Nghiên cứu khoa học được đánh giá là một phương pháp hiệu quả để sinh viên mở rộng vốn kiến thức cũng như vốn kỹ năng mềm của bản thân; là cơ hội để sinh viên áp dụng những kiến thức lý thuyết đã học vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn. Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như viết tiểu luận, báo cáo thực tập, làm khóa luận tốt nghiệp, hay thực hiện những nghiên cứu khoa học ở cấp khoa, trường… Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên được thực hiện nhằm ba mục đích đó là: Góp phần nâng cao chất lượng đào tạo; Tiếp cận và vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học; Giải quyết một số vấn đề khoa học và thực tiễn.
Khi tiến hành thực hiện nghiên cứu khoa học, sinh viên sẽ có điều kiện để tiếp cận với các đề tài ở quy mô nhỏ, cùng với sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên sẽ bắt đầu định hình được cách thức, quy trình để thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học chất lượng, hiệu quả. Không chỉ vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học còn góp phần phát huy tính năng động, sáng tạo; khả năng tư duy độc lập, tự học hỏi của sinh viên.
PGS. TS Phan Mậu Cảnh- Hiệu trưởng trao giải cho các em sinh viên đạt giải Nhất Hội nghị sinh viên nghiên cứu Khoa học năm 2017
Tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, từ năm 2012, khi phòng Quản lý Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ được thành lập, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên ngày càng có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học đã trở thành một hoạt động định kỳ được nhà trường tổ chức một năm một lần cho sinh viên các ngành học, các lĩnh vực nghiên cứu đào tạo của Trường, tạo diễn đàn để sinh viên trình bày kết quả nghiên cứu khoa học của mình. Hội nghị cũng là dịp để các thầy cô giáo, các bạn sinh viên có thể gặp gỡ, thảo luận các kết quả nghiên cứu khoa học, định hướng nghiên cứu các đề tài tham gia ở cấp cao hơn. Điểm qua những kết quả mà nhà trường thu được từ những lần tổ chức Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học, có thể nhận thấy sự trưởng thành của sinh viên nhà trường trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Về số lượng: Các báo cáo tham dự Hội nghị không ngừng tăng lên theo từng năm, từ 9 báo cáo (năm 2012), 11 báo cáo (2013) đến 28 báo cáo (năm 2017). Những năm đầu, sinh viên tham gia Hội nghị chủ yếu là các bạn năm cuối viết khóa luận tốt nghiệp, sau đó, nhiều bạn sinh viên đang học năm thứ nhất, năm thứ hai đã tham gia nghiên cứu và đạt giải cao. Nội dung nghiên cứu của các đề tài đã thể hiện tính mới, tính khoa học và mang tính thực tiễn cao đáp ứng tốt nhu cầu học tập và rèn nghề của các em. Các lĩnh vực nghiên cứu được mở rộng: văn hóa xã hội, thư viện, sư phạm, âm nhạc, mỹ thuật, du lịch, múa ..., nhiều vấn đề thực sự mang tính thời sự, thu hút sự quan tâm của giới trẻ, như: thực trạng bạo hành trẻ em, giáo dục giới tính, ảnh hưởng của mạng xã hội đối với sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật nghệ An.... Ấn tượng nhất có thể thấy là các bạn sinh viên tham dự Hội nghị đều có những phần trả lời phản biện rất tốt, cho thấy các em nắm khá chắc vấn đề và tự chủ trong nghiên cứu khoa học.
Đối với mỗi sinh viên, kỹ năng nghiên cứu khoa học không chỉ quan trọng trong quãng thời gian học tập tại giảng đường mà còn theo sát họ trong suốt quãng thời gian làm việc say này. Do đó, việc trau dồi và phát huy những kỹ năng này là yêu cầu được đặt ra hết sức cấp thiết với sinh viên. Tuy nhiên, nhiều bạn sinh viên hiện nay lại chưa nhận thức được tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học, do đó, chưa thực sự có sự hứng thú, say mê, đầu tư đúng mức vào hoạt động này.
Vậy, lợi ích khi sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học là gi?
Thứ nhất, bằng việc tham gia nghiên cứu khoa học, sinh viên dù ít hay nhiều đã trang bị cho mình kiến thức về phân tích, về phương pháp luận những kiến thức không được học ở giảng đường đại học, quá trình đó bạn cũng hiểu hơn những khía cạnh thực tế của ngành nghề đang theo học. Ngoài ra, còn có thể thực hiện những hoài bão đóng góp cho địa phương và đất nước, đóng góp vào kho tàng tri thức nhân loại.
Thứ hai, là học phải đi đôi với hành.Những kiến thức này ít nhiều giúp sinh viên hiểu hơn các môn đang học trên giảng đường. Trong quá trình nghiên cứu tìm tòi, sinh viên không những trang bị cho mình năng lực nghiên cứu mà còn giúp sinh viên phát hiện và lấp đầy những lỗ hổng kiến thức.
Thứ ba, những bài học rút ra được từ hành trình nghiên cứu. Đó là những bài học về khả năng tự lực, cách công tác với người khác, khả năng phân tích, tổng hợp và giải quyết những rắc rối, khó khăn trong quá trình nghiên cứu. Và trên hết là bạn đã vượt qua thử thách của chính bản thân mình và những cám dỗ khác để đi đến đích.
Thứ tư, đó còn là kinh nghiệm vô giá cho bạn sau này khi thực hiện viết báo cáo chuyên đề tốt nghiệp hoặc làm khóa luận tốt nghiệp
Để thu hút sinh viên tham gia tích cực, say mê, thực hiện nghiên cứu khoa học một cách có hiệu quả cần chú trọng thực hiện một số những giải pháp sau đây:
Thứ nhất, cần tạo dựng môi trường nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, có tính cạnh tranh dành cho sinh viên, dưới sự hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa của giảng viên và nhà trường;
Thứ hai, cần khuyến khích, tạo động lực cho sinh viên tham gia tích cực những hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua việc biểu dương thành tích tại các cuộc thi, các cuộc hội thảo nghiên cứu khoa học ở các cấp.
Thứ ba, cần định hướng cho sinh viên lựa chọn những đề tài phù hợp với thực tiễn, trình độ kiến thức và phù hợp với ngành nghề được đào tạo.
Thứ tư, tăng cường các điều kiện phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên bằng cách đầu tư hệ thống thông tin thư viện, phương tiện kỹ thuật hiện đại để hỗ trợ cho sinh viên trong việc tìm kiếm, thu thập tài liệu, thông tin.
Thứ năm, tạo điều kiện để những thành tựu, kết quả nghiên cứu khoa học có chất lượng của sinh viên được áp dụng vào thực tiễn; tạo động lực cho sinh viên tích cực thực hiện những nghiên cứu khoa học vừa mang tính lý luận vừa mang tính ứng dụng thực tiễn.
Bên cạnh đó, về phía mình, sinh viên cần phải nhận thức được vai trò thiết thực của hoạt động nghiên cứu khoa học, từ đó, có ý thức tự giác, nghiêm túc và kiên trì theo đuổi thực hiện thành công những đề tài nghiên cứu mà mình đã lựa chọn. Nghiên cứu khoa học không những củng cố, nâng cao vốn hiểu biết về kiến thứac lý luận, kiến thức xã hội mà còn góp phần rèn luyện những kỹ năng mềm quan trọng dành cho sinh viên như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy độc lập hay kỹ năng thuyết trình… Do vậy, nhà trường và bản thân mỗi sinh viên luôn phải đề cao tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, tích cực thực hiện các biện pháp để không ngừng nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong sinh viên.