Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hơn 500 học viên, sinh viên, học sinh Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An cùng với hơn 20 triệu học sinh, sinh viên và gần 2 triệu nhà giáo các cấp học trên cả nước chưa thể hoàn toàn tiếp tục theo phương thức dạy học trực tiếp. Chuyển sang dạy học trực tuyến là lựa chọn thích ứng phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Dạy học trực tuyến có nhiều ưu điểm nhưng cũng đặt ra không ít thách thức mà nhà trường đã và đang nỗ lực khắc phục, vượt qua.
Cũng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An đến nay vẫn chưa thể tổ chức khai giảng năm học 2021-2022. Trong năm học này, hơn 500 học viên, học sinh, sinh viên và giáo viên nhà trường chưa thể hoàn toàn dạy và học theo phương thức dạy học trực tiếp. Năm học qua, nhà trường phải chuyển sang dạy học trực tuyến trong điều kiện bị động về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin. Tình trạng này bị gián đoạn và kéo dài qua bốn đợt bùng phát dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm chương trình, phương pháp, kế hoạch tổ chức dạy và học, hoạt động của trường, lớp ở nhà trường. Hiện nay, khi tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát chặt ở thành phố Vinh, dạy học trực tuyến (online), dạy học phối hợp (blended) trực tuyến với trực tiếp (trực diện) là giải pháp được nhà trường lựa chọn trong thời kỳ COVID-19. Trong đó, với việc dạy học trực tuyến, phương pháp giảng dạy khá hiệu quả mà giáo viên và học sinh, sinh viên đã áp dụng một cách có định hướng để truyền tải kiến thức đến học sinh, sinh viên một cách linh hoạt, giúp cho người học theo được mạch bài giảng đạt được mục tiêu của bài học và môn học... Dạy học trực tuyến đã, đang và sẽ trở thành xu hướng được tăng cường, củng cố và dần trở thành một xu thế tất yếu, nhiệm vụ chính trong các nhiệm vụ triển khai năm học để thích ứng với tình hình mới.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường, sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, hiệu quả của cả hệ thống giáo dục nhà trường, trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An đã có nhiều đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; thay đổi, điều chỉnh các hoạt động dạy học, tổ chức dạy học trực tuyến góp phần phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy-học, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để học sinh, sinh viên được học ở mọi nơi, mọi lúc và bảo đảm công tác phòng, chống dịch, thích ứng với tình hình của dịch COVID-19; đồng thời thực hiện tốt phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” đáp ứng mục tiêu chương trình, kế hoạch công tác của năm học.
Trong gần 2 năm qua, nhằm đảm bảo tiến độ, kế hoạch đào tạo nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, giáo dục nhà trường đang triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ; tiếp cận và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, quản trị, trong hoạt động dạy và học trực tuyến. Trường đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi từ hình thức dạy học truyền thống sang giảng dạy thông qua nền tảng công nghệ số hóa, khuyến khích nhà giáo đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực dạy học trực tuyến. Xây dựng hệ thống dữ diệu để áp dụng trong giảng dạy và đào tạo, kết nối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp trong tỉnh, tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập và tăng cơ hội việc làm, hỗ trợ học bổng học nghề cho sinh viên bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Trong điều kiện không thể tổ chức học tập trung, nhà trường đã linh hoạt tổ chức giảng dạy nội dung lý thuyết của toàn bộ chương trình bằng hình thức trực tuyến bằng phần mề Google Hangouts Meet, khi điều kiện cho phép người học quay lại trường chỉ tổ chức thực hành, thực tập kỹ năng. Đối với các lớp/khóa học chuẩn bị ra trường, nhà trường đã xem xét phương án tổ chức học tập trung tại trường theo mô hình “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo tiến độ, kế hoạch đào tạo nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Việc đào tạo trực tuyến được thực hiện qua các công cụ dạy học trực tuyến Google Hangouts Meet. Đối với một số ngành, nghề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội hoặc những ngành nghề, môn học, mô đun lý thuyết có nội dung phù hợp, các nhà trường có thể cho phép thực hiện việc thi, kiểm tra theo hình thức trực tuyến gián tiếp (không tập trung tại trường) nhưng phải bảo đảm đánh giá được chính xác, khách quan kết quả học tập của người học và chống được gian lận trong quá trình thi, kiểm tra; diễn biến của buổi thi, kiểm tra trực tuyến được ghi hình, ghi âm đầy đủ và lưu trữ theo quy định.
- Một số vấn đề đặt ra với việc dạy học trực tuyến
Trong thời gian đầu, việc triển khai hình thức dạy học trực tuyến, nhà trường còn có sự lúng túng. Cán bộ quản lý, giáo viên chưa được tập huấn hình thức dạy học mới; học sinh, sinh viên chưa được chuẩn bị tâm thế; điều kiện hạ tầng kỹ thuật còn tự phát, chưa đồng bộ… Những điều này tác động không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học.
Nhà trường cũng gặp khó khăn khi triển khai dạy học trực tuyến, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên nhất là khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trên phạm vi rộng. Do số lượng người truy cập đông nên đường truyền đôi lúc không đảm bảo duy trì giờ học được ổn định. Hơn nữa, nhiều gia đình học sinh, sinh viên điều kiện kinh tế khó khăn, không có đủ phương tiện, máy tính để học tập, tiếp cận công nghệ, tiếp thu bài giảng. Hầu hết, sinh viên sử dụng điện thoại cầm tay để học. Việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học ở một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa thực sự được chú trọng. Vẫn còn tình trạng quản lý, tổ chức dạy học theo phương pháp truyền thống, nặng về truyền thụ kiến thức một chiều, chưa chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh, sinh viên và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các tình huống trong thực tiễn. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và kiểm tra, đánh giá còn hạn chế. Hạ tầng và trang thiết bị công nghệ thông tin còn thiếu đồng bộ, về số lượng, chất lượng. Việc triển khai quản lý hồ sơ, sổ điểm điện tử còn hạn chế.
Để khắc phục hạn chế này, nhà trường đã kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cán bộ, giáo viên tổ chức triển khai dạy học trực tuyến và đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên. Từ đó, đã tạo hành lang pháp lý trong việc thay thế dạy học trực tiếp, nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình, kế hoạch giáo dục…Thực hiện linh hoạt việc kiểm tra, đánh giá học sinh, sinh viên theo hình thức trực tuyến bước đầu học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội ủng hộ.
- Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học trong thời gian tới
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, để triển khai nhiệm vụ năm học mới theo tinh thần chỉ đạo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, nhà trường cần đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp tổ chức dạy học, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch COVID-19 và các tình huống bất thường khác. Để nâng cao chất lượng dạy và học trong thời gian tới, nhà trường cần chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông để quán triệt và thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tích cực thực hiện các giải pháp đảm bảo vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa chủ động thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần cho người học; bảo đảm trường học an toàn và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và đào tạo và điều kiện thực tế của người học.
Thứ hai, nhà trường cần tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, khoa phòng xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt và sáng tạo, triển khai hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học tích cực, có chất lượng phù hợp bối cảnh của địa phương.
Tổ chức rà soát, hoàn thiện ban hành các văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến và đào tạo từ xa, phát triển các nguồn học liệu điện tử phong phú, hợp lý, dễ sử dụng. Bổ sung bài giảng xây dựng kho học liệu điện tử kết nối với các trường nghề đào tạo về nghệ thuật trên cả nước để sẵn sàng đáp ứng nguồn tài liệu tự học cho học sinh, sinh viên trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, cũng như xuất hiện ngày càng nhiều loại dịch mới, khó lường.
Tổ chức xây dựng kế hoạch giáo án dạy học trực tuyến bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học, thiết bị dạy học và học liệu, phương án kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học. Tổ chức xây dựng các video bài giảng để tổ chức dạy học theo chương trình các môn học, hoạt động giáo dục; bảo đảm được phổ biến đến các đối tượng người học. Tăng cường kết hợp dạy học qua phần mềm Google Meet với dạy học trực tiếp tại trường (hình thức học pha trộn- Blended learning).
Xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi; chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện kiểm tra, đánh giá trực tuyến theo quy định, bảo đảm chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực; đánh giá đúng năng lực của học sinh, sinh viên, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Tổ chức tuyển sinh, đào tạo trực tuyến tạo hành lang pháp lý cho nhà trường thực hiện. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo để người học am hiểu thực tế vận hành chuỗi cung ứng; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức kỹ năng cho người lao động để họ thích nghi với công nghệ mới hoặc đối phó với mất nghề, chuyển nghề do tác động dịch bệnh…
Thứ ba, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu của các phương thức dạy học mới, bao gồm ứng dụng công nghệ giáo dục (Edtech) trong lớp học, ứng dụng các phần mềm Edtech (công nghệ giáo dục) trong phương pháp dạy học, kỹ năng, phương pháp dạy học trực tuyến cho giáo viên và ứng dụng công nghệ số trong quản lý giáo dục.
- dựng cẩm nang và tổ chức tập huấn dạy học trực tuyến cho đội ngũ giáo viên. Hướng dẫn về chuẩn tối thiểu cho một bài giảng trực tuyến. Giáo viên tăng cường giao nhiệm vụ cho học sinh, sinh viên tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, xem video, thí nghiệm mô phỏng để tiếp nhận và vận dụng kiến thức trả lời các câu hỏi, bài tập được giao thực hiện ở nhà hoặc qua mạng; tổ chức cho học sinh, sinh viên viết báo cáo, thuyết trình, thảo luận, luyện tập, thực hành, kết quả tự học của mình phù hợp trên môi trường mạng.
Thứ tư, nhà trường cần tiếp tục điều chỉnh, tinh giản nội dung, thay đổi phương thức và cập nhật nội dung giáo dục và đào tạo; phối hợp với các trường đào tạo nghề nghệ thuật nhằm chia sẻ, ứng dụng và xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến; cung cấp cho người học nhiều kỹ năng mới hơn để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; phát triển kho học liệu điện tử, các video hỗ trợ việc chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên để sử dụng hiệu quả trong việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; khai thác, chia sẻ hiệu quả các công cụ hỗ trợ, kho tài liệu, học liệu trực tuyến.
Thứ năm, nhà trường cần theo dõi các văn bản ban hành hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông; ứng dụng các nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy học và học trực tuyến, học liệu số; hỗ trợ học sinh, sinh viên, giáo viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ truy cập internet tốc độ cao an toàn, dễ sử dụng; đề xuất các doanh nghiệp viễn thông xem xét, miễn giảm giá cước truy cập Internet cho học sinh, sinh viên, giáo viên, giá cước sử dụng.
Thứ sáu, huy động các nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà trường, gia đình học sinh, sinh viên, giáo viên gặp khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ để trang bị thiết bị dạy và học tối thiểu phục vụ học tập và giảng dạy trực tuyến, phù hợp phương thức dạy học mới.