Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá

1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về khái niệm "văn hoá"

Trong mục đọc sách ở phần cuối tập Nhật ký trong tù (1942 - 1943) lần đầu tiên Hồ Chí Minh có nêu một định nghĩa về văn hoá: "Vì lẽ sinh tồn cũng như vì mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn".

Người còn ghi thêm: "Năm điểm lớn xây dựng nền văn hoá dân tộc

Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường

Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.

Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội

Xây dựng chính trị: dân quyền

Xây dựng kinh tế"

Như vậy văn hoá đã được hiểu theo nghĩa rộng nhất. Đó là toàn bộ những giá trị vật chất và những giá trị tinh thần mà loài người đã sáng tạo ra, nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời cũng là mục đích của cuộc sống loài người. Và muốn xây dựng nền văn hoá dân tộc, thì phải xây dựng tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức, tâm lý con người.

2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về vị trí vai trò của văn hoá

Trước hết Hồ Chí Minh cho rằng văn hoá là động lực, là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng. Theo Người, văn hoá nói chung, chủ nghĩa Mác - Lênin nói riêng đóng vai trò quan trọng tạo bước nhảy vọt trong tư duy, hành động của con người và của các dân tộc bị áp bức, bị tha hoá đến vương quốc của con người phát triển tự do, toàn diện. Ngay từ năm 1921, Người đã nói đến "luồng gió mới từ nước Nga thợ thuyền... đang thổi đến giải độc cho người Đông Dương"; rằng "Nếu những người xã hội chủ nghĩa lơ là việc giáo dục, thì giai cấp tư sản thực dân và bản xứ... cứ phụ trách việc giáo dục bằng phương pháp của chúng... Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi"[6]. Hồ Chí Minh từng nói đến "văn hoá soi đường cho quốc dân đi"; "Phải đem văn hoá lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ". Phải "Xúc tiến văn hoá để tạo con người mới và cán bộ mới cho cuộc kháng chiến kiến quốc".

Văn hoá có tác dụng sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, sửa xã hội cũ xây xã hội mới. Văn hoá tạo sức mạnh vật chất, tinh thần thắng ngoại xâm theo tinh thần "Văn minh thắng tàn bạo". Kinh tế nâng cao đời sống vật chất, văn hoá có tác dụng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Văn hoá như một động lực thúc đẩy các dân tộc đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau.

Văn hoá còn được Hồ Chí Minh xác định là đời sống tinh thần của xã hội, là thuộc về kiến trúc thượng tầng của xã hội. Văn hoá được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, tạo thành bốn vấn đề chủ yếu của đời sống xã hội. Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến, cũng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá. Nhưng văn hoá là một bộ phận kiến trúc thượng tầng.

Theo Hồ Chí Minh, bốn vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau, cùng tác động lẫn nhau.

Chính trị xã hội có được giải phóng thì văn hoá mới được giải phóng. Chính trị giải phóng mở đường cho văn hoá phát triển.

Khi đất nước còn bị nô lệ thì văn hoá cũng chung số phận nô lệ, tuyệt đại bộ phận nhân dân bị đoạ đầy trong cảnh tối tăm, dốt nát. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã vạch ra một đường lối mới: phải tiến hành cuộc cách mạng chính trị trước mà cụ thể là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc để giành lấy chính quyền, nhân dân làm chủ đất nước, để giải phóng chính trị, giải phóng xã hội, từ đó giải phóng văn hoá, mở đường cho văn hoá phát triển. Người chỉ ra rằng, "Xưa kia chính trị bị đàn áp, nền văn hoá của ta vì thế không thể nảy sinh được","dân tộc bị nô lệ thì văn nghệ cũng mất tự do".

Xây dựng kinh tế để tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển văn hoá.

Kinh tế là thuộc về cơ sở hạ tầng, là nền tảng của việc xây dựng văn hoá, xây dựng kiến trúc thượng tầng. Do đó, Hồ Chí Minh chỉ rõ phải xây dựng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng để có điều kiện xây dựng và phát triển văn hoá. Văn hoá là một bộ phận kiến trúc thượng tầng, nhưng cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hoá mới kiến thiết được và có đủ điều kiện phát triển được: "Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hoá. Vì sao không nói phát triển văn hoá và kinh tế ? Tục ngữ ta có câu: Có thực mới vực được đạo; vì thế kinh tế phải đi trước"[8].

Văn hoá không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị và thúc đẩy cho kinh tế phát triển.

Hồ Chí Minh chỉ rõ: « Văn hoá, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị ». Điều này cũng có nghĩa là văn hoá có quan hệ chặt chẽ với kinh tế và chính trị, văn hoá phải phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế, tác động trở lại với kinh tế và chính trị như một động lực hết sức quan trọng, Người nói: "Trình độ văn hoá của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ... cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh". Như vậy, cũng phải thấy rằng văn hoá đứng ở trong kinh tế và chính trị cũng có nghĩa là kinh tế và chính trị phải có tính văn hoá.

3. Quan điểm Hồ chí Minh về chức năng của văn hoá

Văn hoá trong tư tưởng Hồ Chí Minh có thể quy tụ ở ba chức năng chủ yếu sau:

Chức năng thứ nhất là, bồi dưỡng tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp cho nhân dân. Tư tưởng và tình cảm là những vấn đề chủ yếu của đời sống tinh thần con người. Tư tưởng có thể đúng đắn hoặc sai lầm, tình cảm cũng có thể cao đẹp hoặc thấp hèn. Theo Hồ Chí Minh, văn hoá có chức năng là bồi dưỡng tư tưởng đúng đắn và những tình cảm cao đẹp cho nhân dân. Chức năng này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, vì tư tưởng và tình cảm con người luôn luôn biến đổi theo hoạt động thực tiễn của xã hội. Việc bồi dưỡng ấy phải đặc biệt quan tâm đến những tư tưởng và tình cảm có ý nghĩa chi phối đến đời sống tinh thần của mỗi con người và của cả dân tộc.

Tư tưởng đúng theo Hồ Chí Minh, đó là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Người chỉ ra rằng: "Nước độc lập, dân phải được tự do, hạnh phúc", để nền độc lập đó là nền độc lập thực sự, độc lập bền vững để sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người được thực hiện một cách trọn vẹn. Lý tưởng đó là điểm hội tụ những tư tưởng lớn của cả một dân tộc. Nếu ai xa rời lý tưởng đó đều có thể dẫn tới sai lầm.

Hồ Chí Minh còn chỉ ra, phải làm thế nào để cho "văn hoá đi sâu vào tâm lý quốc dân" để xây dựng những tình cảm cao đẹp cho nhân dân như lòng yêu nước, tình thương yêu con người, yêu sự chân thành, thuỷ chung; căm ghét, lên án, phê phán những cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, những xa đoạ biến chất trong đời sống tinh thần của xã hội.

Vì vậy, trong quá trình xây dựng nền văn hoá cách mạng ở nước ta, Hồ Chí Minh và Đảng thường xuyên quan tâm đến bồi dưỡng lý tưởng và tình cảm cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên và đặt chức năng cao quý đó cho văn hoá.

Chức năng thứ hai là, nâng cao trình độ dân trí. Lênin đã từng chỉ ra rằng: "Người mù chữ là người đứng ngoài chính trị". Thấm nhuần tư tưởng của Lênin và từ thực tiễn nước ta, Hồ Chí Minh nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", "Dốt thì dại, dại thì hèn" và trong bài "Chống nạn thất học" (4.10.1945), Người viết: "Số người Việt Nam thất học so với số người trong nước là 95%, nghĩa là hầu hết người Việt Nam mù chữ". Như thế thì làm sao tiến bộ được.

Nay chúng ta đã giành được độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí.

"Muốn giữ vững nền độc lập,

Muốn làm cho dân mạnh nước giàu,

Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình... phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ". Do đó, theo Hồ Chí Minh nói tới văn hoá là nói đến vấn đề dân trí. Dân trí ở đây không chỉ hạn hẹp ở biết đọc, biết chữ, mà Người còn chỉ ra rằng, đó là trình độ hiểu biết, trình độ kiến thức của người dân, của mỗi công dân. Từ trình độ biết chữ đến chỗ hiểu biết và tiếp thu kiến thức trên các lĩnh vực cần thiết cho hoạt động của mỗi người nhằm thực hiện được nhiệm vụ của mình, của cách mạng. Những hiểu biết đó bao gồm lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, chuyên môn kỹ thuật, khoa học kỹ thuật - công nghệ, lịch sử, tình hình trong nước, quốc tế... Theo Hồ Chí Minh, việc nâng cao trình độ dân trí chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giành được chính quyền về tay nhân dân.

Chức năng thứ ba là, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, những phong cách lành mạnh, luôn hướng con người vươn tới cái chân, cái thiện, cái mỹ để không ngừng hoàn thiện bản thân mình.

Con người không chỉ sống trong môi trường tự nhiên, mà còn sống trong môi trường xã hội, môi trường văn hoá. Con người phải tiếp nhận môi trường đó mới tồn tại và phát triển được. Mặt khác các giá trị văn hoá tác động đến con người những định hướng giá trị và xác định những chuẩn mực trong đời sống xã hội. Với cá nhân giá trị văn hoá là thành tố cốt lõi để hình thành nên nhân cách con người.

Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Hồ Chí Minh đã đề ra những phẩm chất và phong cách cần thiết để mỗi người tu dưỡng, rèn luyện, trước hết là đối với cán bộ, đảng viên. Đó là những phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị, những phong cách trong lao động, sinh hoạt và trong mọi quan hệ xã hội.

Phẩm chất và phong cách được hình thành trong đạo đức, nếp sống, lối sống của con người và xã hội, trong thói quen của cá nhân và trong phong tục, tập quán của cả cộng đồng dân tộc. Văn hoá giúp con người phân biệt được cái tốt đẹp lành mạnh với cái xấu xa, hư hỏng; cái tiến bộ thúc đẩy sự phát triển xã hội, cái lạc hậu cản trở con người, cản trở dân tộc tiến lên phía trước. Từ đó con người phấn đấu làm cho cái đẹp, cái lành mạnh ngày càng tăng, cái tiến bộ, cái mới ngày càng phát triển, làm cho cái lạc hậu ngày càng bớt đi, cái xấu xa, hư hỏng ngày càng bị loại khỏi đời sống con người và xã hội.

Với đặc trưng không giống với kinh tế và chính trị, văn hoá hướng con người vươn tới cái chân, cái thiện, cái mỹ, từ cái hiện có vươn tới cái lý tưởng, từ cái chưa hoàn thiện vươn tới cái hoàn thiện luôn luôn ở phía trước, đặc biệt là việc hoàn thiện bản thân mỗi người.

4. Quan điểm của Hồ Chí Minh về tính chất của nền văn hoá mới

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, việc xây dựng một nền văn hoá mới được Hồ Chí Minh và Đảng ta đặt ra như một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Ngay sáng 3.9.1945, Người đã đặt ra hàng loạt các vấn đề về văn hoá cần giải quyết, như diệt "giặc dốt", giáo dục nhân dân tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, cấm hút thuốc phiện... Cũng trong những ngày đầu tháng 9.1945, Người đã cho thành lập Uỷ ban văn hoá lâm thời Bắc Bộ và chỉ rõ nhiệm vụ cho Uỷ ban là: gây dựng cho đất nước một nền văn hoá mới.

Nền văn hoá trong thời kỳ đó là nền văn hoá dân chủ mới, đồng thời là một nền văn hoá kháng chiến. Khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thì nền văn hoá được xây dựng là nền văn hoá xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, tính chất của nền văn hoá cũng được điều chỉnh cho phù hợp.

Nền văn hoá trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định có ba tính chất: dân tộc, khoa học và đại chúng. Điều này thể hiện khá sớm trong Đề cương văn hoá Việt Nam của Đảng năm 1943, đó là: Để tiến tới một nền văn hoá xã hội chủ nghĩa, cuộc giải phóng dân tộc sẽ cơ cấu lại nền văn hoá truyền thống theo ba nguyên tắc lớn "dân tộc hoá, đại chúng hoá, khoa học hoá".

Khi đặt vấn đề xây dựng nền văn hoá mới của nước Việt Nam độc lập, Hồ Chí Minh nói: "Cái nền văn hoá mới này cần phải có tính khoa học, tính đại chúng, thì mới thuận với trào lưu tiến hoá của tư tưởng hiện đại. Nay nước ta có được độc lập, tinh thần được giải phóng, cần phải có một nền văn hoá hợp với khoa học và hợp với cả nguyện vọng của nhân dân"[13]. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Xây dựng một nền văn hoá Việt Nam có tính dân tộc, khoa học và đại chúng".

Theo Hồ Chí Minh, ba tính chất đó có quan hệ chặt chẽ với nhau. Đó là một nền văn hoá phải làm cho mỗi người dân Việt Nam hiểu biết được cội nguồn lịch sử hình thành phát triển dân tộc; biết giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc trong dựng nước và giữ nước. Nền văn hoá mới phải phản ánh được đời sống hiện thực của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc theo đúng quy luật khách quan, đảm bảo tính chân thực; tiếp thu văn hoá nhân loại để làm phong phú thêm văn hoá dân tộc, đưa văn hoá Việt Nam, ngày càng vươn tới đỉnh cao văn hoá nhân loại. Nền văn hoá mới phải lấy việc phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân lao động làm mục đích hoạt động nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần vui tươi lành mạnh cho nhân dân.

Tính chất của nền văn hoá mới trong giai đoạn miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội đã được Hồ Chí Minh đề cập ở nhiều bài viết, bài nói và ở nhiều hội nghị quan trọng, Hồ Chí Minh xác định "... để phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa thì văn hoá phải xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức". Như vậy, Người chỉ ra tính chất của nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc.

Nội dung xã hội chủ nghĩa có nghĩa là tiên tiến, khoa học, hiện đại. Tính dân tộc không chỉ là ở hình thức thể hiện mà còn biết kế thừa, phát huy những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hoá của dân tộc cho phù hợp với những điều kiện lịch sử của đất nước. Hơn thế nữa theo Hồ Chí Minh, chúng ta còn phải biết giới thiệu những giá trị văn hoá cao đẹp của dân tộc ra thế giới để thế giới hiểu biết thêm về đất nước, con người Việt Nam.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Đảng ta xác định xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hai tính chất tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc có quan hệ chặt chẽ với nhau. Tiên tiến là khoa học, hiện đại, là xã hội chủ nghĩa. Đậm đà bản sắc dân tộc là biết kế thừa, phát huy, phát triển những giá trị tốt đẹp của văn hoá dân tộc trong điều kiện mới. Đây chính là thực hiện quan điểm của Hồ Chí Minh về sự phát triển biện chứng của văn hoá.

5. Quan điểm của Hồ Chí Minh về thái độ với việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển văn hoá truyền thống của dân tộc

Đối với Hồ Chí Minh, dân tộc là cái trường tồn trong phát triển và văn hoá là tinh hoa của dân tộc. Người ý thức rõ giá trị văn hoá dân tộc - văn hoá tinh thần và văn hoá vật chất. Bắt đầu vào con đường hoạt động cách mạng, Người đã rất chú ý tới vấn đề "càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin càng phải coi trọng các giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông". Hồ Chí Minh ca ngợi truyền thống yêu nước, thương người, tinh thần độc lập, tự chủ, đoàn kết, yêu đời, lạc quan đến việc ngợi ca các anh hùng và danh nhân Việt Nam. Người giáo dục nhân dân ta rằng: "Dân ta phải biến sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam", văn hoá là vốn quý của dân tộc, là niềm tự hào dân tộc.

Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc đã được xây dựng từ ngàn đời bằng mồ hôi và xương máu của nhân dân, của cả dân tộc. Vì thế, ngay từ ngày đầu trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Người đã ký sắc lệnh về bảo tồn tất cả các di sản văn hoá như đình chùa, đền miếu, cung điện, thành quách, lăng mộ, bia ký, chiếu sắc, văn bằng... kể cả những cái có tính cách tôn giáo nhưng có ích cho lịch sử. Hồ Chí Minh đánh giá cao và tự hào về truyền thống văn hoá dân tộc, Người nói rằng "nghệ thuật của ông cha ta hay lắm, tốt lắm", "tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp"[16]. Người chú ý đến bản sắc dân tộc của văn hoá, nói chuyện với hoạ sĩ người Thuỵ Điển Êrích Giôhanxơn, Người nhấn mạnh: mỗi dân tộc cần chăm lo đến đặc tính dân tộc mình trong nghệ thuật. Người cũng căn dặn "chú ý phát huy cốt cách dân tộc","lột tả cho hết cái tinh thần dân tộc".

Hồ Chí Minh rất chú ý đến "việc phát huy vốn cũ quý báu của dân tộc (nhưng tránh phục cổ một cách máy móc) và học tập văn hoá tiên tiến của các nước". Học tập vốn cũ của dân tộc với tinh thần cách mạng chân chính để thâu thái những cái hay của các đời trước. Học tập văn hoá tiên tiến của các nước thì phải tránh nguy cơ trở thành kẻ bắt chước không còn bản sắc, theo Người mình có thể bắt chước cái hay của bất kỳ nước nào, nhưng điều cốt yếu là sáng tác. Mình đã hưởng cái hay của người thì cũng phải có cái hay để cho người ta hưởng. Mình đừng chịu vay mà không trả "phát triển cái hay cái đẹp của dân tộc, tức là ta cùng đi tới chỗ nhân loại".

Giữ gìn, bảo vệ và phát triển văn hoá dân tộc không phải là đóng cửa, khép kín mà phải mở rộng giao lưu văn hoá với thế giới để văn hoá dân tộc ngày càng phát triển. Vì vậy, dân tộc và quốc tế theo Hồ Chí Minh là thống nhất và làm phong phú lẫn nhau. Sự tác động qua lại giữa các nền văn hoá của các dân tộc là sự tác động tích cực trên cơ sở bình đẳng, tự chủ, giữ gìn và phát huy được bản sắc dân tộc của mình.

Hồ Chí Minh - Người là hình ảnh của dân tộc Việt Nam trong tính cách, tâm hồn, phong độ, lời ăn tiếng nói, Người tiêu biểu cho đạo lý làm người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam, tinh thần và sức mạnh Việt Nam, Người hết sức nhạy cảm với tất cả những gì liên quan đến truyền thống, đến vận mệnh của dân tộc.

 

Bài viết mới

Tin tức nổi bật