Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2017, sáng ngày 11 tháng 1 năm 2017, Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học khoa Lý luận đại cương, Trường CĐ VHNT Nghệ An tổ chức nghiệm thu giáo trình Văn hóa dân gian Việt Nam và Nghệ An của TS. Phạm Thị Thanh Nga, giảng viên khoa Lý luận đại cương.
Hội đồng đã nghe TS. Phạm Thị Thanh Nga, Chủ nhiệm đề tài - trình bày tóm tắt báo cáo kết quả nghiên cứu, biên soạn. Giáo trình được đăng ký biên soạn trong hai năm (2017 - 2018). Năm 2017 - hoàn thành đề cương chi tiết; Năm 2018: hoàn thành giáo trình. Giáo trình bao gồm hai phần Văn hóa dân gian Việt Nam và Văn hóa dân gian Nghệ An. Đây là môn học cơ sở ngành, cung cấp cho sinh viên kiến thức tổng quát về văn hóa dân gian Việt Nam và Nghệ An để từ đó có thể lý giải được các hiện tượng cụ thể trong cuộc sống của người Việt Nam truyền thống cũng như hiện đại. Trước hết, sinh viên sẽ làm quen với hệ thống lý thuyết về văn hóa dân gian, khoa học folklore như: các khái niệm, tính chất, chức năng... Đó sẽ là những công cụ giúp sinh viên có thể nhận diện được những biểu hiện cụ thể của văn hóa dân gian truyền thống và những biến đổi của chúng trong xã hội hiện đại. Sau đó, môn học sẽ cung cấp cho sinh viên những thành tố, phân loại các thành tố như: Nghệ thuật ngôn từ dân gian, nghệ thuật biểu diễn dân gian, mỹ thuật dân gian... với mục đích so sánh những điểm khác biệt cũng như tương đồng giữa văn hóa dân gian với văn hóa bác học; giữa văn hóa dân gian Nghệ An và Việt Nam. Đặc biệt, môn học cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên ngành sâu (như kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc dân gian... mà sinh viên đã có dịp làm quen ở môn Cơ sở văn hóa Việt Nam. Từ đây, sinh viên đã có sơ sở định hướng đề tài khóa luận tốt nghiệp năm thứ ba và phát triển những nghiên cứu sau này. Đồng thời góp phần định hướng cho sự phát triển bền vững của nền văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Nghệ An nói riêng trong bối cảnh mới.
Sau khi học xong, sinh viên nắm được:
+ Nắm được hệ thống lý luận của văn hóa dân gian.
+ Hiểu được những giá trị của văn hóa dân gian Việt Nam và Nghệ An và quá trình vận động của các giá trị đó trong đời sống xã hội.
+ Nhận diện được các loại hình dân gian trong cuộc sống đời thường.
+ Xem xét mối liên hệ giữa các loại hình đó và sự tác động của nó tới cuộc sống xã hội.
Các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận, đưa ra các ý kiến nhận xét về những ưu điểm, những kết quả mà đề cương chi tiết đạt được đồng thời khẳng định đề cương đã được biên soạn nghiêm túc, công phu, có tính lý luận và thực tiễn cao, là tài liệu có giá trị tham khảo tốt cho nhà trường cũng như đội ngũ giảng viên trong nghiên cứu, giảng dạy văn hóa, văn hóa học bản địa. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế của đề cương chi tiết như lỗi đánh máy, in ấn...
TS Phạm Thị Thanh Nga cũng đã trả lời, làm sáng tỏ những vấn đề mà Hội đồng yêu cầu, đồng thời trân trọng cảm ơn những ý kiến đánh giá khách quan, xác đáng của các thành viên Hội đồng nghiêm thu đã chỉ ra, giúp tác giả tiếp tục bổ sung, điều chỉnh để biên soạn giáo trình có chất lượng tốt hơn.
Hội đồng bỏ phiếu đánh giá xếp loại đề tài đạt loại Xuất sắc. Kết luận phiên nghiệm thu, Th.S Phạm Thị Hòa, Chủ tịch Hội đồng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của giáo trình. Th.S Phạm Thị Hòa yêu cầu tác giả tiếp thu đầy đủ những ý kiến đánh giá, nhận xét của Hội đồng để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện giáo trình đạt chất lượng cao hơn và sớm hoàn thiện để nghiệm thu và đưa vào thực hiện, phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.