Văn hóa nghề hiện nay được nhắc đến nhiều trong các lĩnh vực, được coi là cơ sở cho tính chủ động sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới. Văn hóa nghề và việc nâng cao văn hóa nghề cho người lao động đặc biệt là thanh thiếu niên, trong đó có sinh viên ngành khoa học thư viện, đã và đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.
1. Khái niệm văn hóa nghề
Văn hóa nghề là cụm từ chỉ tổng hợp các khái niệm nhận thức nghề, thái độ đối với nghề, hành vi ứng xử của con người cùng với nghề trong quá trình lao động sản xuất, quan hệ người - người trong quá trình tổ chức lao động xã hội, cốt lõi của văn hóa nghề là chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
Văn hóa nghề là thước đo trình độ nhận thức của người lao động đối với nghề nghiệp, đòi hỏi người lao động trong một nghề phải nhận thức đầy đủ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ củ nghề đó, có những hiểu biết sâu sắc về hành vi nghề nghiệp, các quy chuẩn trong công tác.
Văn hóa nghề là cơ sở để điều chỉnh hành vi nghề nghiệp trong công tác, người lao động phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của công việc trong quá trình lao động. Ở đây, chức năng thực tiễn của văn hóa nghề là khiến người lao động trở thành người làm việc có kỷ luật, có sáng tạo, làm việc có hiệu quả, có chất lượng với năng suất lao động cao.
2. Văn hóa nghề thư viện và vai trò của việc giáo dục văn hóa nghề đối với cán bộ thư viện.
Theo Liên hiệp Hội Thư viện thế giới (International Federration of Library Associations - IFLA), nghề thư viện xét về bản chất là hoạt động đạo đức thể hiện một phương pháp tiếp cận mang đậm giá trịcông việc chuyên môn liên quan tới thông tin. Ở Việt Nam trong các tài liệu nghiên cứu, các nhà khoa học thư viện và thông tin cũng khẳng định có tồn tại nghề thư viện. Nghề thư viện (theo những nhà khoa học này) được hình thành khá sớm (thời kỳ cổ đại) cùng với sư phát triển của các thiết chế thư viện. Cùng với thời gian và sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, nghề thư viện có sự thay đổi mạnh mẽ tuy nhiên sự thay đối ấy không làm giảm đi tính chất nghề nghiệp và vai trò của nghề thư viện đối với xã hội: là cầu nối giữa thông tin và người sử dụng.
Vậy có văn hóa nghề thư viện hay không? Điều này được khẳng định là có, bởi nghề nghiệp nào cũng cần tới văn hóa nghề. Tuy chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rõ văn hóa nghề thư viện là gì, nhưng trong “bản quy tắc về đạo đức nghề nghiệp của IFLA” có đề cập đến một mảng quan trọng của văn hóa nghề thư viện – đó là đạo đức nghề nghiệp. Theo đó, cán bộ thư viện cần đảm bảo những nhiệm vụ cốt lõi của mình là đảm bảo việc tiếp cận thông tin của tất cả mọi người nhằm mục dích phát triển cá nhân, giáo dục, văn hóa, giải trí, hoạt động kinh tế và được tham gia một cách chủ động vào nền dân chủ và tăng cường dân chủ. Mục đích hướng tới của cán bộ thông tin thư viện là tạo điều kiện cho người sử dụng được tiếp cận thông tin một cách công bằng, nhanh chóng, tiết kiệm và hiệu quả.
Trong bản quy tắc này đã đề cập tới một khía cạnh rất quan trọng của văn hóa nghề thư viện, đó là đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, văn hóa nghề không chỉ bao hàm đạo đức nghề nghiệp mà còn bao gồm các yếu tố khác như: Trình độ chuyên môn, nghề nghiệp cao; Có sự hiểu biết sâu sắc về pháp luật và thực hiện đúng đắn các quy chuẩn luật pháp về nghề nghiệp và lao động nghề nghiệp; Có ý thức nghề nghiệp tốt, tuân thủ tự giác các giá trị đạo đức nghề nghiệp và các mối quan hệ nghề nghiệp (như đã trình bày trong phần 1). Theo đó, văn hóa nghề thư viện được hiểu là bao hàm các nội dung sau:
*Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao: không chỉ am hiểu chuyên môn nghiệp vụ thư viện mà cần luôn có tinh thần cầu tiến, học hỏi tự nâng cao trình độ chuyên môn và nghề nghiệp của mình.
Cán bộ thông tinthư viện cần đảm bảo việc tiếp cận thông tin của mọi người nhằm các mục đích khác nhau, không phân biệt, từ chối hoặc hạn chế việc tiếp cận đến các thông tin và ý tưởng.
Cán bộ thông tin thư viện cần phát huy trình độ và chuyên môn nghiệp vụ nhằm cung cấp dịch vụ cho công chúng và thực hiện các cố gắng nhằm để người dân tiếp cận tới các kho tài liệu và dịch vụ thư viện miễn phí (có chú ý tới việc quyền lợi đọc và tiếp cận thông tin của những người thiệt thòi trong xã hội).
Cán bộ thông tin thư viện cũng cần phát huy khả năng chuyên môn của mình nhằm quảng bá và phổ biến kho tài liệu, các dịch vụ thư viện để khách hang hiện tại và tiềm năng nhận biết đến sự hiện hữu của kho tài liệu và các dịch vụ này.
Cán bộ thông tin thư viện cần dựa trên cơ sở là khả năng sáng tạo và sự hiểu biết về chuyên môn nghiệp vụ áp dụng những phương pháp và giải pháp tiên tiến nhất, hiệu quả nhất để đưa tài liệu tới người sử dụng. đảm bảo không có bất kỳ rào cản nào trong việc tiếp cận kho tài liệu của người sử dụng.
Cán bộ thông tin thư viện cần thực hiện quản lý trình bày nội dung thông tin một cách dễ hiểu nhất để người sử dụng có thể tự chủ động trong tìm kiếm thông tin mà họ cần, cung cấp các dịch vụ nhằm phát triển kỹ năng đọc, tăng cường kiến thức thông tin cho người dùng tin, thúc đẩy việc sử dụng thông tin hợp lý, đúng đạo đức, đúng pháp luật.
Tóm lại về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đối với cán bộ thông tin thư viện có văn hóa nghề cần biết và phát huy trình độ, khả năng chuyên môn nhằm hướng tới mục tiêu: tạo điều kiện để người sử dụng có thể tiếp cận và sử dụng thông tin tiết kiệm, an toàn và hiệu quả, nhanh chóng, phấn đấu để đạt đến độ hoàn hảo trong chuyên môn bằng việc duy trì, nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp hướng tới mục đích đạt được chuẩn mực cao nhất trong chất lượng dịch vụ và góp phần nâng cao uy tín nghề nghiệp.
* Có sự hiểu biết sâu sắc về pháp luật và thực hiện đúng đắn các quy chuẩn luật pháp về nghề nghiệp và lao động nghề nghiệp bao gồm pháp luật liên quan tới quyền dân chủ, quyền tự do tiếp cận thông tin, quyền sở hữu trí tuệ, quyền bảo mật, quyền công khai…cán bộ thư viện thông tin cần phải biết rõ và thực hiện trách nhiệm đối với mỗi người dân và toàn xã hội. Việc xây dựng các sản phẩm và dịch vụ thư viện trên cơ sở tôn trọng công bằng, dành cho mọi đối tượng, không phân biệt.
*Có ý thức nghề nghiệp tốt, tuân thủ tự giác các giá trị đạo đức nghề nghiệp và các mối quan hệ nghề nghiệp. Trong nghề nghiệp, cán bộ thư viện thông tin cần đảm bảo tính trung lập và không thiên vị, công khai, công bằng đồng thời có các biện pháp chống lại các hành vi tham nhũng, lãng phí trong hoạt động.
Đối với đồng nghiệp, cán bộ thông tin thư viện đối xử với nhau trên nguyên tắc công bằng và tôn trọng, không phân biệt đối xử trong mọi khía cạnh, chia se kinh nghiệm chuyên môn với đồng nghiệp, hướng dẫn, giúp đỡ những đồng nghiệp mới gia nhập công đồng chuyên môn và phát triển kỹ năng, không cạnh tranh phi đạo đức với đồng nghiệp.
Cán bộ TV-TT cần nỗ lực để gây dựng được danh tiếng và vị thế dựa trên sự chuyên nghiệp và hành vi đạo đức của mình.
Văn hóa nghề của mỗi cá nhân còn thể hiện ở sự nhiệt tình, say mê trong công việc, tinh thần chủ động, sáng tạo niềm mong mỏi, khát khao được công hiến cho nghề nghiệp. Để văn hóa nghề hình thành và trở thành yếu tố bản chất của mỗi người lao động không chỉ đòi hỏi có sự nghiên cứu về văn hóa nghề mà còn cần đưa ra các biện pháp nhằm giáo dục văn hóa nghề cho những người đã, đang làm nghề đặc biệt là những người sắp làm nghề (những người lao động tương lai).
3. Giải pháp nâng cao văn hóa nghề cho sinh viên ngành thư viện
Từ việc nghiên cứu văn hóa nghề nói chung và các hành vi văn hóa nghề thư viện nói riêng, có thể nhận thấy vai trò của giáo dục văn hóa nghề cho lớp cán bộ thông tin thư viện mới là rất cần thiết. Chúng ta muốn có một lớp người lao động có văn hóa thì cần lồng ghép các bài học về văn hóa nghề trong mỗi phần, mỗi môn học. Trên cơ sở những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình giảng dạy chuyên ngành thư viện thông tin, tác giả cho rằng, sự lồng ghép việc giáo dục văn hóa nghề trong các môn học giống như quá trình “mưa dầm thấm lâu”, dần dần sẽ tạo nên một lớp người lao động mới có văn hóa rất tự nhiên và thể hiện tính bền vững giống như văn hóa nghề là bản chất của họ. Điều này là rất cần thiết bởi việc giáo dục văn hóa nghề không chỉ nghe nói lý thuyết suông mà mỗi người giảng dạy cần trở thành những tấm gương thực tiễn hết sức sinh động về lòng yêu nghề.
Việc lồng ghép văn hóa nghề trong từng phần các môn học có thể được tiến hành ngay từ những môn học đầu tiên (những bài học đầu tiên) về ngành nghề. Để thực hiện được mong muốn này, mỗi giảng viên không chỉ giáo dục lòng yêu nghề cho sinh viên mà còn cần trở thành những tấm gương sáng về tinh thần học tập và cầu tiến, về lòng yêu nghề.
Bên cạnh đó, chương trình khung cũng cần có sự thay đổi nhằm tăng cường các kỹ năng mềm cho sinh viên: như kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp, kỹ năng giải quyết tình huống….thậm chí cũng nền lồng ghép các bài học về văn hóa nghề như ý thức sống và làm việc đúng pháp luật, tính kỷ luật, tính chính xác, đạo đức nghề nghiệp.
Quá trình thực tập của sinh viên tại các cơ sở cũng là cơ hội tốt cho việc giáo dục văn hóa nghề. Trong quá trình thực tập, sinh viên không chỉ được tiếp cận với chuyên môn nghiệp vụ mà còn tiếp thu những bài học về giáo dục con người, nếp sống văn minh, văn hóa. Ví thử như sinh viên thực tập tại thư viện nào đó mà cán bộ thư viện không có văn hóa nghề, đơn cử như một hành động rất nhỏ như đi muộn, về sớm, không tuân thủ kỷ luật lao động cũng sẽ khiến sinh viên thực tập có cái nhìn không thiện cảm về nghề nghiệp; hay như thái độ không tốt của cán bộ thư viện tại cơ sở thực tập đối với bạn đọc cũng ngay lập tức trở thành tấm gương xấu, sinh viên cũng sẽ có những ứng xử tương tự khi làm việc.
Vấn đề phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực trẻ phải được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất để phát triển một ngành nghề. Để có một hoạt động hiệu quả, cần phải thống nhất được một chiến lược phát triển chung không chỉ ở những mặt kinh tế, công nghệ, hạch toán kinh doanh... mà còn phải có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức về văn hóa nghề, khắc phục những hạn chế, nhất là những hạn chế gắn liền với các chuẩn mực và giá trị lao động nghề nghiệp cũ, phát huy được sức mạnh của tổng thể nhằm đáp ứng những yêu cầu và đỏi hỏi cần thiết của xã hội.
Trong các chương trình học phổ thông, chúng ta cần lồng ghép những chương trình học tập hướng nghiệp, đưa môn học hướng nghiệp vào ngang hàng với những môn học quan trọng khác. Phải xây dựng những chuẩn mực và định hướng giá trị, nếp sống văn hóa mới trong xã hội theo các quy chuẩn của xã hội công nghiệp, tạo dựng cho lớp trẻ quen dần với một môi trường sống công nghiệp, nhận thức, tư duy và hành động theo phong cách của người lao động công nghiệp.
Võ Thúy Ngọc