Làm thế nào để dạy và học trực tuyến hiệu quả?

Dạy và học trực tuyến trong bối cảnh hiện nay ở bậc đại học lẫn phổ thông là giải pháp tình thế để thích ứng với dịch Covid-19. Tuy nhiên, cần xem đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để đổi mới. Dù trong bối cảnh nào, hiệu quả, chất lượng đào tạo luôn là mục tiêu tối thượng của toàn ngành giáo dục.

  1. Thay đổi phương pháp dạy học truyền thống

Dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh, hiệu quả cao nhất chỉ đạt được trong môi trường dạy học tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, từ đầu năm học 2021-2022 đến nay, các trường phải dạy học qua Internet và đã xuất hiện nhiều khó khăn về chất lượng đường truyền, thiết bị cũng như kỹ thuật dạy học của giáo viên. Dạy học qua Internet đòi hỏi giáo viên phải có kỹ thuật dạy học tốt, biết sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến, tổ chức trò chơi tương tác nhằm kích thích sự hào hứng của học sinh khi tham gia học tập. Trên thực tế, năng lực công nghệ thông tin (CNTT) hiện nay của giáo viên không đồng đều. Có những giáo viên rất giỏi, sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ, song cũng còn không ít giáo viên lúng túng trong việc làm quen với công nghệ.

Ở góc độ khác, khi tổ chức lớp học trực tuyến, thầy, cô phải nghiên cứu kỹ các hệ thống, tính năng của phần mềm đang dạy. Hiện nay, tất cả phần mềm dạy học đều có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau đối với việc thiết kế các hoạt động học tập. Do đó, sử dụng thành công hay không phụ thuộc vào sự chủ động của giáo viên trong việc lựa chọn công cụ phù hợp.

Để dạy học qua Internet đạt hiệu quả, cần tác động trước hết đến nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Ghi nhận từ nhiều đơn vị trường học cho thấy, công cụ soạn bài giảng trên Power Point đang được nhiều giáo viên sử dụng. Tuy nhiên, hạn chế của công cụ này là không tạo được nhiều tương tác với người học.

Học sinh có xu hướng ngại phát biểu khi học trực tuyến do sợ sai, mắc cỡ. Để khắc phục tình trạng này, các thầy, cô có thể sử dụng một số phần mềm tương tác cho phép ẩn danh người phát biểu, học sinh có thể sử dụng nickname (biệt danh) khi trả lời câu hỏi, nêu ý kiến. Ngoài ra, trước nguy cơ giáo viên dễ bị lộ thông tin lịch sử tìm kiếm Google hoặc báo tin nhắn Facebook khi thực hiện chia sẻ màn hình dạy học, các thầy, cô nên sử dụng một trình duyệt riêng khi dạy học, tạo một thư mục riêng chứa các file bài giảng, kho tư liệu dạy học. Đồng thời thầy, cô áp dụng kỹ thuật “phá băng” trong dạy học, gồm chia sẻ những câu chuyện, quan điểm, cảm xúc cá nhân và kêu gọi học sinh tham gia đóng góp ý kiến, qua đó kéo gần khoảng cách giữa người dạy và người học.

Đơn vị quản lý chỉ quy định một số tiêu chí đầu ra, giáo viên dựa vào tình hình thực tế xây dựng các hoạt động phù hợp. Tại Mỹ, giáo viên thường bắt đầu bài giảng bằng nhiều hình thức hấp dẫn như kể chuyện, tổ chức trò chơi tương tác nhằm kích thích sự hưng phấn cho học sinh. Khi học sinh tỏ ra hào hứng, giáo viên mới dẫn dắt vào nội dung chính của bài học.

Tuy nhiên, sau mỗi 15-20 phút, sự tập trung của học sinh sẽ giảm dần. Khi đó, giáo viên cần linh động tổ chức các hoạt động nhóm, hoạt động tự học, trao đổi ý kiến để giúp học sinh lấy lại tập trung. Trường hợp học sinh tỏ ra mệt mỏi, giáo viên có thể tạm ngưng lớp học trong vòng 5-10 phút để các em thư giãn mắt. Quan trọng hơn hết, sau mỗi tiết học, giáo viên nên cô đọng bài giảng thành những gạch đầu dòng hoặc sử dụng bản đồ tư duy để hệ thống kiến thức, đi đôi với việc giới thiệu các nguồn tài liệu tham khảo khác để khơi gợi khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh.

  1. Quan tâm sức khỏe tinh thần người học

Dịch Covid-19 tạo ra cảm giác sợ hãi, lo lắng, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của mọi người. Khi phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, trẻ em thường có biểu hiện cáu kỉnh, có hành vi đeo bám hoặc cảm giác bất an, không thể tập trung và trở nên lo lắng. Ngoài ra, dịch bệnh mang đến nhiều thay đổi về môi trường sống, nhiều học sinh sống trong cảnh gia đình ly tán, mất người thân...

Thêm vào đó, trẻ phải thay đổi hình thức học tập từ trực tiếp qua trực tuyến, thiếu sự tương tác, thể chất bị ảnh hưởng do không được vận động, đối diện với các nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến do tiếp xúc nhiều với môi trường Internet khiến các nguy cơ bất ổn về tinh thần có chiều hướng gia tăng. Khi trẻ gặp khó khăn về tâm lý, thường có hai khuynh hướng biểu hiện là co mình lại hoặc bùng phát bằng hành động ra bên ngoài, tạo cho người khác cảm giác là “trẻ không ngoan”. Vì vậy, vai trò của giáo viên và cha mẹ học sinh trong thời điểm hiện tại là tăng cường tương tác với trẻ, hướng dẫn các em những hoạt động, thói quen tốt để cân bằng cảm xúc, bảo vệ bản thân trước những tác động từ môi trường bên ngoài.

Bài viết mới

Tin tức nổi bật