12/13/2023 3:58:00 PM thanhnga 535 lượt xem Giới thiệu
Mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã gần tròn 100 tuổi. Nhìn lại đầu thế kỷ, mỹ thuật Việt Nam vẫn còn là một nghề thủ công, chỉ có chức năng làm đẹp cho cung Vua, phủ Chúa, hoặc phục vụ cho tôn giáo tín ngưỡng. Ngày nay, mỹ thuật đã có chỗ đứng quan trọng trong đời sống văn hoá, tinh thần của người dân. Từ chỗ có một hai tác giả với dăm ba tác phẩm, nay mỹ thuật Việt Nam đã có đội ngũ hàng ngàn nghệ sĩ và có số lượng hàng chục ngàn tranh tượng đủ để làm nên một từ điển bách khoa bằng hình tượng nghệ thuật về lịch sử một thế kỷ qua của đất nước.
Những thành tựu của mỹ thuật Việt Nam hôm nay chính là kết tinh của truyền thống thẩm mỹ hàng ngàn năm của dân tộc hiện diện trong những hoa văn đầy chất tư duy trừu tượng miêu tả sinh hoạt của người Việt cổ trên những chiếc trống đồng Đông Sơn, hiện diện trong những kiến trúc đình, đền, chùa, tháp thời Lý, Trần, Lê và của dân tộc Chămpa, trong điêu khắc tôn giáo đạt đến đỉnh cao có thể sánh vai cùng những tác phẩm đẹp của thế giới, trong những tranh thờ, tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ… Mỹ thuật Việt Nam tuy nằm giữa hai nền văn hoá lớn Ấn Độ và Trung Hoa, nhưng không những không bị đồng hoá mà còn biết chắt lọc những tinh hoa của hai nền nghệ thuật đồ sộ ấy, hoà trộn với đặc sắc sẵn có của mình để tạo nên một bản sắc dân tộc mạnh mẽ và độc đáo,
Kế tục và phát huy những phẩm chất tuyệt vời ấy của cha ông, các hoạ sĩ, nhà điêu khắc đã xây dựng nên một nền mỹ thuật Việt Nam dân tộc, hiện đại, rất đáng tự hào.
Cũng như các hoạt động xã hội khác, nghệ thuật luôn gắn liền với những biến thiên của lịch sử. Mỹ thuật hiện đại Việt Nam khởi đầu và phát triển đúng vào lúc đất nước trải qua những sự kiện trọng đại làm thay đổi tận gốc rễ nếp sống, nếp nghĩ đã có từ hàng ngàn năm của người dân.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp về cơ bản đã đặt ách thống trị lê toàn đất nước Việt Nam, xã hội Việt Nam bắt đầu biến đổi một cách sâu sắc. Hệ tư tưởng phong kiến lỗi thời được thay thế bằng hệ tư tưởng tư sản. Mỹ thuật Việt Nam bắt đầu rời khỏi cung đình và chùa chiền. Người nghệ sĩ đầu tiên vẽ tranh về đề tài đời thường và ký tê dưới tác phẩm là Lê Huy Miến. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên sang Pháp học hội hoạ tại Trường Mỹ thuật quốc gia Pari và là người đầu tiên vẽ tranh sơn dầu theo phong cách hiện thực phương Tây. Tuy học kỹ thuật tả thực ở ngay châu Âu nhưng hình khối trong tranh Lê Huy Miến vẫn phảng phất không gian hai chiều của phương Đông mà sau này người ta có thể thấy trong tranh lụa của hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh.
Năm 1925 là một cột mốc quan trọng của nghệ thuật tạo hình Việt Nam thế kỷ XX: trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được mở tại Hà Nội. Trong vòng hai mươi năm chẵn, trường đã đóng góp công sức to lớn vào những biến chuyển cơ bản của nền mỹ thuật Việt Nam. Trường đã đánh thức tiềm năng, giải phóng và tạo phương tiện cảm hứng nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt Nam cất cánh. Họ là những người mở đường, khai phá những khả năng mới mà chỉ có những nguồ Việt Nam mới có thể làm được, đó là tranh lụa và tranh sơn mài Việt Nam.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời mở đầu cho một thời kỳ lịch sử oanh liệt và huy hoàng của đất nước. Mỹ thuật Việt Nam đứng trước một bước ngoặt lớn. Viễn cảnh độc lập, tự do của dân tộc đã giúp giới tạo hình thoát khỏi cái kén hiện thực lãng mạn họ dựng nên, trong hai thập niên nghệ thuật dưới chính quyền thuộc địa, bằng nỗi u hoài của núi non, cây cỏ, đình chùa, bằng những mộng mư về một thế giới không thực. Ngay từ những ngày đầu, hầu hết các hoạ sĩ xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương đã tham gia đầy nhiệt huyết vào sự nghiệp cách mạng.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cùng với toàn dân, các nghệ sĩ hồ hởi, tự nguyện dấn thân vào dòng chảy sôi sục của cuộc trường chinh. Họ đi khắp đất nước, hoà vào cuộc sống của dân chúng, cùng chia sẻ những khó khăn, gian khổ, đau thương mất mát, những giây phút hào hùng, những niềm vui thắng lợi trên mọi mặt trận sản xuất và chiến đấu. Thực tế sôi động của cuộc kháng chiến đã dấy lên trong các nghệ sĩ những tình cảm nồng nhiệt, lôi cuốn họ vào niềm say mê sáng tạo. Hình tượng anh bội đội, chị dân công, những nông dân miền núi, miền xuôi trên đồng ruộng, nương rẫy, những công nhân trong các xưởng công binh, những cảnh sản xuất chiến đấu đã trở thành chủ đề chính trong tranh của họ.
Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi. Miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuẩn bị cơ sở cho công cuộc thống nhất đất nước. Nghệ thuật tạo hình Việt Nam được mùa lớn. Hàng loạt tác phẩm sơn dầu, sơn mài, lụa khuôn khổ lớn về chiến tranh, về hoà bình, về cảnh vật, về niềm vui của những con người mới trong lao động sản xuất ra đời, thể hiện tài năng ngày càng chín của các nghệ sĩ lớp trước cũng như sức sống tươi trẻ của các nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến và được đào tạo sau này.
Đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước thống nhất, lịch sử Việt Nam lại sang trang mới, không còn chiến tranh, không còn tiếng bom, tiếng pháo, những khác biệt về tâm lý, về lối sống giữa hai miền được niềm vui xum họp xoá dần. Người dân với tâm hồn nhẹ nhõm nhìn về tương lai. Nghệ thuật tạo hình cũng bắt đầu trỗi dậy sức sống mới. Tầm hoạt động rộng mở, đội ngũ thêm đông đảo, nghệ sĩ hai miền Nam Bắc bổ sung cho nhau những mặt mạnh.
Với những thành tựu đáng tự hào đã đạt được, mỹ thuật Việt Nam bước vào thế kỷ mới với niềm tin vững chắc vào những thành công tốt đẹp trong tương lai.