Bí mật ẩn giấu trong những siêu phẩm hội họa

Trong mỗi bức tranh nổi tiếng đều ẩn chứa những bí mật nhỏ ít được biết tới…

 

 

Bức “Tiếng thét” (1893) của danh họa Na Uy Edvard Munch

Bức “Tiếng thét” là một trong những họa phẩm có sức sống lâu bền và được nhớ đến nhiều nhất trong lịch sử hội họa hiện đại với hình ảnh ngay lập tức xuất hiện trong trí nhớ công chúng, đó là một hình người “xương xẩu”, méo mó, miệng há, gương mặt biểu lộ nỗi kinh hoàng đứng trước một hậu cảnh là bầu trời đỏ rực đầy đe dọa.

Danh họa Munch đã được truyền cảm hứng thực hiện bức tranh này khi một lần trong người đang không khỏe, ông đi ngang qua một cây cầu bắc qua vịnh hẹp, đúng lúc mặt trời lặn, Munch cảm thấy như thể có một tiếng thét câm lặng đang lan đi trong không gian.

Munch viết trong nhật ký của mình: “Ta nghe thấy tiếng thét và vẽ bức tranh này, vẽ những đám mây như thể mang màu máu. Màu sắc làm nên tiếng thét inh tai”. Thường người xem chỉ tập trung vào hình người biểu lộ nỗi kinh hoàng nằm ở tiền cảnh, sau nữa là dòng nước gần như đen kịt và bầu trời đỏ rực như sắp tận thế.

Ít người để ý tới hai bóng đen ở phía hậu cảnh, hai cái bóng xuất hiện cũng đầy vẻ đe dọa. Thực tế, đây là hình ảnh gợi nhắc tới hai người bạn đã đi cùng với Munch trên cây cầu “định mệnh” giúp ông sáng tác nên siêu phẩm.

Munch từng viết lên khung của một trong 4 phiên bản của bức “Tiếng thét” rằng: “Tôi đi trên cầu cùng hai người bạn. Mặt trời lặn. Trời bỗng đỏ rực. Tôi dừng lại, kiệt sức, dựa vào thành cầu. Các bạn tôi bước tiếp. Tôi đứng đó run lên lo sợ. Tôi cảm thấy tiếng thét vô tận lan đi trong không gian”.

 

 

Bức “Kỵ sĩ cười” (1624) của danh họa Hà Lan Frans Hals

Đây là một trong những bức chân dung theo trường phái Ba-rốc nổi tiếng nhất, Hals đã đưa vào rất nhiều chi tiết cầu kỳ, tỉ mỉ cho trang phục và diện mạo của nhân vật, đặc biệt là nụ cười bí ẩn pha chút giễu cợt của nhân vật kỵ sĩ.

Không ai biết kỵ sĩ là ai, chỉ có mấy chữ viết bằng tiếng Latin ở góc trên bên phải của tranh cho biết người đàn ông này 26 tuổi khi tranh được vẽ vào năm 1624. Hình ảnh chuôi kiếm tròn, bằng vàng, lấp ló ở khuỷu tay trái của nhân vật cho biết đây hẳn phải là một tay kiếm cừ khôi.

 

 

Bức “Hai ngài đại sứ” (1533) của danh họa Đức Hans Holbein

Bức tranh này vốn là đề tài nghiên cứu hấp dẫn của các chuyên gia lịch sử hội họa, từng đồ vật đặt giữa hai ngài đại sứ đều mang những ý nghĩa ẩn dụ. Danh tính của hai nhân vật này không được biết đến. Hình ảnh cây đàn luýt đứt dây ngầm ám chỉ sự thiếu hòa hợp. Ngay cả hình ảnh quả địa cầu cũng được khắc họa rất chính xác về mặt địa lý.

Ngoài ra, còn có hình ảnh một chiếc sọ biến dạng nằm ở phía dưới bức tranh, dường như tỉ lệ đã được thay đổi để phục vụ một mục đích nào đó. Mặc dù được sáng tác ở thời kỳ Phục hưng, nhưng Holbein đã sớm thử nghiệm cách vẽ “ép phẳng” sự vật. Hình ảnh chiếc sọ trong tranh thường được cho là gợi nhắc đến cái chết, một hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ.

Tại sao Holbein “dàn phẳng” chiếc sọ là điều khó lý giải. Người ta cho rằng có thể bức tranh được dự định treo trên một cầu thang nên họa sĩ đã vẽ như vậy để tạo nên góc nhìn hoàn hảo cho chiếc sọ. Dù lý do là gì, nó cũng cho thấy tài năng và tư duy hiện đại của vị danh họa.

 

 

Bức “Chân dung Arnolfini” (1434) của danh họa Hà Lan Jan van Eyck

Bức tranh khắc họa chân dung nhà buôn giàu có Giovanni di Nicolao Arnolfini và vợ của ông. Có rất nhiều chi tiết minh chứng cho sự giàu có của gia đình Arnolfini, chẳng hạn như trang phục có diềm lông thú, trang sức bằng vàng của người phụ nữ, thảm trải sàn được dệt cầu kỳ, giá nến bằng đồng, gương cầu lồi treo trên tường…

Chi tiết nhỏ thú vị trong tranh nằm ở phía trên tấm gương, một dòng chữ viết cách điệu - một chi tiết thường thấy trên tường nhà của nhiều gia đình giàu có thời bấy giờ. Nhưng thực tế, đây chỉ là một dòng chữ thể hiện sự hài hước của danh họa, bởi khi dịch ra, nó có nghĩa là: “Johannes van Eyck đã ở đây vào năm 1434”.

 

 

Bức “Lời thề của nhà Horatii” (1784) của danh họa người Pháp Jacques-Louis David

Bức vẽ của David khắc họa một cảnh trong câu chuyện truyền thuyết thời La Mã, kể về hai thành phố thường xuyên gây chiến với nhau, cuối cùng hai bên đi tới quyết định sẽ chấm dứt xung đột và phân thắng bại bằng cách mỗi bên gửi tới 3 chiến binh đấu với nhau. Chiến binh nào thắng chung cuộc đồng nghĩa với thành phố của chiến binh đó chiến thắng.

Trong tranh, 3 anh em của gia đình Horatii đang chào từ biệt cha - người đang nắm giữ những thanh kiếm của các con trai. Cả 4 người đàn ông đều chấp nhận cái chết nhẹ nhàng như nhận lấy nghĩa vụ được giao, đây được xem là bức tranh biểu tượng cho lòng yêu nước và sức mạnh đạo lý.

Trong khi đó, những người phụ nữ của gia đình Horatii biết rằng kết thúc đáng sợ đang chờ đợi 3 người thanh niên trẻ tuổi, họ rầu rĩ ngồi bên nhau ở một góc phòng. Trong số này có người phụ nữ áo đen đang ôm hai đứa trẻ, đứa bé trai ngẩng đầu nhìn lên cha và anh, ánh mắt đầy choáng ngợp trước sự dũng cảm, tận tụy của họ.

Hình ảnh ẩn dụ này mang ý nghĩa rằng lòng yêu nước, sự quả cảm luôn được ngưỡng mộ, soi chiếu đến những thế hệ tiếp theo.

 

 

Bức “Joseph - người thợ mộc” (1645) của danh họa Pháp Georges de La Tour

Bức tranh với những mảng sáng tối đối chọi, tương phản mạnh mẽ, khắc họa Chúa Jesus khi còn nhỏ, ngài cầm ngọn nến thắp sáng, ngồi bên cha Joseph trong lúc ông đang làm việc. Hình ảnh ẩn dụ Chúa Jesus cầm ngọn nến soi sáng bóng tối, bàn tay trái giơ lên như thể đang tạ ơn hoặc ban phúc lành… là những hình ảnh không khó hiểu.

Cha Joseph được khắc họa đang dùng một mũi khoan để khoan lỗ vào một thanh gỗ. Hình ảnh hai cha con ngồi bên nhau, con thắp sáng cho cha làm việc có vẻ đẹp dịu dàng và bình an...

 

 

Bức “Những tiểu thư đang đợi” (1656) của danh họa Tây Ban Nha Diego Velazquez

Bức tranh khắc họa công chúa Margaret Theresa - con gái của vua Tây Ban Nha Philip IV - đang được vây quanh bởi những người hầu cận và những tiểu thư khác. Bức tranh vốn nổi tiếng bởi bố cục phức tạp của nó, với những nhân vật nhìn thẳng vào người xem tranh và những nhân vật dường như đang lơ đãng.

Trong tranh còn có một tấm gương phản chiếu hình ảnh của nhà vua và hoàng hậu Tây Ban Nha đang đứng ở một góc phòng, dù họ không hiện diện trực tiếp trong tranh. Đặc biệt, trong tranh còn có sự xuất hiện của họa sĩ Velazquez đang đứng trước khung tranh, trên tay cầm bảng màu.

Họa sĩ đã tự khắc họa chính mình trong tranh và đưa lại ấn tượng rằng bức tranh đang được vẽ từ điểm nhìn của đức vua và hoàng hậu - hai người đang đứng chờ đến lượt mình ngồi làm mẫu vẽ. Hình ảnh Velezquez trong bức tranh này là chân dung tự họa duy nhất của ông.

Bích Ngọc
Theo The Sun/Daily Mail

Bài viết mới

Tin tức nổi bật