Sáng 22/4/2025, tại thành phố Vinh, Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An phối hợp với Tiểu ban Lý luận Phê bình VHNT- Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức hội thảo khoa học “Văn học Nghệ thuật Nghệ An 1975 -2025: thành tựu và những vấn đề đặt ra”. PGS -TS Trần Khánh Thành – Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; nhà thơ Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An; PGS, TS Đinh Trí Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An; nhà thơ Phạm Thùy Vinh – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An đồng chủ trì hội thảo.
Dự Hội thảo, về phía Trung ương có Tiến sĩ Đoàn Thanh Nô – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Thiếu tướng, Tiến sĩ Phạm Hồng Thái – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Bùi sĩ Hoa – nguyên TBT Báo vietnamnet.
Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí: Võ Thị Minh Sinh – Ủy vên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Cùng dự có lãnh đạo Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, các nhà quản lý VHNT, các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn học – nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.

Phát biểu đề dẫn, PGS, TS Đinh Trí Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, nhấn mạnh: Nghệ An là một tỉnh lớn ở vùng Bắc Trung Bộ. Đây không chỉ là vùng đất phên dậu của nước Việt trong các cuộc kháng chiến chống xâm lăng mà còn là một vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa, văn học nghệ thuật. Nơi đây, từ thời trung đại, đã có nhiều danh nhân, nhà nho nổi tiếng về văn chương như Phan Thúc Trực, Hồ Sĩ Dương, Phạm Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… Đây cũng là quê hương của anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh; chí sĩ yêu nước, nhà thơ của những “câu thơ dậy sóng” Phan Bội Châu. Thời hiện đại cũng xuất hiện nhiều nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ xuất sắc như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Minh Huệ, Trần Hữu Thung, Nguyễn Minh Châu, Lê Văn Miến, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Tài Tuệ, An Thuyên, Nguyễn Trọng Tạo…
PGS, Đinh Trí Dũng khẳng định: Văn học Nghệ thuật Nghệ An 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (1975-2025) là một giai đoạn quan trọng trong dòng lịch sử. Văn học Nghệ thuật Nghệ An giai đoạn này nằm trong sự vận động, phát triển của VHNT cả nước, nhưng vẫn có dấu ấn riêng của một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, văn học nghệ thuật. Các tác giả của nó là đông đảo những văn nghệ sĩ sinh ra và lớn lên, có những đóng góp trực tiếp cho VHNT Nghệ An. Ngoài ra, các tác giả còn là những văn nghệ sĩ gốc Nghệ An, sinh sống ở những miền quê khác nhưng vẫn gắn bó, có nhiều sáng tác về Nghệ An.
Nửa thế kỷ, từ sau 1975, hoạt động văn học nghệ thuật ở Nghệ An đã có bước phát triển vượt bậc. Đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh – tập hợp trong tổ chức Hội Liên hiệp VHNT, luôn giữ vững sự đoàn kết nội bộ, không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ văn hóa đa dạng của nhân dân. Công tác bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật được duy trì, triển khai hiệu quả. Phong trào văn học, nghệ thuật quần chúng ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác lý luận, phê bình có những khởi sắc.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Hội thảo là dịp để nhìn lại, khẳng định những thành tựu, đóng góp to lớn của văn học, nghệ thuật Nghệ An đối với sự vận động, phát triển của văn học, nghệ thuật cả nước; đồng thời, cũng rút ra những bài học và những hạn chế, khuyết điểm, đề xuất những định hướng để đưa nền văn học, nghệ thuật Nghệ An tiếp tục phát triển trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh mong muốn các văn nghệ sĩ Nghệ An tiếp tục phát huy tính sáng tạo, dấn thân vào thực tế cuộc sống để sáng tác những tác phẩm có giá trị, để lại dấu ấn trong dòng chảy văn học, nghệ thuật nước nhà.
TS Đoàn Thanh Nô – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, đánh giá cao công tác tổ chức của hội thảo; hội thảo là một dịp quan trọng để nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan đóng góp của văn học nghệ thuật Nghệ An với cả nước, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đổi mới, hội nhập. Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam khẳng định: Có thể nói, văn học nghệ thuật Nghệ An không chỉ là tiếng nói phản ánh hiện thực – từ núi rừng miền Tây đến dòng sông Lam, từ những bản làng trầm mặc đến đô thị trẻ năng động – mà còn là lực lượng đồng hành, góp phần xây dựng con người và quê hương Nghệ An phát triển bền vững. Những tác phẩm có giá trị tư tưởng – nghệ thuật đã giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, khẳng định vị thế của đội ngũ văn nghệ sĩ Nghệ An trong nền văn hóa dân tộc.
Ban Tổ chức đã nhận được 43 báo cáo. Căn cứ trên mục tiêu, yêu cầu của Hội thảo, Ban Tổ chức đã chọn lọc và đưa vào Kỷ yếu 32 báo cáo. Có 8 báo cáo được trình bày tại hội thảo và 5 ý kiến của các văn nghệ sĩ phát biểu bổ sung thêm cho các báo cáo.
Tại hội thảo, cử tọa đã được nghe báo cáo của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ đánh giá những thành tựu, hạn chế của văn học nghệ thuật Nghệ An từ 1975 – 2025. Các báo cáo tập trung vào hai nội dung chính:
1) Khảo sát, đánh giá khái quát một số đặc điểm, thành tựu, đóng góp của nửa thế kỷ VHNT Nghệ An từ sau 1975 đối với nền văn học nghệ thuật cả nước, đặc biệt đối với quê hương, với sự nghiệp Đổi mới, với việc xây dựng, phát triển con người, văn hóa Nghệ An như các báo cáo: “Vài phác họa về hình tượng Hồ Chí Minh trong một số tiểu thuyết của các nhà văn xứ Nghệ” của Thiếu tướng, TS, nhà văn Nguyễn Hồng Thái (Hội Nhà văn Việt Nam); “Dấu ấn xứ Nghệ trong thơ người xa quê” của nhà thơ Bùi Sĩ Hoa (Hội Nhà văn Việt Nam); “Văn xuôi Nghệ An 50 năm sau ngày thống nhất đất nước – nhìn từ thế hệ và thành tựu” của nhà LLPB Bùi Việt Thắng (Đại học Quốc gia Hà Nội)…
2) Đi sâu vào đặc điểm phong cách, nét riêng, đóng góp của một số tác giả (chưa thật toàn diện và đầy đủ) đối với nền VHNT Nghệ An. Ngoài các bài viết về văn học, một số tham luận nhìn lại, đánh giá thành công, đóng góp của nhiều ngành nghệ thuật ở Nghệ An trong khoảng 50 năm từ sau 1975 như: Sân khấu, Mỹ thuật, Âm nhạc, Nhiếp ảnh như các báo cáo: “Nhiếp ảnh Nghệ An 50 năm phát triển cùng quê hương, đất nước” của NSNA Trần Duy Ngoãn (Hội LHVHNT Nghệ An); “50 năm Mỹ thuật Nghệ An” của họa sĩ Tạ Tâm (Hội LHVHNT Nghệ An); “Hồn quê xứ Nghệ trong thơ Nghệ An sau 1975” của Th.s Hà Vinh Tâm (Hội LHVHNT Nghệ An); “Sách, công trình, tác phẩm của Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An thức dậy tiềm năng xứ Nghệ” của nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh (Hội VNDG Nghệ An); “50 năm với công trình thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh” của nhạc sĩ Phan Thành (Hội LHVHNT Nghệ An)…
Phát biểu bế mạc, nhà thơ Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, đã nêu bật những đóng góp của hội thảo: 50 năm VHNT Nghệ An sau ngày đất nước thống nhất là một dòng chảy liên tục đã để lại với bao thành công tốt đẹp. Góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xây dựng nhân cách con người, bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng, khẳng định thành tựu của đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo; lực lượng sáng tác VHNT Nghệ An ngày càng hùng hậu, khối lượng tác phẩm đồ sộ và đa dạng, nghệ thuật đổi mới và sáng tạo, xứng đáng là bộ phận quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Chủ tịch Hội VHNT cũng đã chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục như: Chưa có nhiều tác phẩm lớn xứng tầm với xu thế phát triển đi lên của con người Nghệ An trong 50 năm qua; vắng bóng lĩnh vực điện ảnh; chưa khai thác lĩnh vực nghệ thuật về múa; văn học miền núi chưa thực sự được phát huy; đội ngũ sáng tác trẻ còn ít và chưa mạnh, hội viên nhiều tuổi chiếm tỷ lệ cao; tính thời sự còn lấn át tính nghệ thuật…


Nội dung: Hữu Vinh