Một là, kỹ năng tiếp người học, giới thiệu bài giảng
Tiếp cận người học là công việc giảng viên tiếp xúc trước khi thực hiện bài giảng. Làm thế nào để tạo sự gần gũi, thân thiện với học viên khi lần đầu mới vào lớp? Mỗi giảng viên có cách thức riêng, tùy hoàn cảnh cụ thể để lựa chọn cách tiếp cận, làm quen nhẹ nhàng, có hiệu quả. Giảng viên cần tìm hiểu sơ bộ để biết những nét cơ bản về lớp học mình sẽ giảng bài. Giảng viên cần lưu ý những thông tin cần thiết của đối tượng người học để vận dụng, liên hệ trong bài giảng như là một phần thực tế (những nơi có nhân vật lịch sử, chính trị, những sự kiện nổi bật về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, …).
Khi thực hiện bài giảng, thông thường, giảng viên giới thiệu bài có mấy phần, gồm những nội dung chính gì. Để tạo sự thu hút đối với học viên, có nhiều cách giới thiệu về bài giảng với lớp. Căn cứ chủ đề, nội dung bài giảng và tình hình chính trị - xã hội để có cách giới thiệu cho phù hợp.
Hai là, kỹ năng thuyết trình kết hợp trao đổi, đối thoại với người học
Kỹ năng này được bàn luận nhiều và thực hiện trong phương pháp giảng dạy theo tình huống. Đó là việc giảng viên chủ động nêu câu hỏi, sự việc xảy ra trong thực tế, hoặc vấn đề cần bàn luận, tranh luận về học thuật, mời học viên trao đổi. Trong trường hợp khác, học viên nêu lên sự việc, vấn đề vướng mắc đề nghị giảng viên giải đáp.
Để hoạt động trao đổi, đối thoại (do giảng viên chủ động) thành công, giảng viên cần có sự chuẩn bị chu đáo. Giảng viên nên chọn vấn đề, lựa chọn cách nêu câu hỏi gắn với phần nội dung cụ thể của bài giảng, tạo ra sự hứng thú, chạm vào những băn khoăn, vướng mắc của người học.
Cũng có học viên đặt ra những câu hỏi “hóc búa”. Giảng viên cần vận dụng linh hoạt tri thức, kinh nghiệm để giải thích, hướng dẫn cách xem xét, làm sáng tỏ vấn đề một cách khách quan, toàn diện. Trước thực tế muôn màu muôn vẻ, không phải giảng viên nào cũng nắm chắc, hiểu rõ, có câu trả lời thỏa đáng mọi vấn đề. Vì vậy, giảng viên cũng cần chuẩn bị tâm thế lắng nghe kỹ càng, cầu thị, nếu vấn đề nào đó chưa thật sự chắc chắn, cần để ngỏ, trao đổi với học viên và cả lớp sẽ về nghiên cứu thêm và trao đổi lại vào buổi học sau hoặc bằng văn bản. Tuyệt đối tránh trả lời “cho qua chuyện”, trả lời một cách khiên cưỡng, thiếu thuyết phục; càng không nên trả lời nội dung mà bản thân thấy chưa chắc chắn đúng.
Ba là, kỹ năng tổ chức thảo luận nhóm
Việc thảo luận thường thực hiện theo lịch thảo luận có tính bắt buộc trong lịch học tập và thảo luận nhóm được thực hiện trong các buổi lên lớp giảng dạy. Hai cách tổ chức thảo luận đều đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo để buổi học theo hình thức thảo luận nhóm mang lại sự hứng thú và hiệu quả.
Thảo luận nhóm trong buổi thảo luận chung cả lớp theo chương trình đã ấn định trong lịch học thường theo các câu hỏi đã nêu trong giáo trình. Tuy nhiên, để thảo luận đem lại hiệu quả cao, giúp nhận thức sâu sắc thêm nội dung bài học và khối lượng kiến thức, giảng viên có thể gợi ý, hướng dẫn vấn đề cần tập trung làm sáng tỏ.
Việc chia nhóm thảo luận có thể theo đơn vị tổ của lớp hoặc phân chia nhóm mới. Giảng viên nên xác định các vấn đề thảo luận cho mỗi nhóm chuẩn bị trong khoảng thời gian nhất định. Sau thảo luận nhóm, mỗi nhóm cử đại diện trao đổi, thuyết trình hoặc mời người bất kỳ trong nhóm phát biểu để khắc phục tính ỷ lại trong thời gian chuẩn bị. Giảng viên cần dự kiến các khả năng, tình huống học viên đề đạt câu hỏi mong được giải đáp để có sự chủ động.
Thực hiện thảo luận nhóm trong các buổi lên lớp giảng môn xây dựng Đảng cũng đem lại hiệu quả tốt. Thực hiện phương pháp này, trên cơ sở xác định những nội dung chủ yếu, trọng tâm của bài học mà học viên phải hiểu và nắm chắc, giảng viên xác định, phân chia thành các khối kiến thức để giao cho các nhóm trong lớp thực hành thảo luận. Giảng viên dự kiến những tình huống, diễn biến của quá trình thảo luận để chuẩn bị nội dung hướng dẫn cho phù hợp, đồng thời chuẩn bị nội dung hệ thống hóa bài giảng sau khi kết thúc thảo luận.
Áp dụng phương pháp thảo luận nhóm là sự thay đổi cách thức giảng dạy từ dành tất cả thời gian cho việc thuyết trình sang có kết hợp với trao đổi. Có thể chia thời gian của buổi lên lớp thành ba phần:
Phần thứ nhất, giảng viên nêu những nội dung, vấn đề trọng yếu của bài cần trao đổi, thảo luận và phân chia các nội dung, vấn đề thảo luận theo tổ học tập (hoặc phân chia nhóm thảo luận mới) và hướng dẫn cách thảo luận. Thời gian thực hiện công việc này khoảng 15 đến 20 phút.
Phần thứ hai, các tổ (nhóm) thảo luận. Giảng viên nên chọn vị trí phù hợp để theo dõi, nắm bắt được tình hình thảo luận của lớp (không nhất thiết tham dự với một tổ nhất định). Thời gian thảo luận khoảng 01 giờ 20 phút.
Phần thứ ba, giảng viên dành thời gian còn lại để đại diện các nhóm báo cáo kết quả thảo luận nhóm, các nhóm trao đổi, thậm chí tranh luận; giảng viên hệ thống hóa, tổng hợp nội dung kiến thức của bài học, kết hợp hướng dẫn, giải đáp những nội dung, vấn đề mà trong quá trình trao đổi, thảo luận ở nhóm chưa rõ, chưa thống nhất hoặc có vướng mắc, đề xuất. Cuối phần thứ ba, giảng viên dành khoảng 15 đến 20 phút mời học viên có đề xuất hoặc ý kiến gì thêm hoặc trao đổi, rút kinh nghiệm việc tổ chức hình thức học tập này.
Bốn là, kỹ năng sử dụng phương tiện trình chiếu
Máy chiếu là dụng cụ hỗ trợ rất quan trọng giúp việc giảng bài, thuyết trình thêm sinh động. Nhưng, nếu giảng viên thiết kế quá nhiều slide, nhiều hình ảnh minh họa, hoặc nhiều chữ… có thể phản tác dụng, người học chỉ tập trung vào việc theo dõi các hình ảnh, mà không chú ý nghe, ghi những điều giảng viên đang giảng giải. Giảng viên nên cân nhắc kỹ việc thiết kế slide sao cho đơn giản, ít màu sắc, không gây phân tán sự chú ý của người học.