12/13/2020 2:54:00 PM thanhnga 1737 lượt xem Giới thiệu
Nghiệm thu đề tài khoa học Lồng ghép giáo dục đạo đức cho sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An trong các môn Lí luận chính trị
Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2020, sáng ngày 10 tháng 12 năm 2020, Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học khoa Lý luận đại cương, Trường CĐ VHNT Nghệ An tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học Lồng ghép giáo dục đạo đức cho sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An trong các môn Lí luận chính trị của Th.S Lê Thị Thắng, giảng viên khoa Lý luận đại cương. Trong đề tài của mình, Th.S Lê Thị Thắng đã đề cập đến những vấn đề liên quan đến việc giáo dục lý tưởng, đạo đức cho học sinh sinh viên nhà trường thông qua các môn học lý luận chính trị. Đó là:
1.Vị trí và vai trò của các môn học lý luận chính trị trong chương trình đào tạo các ngành nghề hệ CĐ và TC của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An
Sau khi rà soát, cấu trúc lại, chương trình, giáo trình các môn lý luận chính trị mới đã được biên soạn và được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua bao gồm 5 môn: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế Chính trị Mác Lênin, Chủ nghĩa Xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, chương trình của các môn lý luận chính trị trong các trường Cao đẳng nghề trên toàn quốc đã được gói gọn lại trong bộ chính trị bao gồm 05 tín chỉ học ở hai học kỳ, gộp toàn bộ kiến thức của các môn Triết học Mác – Lê Nin, Kinh tế chính trị Mác – LêNin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Xã hội khoa học.
Không có lĩnh vực nào của đời sống xã hội hiện đại lại đứng ngoài chính trị, từ vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa đến xây dựng đạo đức, lối sống; từ sự đánh giá về quá khứ, đến dự báo tương lai... đều phải có định hướng chính trị rõ ràng. Theo đó, nội dung của các môn lý luận chính trị là rất rộng, từ lý luận Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...
Đối với sinh viên, việc học tập các môn lý luận chính trị và quán triệt nghiêm túc nội dung lý luận chính trị có ý nghĩa quan trọng:
Thứ nhất, góp phần phát triển con người toàn diện
Cùng với việc học tập kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, sinh viên phải được trang bị hệ thống tri thức lý luận chính trị đúng đắn. Bởi kiến thức lý luận chính trị là kim chỉ nam chỉ phương hướng rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức; hướng các em đến hành động thực tiễn nhân văn, tiến bộ, khoa học; hun đúc cho sinh viên lòng yêu nước chân chính; có tinh thần kiên định, vững vàng, không hoang mang, dao động trước những biến động phức tạp của cuộc sống và tình hình chính trị trên thế giới.
Thứ hai, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới
Học tập và quán triệt nội dung các môn lý luận chính trị giúp sinh viên có trình độ và năng lực tư duy lý luận khoa học. Có quan điểm đúng đắn, lập trường cách mạng vững chắc và phương pháp luận khoa học, là điều kiện để sinh viên chủ động, tự tin vươn lên làm chủ khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Thứ ba, giúp sinh viên có lập trường tư tưởng kiên định, bản lĩnh chính trị vững vàng, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch
Sinh viên là những người đang trong quá trình phát triển về trí tuệ và nhân cách. Đây là giai đoạn mà họ đang khẳng định vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình với xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, khát khao lý tưởng và hành động để thực hiện lý tưởng của mình, hướng tới những giá trị xã hội mới, sinh viên lại cũng có cả tính bồng bột, thậm chí liều lĩnh, mạo hiểm, chưa đủ kinh nghiệm và từng trải để có cách suy xét, đánh giá các giá trị, lựa chọn giá trị theo tinh thần duy lý... Thông qua học tập các môn lý luận chính trị, sinh viên có nhận thức cần thiết về hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa; niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Từ đó, sẽ quyết định khuynh hướng, mục đích và hiệu quả hoạt động của sinh viên trong học tập, lao động; có lý tưởng cách mạng trong sáng, làm chủ bản thân, giàu lòng yêu quê hương, đất nước, xây dựng và củng cố vững chắc mục tiêu lý tưởng.
Hiện nay, các thế lực thù địch dùng nhiều thủ đoạn và hình thức thâm độc và tinh vi, như: Âm mưu “Diễn biến hòa bình”, kiểu “chiến tranh không có khói súng, không đánh mà thắng”, làm cho chúng ta “tự chuyển hóa”; thông qua giao lưu văn hóa, vấn đề “dân tộc”, “nhân quyền”, “tôn giáo” để chia rẽ khối đại đoàn kết, hòng can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Chúng đặc biệt nhắm vào thế hệ trẻ để lôi kéo, kích động họ chạy theo lối sống thực dụng, làm mất phương hướng chính trị. Học tập lý luận chính trị giúp cho sinh viên nhận thức âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch để chủ động phòng tránh và tham gia đấu tranh chống lại.
Thông qua học tập các môn LLCT; trong đó, nhà giáo dục (giảng viên) tác động vào đối tượng giáo dục (sinh viên) để truyền thụ, luận giải, phân tích một cách khoa học những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, giúp sinh viên tiếp thu tri thức khoa học, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng; có lý tưởng, tư duy khoa học, đạo đức cách mạng, năng lực sáng tạo trong hoạt động thực tiễn; nắm được những kiến thức căn bản, cốt lõi, quan trọng để xây dựng cơ sở khoa học cho nhận thức và niềm tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng, vào sự lựa chọn và con đường độc lập dân tộc gắn liền Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Với tư cách là những vũ khí lý luận để cải tạo tự nhiên, xã hội, cải tạo con người, xét về chiều sâu bản chất nhân văn, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học vun trồng lý tưởng, đạo đức cách mạng, trao cho sinh viên những phương tiện “học để làm người”, góp phần hình thành phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa cho sinh viên. Cùng với những nội dung cơ bản, cần thiết được quy định bởi chương trình, giáo trình, khung chương trình, thông qua các bài giảng có liên hệ với những vấn đề nóng bỏng của xã hội như chống “diễn biến hòa bình” trong tư tưởng - chính trị, đạo đức, lối sống; nâng cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, truyền thống yêu nước, tự cường dân tộc…, môn LLCT góp phần xây dựng, bồi dưỡng những thế hệ sinh viên kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó, làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn trên cơ sở nắm vững, quán triệt, thấm sâu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng.
2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An thông qua môn học lí luận chính trị
Kết luận 94-KL/TW ngày 28-3-2014 của Ban Bí thư đã nhấn mạnh cần “Đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm tạo bước tiến mới, có kết quả, chất lượng cao hơn, góp phần làm cho Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội”.
Để nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên Nhà trường thông qua bộ môn lí luận chính trị, bộ môn lí luận chính trị nói riêng, khoa Lí luận Đại cương nói chung cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất: kết hợp giữa kết cấu nội dung chương trình với việc giáo dục ý thức đạo đức cho sinh viên.
Nghị quyết số 37/NQ-TW, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết “đổi mới nội dung, chương trình giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, gắn lý luận với thực tiễn, khắc phục sự trùng lắp, khép kín...”(2).
Qua kinh nghiệm giảng dạy và dựa vào kết quả khảo cứu của chúng tôi, cần tách ba bộ phận trong môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin thành ba môn học như trước đây. Nội dung các môn học này cũng cần thay đổi. Chương trình mới vẫn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm trọng tâm, nhưng cũng cần đề cập đến những trào lưu tư tưởng triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội trước đó và cả những trào lưu tư tưởng đương đại. Người học sẽ được tiếp cận một cách logíc về sự ra đời học thuyết Mác - Lênin; thấy được những giá trị to lớn của học thuyết này trong mối tương quan với các trào lưu tư tưởng khác trong lịch sử và đương đại. Tương tự, đối với môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng nên luận giải nhiều hơn một số tư tưởng ở nước ta trước và trong thời đại Hồ Chí Minh; cần nhấn mạnh Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng như thế nào vào thực tiễn nước nhà. Với môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, cần có những phần đánh giá tính ưu việt, hạn chế trong các chủ trương, đường lối của Đảng.
Thứ 2: Giáo dục tư tưởng chính trị nhằm làm cho sinh viên thấm nhuần và thực hiện đường lối quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa
Giáo dục Tư tưởng chính trị cho SV phải làm cho SV thấm nhuần đường lối quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hăng hái thi đua học tập, lao động, xung kích đi đầu thực hiện các chủ trương chính sách. Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước là kết quả vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng nước ta. Giáo dục đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước giúp học viên hiểu sâu sắc hơn chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhận thức đầy đủ hơn quy luật khách quan của sự phát triển đất nước cũng như quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Sẽ rất sai lầm khi chúng ta chỉ chú ý giáo dục cho SV những kiến thức văn hóa đơn thuần, mà không coi trọng đến việc giáo dục cho SV thấy rõ được những thành công, hạn chế và những khó khăn thử thách trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, và trách nhiệm của mỗi SV trong việc thực hiện nghĩa vụ học tập và xây dựng đất nước.
Củng cố niềm tin vào Đảng, vào công cuộc đổi mới còn đồng nghĩa với việc SV tự nguyện gắn bó mình với cộng đồng, với xã hội, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin là phải sống có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin được. Đối với mỗi SV, bên cạnh trình độ chuyên môn tốt để thích ứng với sự phát triển của thời đại còn cần phải có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, trung thực, có nhân cách cao đẹp, phải vừa hồng vừa chuyên, vừa có đức vừa có tài. Có như vậy SV mới trở thành những người có ích cho xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng thành công chế độ xã hội mới – chế độ xã hội XHCN ở nước ta.
Thứ 3: Giáo dục tư tưởng chính trị góp phần định hướng đúng đắn cho SV về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, đồng thời góp phần hình thành nâng cao và hoàn thiện nhân cách cho SV
Giáo dục Tư tưởng chính trị cần phải làm cho SV có nhận thức đúng đắn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, hiểu được đây là con đường phát triển tất yếu của dân tộc. Mục tiêu này đã được Hồ Chí Minh và Đảng ta khẳng định ngay từ khi Đảng ra đời, nó vừa phù hợp với xu thế phát triển của xã hội loài người, vừa đáp ứng nguyện vọng thiết tha của đông đảo tầng lớp nhân dân Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước bước vào quá trình hội nhập, cách mạng nước ta đang đứng trước thời cơ và vận hội lớn, nhưng cũng có nhiều những thách thức và nguy cơ, thì vấn đề độc lập dân tộc và CNXH phải được xem như mục tiêu song hành. Liên quan đến công tác giáo dục tư tưởng chính trịcho SV, có thể kể đến bốn nguy cơ chính đó là: chệch hướng XHCN; diễn biến hòa bình; đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc và nạn tham nhũng. Chỉ có kiên với định hướng CNXH, chúng ta mới có thể tránh được các nguy cơ trên và mới có độc lập dân tộc thực sự.
Giáo dục tư tưởng chính trị cho SV nhằm hình thành cho SV niềm tin tưởng ở tương lai đất nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. SV cần phải có niềm tin thắng lợi của sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp đổi mới đất nước. Khi có niềm tin vào sự nghiệp cách mạng sẽ có tác động tích cực tới nhận thức và thái độ SV. Có niềm tin cách mạng SV sẽ có định hướng, có ý thức phấn đấu tốt, hành động mạnh mẽ, kiên quyết, tự giác, không thụ động. Ngược lại, nếu SV không có niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà mình đang tham gia thì sẽ nảy sinh thái độ thụ động, thờ ơ, dễ đánh mất lý tưởng. Do đó, thái độ tích cực đối với sự nghiệp cách mạng như một yêu cầu không thể thiếu trong tư tưởng chính trịcủa SV nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Giáo dục truyền thống dân tộc cho SV là nội dung quan trọng trong giáo dục Tư tưởng chính trị. Truyền thống dân tộc Việt Nam được hình thành trong điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử, làm nên những bản sắc riêng cho dân tộc Việt Nam. Trải qua bao thế hệ, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam được gìn giữ, vun đắp và ngày càng phát triển phong phú. Giáo dục truyền thống dân tộc cho SV là việc làm có ý nghĩa sâu sắc, góp phần nâng cao Tư tưởng chính trị, nâng cao trách nhiệm của SV trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống văn hóa của dân tộc lên một tầm cao mới, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại..
Thứ 4: Tập trung biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo có chất lượng, phù hợp với nhu cầu học, lồng ghép các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, liên hệ thực tiễn.
Giáo trình cần có sự đổi mới, cần đưa vào giáo trình những vấn đề thực tiễn của đất nước và thời đại đang đặt ra. Tất nhiên một giáo trình không thể bảo đảm được tất cả mọi vấn đề. Song, cũng cần phải được làm mới thường xuyên... Muốn vậy, chúng ta không nên lệ thuộc vào một giáo trình cụ thể. Nội dung giáo trình hiện nay chỉ nên gọi là bộ khung kiến thức cơ bản, vì nó quá trừu tượng, không sát với từng ngành học. Các trường có thể biên soạn giáo trình riêng trên cơ sở chương trình khung; giáo trình cũng phải được chuyên biệt hóa, bám sát nhu cầu của từng lĩnh vực. Để lý luận gắn liền với thực tiễn, những nội dung trong giáo trình cần tính đến môi trường ứng dụng cụ thể. Đội ngũ biên soạn giáo trình phải có đủ trình độ và tính chuyên sâu về lĩnh vực tri thức của giáo trình.
Bên cạnh việc biên soạn giáo trình có chất lượng, cần phải có tài liệu tham khảo phong phú. Các tài liệu tham khảo phải bảo đảm tính “vệ tinh” của giáo trình. Chúng có vài trò đi sâu luận giải những lý luận có tính khái quát trong giáo trình; đồng thời đưa ra những vấn đề thực tiễn và những bài tập thực hành để khắc phục tính chất “xơ cứng” của giáo trình; giúp cho người học nghiên cứu, tìm tòi sâu, rộng kiến thức của môn học.
Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần lồng ghép các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, liên hệ thực tiễn.
Thứ năm: đổi mới phương pháp dạy và học các môn lý luận chính trị
Đối với phương pháp dạy, các môn lý luận chính trị vẫn rất cần phát huy phương pháp thuyết trình. Bên cạnh đó, để có một tiết giảng sinh động đem lại hứng thú và phát huy tính sáng tạo của sinh viên, các giảng viên cần áp dụng các phương tiện và phương pháp dạy học tiên tiến. Tổ chức các buổi thảo luận theo chuyên đề, hoạt động nhóm, trình chiếu slide, phim tư liệu. Tăng cường sự tương tác giữa người dạy và người học, giữa người học với nhau. Đồng thời, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chủ nghĩa Mác - Lênin; về đường lối, chiến lược của Đảng; về những vấn đề quan trọng trong thực tiễn của đất nước và quốc tế; đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Giúp sinh viên thấy được những giá trị to lớn của các môn lý luận chính trị và áp dụng vào cuộc sống của bản thân.
Thứ 6: Kết hợp các hoạt động học của bộ môn lí luận chính trị với các hoạt động khác của Đoàn trường, của phòng công tác chính trị học sinh sinh viên như: Tuần sinh hoạt công dân đầu năm; Hoạt động rung chuông vàng tìm hiểu về lịch sử ra đời, vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam, của tư tưởng Hồ Chí Minh….
Giáo dục tư tưởng chính trị là một bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng, xây dựng, bồi đắp nền tảng tinh thần của xã hội, trên cơ sở đó nâng cao trình độ văn hoá và trách nhiệm công dân của mỗi cá nhân. Việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị không ngoài mục đích nào khác là góp phần hiện thực hóa quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Việc giảng môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm trang bị cho sinh viên không chỉ tri thức khoa học cơ bản về đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn trang bị về bản lĩnh chính trị vững vàng, giúp hình thành và phát triển nhận thức, nhân cách, nâng cao năng lực tư duy, tinh thần, trách nhiệm của những người đã, đang và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hướng đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì vậy, việc giảng dạy các môn lí luận chính trị tại các trường cao đẳng nói chung, tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật nói riêng có vị trí, vai trò rất quan trọng.
Việc lồng ghép giáo dục tư tưởng chính trị cho sinh viên tại Trường thông qua các môn lí luận chính trị là điều tất yếu, hợp xu thế và là việc làm cần thiết. Việc này giúp cho mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với các em sinh viên nhanh, kịp thời, đúng đắn. Uốn nắn kịp thời những suy nghĩ, tư duy lệch lạc về Đảng, về nhà nước, về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam, góp phần hun đúc thêm tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt.
Các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận, đưa ra các ý kiến nhận xét về ưu điểm của đề tài đó là nhận diện được tình hình thực tế công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho học sinh sinh viên nhà trường, từ đó đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống cho sinh viên thông qua các môn học lý luận chính trị. Đồng thời khẳng định đề tài đã được thực hiện nghiêm túc, công phu, có tính lý luận và thực tiễn cao, là tài liệu có giá trị tham khảo tốt cho nhà trường cũng như đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn tiếng Anh chuyên ngành Du lịch. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế của đề tài như lỗi đánh máy, in ấn.
Tại buổi nghiệm thu, Th.S Lê Thị Thắng cũng đã trả lời, làm sáng tỏ những vấn đề mà Hội đồng yêu cầu, đồng thời trân trọng cảm ơn những ý kiến đánh giá khách quan, xác đáng của các thành viên Hội đồng nghiệm thu đã chỉ ra, giúp tác giả tiếp tục bổ sung, điều chỉnh để đề tài khoa học có chất lượng tốt hơn.
Hội đồng bỏ phiếu đánh giá xếp loại đề tài đạt loại xuất sắc. Kết luận phiên nghiệm thu, TS Phạm Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội đồng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của đề tài. TS Phạm Thị Thanh Nga yêu cầu tác giả tiếp thu đầy đủ những ý kiến đánh giá, nhận xét của Hội đồng để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đề tài đạt chất lượng cao hơn và sớm đưa vào thực hiện, phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.