1. Mở đầu
Tư duy phản biện (TDPB) là một kỹ năng tư duy bậc cao có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học. Với tính đặc thù của giáo dục chuyên nghiệp là đào tạo và chuẩn bị cho người học bước vào thế giới nghề nghiệp mà họ lựa chọn, việc phát triển TDPB càng trở nên cần thiết và tất yếu nhằm hoàn thiện hơn năng lực học tập và làm việc suốt đời cho sinh viên.
Việc phát triển TDPB trong môi trường giáo dục đòi hỏi giảng viên (GV) và sinh viên (SV) cần có những hiểu biết cơ bản và thấu đáo về năng lực tư duy này. Đồng thời, cần thấy được những vai trò và sự cần thiết của việc phát triển TDPB trong giáo dục đại học. Đặc biệt, để phát triển TDPB cho sinh viên, môi trường giáo dục cần đảm bảo một cách cơ bản những điều kiện cần và đủ. Cụ thể, cả người dạy và người học cần quan tâm và tuân thủ những nguyên tắc nhất định để tạo ra môi trường dạy học có thể kích ứng tốt cho sự phát triển TDPB. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, môi trường giáo dục nước ta có nhiều khó khăn khiến cả giáo viên và sinh viên không thể phát triển TDPB một cách thuận lợi. Bài viết của chúng tôi mong muốn làm rõ bản chất và tính chất quan trọng của việc phát triển TDPB; đồng thời đề xuất một số biện pháp nhằm giúp GV và SV Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An có thể dựa vào đó mà định hướng cho hoạt động dạy và học của họ.
2. Nội dung:
2.1. Khái niệm "tư duy phản biện"
Theo các tác giả Fisher (2001) [1]; Mason (2008) [2]ư; Rainbolt &Dwyer (2012)[3], TDPB là một năng lực tư duy bậc cao dựa trên những lập luận và lý lẽ khoa học nhằm giải thích và đánh giá về những gì con người tiếp nhận thông qua việc tương tác với người khác. Theo đó, trong quá trình tiếp nhận thông tin, người học sẽ luôn đặt câu hỏi tại sao, như thế nào, điều đó có hợp lý hay chưa,... Một điều lưu ý rằng, tất cả những câu hỏi như vậy luôn được bản thân người hỏi tìm hướng giải đáp trước và sự hợp tác hay hỗ trợ từ những người xung quanh sẽ giúp họ kiểm chứng sự hiểu biết hoặc quan điểm của mình.
Nói nôm na, tư duy phản biện là quá trình mà bạn suy nghĩ, đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi về một vấn đề hay sự việc nào đó nhằm phân định rõ ràng giữa đúng hay sai, nên hay không nên.
Cụ thể hơn, tư duy phản biện được chia thành hai phần quan trọng: Tư duy tự phản biện và tư duy phản biện ngoại cảnh.
- Tư duy tự phản biện: Tự vấn bản thân đến khi thấu hiểu và có thể vượt qua vấn đề đang gặp phải.
- Tư duy phản biện ngoại cảnh: phê bình đánh giá ngoại cảnh một cách trung thực, khách quan nhằm phân định đúng sai.
2.2. Phát triển tư duy phản biện là nhu cầu tất yếu trong giáo dục chuyên nghiệp
Với giáo dục chuyên nghiệp, việc học tập đòi hỏi con người thoát ra khỏi giới hạn của việc tiếp nhận và ghi nhớ thông tin một cách thụ động, chính vì thế, người học cần hợp tác với bạn bè, thầy cô và cả cộng đồng của họ. Mục tiêu chính của giáo dục chuyên nghiệp là giúp người học làm việc và nghiên cứu bằng tư duy phân tích và phản biện trong những bối cảnh có tính biến đổi cao. Chính vì thế, ngoài việc cung cấp kiến thức và thông tin cho người học, GV cần thấy rõ vai trò của mình trong việc giúp đỡ sinh viên đặt câu hỏi, tìm câu trả lời và tự phản ánh kiến thức, việc học của bản thân và của mọi người. Như vậy, trong quá trình dạy và học ở các trường đại học, cao đẳng, GV cần hướng dẫn SV đi tìm kiến thức và tự xây dựng kiến thức cho mình thông qua năng lực tư duy và những kỹ năng học tập tích cực và chủ động. Đồng thời, người học phải xác định được mục tiêu của việc học tập là cho chính bản thân họ, họ cần tự mình đi tìm và phát hiện ra tri thức mới. Đó cũng là giải pháp hữu hiệu giúp người học rèn luyện năng lực học tập suốt đời.
2.3. Các ngành học ở trường CĐ VHNT Nghệ An
Trường Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An được thành lập theo Quyết định số: 126/QĐ-UB ngày 01 tháng 6 năm 1967 của UBND tỉnh Nghệ An. Trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An theo Quyết định số: 1507/QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 23/3/2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo. Chức năng, nhiệm vụ của trường là: Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngành Văn hoá, Nghệ thuật và Du lịch; Giáo viên âm nhạc, mỹ thuật ngành giáo dục trình độ cao đẳng và các trình độ khác. Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học góp phần phát triển sự nghiệp văn hoá - nghệ thuật và du lịch, giáo dục - đào tạo; bảo tồn, khai thác kho tàng di sản văn hoá các vùng miền, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, tham gia giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội của tỉnh, của khu vực và nhu cầu chung của cả nước.
Các loại hình đào tạo của nhà trường:
- Hệ cao đẳng nghề: + 8 mã nghề cao đẳng chính quy: Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây; Đồ hoạ, Hội hoạ; Quản lý văn hoá, Khoa học thư viện, Việt Nam học (Hướng dẫn viên du lịch);
+ Hệ cao đẳng ngành: Sư phạm Âm nhạc (trong đó có chuyên ngành: Sư phạm nhạc họa mầm non); Sư phạm Mỹ thuật.
+ 08 mã ngành cao đẳng liên thông chính quy: Quản lý văn hoá, Khoa học thư viện, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Việt Nam học (Hướng dẫn viên du lịch), Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Thanh nhạc, Hội hoạ.
- Có 5 mã nghề cao đẳng thuộc lĩnh vực du lịch: Quản trị nhà hàng, Quản trị khách sạn, Quản trị lữ hành, Hướng dẫn du lịch, Chế biến món ăn.
- Hệ trung cấp chính quy (9 mã ngành): Nghệ thuật biểu diễn dân ca, Năng khiếu âm nhạc tuổi nhỏ, Năng khiếu mỹ thuật tuổi nhỏ, Năng khiếu múa tuổi nhỏ, Nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc, Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Diễn viên múa,
Liên kết với các trường Đại học đào tạo 5 mã ngành trình độ đại học: Quản lí văn hóa, Khoa học thư viện, Mỹ thuật, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật (với các trường: Trường Đại học Văn hóa, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW). Hiện đang đào tạo liên thông với Học viện Âm nhạc Hà Nội, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Nghệ thuật Huế…
Hệ bồi dưỡng năng khiếu tuổi nhỏ: Gồm các lớp học: Nghiệp vụ sư phạm, Nghiệp vụ sư phạm mầm non, Văn thư lưu trữ, Hướng dẫn du lịch; Thanh nhạc, Nhạc cụ, Múa, Hội họa, Aerobic; Tin học; Ngoại ngữ, Thiết kế thời trang, Chụp ảnh, Kỹ năng sống… Các hệ này ngày càng phát triển, thu hút người học và tạo được uy tín lớn đối với nhân dân. Trường trở thành một địa chỉ tin cậy, đáp ứng nhu cầu của xã hội, là vườn ươm tài năng trẻ của tỉnh nhà…
2.4. Thực trạng sử dụng các biện pháp nhằm phát triển TDPB trong dạy và học ở Trường CĐ VHNT Nghệ An
- Đối với việc dạy học của GV: GV sử dụng phương pháp thuyết trình là chủ đạo trong dạy học các môn lý luận đại cương và lý luận chuyên ngành. Đối với các môn thực hành, GV sử dụng kết hợp thuyết trình và làm mẫu. Mục đích của phương pháp thuyết trình là giúp sinh viên tiếp nhận, xử lý và ghi nhớ thông tin, kiến thức… thông qua khả năng nghe và nhìn. Cơ sở khoa học của phương pháp này là khi thông tin và kiến thức đến bộ não của con người, chúng sẽ được biến đổi và lưu vào bộ nhớ ngắn hạn hoặc bộ nhớ dài hạn. Bộ nhớ ngắn hạn là nơi mà trạng thái tư duy có ý thức diễn ra. Bộ nhớ dài hạn là nơi mà thông tin được lưu trữ. Thông tin có thể được truy cập lại khi cần thiết.
Có lẽ mỗi người chúng ta ai cũng đã ít nhiều từng ngồi nghe thầy cô thuyết trình khi còn ở ghế giảng đường. Vẫn có những giờ thuyết trình thật hấp dẫn với nội dung cô đọng, rõ ràng làm chúng ta thêm động cơ học tập. Vẫn có những giờ thuyết trình thật vui vẻ với cách truyền đạt hài hước, nhẹ nhàng… Đó có thể là một trong những lý do giải thích tại sao phương pháp thuyết trình vẫn còn tồn tại đến bây giờ.
Tuy vậy, phương pháp thuyết trình cũng có một số hạn chế nhất định sau đây:
- Phương pháp thuyết trình không khuyến khích vai trò chủ động của người học. Sự thụ động làm hạn chế khả năng học và khả năng tập trung của người học.
- Phương pháp thuyết trình không khuyến khích trao đổi thông tin đa chiều. Giảng viên truyền đạt thông tin một chiều và phải luôn nỗ lực tìm hiểu những khó khăn mà người học gặp phải trong việc tiếp thu nội dung bài giảng.
- Phương pháp thuyết trình không khuyến khích người học phát triển kỹ năng tổ chức và tổng hợp nội dung.
- Với phương pháp thuyết trình, giảng viên không kiểm soát được thời gian mà người học dành ra để tìm hiểu bài và ghi nhớ sâu các nội dung được trình bày.
- Với phương pháp thuyết trình, để học tốt người học phải lắng nghe, ghi chép, cố nhớ để lặp lại các kiến thức đã được truyền giảng vì các đề thi cuối khóa, tốt nghiệp thường yêu cầu gợi lại trí nhớ. Về phương diện tâm lý, người học phải vận dụng trí nhớ rất nhiều.
Là giảng viên tham gia giảng dạy nhiều năm ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, chúng tôi nhận thấy, nếu chỉ sử dụng chỉ mỗi phương pháp thuyết trình trong dạy học, chất lượng dạy học sẽ không cao. Phần lớn sinh viên nhà trường thích học thực hành và biểu diễn nghệ thuật hơn. Nếu học lý thuyết thì thời gian tư học thường hạn chế, không kéo dài. Do vậy, sự phát triển tư duy phản biện trong học tập của sinh viên có phần hạn chế.
- Đối với việc học của sinh viên: Bên cạnh đó, năng lực của sinh viên còn yếu. Thái độ, tinh thần tự học, tự nghiên cứu của sinh viên nhà trường còn kém. Việc giáo viên yêu cầu sinh viên hợp tác để giải quyết các vấn đề học tập cũng không phải dễ dàng. Vì thế, tư duy khó có thể phát triển một cách mạnh mẽ bởi vì động cơ hợp tác lúc này của sinh viên còn hạn chế. Sinh viên thích học thực hành, biểu diễn hơn. Khả năng nói cũng như viết lách của họ còn hạn chế. SV rất ít lúc đưa ra các lập luận nhằm giải thích và đánh giá về những gì họ tiếp nhận được. Số lượng sinh viên ít cũng là nguyên nhân khiến sinh viên không có môi trường giao tiếp và tương tác với người khác để đưa ra các tranh luận.
2.5. Một số biện pháp phát triển tư duy phản biện cho học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An
a. Tạo ra các cuộc tranh luận với những bối cảnh và nội dung giảng dạy cụ thể
Lớp học cần là một xã hội thu nhỏ với những bối cảnh hoặc tình huống khác nhau nhằm giúp người học kiểm chứng hoặc thực hành những kiến thức được học từ nhà trường.Vấn đề quan trọng là người dạy phải tạo ra những cuộc tranh luận hiệu quả trong quá trình tổ chức dạy và học. Nội dung thảo luận phải bàn về các chủ đề mở để cả người dạy và người học có thể hiểu theo cách của họ. Tùy vào kiến thức và môi trường phát triển của mỗi cá nhân, người học có thể suy luận và phân tích dựa trên những gì mà họ hiểu. Nội dung dạy học cần thiết là những vấn đề dễ gây tranh cãi. Điều này có thể là một trở ngại cho cả người dạy và người học nhưng cũng là cơ hội để họ có thể tư duy và lập luận theo những cách khác nhau. Những ý kiến và cách hiểu khác nhau là điều kiện tốt để SV có thêm những kiến thức mới, có thể sự hiểu biết đó chưa hoàn hảo nhưng chắc chắn sẽ khác hơn so với những gì họ được biết. Cuối cùng, nội dung dạy học có thể hỗ trợ tốt cho việc phát triển TDPB là những mảng kiến thức hay biến đổi. Như chúng ta thấy, có rất nhiều kiến thức bị biến đổi theo thời gian và không gian. Đây là một trong những điều kiện quan trọng giúp người dạy xây dựng chủ đề tranh luận nhằm giúp người học phát triển tốt tư duy theo hướng phản biện cao.
b. Sự tương tác lẫn nhau trong lớp học là điều không thể thiếu
Trong quá trình tạo ra những tình huống học tập thông qua tranh luận, GV trao cho sinh viên quyền tự do gần như tuyệt đối để bày tỏ ý kiến của mình với những gì họ nghe, đọc và nhận thức được từ người khác. Bên cạnh việc tham gia vào những hoạt động dạy học chung, sự tương tác bao gồm cả việc lắng nghe, thảo luận và tranh cãi và tiếp thu về những vấn đề/chủ đề cụ thể tùy thuộc vào thời gian và sự hiểu biết của mỗi người. Lúc đó, GV vừa là một thành viên của quá trình dạy học vừa là trọng tài của bất kỳ tình huống học tập nào vì họ có đủ khả năng để nhìn nhận và kết luận về những gì mà SV cần tiếp nhận. Thông qua quá trình dạy học mang tính tương tác lẫn nhau như vậy, cả GV và SV đều có cơ hội để phản ánh và tự phản ánh bản thân. Phía sau quá trình phản ánh này là sự suy ngẫm để rút kinh nghiệm về những việc họ đã làm, từ đó quá trình dạy học sẽ thay đổi tiến bộ hơn.
c. Cần chọn lọc và kết hợp một cách khéo léo những phương pháp dạy học tích cực
Các phương pháp dạy học như thảo luận nhóm, báo cáo chuyên đề, dạy học nêu vấn đề, đóng vai, dạy học dự án,... cần được ứng dụng một cách khéo léo trong quá trình phát triển TDPB cho người học. Những phương pháp dạy học nói trên có vai trò quan trọng trong việc cải thiện khả năng phản biện của tư duy vì chúng tạo ra nhiều cơ hội cho cả GV và SV tranh luận, trao đổi và học tập lẫn nhau trong môi trường học tập tích cực và chủ động. Nhiều nghiên cứu đã kết luận, quá trình tiếp thu sẽ hiệu quả hơn nếu SV được trao đổi kiến thức và tự hệ thống lại những thông tin đã thu thập được. Cần cho người học tìm thấy những vấn đề nảy sinh từ việc tiếp thu tri thức; sau đó, cho họ "tự động não" và tranh luận về những vấn đề đó để tìm ra phương pháp giải quyết.
d. Xây dựng tinh thần hợp tác mang tính tự nguyện
Trong quá trình phát triển TDPB, việc đón nhận và chấp nhận những ý kiến có cơ sở khoa học là điều kiện tiên quyết. Tinh thần hợp tác là động cơ, là điều kiện giúp GV và SV chấp nhận những ý kiến trái ngược hoặc chưa phù hợp với hiểu biết của mình. Khi họ có tinh thần hợp tác tốt, họ sẽ không ngần ngại cùng nhau trao đổi và giải quyết vấn đề theo hướng chung nhất, phù hợp nhất với bối cảnh học tập và vì vậy, tư duy sẽ được phát triển tốt hơn.
Tuy nhiên, tinh thần hợp tác cần được hình thành một cách tự nguyện và là một phản xạ tự nhiên trong quá trình học tập.
e. Từ góc độ người học
Người học cần tự tham gia vào quá trình học tập và tạo ra những sản phẩm cho chính họ thông qua chiến lược và phương pháp học tập nhằm phát triển tư duy. Bản thân họ cần phát triển vòng tròn kỹ năng từ lập kế hoạch, hành động và sau đó tự kiểm chứng hoặc phản ánh kết quả của bản thân để điều chỉnh và tiếp tục lập kế hoạch tiếp theo.
3. Kết luận
Việc phát triển TDPB là một trong những mục tiêu quan trọng trong giáo dục tiên tiến và hiện đại trên thế giới. Đặc biệt, năng lực tư duy này rất quan trọng và cần thiết đối với sinh viên do họ cần được chuẩn bị để bước vào môi trường nghề nghiệp mang tính quốc tế sâu rộng. Trong môi trường đó, đòi hỏi bản thân sinh viên cần có TDPB để khẳng định và đánh giá kiến thức của riêng mình và người khác. Bên cạnh đó, TDPB còn giúp người học nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ thông qua những lập luận khoa học và có tính thuyết phục cao. Để phát triển TDPB, cả GV và SV đều cần hiểu và vận dụng hiệu quả các chiến lược cơ bản, cần thiết nhằm làm ngòi kích ứng cho tư duy phát triển theo hướng phản biện. GV và SV là hai chủ thể quan trọng giúp cho quá trình học tập của SV được thực hiện thông qua quá trình lập luận nhằm giải thích và đánh giá về những gì học tiếp nhận được. Để làm được như vậy, tất yếu sinh viên cần giao tiếp và tương tác với người khác trong môi trường giáo dục để giải quyết các vấn đề học tập.