1. Một số nét về ngành Quản lý văn hóa
Ngành Quản lý Văn hóa, ngành học đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực quản lý văn hóa chất lượng cao cho đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng trên mọi lĩnh vực, đối với Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, phát triển văn hóa được coi như một cứu cánh, khi mà sự gia tăng của các giá trị kinh tế có thể mang lại sự thịnh vượng vật chất nhưng không phải hoàn toàn mang lại cho con người và xã hội hạnh phúc bởi sự mai một của những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Chính vì vậy, từ cuối thế kỷ XX, Liên hợp quốc (UN) đã phát động “Thập kỷ văn hóa vì sự phát triển”(1987 – 1996). UNESCO cũng đi tiên phong trong việc soạn thảo những tuyên bố, công ước để bảo đảm sự phát triển văn hóa trên thế giới đi đúng hướng, không bị các giá trị kinh tế thị trường làm sai lệch.
Nhận thức sâu sắc giá trị của văn hóa trong quá trình phát triển, trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng ta xác định tiến hành đồng bộ và gắn kết chặt chẽ ba lĩnh vực: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt cùng với việc xây dựng văn hóa với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực nhằm tạo nên sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của đất nước. Trong đó, nội dung xây dựng văn hóa được xác định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, một định hướng quan trọng để đất nước phát triển bền vững.
Ở bình diện vĩ mô, quản lý văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng lâu dài cho sự phát triển văn hóa của một quốc gia. Xét ở bình diện vi mô, những định hướng đúng đắn của quản lý văn hóa sẽ giúp cho các hoạt động văn hóa ở các địa phương, các vùng, miền thuận tiện hơn, tránh được sự lúng túng và tùy tiện trong việc thực thi các chính sách về văn hóa của Đảng và Nhà nước.
Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế đã và đang đặt ra đòi hỏi ngày càng cao đối với đội ngũ nhân lực làm công tác văn hóa và quản lý văn hóa. Để đáp ứng yêu cầu đó, năm 2004, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định cho phép khoa Quản lý văn hóa, trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An mở mã ngành đào tạo Cử nhân Quản lý văn hóa, trình độ cao đẳng. Năm 2017, trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An trực thuộc Bộ lao động Thương binh Xã hội, nhiều ngành học trình độ cao đẳng được điều chỉnh theo hướng đào tạo nghề.
Ngành Quản lý văn hóa thuộc khối các khoa thuộc ngành Khoa học xã hội và nhân văn của trường CĐ VHNT Nghệ An, có chức năng đào tạo Cử nhân ngành Quản lý Văn hóa. Sau khi tốt nghiệp, người học sẽ có đủ khối kiến thức và các kỹ năng chuyên ngành như: quản lý, tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước; kỹ năng nghiên cứu, đề xuất các chính sách văn hóa; kỹ năng quản lý, điều hành các tổ chức văn hóa; kỹ năng tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở các cấp..., đáp ứng yêu cầu của xã hội và đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Chương trình đào tạo của ngành Quản lý văn hóa của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An được xây dựng trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc chương trình của nhiều trường đại học tiên tiến ở Việt Nam. Cùng với phần lý thuyết được học tại trường, người học sẽ được đi thực tế, thực hành, thực tập tại các cơ sở văn hóa và các cơ quan, đơn vị quản lý văn hóa, nghệ thuật. Ngoài ra, trong quá trình học tập, với sự phối kết hợp của Trung tâm đào tạo liên tục của Nhà trường, người học sẽ được tham dự các lớp tập huấn về các kỹ năng mềm như thuyết trình, diễn giả, báo cáo viên, MC...để thuận lợi hơn trong quá trình tuyển dụng và làm việc sau này.
Mahatma Gandhi đã nói: A nation's culture resides in the hearts and in the soul of its people (Nền văn hóa của một quốc gia nằm trong trái tim và tâm hồn của nhân dân). Văn hóa với những giá trị truyền thống là cốt lõi để dân tộc hội nhập mà không bị biến mất trong sự phát triển chung của nhân loại. Văn hóa chính là bệ đỡ của bất cứ dân tộc nào muốn phát triển đến tầm cao mới của thời đại. Đội ngũ những người làm công tác văn hóa và quản lý văn hóa mang trong trái tim mình tình yêu và trách nhiệm đối với văn hóa dân tộc để đến với trái tim của mọi người cùng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc. Ngành Quản lý Văn hóa Trường CĐ VHNT Nghệ An cùng chung tay và chia sẻ, chào đón các bạn thí sinh trên mọi miền của Tổ quốc.
Trong quá trình đào tạo ngành học này, Trường CĐ VHNT Nghệ An đã liên tục cập nhật và điều chỉnh để sinh viên ra trường đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Khi xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, nhà trường đã mời các doanh nghiệp cũng như các chuyên gia trong ngành tư vấn, hỗ trợ nhà trường, nhằm nâng cao cơ hội thực hành cho sinh viên. Bên cạnh sự cố gắng của nhà trường, bản thân sinh viên cũng phải nỗ lực rất nhiều, mới có thể đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.
2. Sinh viên ngành Quản lý văn hóa cần làm gì để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng
Theo thông tin từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê, 90% sinh viên (SV) ra trường không đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Số lượng SV ra trường có tỷ lệ thất nghiệp cao nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu người làm là thực trạng của thị trường lao động trong nước hiện nay. Sinh viên ngành Quản lý văn hóa không phải là ngoại lệ. 4 tiêu chí dưới đây sẽ là những tiêu chí cơ bản nhưng đặc biệt quan trọng mà các bạn sinh viên ngành Quản lý văn hóa cần chuẩn bị kỹ lưỡng nếu muốn không muốn trở thành 1 trong số 200,000 “tân cử nhân thất nghiệp” hàng năm.
Kiến thức nền tảng
Nắm bắt những kiến thức nền tảng, cơ bản nhất về văn hóa nói chung và hoạt động quản lý văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nói riêng là điều cần thiết đối với tất cả các bạn sinh viên theo học về chuyên ngành Quản lý văn hóa. Những kiến thức này giúp các bạn có lối tư duy và suy nghĩ nhanh nhạy hơn với những vấn đề gặp phải trong công việc. Và đặc biệt, nó sẽ là nền móng quan trọng nếu các bạn muốn theo đuổi những bằng cấp cao hơn sau này.
Kỹ năng mềm
Những nhà tuyển dụng hàng đầu hiện nay có xu hướng lựa chọn ứng viên phù hợp với văn hóa của công ty và đáp ứng các yêu cầu cần thiết về kỹ năng mềm nhiều hơn là có kết quả học tập điểm số cao. Việc trau dồi những kỹ năng mềm như: Kỹ năng Giao tiếp, Kỹ năng làm việc nhóm, Tác phong làm việc chuyên nghiệp, hay kỹ năng biểu diễn, kỹ năng marketing…là đặc biệt cần thiết nếu các bạn muốn trở thành khác biệt trong mắt các nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, dường như hầu hết các trường đại học; cao đẳng hiện nay chưa chú trọng trong việc đem những kỹ năng này vào giảng dạy và đào tạo như một phần chính trong chương trình học của sinh viên. Do đó, các bạn nên tự chủ động học tập thêm.
Ngoại ngữ
Chắc chắn chúng ta không cần phải bàn luận quá nhiều về việc ngoại ngữ có vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc sống cũng như công việc trong thời kỳ Việt Nam hội nhập quốc tế như hiện nay. Và đặc biệt, khi khả năng giao tiếp Tiếng Anh đã trở thành tiêu chí cơ bản và là một phần bắt buộc trong các bản mô tả công việc thì theo học IELTS sẽ càng quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết.
Tác phong chuyên nghiệp
Đây là vấn đề nan giải mà các doanh nghiệp đang gặp phải khi tuyển dụng sinh viên Việt Nam mới ra trường. Với văn hóa “xe gắn máy”, việc đi trễ về sớm hay trang phục đi làm cũng giống như đi chơi là điều mà chúng ta có thể bắt gặp hàng ngày với những bạn mới bắt đầu chập chững bước vào thị trường lao động chuyên nghiệp. Và còn rất nhiều những điều tưởng chừng là “nhỏ nhặt” nhưng không hề “nhỏ nhặt” như không hoàn thành đúng tiến độ, nói xấu đồng nghiệp, mang chuyện cá nhân vào công ty…Những điều này thể hiện sự thiếu nghiêm túc và trách nhiệm của các bạn trong công việc cũng như tạo ra hình ảnh xấu trong mắt người khác. Từ đó ảnh hưởng đến cơ hội thăng tiến, nhất là trong thời buổi kinh tế cạnh tranh như hiện nay.
Do đó, để tạo ra sự khác biệt và tự nâng cao vị thế của mình trong mắt nhà tuyển dụng, ngay từ bây giờ, các bạn sinh viên nên coi việc tập trung tích lũy kiến thức căn bản cũng như những kỹ năng mềm cần thiết là điều quan trọng ưu tiên hàng đầu để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng khắt khe trong nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế.