Những ưu thế của dạy học theo phương pháp nghiên cứu khoa học

1. Thế nào là dạy học theo phương pháp nghiên cứu khoa học?

Trong lĩnh vực giáo dục, phương pháp dạy học được hiểu là cách thức hoạt động cùng nhau của người dạy và người học hướng tới việc giải quyết các nhiệm vụ dạy học (bao gồm cả trang bị tri thức, kỹ năng, kỹ xảo; hình thành các phẩm chất nhân cách; phát triển những khả năng và năng lực). Phương pháp dạy học là cách mà người dạy chỉ đạo (tổ chức, điều khiển, lãnh đạo) hoạt động của người học và cách mà người học tiến hành hoạt động lĩnh hội năng lực người.

Dạy học theo phương pháp nghiên cứu khoa học là quá trình người giảng viên tổ chức cho người học lĩnh hội nội dung kiến thức theo logic nghiên cứu khoa học. Khi nhìn nhận, tiếp cận sự vật hiện tượng, người ta biết suy nghĩ cho cả một quá trình từ khi sinh ra, hình thành phát triển và tất cả những vấn đề liên quan đến sự việc hiện tượng đó. Mọi vấn đề đều có các quy luật của nó và phải chịu chi phối bởi các quy luật đó. Người dạy học theo phương pháp nghiên cứu khoa học sẽ dễ dàng hình thành cho người học phương pháp tư duy và việc học tập chóng đạt đến kết quả tuân theo những giai đoạn cơ bản nhất định phù hợp với logic của vấn đề[2]. Vận dụng mô hình này vào cách thức tổ chức việc dạy học, xem như đây là một phương pháp ứng dụng tốt, thì chúng ta cũng có một trật tự trong thiết kế từng môn học hoặc từng vấn đề nội dung môn học. Việc nghiên cứu một môn học hay một vấn đề nào đó trong nội dung môn học sẽ bắt đầu từ việc người dạy tổ chức, hướng dẫn và trợ giúp để người học tự khám phá ra nội dung cần giải quyết. Người học giải quyết vấn đề đặt ra thông qua việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn. Cuối cùng là sự kiểm tra, đánh giá việc đặt và giải quyết vấn đề, trên cơ sở đó tiếp tục quy trình cho những vấn đề mới để tiếp tục giải quyết…

2. Dạy học theo phương pháp nghiên cứu khoa học có những ưu thế gì?

Bảo đảm vị thế tích cực, chủ động của người học. Người học được đặt vào vị trí chủ động nhất: tìm tòi, phát hiện và độc lập giải quyết (thông qua các nghiên cứu lý luận và thực tiễn do chính mình thực hiện) các vấn đề lý luận và thực tiễn của từng bộ môn, từng lĩnh vực tri thức.

Hình thành phương pháp làm việc khoa học. Ở đây người học được tập luyện tối đa phương pháp làm việc theo đúng quy trình nghiên cứu khoa học. Điều này tạo cơ sở vững chắc cho việc hình thành ở người học các phẩm chất và năng lực, kỹ năng và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học – yêu cầu bắt buộc đối với người trí thức thời đại kinh tế tri thức và xã hội học tập.

Phát triển hứng thú nhận thức, thỏa mãn nhu cầu tìm tòi, khám phá của người học. Trong hướng dạy học này người học không chỉ tự mình tìm cách giải quyết các vấn đề đặt ra mà còn tự phát hiện ra các vấn đề mới cần giải quyết. Điều này thỏa mãn nhu cầu đặc trưng của con người – nhu cầu tìm tòi khám phá. Những cảm xúc có được thông qua sự tìm tòi khám phá, cảm xúc thành công và cảm xúc về sự hoàn thành trọn vẹn một công việc là những củng cố tích cực cho việc hình thành và phát triển nhu cầu và hứng thú nhận thức của người học.

Bảo đảm tốt nhất yêu cầu cá biệt hóa dạy học, phù hợp với tốc độ, nhịp độ học tập của từng người học. Mỗi người học đặt ra và giải quyết các vấn đề trong khả năng của mình, với tốc độ và nhịp độ phù hợp nhất với mình. Điều này cho phép hiện thực hóa tối đa yêu cầu cá biệt hóa dạy học, đồng thời cũng bảo đảm một sự đánh giá khách quan nhất những tiến bộ của người học.

Phù hợp đặc điểm tâm lý-nhận thức, nhân cách của người học trưởng thành. G.A.Kelly, nhà tâm lý học xuất sắc thế kỷ XX, nhìn nhận mỗi con người là một nhà khoa học, nó cố gắng hiểu, lý giải, dự đoán, kiểm soát thế giới các sự kiện để có thể tác động qua lại có hiệu quả với chúng. Cách thức nhận thức thế giới của con người giống hệt như cách thức nhận thức của nhà khoa học. Người trưởng thành lại có xu hướng học thông qua giải quyết các vấn đề (Knowles), họ chủ động xây dựng kiến thức cho bản thân bằng cách tạo các biểu tượng của chính họ về những điều cần học, lựa chọn thông tin mà họ nhận thấy là thích hợp, và diễn giải thông tin trên cơ sở kiến thức và nhu cầu hiện có của họ (Prawat & Floden, 1994). Chính những lý do này cho phép khẳng định, về mặt tâm lý học dạy học, dạy học theo phương pháp nghiên cứu khoa học là phù hợp hơn cả đối với người học trưởng thành.

Gắn đào tạo với việc giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn. Bằng việc phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong từng môn khoa học, từng lĩnh vực tri thức, quá trình học tập, đào tạo được gắn một cách hữu cơ vào cuộc sống xã hội, vào đời sống khoa học. Nói một cách khác, bằng cách này nguyên lý “học đi đối với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn” được thực hiện triệt để hơn cả. Đồng thời, người học thấy được giá trị thực tiễn của các tri thức, kỹ năng, kỹ xảo học được, điều này tạo ra động cơ tích cực cho việc học.

Bảo đảm xu hướng dân chủ hóa nhà trường. Đây là xu thế chung của giáo dục thế giới hiện đại. Với việc đưa phương pháp nghiên cứu khoa học vào dạy học, người học sẽ có cơ hội nhìn vấn đề từ nhiều góc độ, nhiều quan điểm nghiên cứu, tránh bị áp đặt một hướng nhìn duy nhất, và có cơ hội đưa ra giải pháp mang tính sáng tạo và dấu ấn cá nhân. Đây là tiền đề quan trọng cho việc dân chủ hóa nhà trường và giáo dục.

Phù hợp với đặc điểm người dạy đại học. Người dạy đại học là giảng viên-nhà nghiên cứu. Dạy học theo phương pháp nghiên cứu khoa học sẽ là “tự nhiên” đối với họ, hoạt động dạy học và nghiên cứu khoa học được hòa quyện với nhau theo cùng một logic. Những kinh nghiệm nghiên cứu khoa học được áp dụng tối đa cho đào tạo và điều này bảo đảm một sự thành công gần như chắc chắn đối với hầu hết mọi nhà giáo. Nhà khoa học và nhà giáo thống nhất với nhau trong người giảng viên đại học.

Phù hợp với điều kiện không gian và thời gian của việc đào tạo trong xã hội hiện đại. Mạng thông tin toàn cầu được khai thác tối đa bởi học viên để phục vụ việc tìm kiếm và giải quyết các vấn đề bởi lẽ người học phải tự đặt ra và giải quyết các vấn đề mà không thể trông chờ ở sự cung cấp của giảng viên. Dạy học theo phương pháp nghiên cứu khoa học cũng cho phép sử dụng tối ưu quỹ thời gian của người học.

3. Những yêu cầu của dạy học theo phương pháp nghiên cứu khoa học

 

Dạy học theo phương pháp này đòi hỏi trước hết người giảng viên phải luôn mang tư tưởng của nhà nghiên cứu khoa học, biết cách tổ chức và kết hợp các hoạt động tập thể và cá nhân, có cách tư duy và hành động linh hoạt đầy sáng tạo; hiểu được lý thuyết đa thông minh áp dụng trong dạy học; biết cách tìm tòi và giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn nảy sinh, có lòng vị tha nhân hậu, không cố chấp và am hiểu thực tiễn; không áp đặt bắt buộc người học và tìm cách thắp sáng ngọn đèn trí tuệ trong mỗi cái đầu thay vì đổ đầy nhiên liệu.

Thứ hai, nội dung dạy học luôn được giảng viên thiết kế theo các vấn đề hoặc câu hỏi có tầm lý luận và thực tiễn cụ thể của môn học hay của lĩnh vực ứng dụng, luôn đặt ra yêu cầu cao, không chấp nhận tầm thường dễ dãi để kích hoạt tư duy người học.

Thứ ba, các phương tiện phục vụ dạy học – học tập phải đa dạng và đầy đủ theo nhu cầu nội dung của hướng nghiên cứu. Những người làm công tác quản lý các phương tiện phục vụ có am hiểu, có khả năng và tầm nhìn nhất định.  Hay khác đi, phải có sự “đồng bộ hóa” trong đào tạo.

Thứ tư, phương pháp kiểm tra, đánh giá nên thay đổi, tập trung vào cách đánh giá năng lực tự học, tự nghiên cứu, khả năng sáng tạo của từng người học cụ thể chứ không phải cách đánh giá theo cách “bó đũa chọn cột cờ” làm nhụt chí người học. Muốn vậy, giảng viên luôn cung cấp cho sinh viên khả năng tự học, tự kiểm tra, tự đánh giá một cách chặt chẽ nhưng khách quan, công bằng, trung thực; nhà trường chấp nhận và sử dụng sáng tạo của sinh viên hướng vào các hoạt động vì cộng đồng xã hội, yêu cầu cao để tạo cho họ cơ hội cống hiến.

Thứ năm, cần thay đổi cách thức quản lý trong đào tạo. Việc quản lý đào tạo nói chung và quản lý quá trình dạy học nói riêng quan tâm đến đặc thù của công tác nghiên cứu khoa học chứ không nên chỉ là quản lý dạy học thuần túy. Công tác quản lý tạo tâm thế để người dạy và người học phát huy khả năng tốt nhất sự sáng tạo cá nhân và tôn trọng sự cống hiến của họ trong mọi lĩnh vực.

Việc tìm kiếm những đường hướng và phương pháp dạy học cho phép thực hiện hiệu quả nhất mục tiêu giáo dục luôn là vấn đề cấp thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn. Phương pháp giáo dục đang được sử dụng phổ biến trong đào tạo đại học ở nước ta đã bộc lộ những khiếm khuyết lớn - tạo ra tính ỳ, sự thụ động, kinh viện, thiếu sáng tạo ở người học. Dạy học theo phương pháp nghiên cứu khoa học tỏ ra thích hợp hơn cả trong việc thực hiện mục tiêu tạo ra những con người “tự sản sinh ra năng lực và phẩm chất của chính mình” (mượn cách nói của C. Marx), đáp ứng những đòi hỏi khắt khe nhất của thực tiễn xã hội hiện đại. Và sẽ là thích hợp hơn nếu coi đây là một hướng dạy học, dung hợp trong nó nhiều phương pháp và kỹ thuật dạy học khác nhau, hơn là một phương pháp dạy học cụ thể. Điều này sẽ cho phép một sự áp dụng mềm dẻo hơn trong việc tổ chức dạy học với những tiềm năng về phương pháp dạy học khác nhau ở các giảng viên. 

Bài viết mới