Bộ sách có bố cục chia thành 15 tập, bắt đầu từ thời Lịch sử khởi thủy, qua các thời kỳ của các triều đại quân chủ chuyên chế, cho đến Lịch sử Việt Nam hiện đại (đến hết thế kỷ 20). Bộ sách được hình thành trên cơ sở Chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ, do Viện Sử học là cơ quan chủ trì, kế thừa những tri thức cơ bản trong các công trình nghiên cứu, các sách hoặc các bộ sách đã xuất bản trước đây về lịch sử Việt Nam, chú trọng bổ sung những kết quả nghiên cứu mới nhất của các ngành khoa học xã hội và nhân văn như sử học, khảo cổ học, dân tộc học, tôn giáo học và văn hóa học.
Tập thể tác giả của Bộ sách đã khẳng định quan điểm rõ ràng về nhiều vấn đề lịch sử trước đây còn tranh luận. Theo lời PGS.TS Trần Đức Cường –Tổng Chủ biên bộ sách (nguyên phó Chủ tịch VASS, hiện là Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam) giới thiệu trước báo giới trong ngày ra mắt bộ sách khẳng định: Bộ sử này có nhiều điểm mới.
Theo PGS.TS Cường, về lịch sử khởi thủy của nước Việt Nam: “…Chúng tôi khẳng định nhà nước ở Việt Nam hình thành sớm, dân tộc Việt Nam hình thành sớm. Đất nước Việt Nam chúng ta hình thành trên cơ sở sự phát triển của ba nền văn hóa tương ứng với 3 vương quốc cổ đại là văn hóa Đông Sơn với vương quốc Âu Lạc; Văn hóa Sa Huỳnh mà biểu hiện của nó là sự hình thành và phát triển của vương quốc Champa; Văn hóa Óc Eo với sự phát triển của vương quốc Phù Nam. Chúng tôi tránh được điều trước đó nhiều nhà sử học mắc phải là viết về lịch sử Việt Nam nhưng chủ yếu là lịch sử của người Việt gắn với vương quốc Âu Lạc…”.
Nguồn: Tuổi trẻ Online
Về thời kỳ các triều đại quân chủ phong kiến, ông cho biết: “Việc đánh giá một số vương triều phong kiến được chúng tôi tiếp cận với nhiều điểm mới. Theo đó, chúng ta phải ghi nhận các chúa Nguyễn đã có công tổ chức cho người Việt khai phá vùng đất Nam Bộ bây giờ. Sau khi lên ngôi thành lập vương triều Nguyễn năm 1802, nhà Nguyễn đã hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước – Sự nghiệp mà nhà Tây Sơn và người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã mở ra nhưng chưa hoàn thiện…Cùng với đó phải ghi nhận công lao của các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn trong việc xác định chủ quyền của đất nước với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà Nguyễn đã làm được nhiều việc phát triển văn hóa. Nhiều công trình được xây dựng dưới triều Nguyễn sau này được UNESCO công nhận là di sản thế giới như cung đình Huế. Lúc bấy giờ nước ta là vương quốc khá mạnh trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng bên cạnh điểm tích cực, các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn cũng có những sai lầm bị lịch sử lên án. Việc Nguyễn Ánh cầu cứu 5 vạn quân Xiêm sang xâm lược nước ta là sai lầm hết sức nghiêm trọng. Sai lầm thứ hai là họ ký hiệp ước với người Pháp, dựa vào người Pháp, dù lúc đó nước Pháp còn khó khăn nên chưa thể giúp đỡ. Nhà Nguyễn không chịu canh tân đất nước khiến đất nước bị lạc hậu, có lẽ do lợi ích của dòng họ quá lớn. Vậy nên khi đất nước đối diện với với sự xâm lược của các nước tư bản phương Tây thì nhà Nguyễn để đất nước rơi vào tay ngoại bang. Chúng tôi đã đánh giá nhà Nguyễn rõ ràng khách quan, không phiến diện như trước đây…”
Về phần Lịch sử Việt Nam hiện đại, bộ lịch sử cũng thể hiện nhiều điểm mới, như về cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc, PGS.TS Cường phát biểu : “…Cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc nước ta do Trung Quốc gây nên. Chúng ta phải chiến đấu bảo vệ toàn tuyến biên giới từ Lai Châu đến Quảng Ninh. Cuộc chiến ấy rất quyết liệt để bảo vệ vững chắc chủ quyền tổ quốc. Trong bộ sử này, chúng tôi nói rõ rằng Trung Quốc đã huy động 600.000 quân cùng xe tăng, đại bác. Chúng tôi gọi rõ đó là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam. Trung Quốc cho quân tiến vào lãnh thổ Việt Nam mấy chục cây số như vậy thì không thể nào không nói rằng đó là cuộc chiến tranh xâm lược…”.
Theo PGS.TS Trần Đức Cường bộ Lịch sử Việt Nam này đã bổ khuyết được nhiều vấn đề mà các bộ sử, các công trình sử học trước đó chưa có điều kiện nghiên cứu. “…Chưa có điều kiện là cả về tư liệu lẫn nhận thức. Vấn đề nhận thức cũng có cả của giới sử học lẫn của xã hội. Ngày xưa, chúng ta vẫn gọi là ngụy quân, ngụy quyền. Nhưng bây giờ chúng ta viết là chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn. Cái đó có phải ngay một chốc một lúc mà được sự ủng hộ của người đọc đâu. Bây giờ viết trung tính hơn như vậy nhưng chúng ta cũng biết người đọc còn có những đánh giá khác nhau cần trao đổi…”.
Ngoài bộ sách Lịch sử Việt Nam do VASS giới thiệu, tại buổi giới thiệu sách ngày 18-8 tại Hà Nội nhiều đơn vị xuất bản khác đã tổ chức giới thiệu các tác phẩm mới xuất bản như: Văn hóa biển đảo Việt Nam, Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh (60 tác phẩm), 400 năm chữ quốc ngữ: Sự hình thành, phát triển và đóng góp vào văn hóa Việt Nam, Lược sử Việt ngữ học, Hiên ngang Trường sa…vv.
Nguồn: sachvadoisong.vn
Sưu tầm: Đặng Thìn