Trong chiều dài lịch sử của văn minh nhân đã xuất hiện nhiều thư viện, trung tâm thông tin, tổ chức đọc sách, báo cho mọi đối tượng bạn đọc. Từ năm 1995, tổ chức UNESCO đã chính thức chọn ngày 23 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới. Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21 tháng 4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Từ đó ngày hội sách và văn hóa đọc ở nước ta đã trở thành nề nếp văn hóa, đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa rộng rãi từ các trường học, các địa phương trong toàn quốc.
Ngày Sách Việt Nam được đánh dấu là sự kiện văn hóa quan trọng đối với mỗi độc giả yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Trong mọi thời đại việc tự đọc, tự học được xem phương pháp để hoàn thiện bản thân, phát triển nhân cách minh hơn, đồng thời nó góp phần xây dựng phát triển cho xã hội. Do đó, mỗi cá nhân chúng ta phải tự đọc, tự học, phải tự trau dồi và ý thức được rằng đọc sách chính là thói quen, là nhu cầu, là văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống. Văn hóa đọc chính là góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc.
Các hoạt động của ngày sách Việt Nam chính là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Đọc sách đã trở thành nhu cầu tất yếu cho sự tồn tại, phát triển của xã hội nói chung và mỗi độc giả. Đọc sách góp phần tôn vinh người đọc và tập thể tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách - báo. Không những thế mà các hoạt động của ngày sách Việt Nam còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các nghành trong lĩnh vực văn hóa để góp phần nâng cao văn hóa đọc cho mỗi người dân.
Nguyễn Thị Hạnh