Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2017, sáng ngày 11 tháng 1 năm 2017, Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học khoa Lý luận đại cương, Trường CĐ VHNT Nghệ An tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học "Sử dụng hoạt động nhóm để cải thiện kỹ năng nói của sinh viên năm thứ nhất Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An" của Th.S Nguyễn Thị Thanh Yên, giảng viên khoa Lý luận đại cương.
Việc học tiếng Anh bao gồm sự phối hợp của nhiều kỹ năng khác nhau: nghe, nói, đọc, viết. Trong đó, kỹ năng nói là kỹ năng khó nhất. Tuy vậy, có một thực tế đáng ngại là kỹ năng nói tiếng Anh của sinh viên nói chung và của sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An nói riêng còn rất nhiều hạn chế.
Hội đồng đã nghe Th.S Nguyễn Thị Thanh Yên, Chủ nhiệm đề tài - trình bày tóm tắt báo cáo kết quả thực hiện đề tài.
Đề tài được triển khai với các nội dung sau:
- Chương 1. Mở đầu
- Chương 2. Tổng quan về vấn đề nghiên cứu:
- Vấn đề sử dụng hoạt động nhóm trong dạy học tiếng Anh nói chung và nói tiếng Anh nói riêng.
- Thực trạng năng lực học tiếng Anh và kỹ năng nói tiếng Anh của sinh viên năm thứ nhất Trường CĐ VHNT Nghệ An
- Chương 3. Triển khai các phương pháp nghiên cứu và kết quả nghiên cứu
- Chương 4. Kết luận và đề nghị
Để nâng cao kỹ năng nói tiếng Anh cho sinh viên năm thứ nhất, sinh viên cần:
- Có động cơ và thái độ học tập tiếng Anh đúng đắn.
- Có chiến lược học tập tiếng Anh (đặc biệt trong kỹ năng nói tiếng Anh): Tích cực xem truyền hình, video, nghe đài, đọc báo tiếng Anh hoặc nói chuyện với người bản ngữ bất cứ khi nào bạn có cơ hội. Sử dụng tiếng Anh ở nhiều nơi chứ không phải chỉ có trong lớp học.
- Khi nói chuyện bằng tiếng Anh nên cố gắng diễn đạt bằng mọi cách có thể được, kể cả dùng điệu bộ, cử chỉ.
- Đừng bao giờ sợ mắc lỗi khi nói và viết tiếng Anh, nên hỏi lại ngay người nói nếu mình chưa hiểu. Tự chữa lỗi trước khi được bạn hoặc thầy giáo chữa.
- Áp dụng từ và cấu trúc ngữ pháp đã học trong nhiều tình huống khác nhau, cố gắng đoán nghĩa của từ, câu bằng cách căn cứ nội dung bài đọc, bài nghe hoặc tình huống giao tiếp không nên quá phụ thuộc vào từ điển. Luyện phát âm chuẩn qua băng, đĩa.
- Học theo nhóm hoặc theo cặp là tốt nhất.
- Điều quan trọng nhất trong tất cả là bản thân mỗi sinh viên phải tự xác định cho mình một động cơ học tập rõ ràng, thái độ học tập tích cực, chiến lược học phù hợp để đạt thành tích cao trong học tập.
Tác giả đề tài cũng đã đề nghị giảng viên Tiếng Anh với yêu cầu cải thiện kỹ năng nói cho sinh viên cần thiết:
- Thiết kế nhiều loại hình hoạt động khác nhau theo mức độ khó tăng dần và phù hợp với từng nhóm sinh viên. Sử dụng nhiều loại giáo cụ trực quan khác nhau trong giờ giảng, tăng sức hấp dẫn cho bài giảng.
- Có chế độ thưởng phạt để sinh viên có căn cứ tự đánh giá mức độ cố gắng và sự tiến bộ của chính mình, tạo quyết tâm học tập cho sinh viên.
- Khuyến khích sinh viên tích cực sử dụng tiếng Anh trong giờ học, tạo sự tự tin trong giao tiếp cho sinh viên.
Các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận, đưa ra các ý kiến nhận xét về ưu điểm của đề tài đó là mang lại kiến thức bổ ích cho giáo viên tiếng Anh trong quá trình dạy tiếng Anh cho sinh viên. Đồng thời khẳng định đề tài đã được thực hiện nghiêm túc, công phu, có tính lý luận và thực tiễn cao, là tài liệu có giá trị tham khảo tốt cho nhà trường cũng như đội ngũ giảng viên giảng dạy Tiếng Anh. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế của đề tài chi như lỗi đánh máy, in ấn chưa đẹp...
Đồng thời, Th.S Nguyễn Thị Thanh Yên đã trả lời, làm sáng tỏ những vấn đề mà Hội đồng yêu cầu, chẳng hạn như câu hỏi của TS. Phạm Thị Thanh Nga về sự giống và khác nhau về sử dụng hoạt động nhóm trong giảng dạy tiếng Anh và việc sử dụng hoạt động nhóm trong các môn học khác đồng thời trân trọng cảm ơn những ý kiến đánh giá khách quan, xác đáng của các thành viên Hội đồng nghiêm thu đã chỉ ra, giúp tác giả tiếp tục bổ sung, điều chỉnh để đề tài khoa học có chất lượng tốt hơn.
Hội đồng bỏ phiếu đánh giá xếp loại đề tài đạt loại xuất sắc. Kết luận phiên nghiệm thu, Th.S Phạm Thị Hòa, Chủ tịch Hội đồng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của giáo trình. Th.S Phạm Thị Hòa yêu cầu tác giả tiếp thu đầy đủ những ý kiến đánh giá, nhận xét của Hội đồng để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đề tài đạt chất lượng cao hơn và sớm đưa vào thực hiện, phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.