12/11/2022 9:35:00 AM thanhnga 2012 lượt xem Giới thiệu
Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2022, sáng ngày 22 tháng 11 năm 2022, Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học Trường CĐ VHNT Nghệ An tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học “Điều tra việc sử dụng công nghệ thông tin trong dạy và học viết tiếng Anh với đối tượng sinh viên năm thứ 3 ở Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An” của Th.S Nguyễn Thị Thanh Yên, giảng viên khoa Lý luận đại cương. Trong đề tài của mình, Th.S Nguyễn Thị Thanh Yên đã đề cập đến những vấn đề sau:
1.Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tiếng Anh nói chung và trong dạy, học viết tiếng Anh mang lại nhiều lợi ích.
· Ứng dụng công nghệ thông tin giúp việc học tiếng Anh trở nên hứng thú hơn
Khác với việc học tiếng Anh chỉ dựa trên sách vở hay bài giảng thông thường. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp bài giảng tăng thêm phần sinh động. Các âm thanh, hình ảnh, kênh chữ… sống động giúp học viên có hứng thú hơn và cảm thấy chân thật hơn. Phương pháp và hình thức dạy học cũng được đổi mới khiến người học dễ nhìn, dễ nghe, dễ thấy và dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn so với phương pháp dạy học truyền thống.
· Các kỹ năng giao tiếp được phát triển đồng đều
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng Anh cũng giúp người dạy có những bài giảng đầy đủ các kỹ năng hơn. Nội dung bài giảng đa dạng và phong phú hơn. Qua các kênh giao tiếp cũng giúp người học phát triển các kỹ năng giao tiếp đồng đều. Hơn nữa còn tiết kiệm thời gian trên lớp để các học viên cũng như người dạy có thêm thời gian tương tác, trao đổi hơn.
· Chất lượng nội dung bài giảng được tăng lên tối đa
Rõ ràng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng Anh sẽ giúp các bài giảng có chất lượng hoàn toàn khác biệt. Những hình ảnh, video, âm thanh hay kênh chữ… sẽ giúp người dạy mang đến những bài giảng mới lạ, độc đáo. Cùng với sự sáng tạo của người dạy các học viên cũng sẽ tăng nguồn cảm hứng học tập và phát triển đồng đều bốn kỹ năng: Nghe, nói, đọc viết.
Nguồn tài nguyên kiến thức trên internet cũng vô cùng phong phú giúp cả thầy và trò tối ưu nguồn tri thức của mình.
2. Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học viết Tiếng Anh
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng Anh hiện nay đã khá phổ biến ở các trường học hay trung tâm đào tạo trên cả nước. Tuy nhiên do tình hình kinh tế khác nhau ở mỗi địa phương mà chất lượng cũng như hiệu quả mang lại là khác nhau. Vì vậy để có hiệu quả tốt nhất trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học Tiếng Anh cần xây dựng mô hình thích hợp từ giáo viên và học viên..
Đối với giáo viên
Giáo viên là người đóng vai trò quyết định trong việc giảng dạy bộ môn Tiếng Anh. Họ chính là những người trực tiếp truyền tải kiến thức tới các học viên. Để có thể đạt được tối đa hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng Anh, các giáo viên cần kết hợp linh động các phần mềm hỗ trợ. Từ đó tạo ra những bài giảng đặc sắc, thú vị với học viên và đầy đủ những kỹ năng kiến thức cần thiết.
Các phần mềm cơ bản cần có như:
· Phần mềm phổ thông nhất Window Media Maker: Giúp các giáo viên có thể tạo ra những clip, video từ việc cắt ghép âm thanh phục vụ việc dạy ngữ âm
· Phần mềm Audacity: Hỗ trợ cắt,ghép, ghi âm thanh
· Ứng dụng Mcmix: Ứng dụng trong việc làm đề thi tiếng Anh. Trộn đề thi, xây dựng hệ thống ngân hàng các bài thi tự luận và trắc nghiệm
· Phần mềm hotpotato: Giúp các giáo viên có thể soạn thảo bài giảng từ slide. Cho phép giáo viên thay đổi vị trí câu hỏi và đáp án trong bài thi trắc nghiệm.
· Ứng dụng Google Drive: Cho phép các giáo viên có thể lưu trữ và chia sẻ các dữ liệu với người khác. Soạn thảo và thiết kế bài giảng online và vô cùng tiện lợi.
Đối với người học
Để có thể hấp dẫn các học viên trong bài giảng hơn, giáo viên có thể tạo cho các em cơ hội được trực tiếp tương tác với các bài giảng điện tử. Thay vì việc chỉ nghe, nhìn slide hàng ngày, các em sẽ có hứng thú học tập hơn và có thể thực hành ngay trên máy tính của mình.
Để làm được điều này, các giáo viên cần tích hợp nhiều chủ đề và dạng bài tập trong bài giảng và khuyến khích học viên chuẩn bị cho bài giảng điện tử trước.
Người học cũng nên sử dụng các ứng dụng hỗ trợ học tiếng Anh trực tuyến:
· Ứng dụng Duolingo: Là ứng dụng hỗ trợ người dùng rèn luyện các kỹ năng: Nghe và phát âm. Ngoài ra ứng dụng cũng là nguồn tài nguyên phong phú về từ vựng và các cấu trúc ngữ pháp. Các học viên có thể tìm từ vựng hay tra từ điển một cách dễ dàng.
· Ứng dụng Hello English: Đây là ứng dụng hỗ trợ người dùng về kỹ năng nói và ngữ pháp. Với cấu trúc giao diện đơn giản, dễ sử dụng, đây còn là công cụ hữu ích cho học viên trau dồi vốn từ vựng.
· BBC Learning English: Một trong những ứng dụng hay và phổ biến nhất hiện nay. Ứng dụng có nhiều cấp độ khác nhau phù hợp với mọi trình độ. Người dùng có thể rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, phát âm và ngữ pháp của mình. Ngoài ra ở trình độ nâng cao, người dùng còn có thể học các từ lóng, thành ngữ…
· Các trang web học tiếng Anh online: Đây là nguồn tài nguyên kiến thức vô tận mà các học viên có thể khai thác. Các trang web sẽ là nơi cung cấp các tài liệu mở cho bài giảng điện tử. Học viên cũng có thể tăng cường các kỹ năng thông qua các web trực tuyến hay rèn luyện và trau dồi vốn từ vựng tiếng Anh…
3. Phương pháp nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học viết Tiếng Anh
Để có thể nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học viết tiếng Anh, cần có những phương pháp thiết thực và cụ thể với từng nhóm.
Với giáo viên:
· Đặt ra được mục tiêu và khuynh hướng chi tiết trong mỗi bài học.
· Ứng dụng công nghệ thông tin để các bài giảng thêm hấp dẫn, sinh động kết hợp nguồn dữ liệu phong phú để cung cấp đủ các kiến thức cho các em học sinh. Giúp tăng tối đa hiệu quả truyền đạt của bài giảng.
· Soạn giáo án kết hợp với các phương pháp dạy học cụ thể, chi tiết.
· Thường xuyên trao đổi cùng đồng nghiệp để có thể tích lũy, trau dồi và sẻ chia các kỹ năng giảng dạy cũng như kiến thức chuyên môn. Tìm ra những giải pháp tháo gỡ khúc mắc trong quá trình giảng dạy.
· Để tạo môi trường tiếng Anh tốt nhất nên hạn chế sử dụng tiếng Việt.
· Thiết kế bài giảng tương ứng với khả năng của các học sinh.
· Tạo cho học sinh sự thoải mái, giúp học sinh có cơ hội tiếp xúc với công nghệ thông tin. Khuyến khích các em tự giác tìm tài liệu, soạn bài giảng cùng giáo viên.
· Bồi dưỡng các kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng Anh thông qua các chương trình đào tạo hay khóa huấn luyện.
· Thay đổi phương pháp giảng bài tạo hứng thú và hấp dẫn cho học viên.
Với người học:
· Chuẩn bị nội dung bài mới cũng như ôn luyện kiến thức đã học.
· Trang bị đầy đủ tài liệu và các công cụ hỗ trợ học tập.
· Chăm chỉ học tập, rèn luyện bản thân và tham gia trao đổi cùng với bạn bè, thầy cô.
· Nâng cao tính tự học, chủ động hơn trong việc học tập của bản thân.
· Làm quen với tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày.
· Trau dồi vốn từ vựng bằng cách học từ mới thường xuyên.
· Thông qua các website có thể tìm kiếm thêm các tài liệu ngoại ngữ để trau dồi cho bản thân.
· Thông qua các kênh truyền hình hay mạng xã hội Youtube… Rèn luyện kỹ năng phát âm, nói, nghe…
· Thay đổi lối tư duy bằng ngoại ngữ.
· Làm quen và sử dụng nhiều hơn các ứng dụng, phần mềm học ngoại ngữ để có thể tăng hiệu quả tối đa của việc học.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng Anh sẽ chỉ đạt hiệu quả tốt nhất khi cả giáo viên và học viên cùng nhau cố gắng và phát triển.
Các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận, đưa ra các ý kiến nhận xét về ưu điểm của đề tài đó là nhận diện được tình hình thực tế của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tiếng Anh nói chung và dạy, học kỹ năng viết nói riêng. Đồng thời khẳng định đề tài đã được thực hiện nghiêm túc, công phu, có tính lý luận và thực tiễn cao, là tài liệu có giá trị tham khảo tốt cho nhà trường cũng như đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn tiếng Anh. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế của đề tài như bổ sung đói tượng nghiên cứu và khảo sát thật cụ thể.
Tại buổi nghiệm thu, Th.S Nguyễn Thị Thanh Yên cũng đã trả lời, làm sáng tỏ những vấn đề mà Hội đồng yêu cầu, đồng thời trân trọng cảm ơn những ý kiến đánh giá khách quan, xác đáng của các thành viên Hội đồng nghiêm thu đã chỉ ra, giúp tác giả tiếp tục bổ sung, điều chỉnh để đề tài khoa học có chất lượng tốt hơn.
Hội đồng bỏ phiếu đánh giá xếp loại đề tài đạt loại xuất sắc. Kết luận phiên nghiệm thu, TS Nguyễn Thị Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của đề tài. TS Nguyễn Thị Thanh Đức yêu cầu tác giả tiếp thu đầy đủ những ý kiến đánh giá, nhận xét của Hội đồng để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đề tài đạt chất lượng cao hơn và sớm đưa vào thực hiện, phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.