Khi nhắc đến ngữ pháp tiếng Anh, chắc hẳn không ít sinh viên đều cảm thấy “ngán ngẩm” bởi các động từ bất quy tắc hay cấu trúc phức tạp. Điều này có thể xuất phát từ việc các em chưa thực sự tìm ra phương pháp học tập phù hợp hoặc do giáo viên chưa biết cách mang đến những trải nghiệm học tiếng Anh thú vị cho học sinh. Dưới đây sẽ là kinh nghiệm dạy ngữ pháp tiếng Anh thông qua đề tài khoa học Improving the first year students’ grammar through focus- on- form instruction at Nghe An college of culture and arts của Th.S Đinh Thị Hương, gv khoa Lý luận đại cương sẽ giúp giáo viên phá vỡ sự nhàm chán trong các tiết học ngữ pháp và mang lại sự gần gũi, dễ hiểu hơn cho học sinh.
- Phá vỡ sự tiêu cực
Là một giáo viên tiếng Anh và nhận thấy lớp học của mình có một lượng lớn học sinh rất ghét việc học ngữ pháp, thay vì cứ cố thúc ép những người học trẻ tuổi này, bạn hãy dành thời gian giúp họ hiểu vì sao ngữ pháp tiếng Anh lại đóng vai trò quan trọng, nếu không có ngữ pháp người học sẽ khó mà phát triển kỹ năng nói hay luyện viết tiếng Anh, thậm chí là không thể đọc hiểu các văn bản đơn giản hoặc chỉ là nghe một đoạn hội thoại ngắn của người bản xứ.
Để chứng minh điều này, giáo viên hãy cho sinh viên của mình nghe một đoạn ghi âm hoặc một video về một người đang sử dụng tiếng Anh với những từ vựng rất chuẩn xác nhưng các điểm ngữ pháp lại rất khó hiểu và hỏi học sinh vấn đề gì đang diễn ra. Ngoài ra, bạn có thể cung cấp cho học sinh những mẫu tin nhắn văn bản mà không có bất kỳ cấu trúc ngữ pháp nào và yêu cầu các em hiểu nghĩa. Bằng cách này, người học sẽ hiểu được vấn đề một cách nhanh chóng.
Đôi khi, sự chán nản các tiết học ngữ pháp của học sinh còn xuất từ việc: có quá nhiều thì động từ trong tiếng Anh. Và để tránh điều này, bạn hãy tập trung vào các động từ. Ví dụ: thay vì hôm đó phải giảng dạy thì tiếng Anh cho các em, bạn có thể chuyển qua dạy các dạng động từ thêm -ing như: “Today we’re going to look at language for telling stories”. Hãy khéo léo lồng ghép các thì tiếng Anh khi giảng về động từ cho học sinh.
- Sử dụng văn bản
Thay vì ghi chép những cấu trúc tiếng Anh lên bảng và cho các em làm bài tập vận dụng những cấu trúc ấy một cách máy móc. Giáo viên nên cung cấp cho học sinh một văn bản đọc hoặc một bài nghe, một video thực tế hay đơn giản hơn là một bài hát và yêu cầu các em xem xét các điểm ngữ pháp trong những văn bản đó. Bằng cách này, học sinh không chỉ tìm ra được cấu trúc ngữ pháp mà còn hiểu được cách vận dụng vào những tình huống thực tế, từ đó việc ghi nhớ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Để việc học trở nên thú vị, giáo viên hãy chọn những văn bản có chủ đề mà các em yêu thích, đây là chìa khóa dẫn đến thành công trong việc học tiếng Anh.
- Đưa ra quy tắc đúng đắn
Nếu bạn muốn hướng dẫn học sinh một cấu trúc ngữ pháp phức tạp, bạn hãy tham khảo thêm vài quyển giáo trình để làm rõ cấu trúc ấy hơn. Đừng vội tin tưởng vào những quy tắc mà bạn tìm thấy trên internet vì chúng không hoàn toàn chính xác.
Với sự phát triển công nghệ như hiện nay, không khó để người học tham khảo trước các bài học tiếng Anh trên các trang mạng, nhưng đâu đó các học viên này vẫn cần sự hướng dẫn của một người thầy. Vì thế, việc tham khảo nhiều quyển giáo trình chuyên sâu khác nhau không có nghĩa là trình độ tiếng Anh của bạn có vấn đề, chỉ là đôi khi bạn cần học hỏi nhiều hơn để có cái nhìn rộng và biết cách khái quát các quy tắc ngữ pháp rõ ràng hơn, tránh trường hợp bỏ lỡ những cấu trúc hữu dụng mà có khi học sinh của bạn đang trông chờ được học.
- Thu hút học sinh
Giảng về ngữ pháp - thật không có gì nhàm chán hơn việc này. Đừng thao thao bất tuyệt các điểm ngữ pháp bạn vừa viết trên bảng và mong rằng những học sinh của bạn sẽ hiểu chúng qua lời giảng. Hãy thay đổi lối giảng dạy truyền thống này và thay vào đó là liên tục đặt câu hỏi cho cả lớp/cá nhân hoặc yêu cầu các em tự nghiên cứu điểm ngữ pháp mới và những vấn đề liên quan để giảng lại cho các bạn khác hiểu, và hiển nhiên là dưới sự trợ giúp của bạn. Hãy ghi nhớ điều này: nếu chúng ta muốn học một cái gì đó, hãy dạy nó cho người khác!
- Xây dựng văn bản
Hãy đọc một đoạn văn bằng tiếng Anh ở tốc độ tự nhiên, sau đó lặp lại và cho phép học sinh ghi chép. Yêu cầu học sinh thử xây dựng lại văn bản này dựa trên khả năng của mỗi bạn. Sau đó, hướng dẫn học sinh so sánh những gì đã viết với văn bản gốc. Khi so sánh, các em sẽ nhận thấy các yếu tố ngữ pháp mà các em đã dùng đúng hoặc sai. Bằng cách học này, học sinh sẽ biết cách sử dụng ngôn ngữ với ý nghĩa và hình thức chính xác của chúng.
- Luyện tập ngữ pháp
Hãy tìm những cách hấp dẫn để giúp học sinh của bạn thực hành ngữ pháp tiếng Anh như: chơi trò chơi hay xem các video trực tuyến. Giáo viên cũng có thể khuyến khích các em tự luyện tập ở nhà bằng cách truy cập vào website LearnEnglish Teens của Hội đồng Anh với các bài ngữ pháp được trình bày trong một video hoạt hình và được giải thích trong một văn bản kiểu hội thoại khá thú vị.
Những trò chơi sẽ giúp học sinh ghi nhớ các điểm ngữ pháp khác nhau tốt hơn. Ví dụ: một viên xúc xắc và những ô vuông có điểm bắt đầu - kết thúc cũng đủ để bạn tạo nên trò chơi True/False. Cụ thể, khi đến lượt học sinh nào đó, em ấy sẽ nhặt một thẻ có chứa một câu tiếng Anh và phải nói xem nó đúng hay không đúng ngữ pháp (và sửa các câu không chính xác), nếu không học sinh đó phải quay trở lại nơi bắt đầu trước khi được lắc xí ngầu. Những người khác trong nhóm quyết định xem học sinh đó có trả lời đúng hay không và họ có thể kiểm tra đáp án từ giáo viên nếu cần.
Khi chọn trò chơi cho lớp học, giáo viên nên căn cứ vào trình độ hiện tại của lớp để tránh chọn trò chơi có mức độ thử thách không phù hợp. Những nhiệm vụ quá dễ dàng hoặc khó khăn sẽ khiến các em nhanh chán hoặc bỏ cuộc sớm. Đi kèm với những trò chơi, giáo viên cũng nên chuẩn bị những phần thưởng xứng đáng. Giáo viên cũng cần xem xét mức độ từ vựng trong các hoạt động luyện tập này, tốt nhất là nên chọn những điểm ngữ pháp mà các em đã được học.
Lưu ý: Hãy cẩn thận với cách giáo viên xử lý các lỗi trong khi chơi các trò chơi ngữ pháp hoặc thực hiện các hoạt động luyện tập. Cách duy nhất chúng ta có thể học một ngôn ngữ là chơi cùng nó và chấp nhận rủi ro với nó, và vì vậy, việc làm sai là không thể tránh khỏi. Những người học không bao giờ mắc lỗi là những người sợ rủi ro và thường sẽ là những người học chậm hơn. Rõ ràng mục đích cuối cùng là sự chính xác, nhưng lỗi sai là một phần của việc đạt được mục tiêu đó.
- Giáo trình học
Các khóa học thường được liên kết chặt chẽ với một giáo trình, tuy nhiên nếu giáo viên nghe thấy học sinh, sinh viên đang cố gắng sử dụng một cấu trúc câu nhất định nhưng lại gặp phải thất bại nhiều lần, giáo viên nên bắt đầu xem lại giáo trình mà mình đang sử dụng để cân nhắc việc thay đổi một giáo trình khác phù hợp hơn. Giáo trình không cân sức với trình độ, cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến những người học tiếng Anh nhanh chóng bỏ cuộc.
- Tích hợp âm vị học
Khi giáo viên giới thiệu hoặc sửa đổi một điểm ngữ pháp nào đó có liên quan đến khía cạnh phát âm, ví dụ: Làm thế nào để phát âm ‘ed’ khi nó đứng cuối các động từ thường dạng quá khứ, hoặc âm / l / trong I’ll, he’ll, v.v. Nếu bạn không chú ý vào âm vị học sẽ có một mối nguy hiểm là các bạn học sinh sẽ phát âm sai và hình thành những ý tưởng sai lầm về âm vị học, trong khi nó không quá khó để học.
- Lắng nghe nhu cầu của học sinh, sinh viên
Thỉnh thoảng, giáo viên nên thực hiện một cuộc khảo sát để biết các học sinh của mình thích học theo cách nào. Lắng nghe và thay đổi cách giảng dạy để đáp ứng nhu cầu học tập của các em sẽ giúp các em tiếp thu bài học tốt hơn.
Ngoài ra, giáo viên cũng nên trò chuyện với học sinh của mình thường xuyên để khuyến khích các bạn có trách nhiệm với việc học của chính mình, hướng các em đến việc suy ngẫm về những gì đã được học và tự kiểm tra. Giải thích rằng sự phát triển ngôn ngữ không phải lúc nào cũng theo một lộ trình học tập đi lên vì sẽ có lúc người học cảm thấy họ không tiến bộ, nhưng điều quan trọng phải chú ý là bức tranh lớn hơn: trải nghiệm cảm giác tiến bộ dần dần theo thời gian.
Giảng dạy ngữ pháp tiếng Anh với các bạn học sinh bao giờ cũng là một thách thức với các giáo viên, nhưng nếu biết cách chuẩn bị, sẽ tạo ra những trải nghiệm bổ ích và thú vị cho cả người dạy lẫn người học.