Thực trạng công tác đào tạo nhân lực ngành nghệ thuật biểu diễn dân ca ở Trường CĐ VHNT Nghệ An

Là tinh hoa của văn hóa truyền thống, hàng trăm năm qua, dân ca Nghệ Tĩnh đã in đậm dấu ấn trong đời sống tinh thần và thẩm mỹ của người dân xứ Nghệ. Dân ca Nghệ Tĩnh có làn điệu vào sân khấu một cách ngọt ngào, nhuần nhị, có khả năng truyền cảm mạnh mẽ, sâu sắc, thể hiện được các cung bậc tình cảm, bộc lộ được nội tâm con người.

Hơn thế nữa, dân ca Nghệ Tĩnh còn có một số làn điệu có thể biểu đạt được tính cách nhân vật, thể hiện được những xung đột, mâu thuẫn trong con người, trong cuộc sống. Ðiều đáng chú ý là, trong dân ca Nghệ Tĩnh có những làn điệu có thể dùng để đối đáp.

Bước sang thế kỷ 21, dân ca Nghệ Tĩnh đã chuyển hóa dần thành hình thức sân khấu kịch hát. Thực tiễn đã chứng minh rằng, sân khấu chính là phương thức, phương tiện để cho dân ca tồn tại và phát triển. Nhờ có hình thức sân khấu mà dân ca mới có điều kiện phát huy và trở lại phục vụ quần chúng. Tuy nhiên hiện nay, vấn đề đào tạo đội ngũ tài năng, diễn viên mới cho kịch hát dân ca lại đang gặp nhiều khó khăn.

1. Về chương trình đào tạo, giáo trình, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo

Hiện nhà trường có chương trình đào tạo ngành Trung cấp nghệ thuật biểu diễn dân ca bài bản, được rà soát, điều chỉnh hàng năm. Giáo trình, cơ sở vật chất tương đối đầy đủ. Đội ngũ giảng viên trẻ, có trình độ cao, đặc biệt, nhà trường có đội ngũ giáo viên thỉnh giảng là các nghệ sĩ kỳ cựu của Trung tâm nghệ thuật truyền thống và các đoàn nghệ thuật.

2. Về công tác tuyển sinh và đào tạo

Trong quá trình hội nhập quốc tế, sức ép của cơ chế thị trường và sự bùng nổ các loại hình nghệ thuật giải trí trên không gian mạng đã gây áp lực không nhỏ cho nghệ thuật sân khấu truyền thống. Người học không còn mặn mà với các bộ môn nghệ thuật truyền thống, họ theo đuổi các loại hình nghệ thuật giải trí hiện đại. Bằng chứng là ở trường CĐ VHNT Nghệ An mấy năm gần đây, số lượng thí sinh thi vào ngành Thanh nhạc, biểu diễn nhạc cụ phương Tây tăng mạnh, luôn vượt chỉ tiêu. Trong khi đó, các ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống và ngành nghệ thuật biểu diễn dân ca là những ngành khó tuyển sinh. Nhiều năm trở lại đây, nhà trường và giảng viên phải tìm mọi hình thức để tuyển sinh, như: Phối hợp với các địa phương; đến tận các huyện, câu lạc bộ dân ca, trường học; tới các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên... để mong sao tìm được thí sinh. Nhưng tìm, tuyển chọn, thuyết phục được thí sinh rồi, khi đưa về trường, nhiều thí sinh vẫn rút hồ sơ; phần nhiều do sự ngăn cản của gia đình, họ nói rằng thấy các nghệ sĩ nổi tiếng như thế mà bao nhiêu năm vẫn phải đi thuê nhà ở, lương rồi thù lao biểu diễn không đủ nuôi con ăn học... Thứ hai nữa, các cháu phải học phổ thông, đi lại học một lúc hai trường rất vất vả; thứ ba là trình độ trung cấp ra trường, nếu có biên chế, đồng lương nhận được chỉ hơn 3 triệu, không thể đủ sống. Các cháu phải học tiếp trình độ cao hơn.

Vì thế, hàng năm trường chỉ tuyển được trung bình 10 em, có năm ít hơn nhiều. Trong quá trình đào tạo, trường luôn phải vận động các em, khuyến khích các em bằng chế độ học bổng, miễn học phí 100%, ngoài ra còn có chế độ hỗ trợ ngành nghề đặc thù hàng tháng nên vẫn duy trì mỗi khóa có sinh viên theo học. Dù vậy, rất nhiều em không thể học vì các em vừa học phổ thông ở huyện, thành phố, học đại học, hoặc đi làm, vừa theo đuổi ngành học. Các em chỉ coi học dân ca như việc học bổ trợ, có đam mê nhưng không có thời gian để theo đuổi đến cùng. Vì không tuyển sinh được nên trường phải chấp nhận có thời điểm phải đào tạo đại trà cho các đối tượng người học đang học thanh nhạc. Và như vậy, các em ra trường có thể hát được dân ca nhưng để trở thành nghệ sĩ kịch hát chuyên nghiệp thì không thể. Tất cả đối tượng này đều học dân ca vào thời gian phụ, không xem là học chính. Vì thế thời gian cho luyện tập không nhiều. Trong khi đó, để trở thành người nghệ sỹ thực sự, không thể tự nhiên có được mà phải được tôi luyện qua quá trình đào tạo, sự khổ luyện và kinh nghiệm tích lũy qua sự truyền dạy.

Bên cạnh đối tượng đại trà, có những bạn học sinh có tài năng thật sự về dân ca như các em Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trịnh Thị Thuỳ Linh, các em đã học xong lớp trung cấp dân ca và Cao đẳng Thanh nhạc của nhà trường nhưng các em đã không xin được việc làm ở Nghệ An, các em đã ra Hà Nội học cao hơn ở Học viện Âm nhạc quốc gia và chắc chắn, các em tài năng này khó trở về quê hương để cống hiến khi các em đã đạt giải cao tại các cuộc thi âm nhạc lớn.

3. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề khó tuyển thí sinh cũng như tìm được tài năng trẻ của kịch hát dân ca Ví Giặm là gì?

Có nhiều bất cập. Theo chúng tôi tìm hiểu, thứ nhất là sự ngăn cản của gia đình. Nguyên nhân thứ hai là đầu ra, các em sau khi học về địa phương tìm được công việc rất khó, do chỉ tiêu biên chế không có; mặt khác, các đơn vị nghệ thuật địa phương đã triển khai sáp nhập, các đoàn nghệ thuật truyền thống co hẹp lại.

Một thực trạng nữa là do trong quá trình tuyển sinh, vì tuyển sinh quá khó nên nhà trường không thể từ chối những thí sinh không thực sự có năng khiếu, dẫn đến việc sau khi học, các em không thể hoạt động nghề nghiệp một cách chuyên nghiệp. Qua đó để thấy, việc đào tạo tài năng kịch hát dân tộc rất bài bản, chuyên sâu, đầu tư tốn kém, chắt lọc tinh hoa, bởi nếu đào tạo đại trà sẽ khó có tài năng cho các loại hình nghệ thuật đặc thù này.

Có thể thấy rõ thực trạng tuyển được mà không đào tạo được hoặc tốt nghiệp mà không có việc làm... cũng chính là một trong những nguyên nhân khó khăn cho công tác tuyển sinh ngành học này hiện nay. Vì thế, chắc chắn chúng ta sẽ thiếu vắng những vở diễn hay vì thiếu tài năng nổi trội.

Như vậy, giải pháp quan trọng nhất vẫn là đầu ra. Làm thế nào để xin được biên chế cho các diễn viên trẻ. Đội ngũ kế cận tài năng, xinh đẹp, hát hay nếu không được biên chế cũng đành ngậm ngùi ra đi, dù có tâm huyết đến mấy nhưng cuộc sống cũng không thể thờ ơ với cơm, áo, gạo, tiền. Các nhà hát truyền thống hiện nay cũng phải đổi mới hình thức quảng bá và thể hiện tác phẩm để tăng thu nhập cho diễn viên. Nếu không có phương án hữu hiệu, nghệ thuật biểu diễn kịch hát dân ca Ví Giặm sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực và như vậy cũng cản trở lớn tới việc định hướng bảo tồn và phát triển như mong đợi của chúng ta.

Hơn 55 năm qua, trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An đã bền bỉ đào tạo ngành kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Nhiều học sinh, sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp đã và đang có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển sân khấu kịch hát dân ca Ví giặm của nước nhà. Thời gian qua, các chủ trương, chính sách thu hút nguồn nhân tài, đào tạo cho những loại hình nghệ thuật truyền thống trên cả nước và tỉnh ta rất lớn. Nhưng nếu giữ mãi cơ chế cào bằng ngành học này như ngành học khác thì sẽ rất khó để xác định kịch hát dân ca Ví giặm sẽ phát huy, phát triển ở mức độ nào. Nên đòi hỏi, mức độ đầu tư của tỉnh nhà phải cao hơn mới có thể đáp ứng nhu cầu hiện nay. Tôi có một ví dụ cụ thể, ở Singapore có Nhạc viện kịch hát Trung Hoa, ngôi trường tập trung các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu hàng đầu về nghệ thuật truyền thống. Trường có chức năng nghiên cứu, đào tạo và nhà hát biểu diễn. Các buổi diễn chiêu đãi nguyên thủ quốc gia, giao lưu quốc tế hoặc những sự kiện lớn của đất nước Singapore được các nghệ sĩ tên tuổi của trường biểu diễn. Họ được chính phủ đầu tư trọng tâm, trọng điểm, thế nên những nghệ sĩ, giảng viên hay nhà nghiên cứu công tác tại đây có tên tuổi hàng đầu trong nghệ thuật. Vì được đầu tư trọng tâm, trọng điểm nên việc tuyển chọn nhân lực làm việc ở đây được đánh giá là tinh hoa và tinh túy nhất, với mức thu nhập rất cao để yên tâm sáng tạo và cống hiến. Tất nhiên bên cạnh một đơn vị nổi tiếng như vậy thì Singapore vẫn khuyến khích các nhóm, tổ chức, cá nhân tự thành lập, nhưng họ sẽ tìm kiếm cơ hội biểu diễn trong những sân khấu nhỏ, làm dịch vụ du lịch... để kiếm sống cũng như lan tỏa giá trị của nghệ thuật truyền thống.

Chúng ta cũng đang thực hiện theo mô hình đó nhưng do nguồn lực còn hạn chế và xu hướng thẩm mỹ của xã hội hiện đại nên khó có thể triển khai trong một vài năm. Nhà trường rất mong muốn UBND tỉnh tiếp tục đầu tư cho nhà trường cao hơn nữa để ngành học này và các ngành học khác sớm được nâng cấp lên cao đẳng, đại học để các em học sinh, sinh viên có thể yên tâm học mà không phải đến các thành phố lớn để học. Nếu đầu tư được như vậy, tỉnh ta sẽ không bị lãng phí nguồn nhân lực đã được đào tạo tại địa phương. Thứ hai, các đoàn nghệ thuật cần có cơ chế tuyển dụng diễn viên trẻ và phải tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho sinh viên khi ra trường có thể hoạt động để cống hiến tài năng và tồn tại với nghề này.

- Về phía phụ huynh và người học: Các em học sinh tuyệt đối tuân thủ các quy định của Nhà trường, giáo viên trực tiếp giảng dạy. Sau khi học xong, người học trở về công tác tại đơn vị nghệ thuật tại địa phương. Gia đình có con, em trúng tuyển khóa đào tạo phải cam kết bằng văn bản việc phối hợp với các cơ quan chức năng giáo dục các em trong quá trình học tập; cam kết sau khi hoàn thành khóa học đưa các em về công tác tại đơn vị nghệ thuật ở địa phương. Trường hợp các em không trở về công tác tại địa phương hoặc bỏ việc để theo ngành nghề khác, gia đình chịu trách nhiệm hoàn trả lại nhà nước toàn bộ kinh phí trong suốt quá trình đào tạo.

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an