao độ cố định với cao độ mà nó áp dụng, chẳng hạn, từ “Đô” chỉ được dùng với cao độ của nốt C mà thôi. Với phương pháp này thứ tự các từ chỉ cao độ ứng với nốt nhạc như sau: Đô – C; Rê – D; Mi – E ; Fa – F; Sol – G; La – A; Si – B. Phương pháp này hiện đang được sử dụng ở Việt Nam.
Phương pháp bất định là dùng từ chỉ cao độ với các cao độ khác nhau tuỳ theo từng trường hợp. Phương pháp bất định sử dụng bảy từ chỉ cao độ và áp dụng với bất cứ giọng nào. Khi đó người ta sử dụng số bậc trong thang âm để ghi nhớ và dịch chuyển sang các giọng khác nhau.
Ví dụ:
Phương pháp này có ưu điểm là ngay lập tức có thể chơi ở nhiều giọng khác nhau nếu người sử dụng có một dải băng ghi tên các nốt nhạc và dịch chuyển mỗi khi sang giọng mới. Phương pháp này thường phù hợp với những người mới học nhạc. Khi dịch giọng khác nhau, chúng ta vẫn đọc nguyên các từ chỉ cao độ như vậy. Còn với phương pháp cố định, chúng ta phải đọc tên nốt khác nhau ở mỗi giọng. Một số người cho rằng, phương pháp bất định sẽ giúp người học nhanh tiếp cận hơn với âm nhạc. Họ nghe các nốt liên quan đến nhau căn cứ vào nốt chủ âm là Đô. Điều này tương tự như các nhạc công chơi đàn keyboard ở Việt Nam sử dụng giọng Đô cho tất cả các bài, khi muốn chuyển giọng, họ chỉ cần nhấn nút dịch giọng (transpose) cộng, trừ trên đàn. Khi đó người nhạc công vẫn tư duy tác phẩm trên giọng Đô mà không cần quan tâm âm vang thực thế ở giọng nào.
Việc dùng hệ thống phương pháp nào trong việc giảng dạy thì vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Hiện nay phương pháp cố định vẫn được sử dụng nhiều nhất trong các trường âm nhạc. Tuy nhiên, ứng dụng những ưu điểm của phương pháp bất định, chúng ta có thể đọc nốt nhạc với các từ cố định như “la là lá la” hay “ta tà tá ta”…để luyện tập tiết tấu mà không cần chú ý đến tên gọi của nốt nhạc.
Xung quanh khái niệm Xướng âm, chúng ta còn có khái niệm thị xướng (sight–reading). Theo từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia, thuật ngữ này là kỹ năng đọc và xướng một đoạn nhạc hay tác phẩm âm nhạc được thể hiện trên văn bản giấy mà người đọc chưa từng nhìn thấy văn bản nhạc này trước đó([1]). Thuật ngữ này được dùng để nói đến quá trình hay khả năng nhìn và đọc ngay lập tức. Đây cũng là quá trình chuyển đổi từ thông tin (nốt nhạc, ký hiệu âm nhạc..) từ dạng “nhìn” sang dạng “nghe” (Udtaisuk 2005) [3]. Ở mức độ cao hơn, người ta còn sử dụng thuật ngữ này để nói đến kỹ năng đọc nhẩm (đọc thầm) mà không tạo ra âm thanh nhạc cụ hay giọng người. Với kỹ năng này, người đọc nhìn vào văn bản nhạc và tưởng tượng cao độ ở trong đầu mà không đọc ra miệng hoặc không chơi trên đàn.
Ghi âm
Ghi âm, còn gọi là ký âm, là thuật ngữ chỉ việc nghe nhạc và chép lại hay ghi lại những âm thanh nghe thấy được ra dạng văn bản nhạc. Khi ký âm, chúng ta phải vận dụng trí nhớ âm nhạc, sử dụng tai nghe để xác định cao độ, tiết tấu và thể hiện ra giấy bằng việc sử dụng các ký hiệu âm nhạc. Nếu Xướng âm được ví như đọc chính tả thì ghi âm có thể được ví như chép chính tả. So với xướng âm là việc chuyển các ký hiệu nhạc trên bản nhạc (dạng nhìn) thành giai điệu của âm nhạc được vang lên bằng giọng người (dạng nghe) thì ghi âm lại chuyển âm nhạc được chơi bởi nhạc cụ hay giọng người (dạng nghe) thành một bản nhạc (dạng nhìn). Rèn luyện ghi âm cũng là rèn luyện kỹ năng nghe, đây là một kỹ năng rất quan trọng. Nếu không ‘nghe’ được thì chúng ta sao có thể hiểu được người khác ‘nói’ gì? Ở nước ta, học ghi âm thường được giảng dạy với việc giảng viên sử dụng piano để chơi giai điệu và người học ghi nhớ chép lại và cũng thường chỉ học ghi âm từ một hai bè. Điều này cũng sẽ không đầy đủ khi học viên ra trường phải thường xuyên nghe và làm việc với ban nhạc và trên thực tế ít có bản nhạc nào vang lên chỉ có một bè giai điệu mà không có phần đệm.
Khi xem xét thuật ngữ âm nhạc nước ngoài, chúng tôi thấy rằng ghi âm hay ký âm tương đương với thuật ngữ luyện tai (ear traning). Hiện nay tồn tại hai phương pháp luyện tai là cao độ tuyệt đối (perfect pitch) và cao độ tương đối([2]) (relative pitch). Cao độ tuyệt đối là hiện tượng thính giác rất ít gặp để chỉ người có khả năng nhận biết cao độ mà không cần dựa vào âm chuẩn cho trước. Những người có khả năng này có thể ngay lập tức nghe được cao độ của tiếng còi xe, cao độ của nốt nhạc bất kỳ vang lên mà không dựa vào đàn để so sánh. Họ còn có thể ngay lập tức hát lên được đúng cao độ của nốt nhạc mà không cần lấy mẫu cao độ chuẩn. Phương pháp này luyện tập bằng cách nghe màu sắc, tần số của mỗi nốt nhạc và ghi nhớ cao độ ấy. Cao độ tương đối là khả năng nhận biết cao độ bằng cách so sánh cao độ nghe được với một cao độ chuẩn đã biết trước, từ đó tìm ra cao độ của vừa nghe. Cao độ chuẩn thường được sử dụng là nốt La (tần số 440 Hz). Luyện tập để nghe cao độ tương đối dễ hơn nghe cao độ tuyệt đối. Đây là hai kỹ năng nghe độc lập và có ưu thế khác nhau. Người ta cho rằng cao độ tương đối cung cấp cho ta hiểu biết về trí tuệ (bán cầu não trái) về những gì ta nghe được, trong khi Cao độ tuyệt đối cho ta quan điểm nghệ thuật (bán cầu não phải) hay màu sắc của cao độ. Hiện nay ở các trường âm nhạc thường sử dụng phương pháp nghe cao độ tương đối. Giáo viên chơi đàn nốt “La” làm cao độ chuẩn để người học nghe và từ đó tìm ra các cao độ khác.
Nghe nhạc mà không nhận biết được cao độ
Nghe nhạc với “cao độ tương đối”, nghe được rõ ràng nốt nhạc.
Nghe nhạc có “cao độ tuyệt đối” nhưng thiếu “cao độ tương đối”, nhận biết được màu sắc nốt nhạc nhưng không rõ ràng
Nghe nhạc có “cao độ tuyệt đối” và “cao độ tương đối”, nhận biết được rõ ràng bức tranh âm nhạc
Ảnh: http://www.perfectpitch.com
Cũng cần phân biệt thuật ngữ chép nhạc (notation) với thuật ngữ ghi âm. Thuật ngữ chép nhạc để nói đến việc thể hiện âm nhạc trên giấy. Thuật ngữ này thường chỉ nói đến việc ghi chép đơn thuần, chứ không nói đến quá trình tư duy suy nghĩ và viết nhạc ra giấy giống như sáng tác âm nhạc. Người ta có thể viết tay hoặc sử dụng bằng phần mềm máy tính để chép nhạc. Ngày nay có nhiều phần mềm hiện đại, nhiều tính năng để giúp ta chép nhạc và in ra giấy những văn bản nhạc. Quá trình ghi âm tức là chúng ta phải sử dụng tai nghe để nhận biết nốt nhạc cùng với các thuộc tính của chúng khi vang lên, sau đó ta sử dụng hệ thống ký âm bằng nốt nhạc để viết ra giấy. Hiện nay trên thế giới tồn tại nhiều hệ thống ký hiệu âm nhạc khác nhau. Nổi bật là hệ thống ký hiệu của Đức, Italia, Mỹ… Việc thống nhất các ký hiệu là việc làm khó. Ở Việt Nam hiện nay tồn tại hai hệ thống ký âm chính, đó là hệ thống ký hiệu theo trường phái âm nhạc cổ điển (hệ thống của Đức và các nước Bắc Âu) và hệ thống ký hiệu theo trường phái Jazz, Rock, Pop đương đại (hệ thống của Mỹ – tiếng Anh). Dưới đây là một vài thí dụ về ký hiệu ở hai hệ thống:
Ký hiệu
|
Mỹ
|
Đức
|
Hợp âm Đô trưởng (giọng đô)
|
C
|
C dur
|
Giọng Xi thứ
|
Bm
|
H moll
|
Nốt Rê giáng
|
Db
|
Des
|
Nốt Rê thăng
|
D#
|
Dis
|
Nốt Xi
|
B
|
H
|
Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội là một trường đào tạo các chuyên ngành nghệ thuật theo hướng đại chúng, đương đại, vì vậy, việc ghi theo hệ thống ký hiệu tiếng Anh là phù hợp hơn. Nhà trường cũng đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện hệ thống ký âm, ký hiệu chuẩn mực. Tuy nhiên, hiện nay việc ghi các ký hiệu âm nhạc vẫn còn chưa đồng bộ bởi thói quen của các giảng viên ở nhiều chuyên ngành khác nhau.
Trong âm nhạc đại chúng, người ta còn sử dụng thuật ngữ tiếng Anh là transcription với ý nghĩa chuyển từ dạng âm thanh (mà trước đó chưa được ký âm) sang dạng văn bản nhạc. Thuật ngữ này được dùng nhiều trong nhạc Jazz khi những người nhạc sỹ ghi chép lại những đoạn ngẫu hứng, ứng tác từ các đĩa nhạc. Việc ghi chép lại từ băng đĩa ra văn bản giai điệu hay tổng phổ là một quá trình từ nghe, ghi nhớ và chép ra giấy. Quá trình này có thể nhanh hay chậm và có chính xác hay không tuỳ thuộc vào khả năng nghe của người ghi. Với ý nghĩa trên đây, ghi âm bao gồm việc ký âm lại từ bất cứ nguồn âm thanh nào, từ các nhạc cụ cho đến cả dàn nhạc từ nhỏ đến lớn, kể các phương tiện phát âm thanh khách nhau như nhạc cụ, giọng hát hay băng đĩa nhạc… Trên thực tế, các nhạc sỹ, nhạc công thường phải ghi lại bài từ băng đĩa của người hát hay biểu diễn trước đó để cho một người khác hát hay biểu diễn lại. Việc này cũng liên quan đến vấn đề bản quyền khi sử dụng bản nhạc của người sáng tác cũng như người ghi lại mà ở Việt Nam vấn đề này còn chưa được bàn đến.
Như đã nói ở trên, Ký Xướng âm là một bộ môn cơ bản và hết sức quan trọng trong quá trình học âm nhạc chuyên nghiệp. Việc rèn luyện kỹ năng đọc và ghi nhạc là một yêu cầu không thể thiếu với mỗi người học nhạc. Có biết đọc nhạc chúng ta mới có thể hiểu được văn bản âm nhạc và có biết ghi nhạc chúng ta mới biết cách để nghe người khác chơi nhạc. Gần đây trên các phương tiện đại chúng có nhiều bài báo viết về tình trạng có khá nhiều ca sĩ ở Việt Nam “mù” nhạc. Thậm chí có nhạc sỹ cho rằng chỉ có 30% ca sĩ Việt biết nhạc, tức là có khả năng đọc ký xướng âm một văn bản ca khúc. Đây cũng không hẳn là một thực tế được kiểm chứng mà chỉ là những ý kiến của một số người trong giới chuyên môn. Tuy vậy cũng đáng để chúng ta suy ngẫm về tình trạng không coi trọng những kỹ năng cơ bản nhất của việc học âm nhạc chuyên nghiệp.
Tài liệu tham khảo
[1] Doãn Mẫn (1980), Phương pháp xướng âm, NXB Văn hóa, Hà Nội.
[2] Phạm Tú Hương (2003), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Dự án đào tạo giáo viên THCS Loan No 1718 – VIE (SF), NXB Đại học sư phạm.
[3] Udtaisuk, Dneya (May 2005), A Theoretical Model of Piano Sightplaying components (PDF), Diss. U. of Missouri-Columbia, pp. 54–55.
Một số trang web tham khảo:
[4] Bách khoa toàn thư mở (www.wikipedia.org)
[5] http://www.music.vt.edu/MUSICDICTIONARY/
[6]http://oneminutemusiclesson.com/2012/12/20/the-4-best-programs-for-interactive-sight-reading-practice-sheet-music/
[7] https://sightreadingfactory.com
[8] http://thepracticeroom.net
[9] http://thesightreadingproject.com
[10] http://youtube.com
[11] http://www.berklee.edu
(1) Thuật ngữ của tác giả tạm sử dụng.
(2) http://en.wikipedia.org/wiki/Sight-reading [Truy cập 27/5/2014]
Nguồn: https://maikien.net/ky-xuong-am-nhung-khai-niem-co-ban/