TÂM SỰ CỦA MỘT NGƯỜI GIÁO VIÊN TRẺ

Trường Cao Đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An là ngôi nhà thứ hai của tôi. Ngôi nhà ấy đang chuẩn bị cho một ngày lễ lớn - Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường. Mái trường ấy đã trải dài những chặng đường lịch sử, với đủ cung bậc thăng trầm. Lễ kỷ niệm thành lập trường năm nay là một ngày rất đặc biệt của tất cả các thế hệ thầy cô và học sinh sinh viên trong trường. Nhiều học sinh sinh viên sau bao ngày gặp lại mái trường và thầy cô sẽ cảm thấy nao lòng, tiếc nuối về một thời học trò đã qua, nao lòng khi nghĩ đến những người chèo đò thầm lặng đã từng yêu thương, truyền thụ tri thức và bài học cuộc sống cho mình. Nhưng rồi cảm xúc ấy cũng sẽ qua nhanh bởi những niềm vui, niềm hân hoan sau bao ngày thầy trò gặp lại, bao nhiêu điều chia sẻ về công việc, cuộc sống, gia đình và con cái.

Bản thân tôi đến với mái trường Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An là một cơ duyên. Việc dạy học ở mái trường này có biết bao nhiêu điều vui buồn, nhiều tình huống mà tôi chưa bao giờ được gặp. Tôi ban đầu mò mẫm, làm theo cái tài, cái tâm và cái đức của mình - một cô giáo tập sự. Mỗi lần đón sinh viên mới, tiếp nhận một lớp học mới, tôi hồi hộp vì chẳng rõ mình sẽ gặp những bạn trẻ thế nào? Họ cần gì, muốn gì? Họ mang những tâm tư gì vào lớp học? Mục tiêu họ muốn đạt tới là gì?... Chừng ấy câu hỏi làm tôi phải trăn trở về những gì sẽ làm. 

Thời gian gần đây, người ta nói nhiều về nghề giáo. Nghề này nghèo lắm, lương tháng chẳng đủ để nuôi thân, nhỡ có ốm đau bệnh tật thì biết làm thế nào. Nhưng hàng ngày được lên lớp, được tiếp xúc, được truyền thụ kiến thức, rồi chia sẻ về cuộc sống với học sinh, sinh viên, tôi thấy vui, hạnh phúc vô cùng. Vui và hạnh phúc về sự khôn lớn, về sự trưởng thành của những thế hệ học trò của mình… Đó chính là tình cảm thiêng liêng mà một năm, mười năm, hai mươi năm, thậm chí hơn thế, người ta vẫn giữ cho nhau giữa  xã hội xô bồ.

Và có lẽ điều quan trọng nhất đối với tôi khi mới chập chững bước vào nghề, đó là tôi được sống trong một môi trường thuận lợi, một tập thể đoàn kết, hết lòng vì đồng nghiệp sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm. Là thế hệ đi sau, không được nhìn thấy những ngày đầu trường thành lập, chỉ được nghe kể qua những thế hệ đi trước, nhưng tôi có thể cảm nhận được một phần nào nỗi khó khăn, cơ cực cũng như sự nỗ lực hết sức mình để vượt qua của các thế hệ cán bộ, giáo viên trường tôi. Họ đã trải qua những thăng trầm cùng ngôi trường này, họ đã từng là những người thầy vừa là người tăng gia sản xuất, người buôn thúng bán mẹt, người nghệ sỹ biểu diễn trong nhà hàng, khách sạn... trong những giai đoạn khó khăn nhất. Và cùng với sự đoàn kết, sự nỗ lực lớn lao, sự tâm huyết, với sự giúp đỡ của cấp trên, họ đã vực dây được ngôi trường. Thấm thoắt thời gian đã trôi qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên có người đã và đang chờ nghỉ, có thầy cô mới về công tác tóc vẫn còn xanh nay đã điểm bạc. Khi được làm việc với họ, tôi cảm nhận được các mối quan hệ cá nhân lành mạnh có tác dụng tạo nên mối quan hệ lành mạnh trong tập thể. Các mối quan hệ cá nhân được xây dựng dựa trên sự hiểu biết, sự thông cảm lẫn nhau và dựa trên những mục tiêu chung của tập thể. Những thầy cô đi trước chính là người giúp tôi hiểu được rằng làm người thầy luôn phải quan tâm “Dân chủ - Kỷ cương -Tình thương - Trách nhiệm”. Có thể nói để xây dựng được các mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa các cán bộ giáo viên với nhau cần phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản: cởi mở, tôn trọng, chân thành, tin tưởng nhau, đối xử công bằng, biết đánh giá, biết sử dụng đúng người đúng việc, biết động viên khuyến khích và khen ngợi người khác đúng lúc và kịp thời. Tuy nhiên cũng cần phải nhận thức được là việc có được các mối quan hệ cá nhân tốt vẫn chưa đủ để tạo ra bầu không khí làm việc tích cực trong nhà trường. Và ngôi trường Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An của tôi đã làm được điều ấy, đã tạo được môi trường làm việc tích cực ấy. Tôi và những người kế tục sự nghiệp hôm nay luôn tự khuyên nhủ lòng mình hãy phấn đấu xứng đáng với truyền thống lớp người đi trước để khỏi hổ thẹn với họ.

     Những thế hệ trước đã làm được những điều thật tuyệt vời, thế hệ chúng tôi, thế hệ trẻ phải làm sao để tiếp tục sự nghiệp đó. Thế hệ hôm nay phải làm cho ngôi trường này là nơi dạy học hiện đại, văn minh. Muốn có nền giáo dục tốt phải giải quyết được những thách thức do các vấn đề của thời đại đem lại như: mối quan hệ giữa lâu dài và trước mắt, giữa toàn cầu và địa phương, giữa truyền thống và hiện đại, giữa toàn cầu và cá thể, giữa cạnh tranh và bình đẳng cơ hội, giữa khối lượng tri thức ngày càng tăng và khả năng nhận thức của con người có hạn, giữa tinh thần và vật chất. Nền giáo dục tốt sẽ đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường sức lao động đầy biến đổi trong xã hội hiện đại.

Như vậy, để có một nền giáo dục tốt thì việc xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng cao là một yêu cầu tất yếu và là khâu đột phá có tính chất quyết định cho việc nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo hiện nay. Đội ngũ giáo viên ấy phải nhiệt tình, say mê công việc giảng dạy và có tri thức cũng như phương pháp, kỹ năng giảng dạy tiên tiến. Những đặc điểm mà người giáo viên cần phải có, nhưng để có những đặc điểm đó thì người giáo viên phải một đời cố gắng. Trong suốt hơn mười năm dạy học dưới mái trường này, tôi đúc kết được rằng: Chúng ta hãy biết lắng nghe học sinh, quan tâm chia sẻ đóng một vai trò quan trọng trong việc học tập và rèn luyện đạo đức của học sinh, sinh viên. Khi lên lớp nếu  giáo viên cứ mải miết truyền đạt những kiến thức của bài học, mà không nhận ra rằng nhân tố quan trọng để học sinh nắm được bài là cần có sự quan tâm, trao đổi, đàm thoại giữa người dạy với người học, tạo nên tính hấp dẫn, thu hút của nội dung bài học và sự hứng thú trong học tập của học sinh, sinh viên. Khi giáo viên trò chuyện cần phải có thái độ chân thành, cởi mở, sẽ lắng nghe được những lời góp ý khách quan, thành thật từ phía học sinh. Chúng ta hãy thực sự là một đạo diễn vừa là diễn viên trên sân khấu nhưng đồng thời cũng thể hiện là người anh, người chị, người bạn chân thành của các em, hãy vừa là nhà giáo nhưng cũng cần trở thành một nhà tư vấn tâm lí.

Rồi những ngày đặc biệt như thế này sẽ trôi qua, nhưng nó lắng lại trong mỗi thầy, mỗi cô, mỗi học sinh sinh viên các thế hệ những điều thật sâu sắc và rồi để nhớ, tri ân và thì thầm lời biết ơn sâu sắc nhất tới thầy cô đã đang và sẽ tiếp tục chèo lái con tàu cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An đi đến bến bờ của tri thức, của tình người và của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa.

 

 

Bài viết mới

Tin tức nổi bật