Một là, lựa chọn kỹ năng tương tác phù hợp với tình huống sư phạm
Kỹ năng tương tác của giảng viên với học viên có được là do quá trình nghiên cứu, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm lâu dài. Cần lựa chọn việc sử dụng kỹ năng tương tác với học viên tương thích với những tình huống sư phạm cụ thể. Không có kỹ năng nào là bất định, có thể áp dụng cho mọi lúc, mọi nơi. Muốn sử dụng tốt, phát huy tính ưu việt của kỹ năng tương tác với học viên, giảng viên cần sự thử nghiệm, đúc rút kinh nghiệm về nhiều mặt. Giảng viên cần nâng cao năng lực dự đoán những khả năng, tình huống sư phạm có thể xảy ra và dự kiến việc xử lý, áp dụng kỹ năng sư phạm để giải quyết sự việc. Đối với những tình huống liên quan đến nội dung, những câu hỏi khó khi học viên thảo luận đặt ra không hoàn toàn trong bài học, môn học, giảng viên khi đó phải có cách trả lời thích hợp.
Hai là, khuyến khích người học mạnh dạn tham gia trao đổi, tranh luận
- tác giữa người dạy và người học muốn thành công, đạt hiệu quả không thể chỉ do đơn phương từ phía giảng viên. Học viên là bộ phận cấu thành không thể thiếu trong tương tác giữa giảng viên với học viên. Vì vậy, việc động viên, khuyến khích và tổ chức để học viên mạnh dạn tham gia trao đổi, tranh luận là cần thiết.
Nhìn chung, người học có tâm lý e ngại; kỹ năng trình bày, diễn đạt hạn chế đôi khi cũng là rào cản đáng kể khi thực hiện tương tác, bày tỏ, trao đổi ý kiến của mình. Khi thực hiện phương pháp tương tác với học viên, giảng viên cần thể hiện phong cách, cử chỉ nhẹ nhàng, gần gũi; cách đặt vấn đề đơn giản, dùng những từ ngữ dễ hiểu, không cầu kỳ, kinh viện, cố gắng tạo ra sự lôi cuốn; khích lệ người học mạnh dạn phát biểu. Có thể sử dụng phương pháp nêu giả thiết vô lý, trái ngược để học viên tham gia, bình luận, kiến giải. Nên tìm hiểu, lựa chọn những học sinh, sinh viên nổi trội, khuyến khích học viên phát biểu mở đầu để thúc đẩy sự sôi nổi trong thảo luận.
Ba là, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm của giảng viên
Rèn luyện kỹ năng tương tác trong giảng dạy luôn gắn liền với việc tích lũy, rèn luyện về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành. Chỉ khi nào người giảng viên am hiểu sâu sắc, nắm vững kiến thức chuyên môn mới có thể áp dụng hiệu quả kỹ năng tương tác. Trong tình hình hiện nay, yêu cầu về kiến thức đa ngành, đa lĩnh vực ở mức độ cần thiết cũng là yếu tố không thể thiếu khi áp dụng kỹ năng tương tác với người học. Người giảng viên không chỉ cần có tri thức về tâm lý học viên, mà rất cần có hiểu biết về tâm lý lãnh đạo, có khả năng dự báo, đoán định những tác động nhiều phía, nhiều mặt vào quá trình học tập, đào tạo.