Sách lá cây là một loại hình cổ rất độc đáo và chỉ xuất hiện ở vùng miền núi nước ta như Tây bắc, Tây Thanh Hóa, Tây Nghệ An. Đây là loại sách lưu giữ loại văn tự truyền thống của người Thái tại Việt Nam mà hiện nay số lượng còn lại rất ít. Thư viện tỉnh Nghệ An trong quá trình điền dã đã sưu tầm được hai cuốn sách loại này của đồng bào Thái tại vùng núi huyện Tương Dương tỉnh Nghệ An
Sách chữ Thái cổ (Quyển thứ nhất)
Theo anh Hữu Vi - một người chuyên nghiên cứu chữ Thái cổ thì chữ Thái tại Việt Nam có nhiều thể, trong đó có 8 thể chính phân chia theo các vùng miền khác nhau như chữ Thái Thanh, chữ Thái Nghệ, chữ Thái Tây Bắc... trong số đó lại chia nhỏ ra nhiều nữa. Hiện nay rất ít người biết được toàn bộ các loại chữ Thái kể trên. Về hai quyển sách tại Thư viện Nghệ An: Cuốn thứ nhất gồm 123 lá, nặng 2,2 kg, bìa sách bằng gỗ, hoa văn ở bìa quyển sách này là hoa văn thường thấy ở khăn thêu và một số đồ dệt thổ cẩm của phụ nữ Thái. Chữ viết trên lá cây được ghi ở cả hai mặt, mỗi mặt 4 hàng viết theo hàng ngang, hàng nhiều nhất hơn 100 chữ. Cuốn thứ hai cũng tương tự như cuốn thứ nhất nhưng hai mảnh bìa bằng gỗ lại để trơn không có hoa văn như quyển kia. Cuốn này có 287 lá, nặng 1,2kg, mỗi mặt lá viết 4 hàng chữ, mỗi hàng khoảng 90 chữ, nếu tính cả hai mặt thì có khoảng 720 chữ. Hai cuốn sách này được làm theo kiểu rất đặc biệt là các lá được ghép với bìa tạo thành sách bằng một cái dây xâu qua lỗ rồi buộc lại. Trong đó có chừa lại một khoảng cách nhất định để có thể lật từng trang sách ra đọc.
Sách chữ Thái cổ (Quyển thứ hai)
Một điều thú vị nữa đó là “giấy” trong hai quyển sách này đều làm bằng lá cây Dứa Gai. Cây này có quả, thường được trồng nhiều ở ngoài bắc, dọc sông Thương tỉnh Bắc Giang cũng có nhiều loại này. Thường trồng ở sông để chống sạt lở. Đặc điểm cây này là dai, xơ, cứng, bền, người miền núi hay dùng để gắn vào sau mũi tên để giữ thăng bằng khi bắn tên. Người ta đem loại lá này về chẻ ra đem luộc rồi phơi nắng, sau đó ép trên ván gỗ cho thẳng. Sau đó lấy kim gai rạch sẵn chữ rồi bôi mực vào và chùi cho sạch. Mực này có thể là loại mực Tàu mài ra rồi trộn với mật con cá. Đặc biệt, “giấy” này có thể ngâm được dưới nước mà không sợ bị mục hay mất chữ. Thậm chí người xưa muốn đọc chữ rõ hơn thì đều đem ngâm lâu dưới nước.
Anh Hữu Vi cho biết: hai cuốn sách này là hai hệ chữ khác nhau. Cuốn to rất có khả năng là chữ Thái vùng Tây bắc, còn cuốn sách nhỏ thì chữ viết thuộc nhóm Thái Tay Thanh xuất hiện ở miền tây Thanh Hóa (như Lang Chánh, Bá Thước) và Nghệ An (như Nghĩa Đàn, Tương Dương). Hiện nay có một số cụ già ở huyện Tương Dương tỉnh Nghệ An còn đọc được loại chữ này. Quyển nhỏ là một trong 8 hệ chữ Thái ở Việt Nam, dùng kí tự Xăng krít để ghi lại ngữ âm. Loại chữ này không có dấu thanh, dấu thanh đã được quy định bằng phụ âm. Vùng Tương Dương Nghệ An gọi loại chữ này là Xư Thanh. Theo một số tài liệu thì hai cuốn sách này có thể là các bản trường ca văn xuôi của thầy Mo hàng tổng và truyện dân gian Kả lả kệt của đồng bào Thái tại Nghệ An. Mỗi khi có ngày lễ hay việc quan trọng sách được đem ra đọc.
Các nhà nghiên cứu đang xem sách chữ Thái cổ tại Thư viện tỉnh Nghệ An
Hai cuốn sách này được sưu tầm ở vùng miền núi giáp giới giữa hai huyện Tương Dương và Quỳ Châu tỉnh Nghệ An. Theo các cụ già ở bản xứ thì hai cuốn sách này có lịch sử hàng trăm năm. Tuy nhiên hiện nay số người đọc được thể loại chữ này rất hiếm nên chưa thể phiên dịch và tìm hiểu nổi dung hai cuốn sách này. Bên cạnh những mộc bản, văn bia, sắc phong, tài liệu chữ Hán - Nôm thì hai cuốn sách chữ Thái cổ này là một di sản văn hóa đặc sắc cần được bảo tồn và nghiên cứu, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Đây là một tư liệu quan trọng, cần thời gian nghiên cứu nhiều hơn để có một kết luận đầy đủ và rõ ràng. Qua đây chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm từ phía các nhà nghiên cứu văn hóa Thái để có thể giải mã nội dung hai cuốn sách này, để những điều ẩn chứa trong đó sẽ không còn là bí ẩn đối với mọi người.
Võ Thúy Ngọc