12/14/2022 9:20:00 PM thanhnga 867 lượt xem Giới thiệu
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương sống trên cuộc đời chỉ 50 năm, nhưng giá trị thơ ca và ảnh hưởng huyền thoại “Bà chúa thơ Nôm” đến đời sống văn hóa sau 200 năm chưa từng phai nhạt.
Thơ Hồ Xuân Hương đa dạng, đa sắc, không chỉ là một hiện tượng văn học và văn hóa độc đáo ở thời trung đại mà còn đại diện cho thiên tính, phẩm giá phụ nữ có tính phổ quát toàn cầu. Đây cũng chính là cơ sở để Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 (năm 2021) thống nhất ghi nhận nữ sĩ Hồ Xuân Hươngnhân kỷ niệm 250 năm sinh và 200 năm mất của bà trong danh sách “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022-2023”.
Những chiều kích giá trị mới mẻ tiềm ẩn trong thơ Hồ Xuân Hương
Qua thời gian hơn hai thế kỷ, các vấn đề tiểu sử cũng như định lượng văn bản thơ Hồ Xuân Hương (1772-1822) đã được học giới bàn luận sâu rộng và đạt sự thống nhất cao. Một điều quan trọng khác, đồng thời với các vấn đề tiểu sử và văn bản còn là lịch sử quá trình tiếp nhận, nhận thức, nghiên cứu, đánh giá, phổ biến các giá trị nội dung và nghệ thuật di sản thơ Hồ Xuân Hương từ phạm vi quốc gia tới khu vực và quốc tế.
Thơ Hồ Xuân Hương thực sự có ý nghĩa vượt thời gian, đi trước thời đại, tạo lập một phong cách, một bản sắc riêng, thể hiện rõ bản lĩnh sáng tạo của người nghệ sĩ với sự khẳng định con người cá nhân, nhấn mạnh vai trò chủ thể, nhấn mạnh yếu tố cái “tôi” trữ tình tác giả trên cả hai phương diện: Biến dịch hiện thực đời sống theo một lối riêng và sự tự biểu hiện, khám phá chủ thể nhân vật trữ tình. Trong ý thức nhập thân tự biểu hiện, Hồ Xuân Hương cụ thể hóa cái “tôi” trữ tình bằng hình ảnh “con người này” (G.F.Hegel), có thiên hướng đặt mình ở ngôi thứ nhất, bộc lộ cảnh ngộ riêng và thái độ ứng xử của chủ thể trữ tình với các cách xưng danh: Xuân Hương, Thân này, Chị bảo, Thiếp, Thân em, Tôi,... kiểu như: “Này của Xuân Hương mới quệt rồi” (Mời trầu); “Thân này ví biết dường này nhỉ” (Làm lẽ); “Thân em vừa trắng lại vừa tròn” (Bánh trôi nước)...
Đặt trong tương quan thời đại phong kiến và văn học trung đại, thơ Hồ Xuân Hương từ vị thế thấp kém, bình dân, đại chúng, bên lề, không được thừa nhận trên văn đàn chính thống, càng không được xếp loại văn chương cung đình, bác học cao sang, tao nhã đã ngày càng tỏa sáng, được khẳng định, tôn vinh.
Qua thời gian, các thế hệ độc giả ngày càng phát hiện thêm những chiều kích giá trị mới mẻ tiềm ẩn trong thơ Hồ Xuân Hương. Trên nền tảng của phương thức tư duy tiếu lâm “đố tục giảng thanh”, Hồ Xuân Hương đã xác lập một kiểu mỹ học thi ca độc đáo, vận dụng chính hệ thống nhân vật biểu tượng mỹ học văn chương phong kiến (vua, chúa, quan lại, quân tử, học trò, thánh, thần, sư sãi) để phản bác, bóc trần bản chất và trào tiếu, giễu nhại những mặt sai trái, giả dối, phản nhân văn, đúng với tinh thần tiếng cười “giã từ quá khứ một cách vui vẻ” (K.Marx)...
Trên cơ sở lực ly tâm tràn đầy mạnh mẽ, Hồ Xuân Hương biệt ra một phái, tạo lập riêng một phong cách “Bà chúa thơ Nôm”, trong đó bao hàm các thao tác nhân cách hóa vũ trụ (coi mặt trăng, hang đá, đèo núi cũng rung động, cũng có khát vọng yêu đương, có tình cảm như con người) và tự nhiên hóa con người (hình tượng hóa con người như là cái quạt, quả mít, bánh trôi)...; mặt khác bộc lộ sâu sắc mỹ học về cái thô tục, lối nói ỡm ờ đố tục giảng thanh vốn phổ biến trong tư duy dân gian.
Nhà Việt Nam học xuất sắc người Nga N.I.Nikulin xác định: “Rõ ràng ở đây cần phải áp dụng một thuật ngữ do M.Bakhtin đưa ra: “Tiếng cười lưỡng trị”-trong đó có sự chửi mắng và khen ngợi, sự phủ định và khẳng định, sự chết đi và sinh thành-đều hòa nhập vào nhau như hai mặt của một quá trình “tái sinh” thông qua sự cười nhạo và hạ thấp, thông qua sự “văng vào bộ phận dưới của cơ thể”. Đặc tính “lưỡng trị” trên đây chính là sự biểu hiện những đặc điểm của nhân vật trữ tình trong thế đối lập và trong tính thống nhất, xu thế ly tâm tuyệt đối lấn át xu thế hướng tâm.
Điều này thể hiện sâu sắc trong mối quan hệ giữa các phạm trù cái bi và cái hài, cái thanh cao và cái thô tục; giữa khả năng vận dụng tư duy thơ ca dân gian và các thể tài văn chương bác học; giữa ý thức về hạnh phúc tình đời và thái độ phê phán sâu cay những thói đạo đức giả; giữa ý thức về con người cá nhân và thực trạng những số phận bất hạnh. Vào cuối giai đoạn phong kiến, phong cách Hồ Xuân Hương còn tiếp nối, vang bóng trong sáng tác của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương...
Một hiện tượng thơ độc đáo ở Việt Nam và phương Đông
Khi tìm hiểu, nhận diện ý nghĩa vượt thời đại của thơ Hồ Xuân Hương cũng cần khắc phục lối đánh giá hiện đại hóa một chiều, coi bà là “nhà thơ cách mạng”, “chống đa thê”, “chống nam quyền”. Thực ra, bà chỉ phản bác, vẫy vùng trong điều kiện quy phạm nhất định của thời thế, thời cuộc. Trong dự cảm sáng tạo, nữ sĩ dễ ám ảnh, đồng cảm với những đối tượng “bị sử dụng” yếu thế, nhỏ mọn như loại con ốc, quả mít, đồng tiền hoẻn, bánh trôi nước, cái quạt rồi dùng phép “thắng lợi tinh thần” ngoa dụ sức mạnh tiềm ẩn và phẩm giá của những đối tượng “bị trị” với kẻ “thống trị”.
Đơn cử hình tượng cái quạt làm mát là đối tượng “bị sử dụng” (Cho ta yêu dấu chẳng dời tay) nhưng rồi được tác giả xoay chiều, cung cấp cho một sức mạnh tinh thần riêng, áp đảo cả vua chúa, anh hùng, quân tử: “Mát mặt anh hùng khi tắt gió/ Che đầu quân tử lúc sa mưa” (Vịnh cái quạt I)... Tính thời đại quy định thành mặc cảm tiềm thức ngay cả khi muốn bày tỏ chí khí anh hùng vốn được coi là tiếng nói ngang tàng đầy bản lĩnh của nhà thơ phái đẹp trong bài “Đề đền Sầm Nghi Đống” thì tiền đề của tinh thần khinh mạn viên tướng họ Sầm và ước vọng lưu danh công nghiệp “Thì sự anh hùng há bấy nhiêu" lại vẫn cần một điều kiện giả thiết tiên quyết “Ví đây đổi phận làm trai được”.
Tâm thế “Đổi phận làm trai...”-sự phủ nhận khả năng giới nữ như một hằng số vô thức cộng đồng xuyên suốt thời trung đại. Lại nữa, bài thơ “Lấy chồng chung” (còn có tên "Chồng chung", "Làm lẽ") từng được nâng cấp tư tưởng “đã mạnh mẽ lên án chế độ đa thê vô nhân đạo”, “phủ nhận triệt để chế độ đa thê”, “phủ định triệt để đối với việc làm lẽ” mà thực tế nội dung bài thơ cho thấy người phụ nữ hoàn toàn chấp nhận chế độ đa thê, làm lẽ, chỉ “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung" ở cái khía cạnh thiếu công bằng: "Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng.../ Năm thì mười họa hay chăng chớ/ Một tháng đôi lần có cũng không”...
Trước sau Hồ Xuân Hương vẫn không phê phán, động chạm gì đến chế độ đa thê, chỉ căm giận cái kiếp “lấy chồng chung” bởi không được “chung chồng” như lẽ thường phải thế. Với Hồ Xuân Hương và ở thời đại Hồ Xuân Hương, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã đủ là tiếng nói tranh đấu, phản ánh khát vọng nhân văn, khát vọng giải phóng tình cảm con người cá nhân mạnh mẽ lắm rồi... Còn lại câu chuyện chống chế độ đa thê có lẽ phải đợi đến sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, các đường lối, chính sách tiến bộ của Đảng và Nhà nước mới từng bước đi vào cuộc sống.
Phù hợp với nội dung tư tưởng đặc sắc, Hồ Xuân Hương thể hiện là nghệ sĩ bậc thầy trong sáng tạo nghệ thuật thi ca, vận dụng điêu luyện các thể thất ngôn và tứ tuyệt, các thủ pháp “đố tục giảng thanh”, thủ pháp chơi chữ, nói lái, giễu nhại và các cách thức điều phối hình ảnh, tiết tấu, nhịp điệu câu thơ.
Trên tất cả, Hồ Xuân Hương đã xác lập được cả một hệ thống thi pháp, bao quát trên tất cả các phương diện thi tứ, đề tài, chủ điểm, ngôn ngữ nghệ thuật, khai thác tối đa sức mạnh tiếng Việt và hầu như không cần dùng đến kho điển tích, văn liệu từ chương Hán học, tự giác thực hiện “giải Hán hóa”, “giải quan phương” từ gốc rễ, cội nguồn sáng tạo.
Hồ Xuân Hương không chỉ là hiện tượng thơ độc đáo ở Việt Nam mà cũng là hiếm hoi ở khu vực Đông Á, phương Đông và cả thế giới. Thảng hoặc có thể kể đến một vài mối liên hệ xa gần như nữ sĩ Trung Hoa Tiết Đào (768-831), hiện còn 91 bài thơ, trong đó có chưa đầy 10 bài ít nhiều gợi đến nỗi ai oán, vô vọng trước tình yêu; hoặc như kỹ nữ Hoàng Chân Y (Hwang Jin Yi, 1506-1544), hiện còn 14 bài thơ bằng cả tiếng Hàn và Hán, trong đó có nhiều bài hướng tới chủ đề tình yêu và một số hình ảnh, từ ngữ gần gũi với lối thơ Hồ Xuân Hương.
Đặt trong tương quan chung, thơ Hồ Xuân Hương vượt trội về số lượng cũng như cô đặc phong cách và phẩm chất trữ tình nhân văn thanh-tục, tục-thanh. Thơ Hồ Xuân Hương được dịch, đánh giá cao trên thế giới chính vì lẽ đó.
Các sắc thái thẩm mỹ thơ Hồ Xuân Hương thể hiện đầy đủ phẩm chất nhân văn, có ý nghĩa cảm thông, nâng đỡ mọi kiếp con người. Trên nền tảng giá trị chân-thiện-mỹ, thơ Hồ Xuân Hương còn vượt trội ở nghệ thuật ngôn từ, năng lực dẫn dụ, mê hoặc của hệ thống hình ảnh, biểu tượng và ý nghĩa thanh lọc, sự trào lộng vui vẻ.
Tính chiến đấu, châm biếm trong thơ "Bà Chúa" được “bọc đường” với những câu thơ thâm thúy, tinh nghịch, mở rộng chức năng giải trí (entertainment functions) theo tinh thần hiện đại, thể hiện quan niệm “vị nghệ thuật” ở trình độ cao, khiến cho ngay cả mọi đối tượng bị ám chỉ cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” và tạo nên tiếng cười sảng khoái cho mọi tầng lớp độc giả ở mọi chân trời, mọi thời đại. Có thể thấy đây là một chiều kích mới, thể hiện “tính vấn đề”, gợi mở hướng tiếp cận liên ngành và những bước tổng hợp cao hơn trong hoạt động tiếp nhận, nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương.
Nguồn: PGS, TS NGUYỄN HỮU SƠN, (nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học)