Lịch sử phát triển của nghệ thuật Múa Việt Nam

Múa là một loại hình nghệ thuật, nhưng nó không thể đứng độc lập, biệt lập tồn tại như một ốc đảo. Múa là một thành tố văn hóa và có tính văn hóa. Quá trình hình thành và phát triển của nó luôn gắn bó chặt chẽ với quá trình lịch sử của dân tộc. Đặt nghệ thuật múa dưới hệ quy chiếu của văn hóa và lịch sử, sẽ nhận diện được những mối quan hệ giữa múa với các loại hình nghệ thuật, và múa với các ngành khoa học khác. Cách nhìn ấy, cũng chính là thao tác mà tác giả đã chọn để tiếp cận và giải quyết vấn đề. Bởi vậy, những mảnh vụn quý giá của nghệ thuật múa cách xa chúng ta hàng nghìn năm, đã bị thời gian che lấp, nhưng vẫn có thể hiện hữu cũng là nhờ cách tiếp cận ấy.

Căn cứ vào những hình người được chạm khắc trên trống đồng và nhưng tư liệu khảo cổ học, tác giả cho rằng, ở thời đại Hùng Vương múa được định hình rất sớm. Có tục múa như chàm đuống (đâm đuống), chàm thau (đánh trống đồng). Có cả những điệu múa tồn tại trong dân gian như múa tinh tinh boọc, đánh phết… Nội dung múa thể hiện sự đa dạng về cuộc sống sinh hoạt thường ngày của nhân dân ta thông qua múa cầu mùa, cầu phúc. Tư thế, động tác múa như giã gạo, thổi kèn, chèo thuyền, bắn cung, phóng lao, hòa tấu trống đồng… đều mang tính dứt khoát, và giàu cảm xúc. Nhìn chung, nghệ thuật múa phát triển ở trình độ cao với những đặc điểm riêng biệt, giàu tính cách điệu, ước lệ và có tính thẩm mỹ.

Ở thời kỳ Chăm pa cổ đại thì nghệ thuật múa bao gồm ba hình thái: dân gian, tín ngưỡng và múa cổ. Tuy là ba hình thái, nhưng chúng lại có sự đan xen trong môi trường trình diễn và đều liên quan tới tín nguỡng của người Chăm. Đặc biệt điệu múa quạt (còn gọi là chàm rông, hay tam ta ba ta ri) gồm các tổ hợp múa: pì diền, ka măng, pa tra, ka choang được sử dụng, trình diễn trong nhiều trường hợp khác nhau. Đây là điệu múa tiêu biểu nhất, đặc trưng nhất trong nghệ thuật múa của người Chăm.

Thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, cũng như các loại hình nghệ thuật khác, múa một mặt vừa ra sức bảo vệ, bảo lưu những giá trị truyền thống, chống sự đồng hóa, mặt khác nhanh chóng tiếp thu những tinh hoa nghệ thuật của phương Bắc, tạo cho nghệ thuật múa Việt Nam thêm phong phú, đa dạng về sắc màu.

Bên cạnh nghệ thuật múa truyền thống, nghệ thuật múa trong lễ hội luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của cộng đồng, thì thời kỳ này múa còn tiếp nhận thêm nhiều yếu tố mới. Sự di cư của các tộc nguời Thái, Dao, Khơ mú, Lô lô… từ phương Bắc và các nơi khác đến sống quần tụ và đan xen với cư dân bản địa vùng Tây Bắc Việt Nam. Đến, lẽ đương nhiên họ phải mang theo nghệ thuật múa để gieo trồng trên vùng đất mới. Bắt đầu từ thời điểm lịch sử đó, nghệ thuật múa nước ta dung nạp thêm những điệu múa mới, với những sắc màu mới, làm phong phú thêm cho kho tàng nghệ thuật múa Việt Nam.

Trong thời kỳ xây dựng quốc gia phong kiến độc lập tự chủ và chống xâm lược, nghệ thuật múa cung đình được hình thành và phát triển. Đây là một hình thái múa mới, liên tiếp phát triển và hoàn thiện qua các triều đại. Múa chủ yếu phục vụ cho đời sống văn hóa nơi cung đình, thường diễn ra trong dịp mừng ngày quốc khánh, mừng thọ, tiếp sứ thần, lễ hội…

Múa cung đình được phát triển trên cơ sở của múa dân gian, đồng thời, nó tiếp nhận có chọn lọc những yếu tố nghệ thuật của Trung Hoa, Ấn Độ, Chăm pa để tạo ra một điện mạo mới. Múa cung đình có tính chuyên nghiệp cao và nâng tầm tới tính bác học, được thể hiện rõ ở tính bài bản, tổ chức, phương thức hoạt động…

Bước sang thời kỳ Pháp đô hộ và thời nhà Nguyễn (theo cách chia của tác giả), nghệ thuật múa cùng hòa vào hành trình của cuộc cách tân sân khấu. Múa vẫn tồn tại và phát triển với các hình thái múa dân gian, cung đình, tín nguỡng, tôn giáo, đặc biệt múa trong lễ hội được phát triển mạnh mẽ. Thời kỳ này, có điều đáng lưu tâm là phong trào quốc tế vũ từ phương Tây du nhập vào Việt Nam, được chấp nhận và phát triển.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nghệ thuật múa Việt Nam thực sự tạo ra một bước ngoặt mới chưa từng có trong lịch sử múa nước nhà. Đội ngũ diễn viên từ nghiệp dư đã chuyển sang chuyên nghiệp. Hệ thống đào tạo bán chính quy, chính quy được mở ra trên một diện rộng nhằm cung cấp diễn viên cho các đoàn văn công chuyên nghiệp.

Những tác phẩm múa thời kỳ này, nội dung phản ánh thường là hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ, dân công hỏa tuyến, tình quân dân… Ngoài ra mảng đề tài về múa dân gian, dân tộc cũng được quan tâm khai thác có chiều sâu. Chất liệu múa của các tộc người Thái, Dao, Cao Lan, Tày, Mường được các nhà biên đạo lẩy, tỉa để đưa vào tác phẩm múa mới, không những nó phù hợp với tâm lý tình cảm công chúng lúc bấy giờ, mà nó còn mang yếu tố bản lề về tư liệu, đường hướng cho sự phát triển của những tác phẩm ở giai đoạn kế tiếp.

Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng (1954), rồi đất nước thống nhất (1975) và bắt tay vào xây dựng hàn gắn vết thương chiến tranh, gần đây là sự hội nhập văn hóa mang tính toàn cầu, nghệ thuật múa Việt Nam cũng có những bước chuyển phù hợp với hoàn cảnh lịch sử ấy. Ảnh hưởng của hai cuộc giao thoa văn hóa, với các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa thông qua văn hóa Nga, Trung Quốc (những năm nửa sau TK XX), và với toàn cầu (những năm gần đây) là rõ nét, nhưng không làm phai mờ mà càng tôn thêm tính đa dạng nghệ thuật của múa Việt Nam.

Đội ngũ diễn viên, biên đạo ngày càng đông đảo và thể hiện được tính chuyên nghiệp cao. Hàng loạt tác phẩm múa ra đời với nhiều thể loại như múa đơn, múa đôi, kịch múa. Nhiều tác phẩm đã đạt tới đỉnh cao kinh điển của nghệ thuật múa Việt Nam.

 

Bài viết mới

Tin tức nổi bật