BÀI TRÍ BÀN THỜ GIA TIÊN NGÀY TẾT

Do truyền thống đạo hiếu uống nước nhớ nguồn, trong căn nhà của người Việt Nam, vị trí trang trọng nhất bao giờ cũng phải là bàn thờ gia tiên. Đó là nơi đặt bát hương thờ gia tiên tiền tổ, là nơi linh thiêng nhất trong ngôi nhà. Theo phong thủy, nếu việc thờ cúng không tốt, vị trí bàn thờ gia tiên không phù hợp sẽ ảnh hưởng xấu đến vận khí và sự may mắn của gia chủ. Do đó, khi đặt bàn thờ, gia chủ cần phải hết sức cẩn thận. Lúc bình thường bàn thờ gia tiên chỉ có các đồ thờ nhưng tết là một dịp quan trọng nhất trong năm và cũng có rất nhiều lễ vật cần đặt lên bàn thờ để cúng tổ tiên. Vậy phải sắp xếp các lễ vật đó như thế nào cho có thẩm mỹ đồng thời không phạm phải các điều kiêng kị là điều mag mọi gia đình Việt đều quan tâm.

1. Lau dọn bàn thờ

          Bàn thờ là nơi ngự vị của các bậc tiền nhân trong gia đình, vì thế nó thường được đặt ở vị trí trung tâm và cao nhất trong nhà. Điều này không chỉ để tránh sự va chạm mà còn tránh gió, bụi bặm và côn trùng. Việc lau dọn sạch sẽ bàn thờ là công việc trước tiên và được thực hiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ. Không phải đợi lúc năm hết tết đến, nhân dịp giỗ chạp hay vào những ngày ngày rằm và ngày đầu tháng, người ta mới dọn dẹp và chăm chút bàn thờ. Tuy nhiên, vào những ngày cận Tết, ta mới thấy hết được không khí bận bịu, tất bật của việc dọn dẹp và chuẩn bị sắm sửa đồ thờ từ việc đánh sáng lại đồ thờ, lau chùi khung ảnh, thay cát bát hương…  mong muốn một năm mơi mọi vệc thuận buồm xuôi gió, gia đình ân khang thịnh vượng,..

          Khi lau bàn thờ cần sử dụng chổi quét, khăn lau, chậu thau riêng biệt. Sử dụng nước sạch để lau dọn bàn thờ, thông thường người ta dùng nước ngũ vị để lau dọn bàn thờ ngày tết.

          Việc lau dọn và bày biện bàn thờ ngày Tết thường do đàn ông đảm nhiệm, vì người đàn ông là chủ gia đình, phải đại diện chăm lo nơi cư ngụ của tổ tiên để tỏ lòng hiếu kính.

          Theo nếp xưa, người lớn tuổi nhất nhất nhà ra khấn và thắp hương cho ông bà tổ tiên trong những ngày quan trọng như: tất niên, đêm giao thừa, mừng năm mới, cúng tiễn…

          2. Bày trí  bàn thờ

          Thông thường ban thờ sẽ được bày biện theo thuyết âm dương ngũ hành. Ở chính giữa sẽ là bát hương tượng trưng cho tinh tú, hai bát hương nhỏ hơn đặt hai bên tạo nên thế tam tài. Ở hai góc ngoài có 2 ngọn đèn tượng trưng cho nhật nguyệt, hai bên ban thờ có thêm bình hương, bình hoa tươi, đế đèn và mâm bồng. Ngoài ra thì theo điều kiện từng gia đình mà bài trí thêm các dồ thờ tự: đỉnh đồng, chân đèn, song nhạc… Tất cả phải được sấp xếp sao cho cân đối theo nguyên tắc âm dương hòa hợp.

          Lễ vật dâng cúng thường tiền vàng, hàng mã, mâm ngũ quả, bánh chưng, hoa tươi, rượu, thuốc, mứt, hai cây mía…

          Mâm ngũ quả thì không bắt buộc loại quả gì vì tùy theo vùng miền có các sản vật khác nhau, miễn sao gồm đủ 5 loại quả có màu sắc khác nhau biểu tượng cho ngũ hành. Ở miền Bắc thì phổ biến là dùng chuối xanh, hồng hoặc quýt đỏ, lê trắng, bưởi vàng, hồng xiêm xám. Một mặt ngũ quả biểu tượng cho ngũ hành, mặt khác nó là đại diện cho 5 điều người ta mong ước nhất là: Phú (giàu) – quý (sang trọng) – thọ (sống lâu) – khang (khỏe mạnh) – ninh (bình yên).

          Ngoài ra, nhiều nơi cũng có truyền thống mua hai cây mía về buộc vào hai cái cột ở hai bên bàn thờ hoặc dựng ở hai bên bàn thờ. Điều này theo sách "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính thì có ý nghĩa là dùng cây mía làm gậy chống cho các cụ tiên tổ. Nhà văn Băng Sơn trong tài liệu đã nói ở trên cũng viết: “Nhiều vùng, đi phiên chợ tất niên phải sắm bằng được đôi cây mía voi thật dài, về buộc vào hai bên cột trước bàn thờ. Đó là gậy ông vải. Tổ tiên bao giờ chẳng có tuổi, chẳng già nua, gậy chống là cần, gậy bằng mía thật tiện lợi, đó là nghĩa tình thơm thảo...”.

          Thông thường trong ngày tết, mâm ngũ quả sẽ được xếp ở chính giữa bàn thờ. Sau đó các vị trí hai bên và xung quanh mới xếp đặt các thứ bánh trái khác. Khi xếp đặt các thứ bánh trái hoặc lễ vật khác thì các nhà phong thủy khuyên rằng nếu bàn thờ ngoài tiên tổ còn có bát hương bà cô ông mãnh thì nên đặt lễ vật cân đối cả hai bên trái phải. Trong trường hợp gia đình không có bàn thờ gia tiên mà chỉ có bàn thờ ông Táo thì nên xếp đặt theo nguyên tắc tả thanh long hữu bạch hổ, ở bên tay phải của ban thờ xếp lễ vật cao hơn bên trái (lưu ý phải và trái là nói theo hướng của bàn thờ chứ không phải theo tay phải và tay trái của người đứng trước bàn thờ).

          Hoa để thờ cũng có nhiều loại, ví dụ hoa tươi hay hoa làm bằng giấy bạc (một bạc, một vàng biểu tượng cho một âm một dương, âm dương giao hòa) để có thể dùng được lâu. Đối với hoa tươi, người Việt Nam thường sử dụng hoa cúc, hoa huệ, hoa lay ơn, hoa mai, hoa đào trong cúng gia tiên ngày Tết...

          Khoảng sáng 30 Tết, việc bày biện bàn thờ Tết phải được hoàn tất. Tuỳ theo điều kiện kinh tế hay văn hóa từng miền mà trên bàn thờ có thêm cặp dưa hấu xanh, gói thuốc lá, cặp bánh chưng hay bánh tét... Việc thắp sáng cho bàn thờ ngày Tết cũng được bắt đầu từ ngày 30. Có nhà sử dụng loại hương vòng, hay hương que loại lớn, cháy liên tục trong nhiều ngày với nhiều ý nghĩa biểu trưng như các vì tinh tú đang tỏa sáng, sự chăm lo ân cần của con cháu...

          Hương khói còn tạo nên một không khí ấm cúng nơi gian thờ, gắn kết tình cảm và ước nguyện hạnh phúc của mọi người trong một gia đình. Hương dùng cho những ngày Tết cũng thường là các loại hương có mùi thơm đặc biệt ví dụ như hương bài, hương trầm, hương nhài... là những loại hương có mùi thơm hết sức đặc trưng cho nhân dân ba miền ở Bắc - Trung - Nam.

          Dù là văn hóa các vùng miền khác nhau, hay cáh bài trí có khác biệt thì tất cả đều mang ý nghĩa thơm thảo của con cháu hướng về cội nguồn, mong ước 1 năm mới tốt lành.

 

Phạm Thị Kiều Oanh

Bài viết mới

Tin tức nổi bật