12/12/2020 4:22:00 PM thanhnga 2357 lượt xem Giới thiệu
Múa là một trong những loại hình nghệ thuật sớm nhất của loài người, gắn bó với con người từ thời nguyên thủy. Nghệ thuật múa tham gia vào rất nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng như: lễ hội, tín ngưỡng… Ở Việt Nam, múa dân gian là loại hình nghệ thuật tồn tại lâu đời nhất trong nghệ thuật múa. Múa dân gian không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo trong đời sống tinh thần, mà còn thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của mỗi tộc người.
Có thể thấy, mỗi điệu múa đều xuất phát từ trong lao động, sản xuất, đời sống sinh hoạt xã hội của mỗi cộng đồng dân cư. Do đó, nghệ thuật múa luôn phản ánh một cách trung thực và sinh động nhất óc sáng tạo và những xúc cảm thẩm mỹ của cộng đồng dân cư ấy. Đó cũng là một tấm gương phản chiếu những bản sắc văn hóa tộc người. Trong xã hội hiện đại, di sản múa dân gian đối với sự phát triển của ngành múa chuyên nghiệp rất quan trọng. Việc kế thừa, phát huy giá trị của múa dân gian ngoài mục đích bảo tồn loại hình nghệ thuật đặc sắc này còn để tạo nên những tác phẩm hay, đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc.
Là một ngôi trường đặc thù đào tạo năng khiếu âm nhạc và mỹ thuật, trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An đến nay đã đào tạo 54 khóa học sinh chuyên ngành Biểu diễn Múa dân gian dân tộc. Có thể nói, đây là một ngành học đòi hỏi sự khổ luyện và óc sáng tạo không ngừng. Ngoài việc đòi hỏi người học phải hội đủ những tiêu chuẩn khắt khe về hình thể, ngành học này còn đòi hỏi khả năng, năng lực cảm thụ âm nhạc, diễn xuất, cả sự tưởng tượng và nhiều hy sinh cho nghệ thuật. Mỗi ngày, học sinh múa cần tới 4 đến 5 giờ tập luyện, mồ hôi đổ ra trên sàn tập không biết bao nhiêu, việc luyện tập đến tóe máu, trật chân, bong gân là chuyện bình thường đối với các học sinh múa. Có thể nói, đến nay, hầu hết học sinh sau khi tốt nghiệp đều được tiếp nhận về làm việc tại các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tại địa phương, nhiều em trở thành diễn viên solit có thể sống được bằng nghề…
Có được những thành quả bước đầu ấy không thể không kể tới công lao đóng góp và tâm huyết của các giáo viên trực tiếp giảng dạy. Nhà trường hiện có 2 giáo viên cơ hữu và 3 giáo viên thỉnh giảng chuyên ngành giảng dạy các bộ môn: Biểu diễn múa dân gian dân tộc, Múa cổ điển Châu Âu, Kỹ thuật biểu diễn, Múa hiện đại… Nhà trường sử dụng giáo trình của trường Cao đẳng múa Việt Nam trong giảng dạy và từng bước hoàn thiện tài liệu giảng dạy thông qua các công trình nghiên cứu của giáo viên chuyên ngành múa của trường như Tập bài giảng môn Lịch sử múa, Múa cổ điển Châu Âu, Múa dân gian Việt Nam...; các sáng kiến kinh nghiệm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả biên đạo nghệ thuật biểu diễn múa trong chương trình văn nghệ chào mừng phục vụ nhiệm vụ chính trị, lễ hội, nghệ thuật quần chúng ở Nghệ An” và được áp dụng hiệu quả trong thực tế giảng dạy. Trong thành công của các chương trình nghệ thuật nhà trường luôn có sự đóng góp không nhỏ của các học sinh chuyên ngành múa của nhà trường. Các tiết mục múa tham gia Hội thi tài năng trẻ các trường Văn hóa Nghệ thuật toàn quốc đạt nhiều giải thưởng cao.
Là một ngành học đem đến nhiều vinh quang nhưng cũng phải nếm trải rất nhiều những nhọc nhằn. Tuy vậy, số lượng học sinh đăng ký chuyên ngành này ngày càng đông. Nhưng số lượng nam sinh viên không nhiều. Do vậy, việc xây dựng những tiết mục cần đông diễn viên và nhiều động tác bê, đỡ gặp không ít khó khăn. Mặc dù vậy, đội ngũ cô trò chuyên ngành Biểu diễn Múa dân gian dân tộc vẫn không ngừng nỗ lực, miệt mài rèn luyện và cống hiến. Bởi họ hiểu rằng, người giáo viên, đặc biệt là giáo viên chuyên ngành múa, sẽ đem lại cho đời, cho người những cảm xúc thẩm mỹ tinh tế và đời sống tinh thần phong phú cao đẹp.
Nâng cao chất lượng đào tạo Biểu diễn Múa dân gian dân tộc là trăn trở của các giáo viên trước, trong và sau mỗi giờ lên lớp. Những trăn trở ấy cùng với lòng nhiệt huyết, yêu nghề, sẵn sàng cống hiến của các thầy cô trẻ chuyên ngành Biểu diễn Múa dân gian dân tộc chắc chắn sẽ giúp họ gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong tương lai. Thành công của các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của ngành và của tỉnh trong những năm qua là thành quả bước đầu của những cống hiến ấy. Và quan trọng hơn, thành quả ấy sẽ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đào tạo hiện nay và đưa nghệ thuật múa lên một tầm cao mới.
Hình ảnh một số tiết mục Múa dân gian tại Hội thi tài năng các Trường văn hóa Nghệ thuật toàn quốc tại Huế 2020.