CÁN BỘ, GIẢNG VIÊN NGÀNH MỸ THUẬT TRƯỜNG CĐ VHNT NGHỆ AN THAM DỰ TỌA ĐÀM VÀ TRIỂN LÃM TRANH DO HỘI GIÁO VIÊN MỸ THUẬT HUYỆN TÂN KỲ TỔ CHỨC

     .

Sáng ngày 11/12/2016, tại trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đã diễn ra tọa đàm và triển lãm tranh kỷ niệm 3 năm ngày thành lập Hội giáo viên Mỹ thuật, huyện Tân Kỳ. Tới dự tọa đàm và triển lãm có lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện, trưởng khoa Mỹ thuật các trường CĐ VHNT Nghệ An, CĐ Sư phạm Nghệ An, Đại học Vinh, Phòng VHTT Tân Kỳ, giáo viên mỹ thuật và học sinh THCS trên địa bàn huyện. Mặc dù là một huyện miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn, kinh phí dành cho sự nghiệp giáo dục còn nhiều hạn chế... nhưng việc chuẩn hoá, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên Mỹ thuật luôn được Ngành Giáo dục Tân Kỳ quan tâm.

            Ngày nay, cái đẹp trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống con người. Tất cả những gì phục vụ cho con người đều cần đẹp về hình thể và màu sắc. Và khi cuộc sống ngày càng cao thì cái đẹp lại càng trở nên quan trọng, có thể nói nó đóng góp một phần đáng kể vào phát triển nền kinh tế quốc dân. Với nhiều lợi thế, môn Mỹ thuật tạo điều kiện cho học sinh có khả năng quan sát, nhận xét, trình bày suy nghĩ, tìm tòi sáng tạo, tư duy hình tượng và phương pháp làm việc khoa học, góp phần hình thành phẩm chất của con người lao động trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Song, hiện nay việc dạy – học Mỹ thuật ở bậc THCS trên toàn tỉnh nói chung và ở huyện Tân Kỳ nói riêng vẫn còn nhiều bất cập. Đó là hệ thống cơ sở vật chất phục vụ việc đổi mới dạy học, chất lượng học sinh chưa đồng đều, sự quan tâm của phụ huynh đối với năng khiếu mỹ thuật của học sinh còn thấp...

            Môn Mỹ thuật ở bậc THCS, các em được làm quen với rất nhiều phân môn khác nhau, song vẽ tranh theo đề tài là một phân môn rất quan trọng, là tổng hợp của tất cả các phân môn khác vì vậy việc hướng dẫn các em hiểu và vẽ đúng đề tài yêu cầu là một vấn đề rất quan trọng của giáo viên hướng dẫn. Với mục tiêu chung và chương trình cụ thể, dạy học mĩ thuật ở THCS không chỉ là vẽ mà lấy hoạt động mĩ thuật để nâng cao hiểu biết cho học sinh, giúp các em có thêm kiến thức, kĩ năng trong quá trình hoàn thiện nhân cách Đức - Trí - Thể - Mĩ. 
            Trong môn Mỹ thuật ở bậc THCS, các em được làm quen với rất nhiều 
phân môn khác nhau, trong đó có 4 phân môn chính: Vẽ theo mẫu, Vẽ trang trí, Vẽ tranh, Thường thức mĩ thuật. Song vẽ tranh theo đề tài là một phân môn rất quan trọng, là tổng hợp của tất cả 
các phân môn khác.  Vì vậy, trong những năm qua, hội giáo viên Mỹ thuật huyện Tân Kỳ đã chủ động đi đầu trong hướng dẫn học sinh của mình vẽ tranh.
Việc hướng dẫn các em hiểu và vẽ đúng đề tài yêu cầu là một vấn đề rất quan trọng của giáo viên hướng dẫn. Không phải cứ lúc nào giáo viên nêu yêu cầu là học sinh có thể lĩnh hội được đầy đủ kiến thức và kĩ năng thực hành vì đối tượng học sinh không đồng nhất. Trong quá trình giáo dục muốn con người phát triển về mọi mặt thì phải hiểu con người về mọi mặt. Vì thế giáo viên phải hiểu được học sinh của mình nắm bắt được đặc điểm tâm lý, nhận thức của học sinh. 
            Cụ thể, đối với môn Mỹ thuật trong nhà trường phổ thông, người giáo viên ngoài việc nắm bắt về đặc điểm tâm lý ra thì giáo viên cần nắm bắt được rõ và cụ thể hơn về những nhu cầu hứng thú trong học tập, nắm bắt sự phát triển, ghi nhớ tư duy tưởng tượng của các em, kích thích làm cho tư duy sáng tạo trí tưởng tượng, phát triển tốt có hiệu quả trong môn mỹ thuật nói chung và phân môn vẽ tranh đề tài nói riêng. Trong môn Mĩ thuật, nếu các em có trí tưởng tượng càng cao thì các em vẽ tranh càng đẹp, vậy hình vẽ của các em không chỉ là những gì thực tế mà còn có sự sáng tạo thông qua lăng kính chủ quan và khách quan cho ta những hình ảnh thật sinh động và ngộ nghĩnh, rất hồn nhiên đầy chất ngây thơ của chính các em. Vì thế khả năng tưởng tượng đối với các em rất quan trọng góp phần tạo ra hứng thú cần thiết trong khi làm bài. 
            Trong ba năm qua, Hội Giáo viên Mỹ thuật huyện Tân Kỳ đã thông qua các đợt bồi dưỡng hè đầu năm đã giúp giáo viên có được nhận thức đúng đắn về việc sử dụng đồ dùng trực quan trong giảng dạy. Các buổi sinh hoạt chuyên môn của hội đã cho giáo viên có ý thức hơn trong nâng cao sự tìm tòi, sáng tạo, tìm ra những phương pháp tích cực nhất trong dạy và học; nâng cao tư tưởng và ý thức chủ động, sáng tạo trong giảng dạy, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục của nhà trường, đào tạo học sinh trở thành những con người năng động, độc lập và sáng tạo. 
            Phần lớn, mỗi trường chỉ có 01 GV Mỹ thuật nên rất khó khăn trong dự giờ các đồng nghiệp để học hỏi, góp ý kiến cho nhau. Vì vậy, sự thành lập Hội giáo viên Mỹ thuật Huyện tân Kỳ là điều kiện rất quan trọng trong việc giao lưu, học hỏi của giáo viên mỹ thuật trên địa bàn.
            Tại buổi tọa đàm, nhiều tranh vẽ của giáo viên trong Hội và học sinh của các trường THCS trên địa bàn được trưng bày. Có thể nói, phòng tranh đã tạo được ấn tượng rất đẹp cho những người đến tham dự. Hội trưởng Hội giáo viên Mỹ thuật huyện Tân Kỳ, Lê Thanh Huyền nói: "Muốn học sinh phát huy được tính tích cực sáng tạo trong bài vẽ tranh trước tiên cần giúp học sinh nắm được và vận dụng có hiệu quả các kỹ năng cơ bản trong môn mĩ thuật nói chung và phân môn vẽ tranh nói riêng, với bài vẽ tranh trước tiên là phải rèn luyện kỹ năng quan sát, đó là cách quan sát từ bao quát đến chi tiết, từ chi tiết đến khái quát tổng hợp về các đối tượng mà các em quan sát, từ đó các em có cơ sở để xây dựng bài vẽ tranh. Sản phẩm có được tại buổi tọa đàm là sự nỗ lực của toàn thể giáo viên Mỹ thuật Tân Kỳ cũng như các em học sinh. Trong quá trình dạy, chúng tôi đã rèn luyện cho các em kỹ năng cảm thụ thẩm mĩ giúp cho các em biết nhận ra cái đẹp thông 
qua các hoạt động học tập, địa điểm, thời gian, nơi chốn hình thức,.. ; Kỹ năng thực hành thể hiện ở khả năng xây dựng bố cục, vẽ hình, vẽ nét, vẽ màu sao cho phù hợp với đề tài học tập; Kỹ năng vận dụng thực tiễn vào kiến thức giúp học sinh liên hệ trực tiếp các hoạt động học tập của bản thân, ở trường, lớp để đưa vào tranh vẽ... Và đặc biệt, ở phần nhận xét, chúng tôi luôn giúp học sinh của mình nhận biết và phân biệt được chỗ đúng, sai, đẹp, chưa đẹp về hình dáng, bố cục, đặc điểm, màu sắc... của đề tài. Qua đó giúp học sinh hiểu được giá trị nghệ thuật của cái đẹp và tự trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản, cần thiết, biết phát huy tính tích cực và sáng tạo trong học tập. Từ đó thêm hứng thú, say mê và yêu thích môn học". 

Có thể nói, mô hình hội giáo viên Mỹ thuật huyện Tân Kỳ là một mô hình mẫu cho nhiều cơ sở giáo dục hướng tới mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy hiện nay, đồng thời tạo cơ hội để giáo viên bộ môn gặp mặt, trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ, học hỏi kinh nghiệm trong công tác cũng như trong cuộc sống.

Một số hình ảnh của buổi tọa đàm:

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an